Chúng ta thường hỏi, trong vô lượng vô biên nhân duyên thì nhân duyên quan trọng nhất là gì? Việc này rất quan trọng.
Chúng ta thường hỏi, trong vô lượng vô biên nhân duyên thì nhân duyên quan trọng nhất là gì? Việc này rất quan trọng. Ví dụ như Phật ở trong kinh thường nói với chúng ta mười pháp giới, mười pháp giới thì mỗi một pháp giới đều có vô lượng nhân duyên thành tựu.
Trong vô lượng nhân duyên, nhân duyên nào là quan trọng nhất? Trong lúc giảng kinh thuyết pháp Phật thường dùng phương thức này. Ví dụ nói mười pháp giới, trong mười pháp giới thì nhân duyên quan trọng nhất của pháp giới Phật chính là tâm bình đẳng, bình đẳng là Phật. Trong vô lượng nhân duyên thành tựu Phật quả thì đây là nhân thứ nhất. Tâm của chúng ta thường bất bình, bất bình thì rất phiền phức, cho nên nếu bạn chân thật muốn cầu thành Phật đạo, vậy thì phải tu cái gì ở trong hết thảy cảnh duyên? Tu tâm bình đẳng. Tâm bình đẳng là trực tiếp thành Phật.
Nhân thứ nhất của Bồ-tát là Lục Độ; nhân đầu tiên của Bích-chi Phật là Thập Nhị Nhân Duyên; nhân đầu tiên của A-la-hán là Tứ Đế; nhân thứ nhất của cõi Trời là Tứ Vô Lượng Tâm thượng phẩm thập thiện; nhân đầu tiên của cõi người là ngũ giới; nhân đầu tiên của cõi súc sanh là ngu si; nhân đầu tiên của ngạ quỷ là tham ái, tâm tham thì làm ngạ quỷ; nhân đầu tiên của địa ngục là sân hận. Đây là Phật nói nhân đầu tiên với chúng ta.
Ngày nay chúng ta muốn cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ, trong vô lượng nhân duyên của Tây Phương Tịnh Độ thì nhân duyên đầu tiên là gì? Trong kinh này đã nói với chúng ta rất rõ ràng, đó là “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”, đây là nhân đầu tiên trong vô lượng nhân duyên vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Vậy thì bạn phải nhớ “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Hiện tại rất nhiều người niệm Phật niệm cả một đời mà không thể vãng sanh, đây là nguyên nhân gì? Họ đã làm sai cái nhân của nó, đã quên mất việc phát Bồ-đề tâm, chỉ chú trọng ở nhất hướng chuyên niệm, vì vậy họ chỉ có một nửa mà thôi, một nửa còn lại thì họ không có. Họ cũng không biết trong giáo huấn của Phật cùng chư Tổ sư thường nói với chúng ta: có thể vãng sanh hay không quyết định ở chỗ có tín nguyện hay không. Tín nguyện ở đây chính là “Bồ-đề tâm”. Do đây mà biết có thể vãng sanh hay không thì nhân đầu tiên là bạn có phát Bồ-đề tâm hay không.
“Bồ-đề tâm” chính là tín nguyện, tin sâu nguyện thiết. Trong sách Yếu Giải của Ngẫu Ích Đại sư đã nói rất hay, vì vậy mà Ấn Quang Đại sư đối với Yếu Giải đã tán thán bội phần, nói rằng dù cho cổ Phật tái lai làm chú giải cho Kinh A Di Đà thì cũng không thể hay hơn được nữa, tán như vậy là đã tán thán đến cực điểm.
Năm xưa khi tôi mới đến Singapore để hoằng pháp, vào lúc đó Pháp sư Diễn Bồi vẫn còn sống, ông là người bạn cũ của tôi. Trước kia khi tôi chưa xuất gia thường nghe ông giảng kinh, rất quen thuộc với ông, bởi vì tôi nghe kinh tôi đều ngồi ở hàng đầu tiên đối diện với ông, cho nên rất quen thuộc với ông.
Khi tôi đến Singapore, lão Pháp sư cũng rất hiếm có, ông lớn hơn tôi 10 tuổi, ông đến sân bay để đón tôi, khi tôi đi thì ông đến sân bay để tiễn. Vì không có nhiều Pháp sư giảng kinh, cho nên ông rất quý trọng tôi. Có một lần tôi đến đạo tràng của ông để thăm ông, ông mời tôi ăn cơm, ông đã hỏi tôi, Ấn Quang Đại sư xưng tán đối với Yếu Giải của Kinh A Di Đà có phải là hơi quá không? Ông hỏi tôi, tôi trả lời với ông, tôi tự mình tu Tịnh Độ đã nhiều năm như vậy, cũng đã giảng Kinh A Di Đà rất nhiều lần, tôi cảm thấy Ấn Quang Pháp sư nói lời này rất đúng trọng tâm, không nói quá một chút nào, đích thực là rất hiếm có, cũng thật sự là đem nghi hoặc trong nhiều năm của chúng tôi phá trừ. Nghi ngờ điều gì vậy? Kinh Vô Lượng Thọ rõ ràng nói “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, nhưng có rất nhiều người chân thật niệm Phật vãng sanh giống như người thợ vá nồi, nếu bạn hỏi ông thợ vá nồi đó có phát “Bồ-đề tâm” hay không thì “Bồ-đề tâm” là cái gì ông cũng không biết, xưa nay chưa hề nghe nói qua, vậy ông vì sao lại có thể vãng sanh?
Chúng ta ở trong một đời này, tận mắt nhìn thấy, tận tai nghe nói những thoại tướng vãng sanh hiếm có, người thì đứng mà vãng sanh, người thì ngồi mà vãng sanh, biết trước ngày giờ. Thoại tướng hiếm có cũng mười mấy hai mươi người rồi, những người này có thể làm chứng minh cho ta xem.
Nếu đi dò hỏi xem thử thì những người này đa số đều không biết chữ, lại dò hỏi hành nghi của họ thì họ đều là người tốt, con người họ vô cùng lương thiện từ bi, đây là người tốt chân thật trong xã hội này. Nhưng họ không biết chữ, rất nhiều người còn chưa nghe qua kinh điển, người ta dạy họ niệm Phật, họ liền lão thật mà niệm Phật, họ niệm 2-3 năm thì thật sự đã thành công.
Vì vậy chúng ta cảm thấy cái “phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm” này đại khái họ chỉ có nhất hướng chuyên niệm chứ không có phát Bồ-đề tâm. Sau khi đọc xong Kinh A Di Đà Yếu Giải của Ngẫu Ích Đại sư thì mới bỗng nhiên ngộ ra, thì ra tin sâu nguyện thiết chính là vô thượng Bồ-đề tâm. Đây là Ngẫu Ích Đại sư đã nói, trong phần tiểu chú chú giải của Ngẫu Ích Đại sư có câu là “phát tiền nhân chi sở vị phát” (nói điều mà bậc tiền nhân chưa từng nói). “Phát” là phát minh, xưa nay Tổ sư Đại đức không có nói những lời này.
Ngẫu Ích Đại sư đã nói ra rồi, khiến chúng ta hiểu được. Người không biết chữ, bạn vừa khuyên họ, họ liền tin sâu, tin sâu chính là Bồ-đề tâm, tin sâu phát nguyện chính là Bồ-đề tâm. Họ đã phát vô thượng Bồ-đề tâm, nhưng bản thân họ thì không biết. Nếu bạn hỏi họ “Bồ-đề tâm” là gì? Họ không biết, họ không hiểu, nhưng lòng tin của họ đối với Tịnh Tông kiên định không dao động.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 333
Tâm Hướng Phật/St!