Bạn phải chuyển đổi lại ý niệm này. Người khác đều là đúng, còn tôi thì sai, người khác đã sai cũng là đúng, ta đúng thì cũng là sai.
Tôi thường hay giới thiệu với mọi người nhà khoa học Nhật Bản – Tiến sĩ Giang Bổn Thắng, ông đã nhiều năm nghiên cứu sự kết tinh của nước rất có kết quả. Lần này tôi đặc biệt phải đi thăm ông ấy, tham quan phòng thí nghiệm của ông. Năm nay ông sáu mươi tuổi. Nhìn thấy tôi, ông vô cùng ngưỡng mộ. Ông nói: “Thưa Pháp sư, bình thường Pháp sư bồi dưỡng thân thể như thế nào? Pháp sư ăn thực phẩm bổ dưỡng gì vậy?”. Tôi nói phương pháp tôi bồi dưỡng thân thể chính là những thứ mà ông đã thí nghiệm tìm ra. Ông liền trừng mắt nhìn tôi. Ông đã thí nghiệm tìm ra sự kết tinh của nước tốt nhất không phải là hai từ “yêu thương” và “cảm ân” sao? Ông không hiểu. Mười năm thí nghiệm chữ “yêu thương” và “cảm ân” thì sự kết tinh của nước là đẹp nhất. Tôi nói: “Tôi chẳng có gì khác, tôi chỉ có chữ yêu thương và lòng cảm ân, ngoại trừ những thứ này ra, tôi chẳng có thứ gì cả; cuộc sống của tôi, việc ăn uống vô cùng đơn giản”. “Lòng thương yêu của tôi là khắp pháp giới, lòng cảm ân của tôi là đầy khắp Ta Bà”, tôi nói với ông ấy hai câu này. Tôi nói: “Ông đã thí nghiệm nhưng ông không áp dụng, ông không có thực hiện. Nếu như ông làm thì ông cũng giống như tôi vậy. Ông không chịu làm thì không được”. Tôi dùng mười chữ này để giải thích Bồ Đề tâm cho mọi người dễ hiểu, phải chăm chỉ học tập, phải thực hành, đối với tất cả chúng sanh phải có lòng chân thành.
Lần Hội nghị hòa bình quốc tế này ở Okayama, tôi nói: “Liên Hiệp Quốc đã thành lập hơn nửa thế kỷ rồi, mỗi ngày quý vị đều mở các cuộc họp, mỗi ngày đều nghiên cứu thảo luận về hòa bình, nhưng mà thế giới thì càng ngày càng không có hòa bình, tần số xung đột mỗi năm mỗi tăng cao, thiên tai nhân họa mỗi năm càng nghiêm trọng hơn, cho nên sự việc này không phải là mấy vị chuyên gia, học giả chúng ta ở trên bàn mà có thể thảo luận ra được. Vấn đề này muốn thực hiện được thì phải bắt đầu từ chính bản thân mình”. Những năm gần đây tôi đã tham gia rất nhiều các Hội nghị hòa bình quốc tế, chúng tôi có nhiệm vụ hướng dẫn cho họ. Bắt đầu làm từ chỗ nào? Phải tiêu trừ sự đối lập với tất cả người, tất cả việc, tất cả vật ở trong nội tâm của mình. Nếu như bạn còn đối lập với mọi người, đối lập với việc, đối lập với tất cả, thì bản thân của bạn đã không hòa bình, vậy còn bàn luận hòa bình gì nữa? Người khác đối lập với ta, ta không đối lập với họ, thì sự việc này có thể được hóa giải rồi. Phàm là hai bên cố chấp thì sẽ xảy ra xung đột. Một bên cố chấp, một bên không cố chấp thì xung đột sẽ không xảy ra. Tôi nói đạo lý này với họ.
Một quan niệm sai lầm dễ dàng xảy ra nhất hiện nay là người ở thế gian này đều cho “tôi đúng, họ thì sai”. Tôi nói, quan niệm này chính là tạo ra sự xung đột xã hội, chính là phá hoại nền hòa bình của thế giới. Vậy phải làm sao mới có thể thật sự tiêu trừ xung đột, xúc tiến hòa bình? Bạn phải chuyển đổi lại ý niệm này. Người khác đều là đúng, còn tôi thì sai, người khác đã sai cũng là đúng, ta đúng thì cũng là sai. Tôi đã dạy cho họ, các bạn có thể chuyển cái ý niệm này trở lại thì chúng ta đối với sự ổn định của xã hội, nền hòa bình của thế giới đã thật sự có cống hiến. Nếu như vẫn còn cho rằng người khác đều là sai còn ta đúng, thì chúng ta ở trên bàn hội nghị đã phá hoại hòa bình rồi. Chúng ta muốn giúp cho thế gian này hóa giải xung đột mà chúng ta đang tạo ra xung đột, vậy làm sao mà bạn có thành tựu?
Có lẽ những người tham dự vận động hòa bình quốc tế này trước đến giờ cũng chưa từng nghe cách nói này của tôi nhưng họ đều gật đầu, đều chấp nhận, nhưng khó thực hiện được, rất khó làm. Nhưng vẫn phải làm, tại sao vậy? Bởi vì chúng ta cống hiến cho hết thảy nhân loại. Cho nên làm công việc này chính là hy sinh phụng hiến. Chúng ta hy sinh điều gì? Muốn hy sinh thì chúng ta phải biết nhận lỗi, chúng ta phải biết nhận cái sai, người khác cả thảy là đúng.
Thật ra điều này ở trong Kinh Phật đã dạy cho chúng ta. Bạn xem ở trong “Tông Luận”, Đại Sư Ngẫu Ích có nói: “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu tại nơi tâm”. Cảnh là hoàn cảnh vật chất, duyên là hoàn cảnh nhân sự. Hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất là bình đẳng, là thanh tịnh, không có tốt xấu, không có thiện – ác, đúng – sai. Thiện – ác, tốt – xấu là do tâm của chính chúng ta biến hiện ra. Tâm của chúng ta thì tất cả mọi người đều tốt, thế gian không có người nào mà không tốt, hoàn cảnh thì chẳng có nơi nào mà không tốt. Trong Kinh Đại Thừa, Phật thường nói: “Cảnh tùy tâm chuyển”, “nếu chuyển được vật thì đồng Như Lai”. Chúng ta học Phật là học điều gì? Chính là học được điều này, ta có thể chuyển cảnh giới, ta không bị cảnh giới chuyển.
Người như thế nào cũng là người tốt. Tôi xin đưa ra vài thí dụ, người hủy báng tôi đều là người tốt, người làm nhục tôi cũng là người tốt, người hãm hại tôi cũng là người tốt. Họ tốt ở chỗ nào? Họ đối với tôi mà nói, họ hy sinh phụng hiến, họ tạo ác nghiệp để thành tựu cho tôi, họ tạo ác nghiệp để tiêu trừ ác nghiệp cho tôi, họ làm sao mà không phải là người ân của tôi? Họ không sợ bị đọa lạc, họ đã đẩy tôi lên trên cao.
Cho nên tôi thường kể câu chuyện ở trong “Kinh Kim Cang”, mọi người hay đọc, vua Ca Lợi bị cắt xẻo thân thể. Vua Ca Lợi mọi người đều biết là vua ác, bạo quân, đã giết chết vị Nhẫn Nhục tiên nhân, xử tử lăng trì. Tâm của vị Nhẫn Nhục tiên nhân không có một chút nào sân hận, không có chút nào tâm trả thù. Không có tâm sân hận là nhẫn nhục Ba La Mật viên mãn, không có tâm báo thù là trì giới Ba La Mật viên mãn. Hai điều này được Ba La Mật viên mãn thì bố thí, tinh tấn, thiền định, Bát Nhã cả thảy đều viên mãn. Cho nên vị tiên Nhẫn Nhục này đã thành Phật sớm hơn. Ai giúp Ngài vậy? Là vua Ca Lợi giúp Ngài. Bạn hãy nghĩ xem, công đức của vua Ca Lợi lớn thế nào! Đã giúp đỡ Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật sớm hơn. Vốn là Thích Ca Mâu Ni Phật trong hiền kiếp là vị Phật thứ năm, Ngài ở sau Bồ Tát Di Lặc, hiện giờ thì Ngài đã thành Phật trước Bồ Tát Di Lặc, do được sự giúp đỡ của vua Ca Lợi. Đây gọi là nghịch tăng thượng duyên, chúng ta phải hiểu.
Cho nên, tất cả hết thảy những người hủy báng ta, những người hủy nhục ta, những người hãm hại ta, tâm của ta phải cảm ơn họ. Tại sao vậy? Vì hành vi của họ, ta đã nhìn thấy, đã nghe được, nhưng ta không có tâm sân hận, ta không có tâm báo thù, ta chỉ có tâm cảm ơn. Giống như họ đến khảo hạch ta, rốt cuộc ta tu hành sáu Ba La Mật đến trình độ nào rồi, ta đều qua được, đều đạt tiêu chuẩn. Cho nên cảnh giới của chính mình mỗi năm xác thực là được nâng cao, nghiệp chướng của mình mỗi năm tự bản thân mình cảm thấy được tiêu trừ, trí huệ tăng trưởng. Cho nên tôi vô cùng cảm ơn những người này. Đây chính là học Phật. Tôi là học được từ trong Kinh Phật. Trước đây thì chưa được, trước đây tôi chịu không nổi, nếu như người ta hủy báng tôi, tôi lập tức mắng trả lại. Đó là phàm phu. Sau khi học Phật mới hiểu được điều này có nhiều lợi ích, cho nên mỗi ngày tôi tụng Kinh lạy Phật, tôi hồi hướng cho những người này. Tại sao vậy? Vì tiêu trừ tội nghiệp cho họ, nhất định là họ sẽ bị đọa nhưng hy vọng là không đọa quá nặng. Luôn luôn phải nhớ biết ơn, báo ơn. Cho nên họ không phải là người xấu. Cái ý niệm này đều ở trong một niệm của bản thân mình, bạn có biết chuyển hay không. Nhất định là thế gian này không có người ác.
Tôi thường nói Phật pháp là nền giáo dục của Phật Đà. Trong giáo dục, một ý niệm quan trọng nhất chính là khẳng định bổn tánh của tất cả chúng sanh vốn là thiện thì bạn mới có thể dạy học được. Câu đầu tiên trong “Tam Tự Kinh” đã nói: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Bản tánh của chúng sanh vốn là thiện. Bản tánh là Phật tánh, bản tánh đều là như Phật. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” và “Kinh Duyên Giác”, Phật nói rất rõ ràng: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ là Phật”. Tại sao hiện nay bạn lại trở thành như thế này? Vì hiện nay bạn đã mê mất tự tánh, cho nên trở thành như thế này. Mê mất tự tánh của bạn chứ hoàn toàn không có mất đi, chỉ là mê mất mà thôi. Như trong “Kinh Lăng Nghiêm” Thế Tôn có nêu ra một thí dụ “anh chàng Diễn Nhược Đạt Đa mê đầu nhận ảnh”. Giống như bình thường chúng ta đội nón, cái nón đang đội ở trên đầu rồi mà đi khắp nơi tìm cái nón: “Các bạn có thấy cái nón của tôi ở đâu không?”. “Nó ở trên đầu của ông kìa”. Đâu có mất, chỉ là mê mà không giác. Phật giúp cho tất cả chúng sanh, giáo hóa cho tất cả chúng sanh không có gì khác, chính là giúp cho bạn phá mê khai ngộ, chỉ cần bạn hồi đầu là đúng rồi.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 305
Tâm Hướng Phật/St!