Vãng sanh thì phải có tín tâm thanh tịnh, nguyện tâm kiên cố, loại người này khẳng định là vãng sanh. Còn kiểu người một dạ hai lòng thì làm sao có thể vãng sanh?
Hãy xem người niệm Phật trước mắt của chúng ta, tôi nhìn thấy rất nhiều, đúng như người xưa thường nói là mong manh như sương sớm. Hạt sương xuất hiện vào buổi sớm, mặt trời vừa lên một lúc thì biến mất, bị bốc hơi mất. Họ nghe ai đó nói có pháp môn nào đó hay, một phương pháp nào đó hay thì tín tâm lập tức bị dao động.
Hiện nay nghe nói tại Đại Lục có một vị Pháp sư trẻ tuổi, tuổi tác cũng không lớn lắm, đề xướng ngũ hội niệm Phật, nói niệm Phật 10 triệu câu thì có thể chứng được tam thân Phật quả. Niệm 10 triệu câu không khó, một ngày niệm mười vạn câu, mười ngày thì được một triệu câu, không cần tới một năm. Họ đến hỏi tôi, tôi nói các vị hãy thử nghiệm đi xem sao, sau khi niệm được 10 triệu câu, chưa cần tới thời gian một năm, xem bạn có chứng được tam thân Phật hay không, nếu không được thì đó là giả không phải thật, có thể làm thử nghiệm mà.
Từ đây mà biết, bạn nghe được việc này, “Ồ, pháp môn này hay!”, tâm của bạn đã dao động, có thể vãng sanh hay không? Theo tôi thấy thì bạn không thể vãng sanh. Vãng sanh thì phải có tín tâm thanh tịnh, nguyện tâm kiên cố, loại người này khẳng định là vãng sanh. Còn kiểu người một dạ hai lòng thì làm sao có thể vãng sanh? Làm gì có đạo lý này? Người này nói phương pháp này là do Bồ-tát gì đó dạy cho, người kia nói phương pháp nọ do Phật dạy cho tôi, vậy thì cao hơn Bồ-tát rồi, vậy thì bạn phải làm sao? Bạn lại bỏ cái đó để đi học cái này.
Vì vậy rất nhiều người hỏi tôi nên dùng thái độ như thế nào để đối diện với những người này? Tôi liền nói với họ, trước đây chúng tôi đã từng giảng qua Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, trong chương “Thượng phẩm thượng sanh” của Quán Kinh đã nói rất rõ ràng rất thấu triệt. “Thượng phẩm thượng sanh chương”, chúng tôi đã từng giảng riêng qua rồi, cũng có đĩa riêng để lưu hành.
Lời giáo huấn sau cùng của Thế Tôn trước khi diệt độ đã dạy chúng ta những câu quan trọng hơn bất cứ thứ gì, dạy bảo chúng ta “lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy”. Hai câu nói này quan trọng.
Lại dạy chúng ta tứ y pháp. “Y pháp bất y nhân”, pháp là kinh điển, phải y theo kinh điển đã nói chứ không phải một người nào đó truyền nói, việc này thì không thể. “Y nghĩa bất y ngữ”, chúng ta y theo những đạo lý nghĩa lý mà trong kinh điển đã nói, ngôn ngữ không quan trọng, nói nhiều nói ít, nói sâu nói cạn, không liên quan.
Phật nói câu nói này dụng ý vô cùng sâu, bởi vì Phật biết tương lai Phật pháp truyền đi bốn phương tám hướng, đất nước không giống nhau, quần tộc không như nhau, ngôn ngữ cũng khác nhau, chữ viết khác nhau thì nhất định cần phải phiên dịch, vậy thì sẽ gây nên sự hoài nghi, người ta dịch ra so với kinh văn bản gốc thì ý nghĩa có như nhau hay không?
Cho nên câu này của Phật là “y nghĩa bất y ngữ”, chỉ cần ý nghĩa đúng thì ngôn ngữ không quan trọng, văn tự không quan trọng, chỉ cần ý nghĩa phải đúng là được. Vậy thì đã phá trừ sự nghi hoặc của chúng ta rồi. Việc dịch kinh tại Trung Quốc thì có rất nhiều kinh được dịch lại nhiều lần, ví dụ các vị đều biết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật ở Trung Quốc có đến 6 bản dịch, nghĩa là có đến 6 người khác nhau đã phiên dịch lại. Nguyên văn thì chỉ có một quyển, 6 quyển dịch lại này chúng ta đem ra xem, câu văn dịch ra không như nhau, nhưng ý nghĩa thì tương đồng, vậy thì được, tùy ý bạn y theo bản dịch nào cũng được. Bản dịch của Kinh Vô Lượng Thọ thì còn nhiều hơn, trong lịch sử có ghi chép, Kinh Vô Lượng Thọ từ thời triều Hán, từ thời hậu Hán mãi cho đến triều Tống là 800 năm, tổng cộng có 12 lần phiên dịch.
Quyển Kinh Vô Lượng Thọ này, các vị có thể xem thấy trong phần lời tựa của cư sĩ Mai Quang Hi thì những bản dịch này nội dung sai khác rất lớn, nhất định không phải cùng một bản dịch. Nghĩa là quyển kinh gốc tiếng Phạn mà những người phiên dịch này đã dùng không phải là cùng một quyển. Hiện tại mọi người phán đoán ít nhất cũng có đến 3 loại bản tiếng Phạn không như nhau. Đây chính là nói rõ năm xưa Thế Tôn tại thế đã tuyên giảng kinh này nhiều lần, mỗi lần giảng thì mọi người ghi chép lại không như nhau, nhiều lần tuyên giảng thì mới có cái tình trạng như vậy. Điều này rất đặc biệt, Phật thuyết hết thảy kinh xưa nay không có giảng lại một kinh nào, duy chỉ có kinh này thì đã giảng lại ít nhất ba lần. Sự chênh lệch lớn nhất là gì vậy? Chính là số lượng lời nguyện, dù là phiên dịch như thế nào thì cũng không thể có sự khác biệt lớn đến như vậy. Bạn xem bản thì 48 nguyện, bản thì 36 nguyện, có bản thì 24 nguyện, vậy thì sai khác quá lớn rồi, việc này là không thể nào.
Cho nên từ chỗ này mà thấy, đây là tuyên giảng nhiều lần. Ở tại Trung Quốc cũng được phiên dịch nhiều lần, nhưng trong 12 lần dịch này thì hiện tại chỉ còn lại được 5 loại, trong Đại Tạng Kinh chỉ còn có 5 loại, 7 loại còn lại đã thất truyền rồi. Cho nên phải “y nghĩa bất y ngữ” để đoạn trừ đi sự nghi hoặc của chúng ta, chúng ta phải tin tưởng bản phiên dịch của cổ Đại đức nhất định là không sai, phải có cái lòng tin này.
Thứ ba là “y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa”. Thế nào gọi là liễu nghĩa? Ta trong đời này nhất định được lợi ích thì chính là liễu nghĩa, trong đời này ta học tập không đạt được lợi ích thì đối với ta mà nói đó không phải là liễu nghĩa. Vì vậy liễu nghĩa là người người không như nhau nhưng nhất định phải được lợi ích chân thật. Cái lợi ích chân thật này đích thực là có thể giúp đỡ ta siêu vượt lục đạo luân hồi, giúp đỡ ta thật sự thấy được A Di Đà Phật, đây đối với ta là liễu nghĩa.
Câu sau cùng là “y trí bất y thức”, điều này rất quan trọng. Phàm phu chúng ta luôn luôn là dùng tình cảm để làm việc. Ở đây Phật đã đặc biệt dạy bảo chúng ta phải dùng lý trí không nên dùng tình cảm, dùng tình cảm thì bạn nhất định sẽ đi con đường sai lầm.
Những lời này không những Phật thường nói, mà việc dạy học của thế gian, nhà Nho cũng vô cùng coi trọng. Nhà Nho nói “nghĩa và lợi”. Hai sự việc bày ra ở trước mắt chúng ta, chúng ta lấy lợi hay là lấy nghĩa. Lúc này có thể nhìn thấy được sự tu dưỡng của một người, thấy được đức hạnh của một người. Nghĩa và lợi bày ra ở trước mắt, chỉ lấy lợi không lo nghĩa vậy thì sai rồi. “Khổng viết thành nhân, Mạnh viết thủ nghĩa” (Khổng Tử dạy về lòng nhân, Mạnh Tử bàn về đạo nghĩa), con người nhất định phải hiểu được nhân nghĩa đạo đức, không thể xem lợi hại là hàng đầu được. Đem lợi hại ở trước mắt đặt lên hàng đầu, quên đi mất nhân nghĩa thì mất đi điều kiện của nhân đạo (cõi người).
Nói cách khác, đời sau bạn sẽ không được thân người, các vị thử nghĩ xem, thân người còn không thể được thì làm sao có thể thành Phật, làm sao có thể vãng sanh Cực Lạc? Đây là việc mà chúng ta không thể không biết. Cho nên phải y theo lý trí không thể y theo tình cảm được.
“Nghĩa” là gì? “Nghĩa” chính là có nên hay là không nên, cách làm này của ta là nên hay là không nên, không nên thì không thể làm. Phật đã phó chúc, đã dạy bảo chúng ta như vậy, chúng ta nhất định phải biết, phải y theo giáo huấn của Phật. Cho nên mỗi một người nếu thật sự hiểu được tứ y pháp thì sẽ không bị tà sư thuyết pháp làm cho mê hoặc.
Kinh Lăng Nghiêm nói thời kỳ mạt pháp tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng, đặc biệt là vào thời đại hiện nay, thật sự là thiên hạ đại loạn. Chúng ta thường nói đến tôn giáo, tôi nghe báo cáo của người phương Tây, trong thế kỷ này đã có rất nhiều tôn giáo mới xuất hiện, toàn thế giới đại khái có khoảng bao nhiêu vậy?
Hơn 2000 tôn giáo, không phải như Singapore chúng ta nói là 9 đại tôn giáo, mà là 2000 tôn giáo, làm tôi cũng giật mình. Đây đúng thật như Phật đã nói là tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng, chúng ta không thể không cẩn thận, không thể không thận trọng. Cho nên gặp được Phật pháp là việc rất may mắn, là một việc không hề dễ chút nào.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 333
Tâm Hướng Phật/St!