Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

37 phẩm trợ đạo là gì? Bao gồm những pháp gì?

37 phẩm trợ đạo hay Tam thập thất bồ đề phần là ba mươi bảy pháp môn hỗ trợ người tu hành trên con đường đạt đến trạng thái giác ngộ.

Chánh Pháp gồm 37 phẩm này giúp chúng ta đạt được “đạo” bằng trí tuệ, bằng sự quán chiếu, nhận thức được chân lý chứ không phải chỉ bằng niềm tin đơn giản mà thôi.

Toàn bộ giáo pháp của đạo Phật, chia ra 37 phẩm, gồm có:

Tứ niệm xứ (4)
Tứ như ý túc, (4)
Tứ chánh cần, (4)
Ngũ căn, (5)
Ngũ lực, (5)
Thất bồ đề phần (7)
Bát chánh đạo. (8)

1. Tứ Niệm Xứ

Tứ Niệm Xứ là gì? Tứ là bốn; Niệm là hằng nhớ nghĩ; Xứ là nơi chốn. Tứ Niệm Xứ là bốn nền tảng cốt lõi của Đạo Đế mà người học Phật phải thường để tâm nhớ nghĩ và quán sát, đó là: Thân bất tịnh, Tâm vô thường, Pháp vô ngã, Thọ thị khổ.

Tứ Niệm Xứ là một trong những nền tảng quan trọng của Phật pháp chớ không phải là pháp tu dành riêng cho Tiểu Thừa như nhiều người lầm tưởng. Đành rằng chúng sanh thời Mạt, tâm thô cảnh tế, các phép quán cực khó để thành tựu. Tuy nhiên bởi đây là giáo lý căn bản của Phật pháp, do đó, người học Phật chân chính cũng nên một lần đọc để nắm được những điều cương yếu!

Nhờ Tứ Niệm Xứ, chúng ta đã thấy rõ sự thật của kiếp sống nhân sinh, đó là: Thân bất tịnh, Tâm vô thường, Pháp vô ngã và Thọ thị khổ. Có hiểu được giáo lý nầy một cách tường tận thì sự tu hành mới vững chắc được. Nó đánh đổ một cách rốt ráo bốn thành kiến sai lầm lớn lao của con người là:

  1. Tưởng thân mình là quý báu tốt đẹp trong sạch.
  2. Tưởng tâm mình là vĩnh viễn thường còn, như một linh hồn bất diệt.
  3. Tưởng mọi sự vật trên đời nầy chắc thật trường cửu.
  4. Tưởng thu nhận gom góp được nhiều chừng nào thì sung sướng chừng ấy.

Quán thân bất tịnh, nghĩa là luôn luôn nhớ rằng thân xác tứ đại này chứa toàn những thứ nhơ nhớp, những thứ bất tịnh bên trong.

Quán thọ thị khổ, nghĩa là luôn luôn nhớ rằng thọ nhận nhiều cảm giác, nhiều tự ái, ai nói gì cũng chấp chặt, thì tức nhiên là khổ.

Quán tâm vô thường, nghĩa là luôn luôn nhớ rằng tâm ý con người đổi thay vô chừng, không cố định, nay vầy mai khác, chớ có chấp chặt làm chi cho khổ!

Quán pháp vô ngã, nghĩa là luôn luôn nhớ rằng mọi sự mọi việc trên thế gian đều không nhứt định, không cố định. Thí dụ những quan niệm chồng chúa vợ tôi, trọng nam khinh nữ, chỉ đúng ở thời đại nào đó mà thôi, không có thực thể cố định, không đúng với mọi thời gian, không đúng với mọi không gian.

2. Tứ chánh cần

Tứ Chánh Cần dường như là thuật ngữ quen thuộc đối với người Phật tử chúng ta. Pháp này nằm ở phần Đạo Đế trong Tứ đế. Pháp này còn có tên gọi khác là Tứ Chánh Đoạn, Tứ Ý Đoạn, Tứ Đoạn…nhưng ta vẫn quen gọi là Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần là bốn pháp siêng năng tinh tấn hợp với chánh đạo. Bốn phép tinh tấn ấy là:

  1. Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sanh.
  2. Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sanh.
  3. Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh.
  4. Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh.
3. Tứ như ý túc

Là bốn pháp thiền định, hay là bốn phương tiện đưa chúng ta đến chỗ như ý muốn, thành tựu viên mãn. Đó là: dục, cần, tâm, quán. Nghĩa là: chúng ta phải có lòng thiết tha mong muốn, tìm cầu sự giải thoát, chúng ta phải chuyên cần, tinh tấn học hiểu giáo lý, chúng ta phải khắc chế tâm niệm đến chỗ bất loạn, chúng ta phải biết cách quán chiếu để giác ngộ chân lý, thấu hiểu lẽ thực.

4. Ngũ căn

Ngũ căn là năm căn. Căn đây tức là căn bản, là gốc rễ, là nguồn gốc để tất cả các thiện pháp phát xuất. Luận Trí Ðộ, quyển thứ mười, giải rằng: “Năm căn này là căn bản để phát sinh tất cả thiện pháp, nên gọi là ngũ căn“. Năm căn ấy là: Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Ðịnh căn và Huệ căn.

Nghĩa là: chúng ta phải có niềm tin sâu xa, vững chắc nơi Chánh Pháp vô thượng, tinh tấn tu tâm dưỡng tánh không hề biết mệt mỏi, luôn luôn có tâm niệm hiền thiện, từ bi hỷ xả, luôn luôn giữ sự bình thản, tỉnh thức, thiền định, bất loạn và luôn luôn dùng trí tuệ để suy xét mọi sự mọi việc, không tin tưởng bừa bãi, không mê tín dị đoan.

5. Ngũ lực

Ngũ Lực tức là năm lực này có được nhờ vào năm căn tăng trưởng sinh ra trong lúc hành giả tu hành, chúng chính là sức mạnh duy trì sự liên tục đưa đến giải thoát cho hành giả. Đó chính là thần lực của năm căn, chúng có khả năng đối trị thế lực của năm chướng. Nói một cách dễ hiểu: Ngũ căn như năm cánh tay của chúng ta, còn ngũ lực như là sức mạnh của năm cánh tay ấy.

1. Tín lực: Tức là sức mạnh do tín căn sinh ra, với công năng là phá hủy tất cả mọi thứ tà tín.

2. Tấn lực: Tức sức mạnh do tinh tấn căn sinh ra, có công năng phá hủy mọi sự lười biếng nhác nhớm của thân và, lúc nào cũng siêng năng tinh cần trong việc chỉ ác hành thiện, trong việc thực hành tu tập tứ chánh cần.

3. Niệm lực: Tức là sức mạnh do niệm căn sinh ra, hay sức mạnh lớn lao bền chắc của niệm căn, với khả năng phá hủy mọi thứ tà niệm và, dùng pháp tứ niệm xứ để giữ gìn chánh niệm.

4. Định lực: Tức sức mạnh do định căn sinh ra, với khả năng chống phá các thứ loạn tưởng, bằng vào chuyên tâm thiền định để đọan trừ các dục phiền não.

5. Huệ lực: Tức sức mạnh do huệ căn sinh ra, với khả năng phá hoại các hoặc của ba cõi, bằng vào quán ngộ Tứ đế, thành tựu trí tuệ, mà đạt được giải thoát.

6. Thất bồ đề phần

Thất Bồ đề phần là gì? Bồ Đề do phiên âm chữ Phạn Boddhi mà ra. Người Trung hoa dịch là Giác đạo, hay đạo quả giác ngộ. Phần là từng phần, từng loại. Thất Bồ đề phần là bảy pháp tu tập tuần tự hướng đến đạo quả Vô thượng Bồ đề, hay bảy pháp giúp người tu hành thành tựu đạo quả Ðại giác, bao gồm:

  1. Trạch Pháp.
  2. Tinh Tấn.
  3. Hỷ.
  4. Khinh An.
  5. Niệm.
  6. Định.
  7. Xả

Thất Bồ Đề Phần còn gọi là Thất Giác Chi. “Giác” tức là Bồ đề, còn “Chi” tức cũng như phần vậy. Thất giác chi tức là bảy nhánh, bảy phương tiện đi đến đích giác ngộ. Thất Bồ Đề phần cũng là một pháp môn quan trọng không kém gì ngũ căn.

Sở dĩ đức Phật chế ra nhiều pháp môn như thế là để tùy căn cơ từng người, ai hợp pháp môn nào thì tu pháp môn đó. Các pháp môn này về tên gọi, về chi tiết thì có khác nhau, nhưng về đại thể, về tinh thần, thì có nhiều chỗ giống nhau. Vì thế, chúng ta sẽ thấy trong pháp môn “Thất Bồ đề phần” có nhiều điểm giống như trong “Tứ Như ý túc” hay “Ngũ căn, Ngũ lực”.

Thất Bồ đề phần gồm có:

1. Trạch pháp: Trạch là lựa chọn; Pháp là pháp môn, là phương pháp tu hành. Trạch pháp là dùng trí huệ để lựa chọn pháp lành để tu, pháp dữ để tránh. Trong sự tu tập, nếu ta không có trí phân biệt chánh tà, tất phải lầm lạc. Như các bài trước đã nói, lòng tin của người Phật tử phải dựa trên lý trí, nếu không là mê tín. Ðức Phật có dạy: “Hãy dùng trí huệ suy nghiệm, giản trạch các pháp, rồi sẽ tin thọ, thật hành theo”. Nếu tu lầm, tin chạ, điều đó còn nguy hại gấp trăm nghìn lần người không tu hành. Vì vậy, Phật tử chúng ta muốn thẳng tiến trên đường giác ngộ, giải thoát, không phải nghe ai bảo gì tin nấy, không phải tự bảo một cách bừa bãi: “Đạo nào cũng tốt cả”; không phải dung hòa Phật giáo với ngoại đạo; trái lại, Phật tử cần sáng suốt để phòng sự đánh lộn sòng của các ngoại đạo, sự xuyên tạc xảo quyệt để làm mất lòng tin sáng suốt của chúng ta. Chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo phân biệt chánh, tà, chân, ngụy; phải thường dùng trí huệ mà giản trạch cả những pháp ở ngoài và những ý tưởng chơn vọng của tâm để tu, để đoạn.

2. Tinh tấn: Một khi đã lựa chọn được pháp môn chân chính để tu rồi, thì phải tinh tấn, nghĩa là luôn luôn dũng tiến trên bước đường tu tập, không quản ngại gian lao khó nhọc, không khiếp sợ; không thối chuyển, không tự mãn, tự cao mà bỏ dở mục đích chưa đạt được.

3. Hỷ: Nghĩa là hoan hỷ. Nhờ tinh tấn tu hành, nên đoạn trừ được dần phiền não thành tựu vô lượng công đức, do đó, sanh tâm hoan hỷ và phấn chí tu hành.

4. Khinh an: Khinh là nhẹ nhàng. An là an ổn. Nhờ sự tinh tiến tu tập nên thân tâm được thanh tịnh; do đó người tu hành cảm thấy nhẹ nhàng, khoan khoái, khinh an, như đã trút được gánh nặng dục vọng, mê mờ.

5. Niệm: Nghĩa là thường ghi nhớ chánh pháp để thực hành. Tâm niệm ta, nếu không thường nhớ chánh pháp, tất nhiên tạp niệm phát sinh, phiền não tăng trưởng. Cũng như một đám đất nếu không trồng hoa, thì cỏ mọc. Vì thế người tu hành cần phải để tâm ghi nhớ chánh pháp, đừng cho xao lãng buông lung nghĩ bậy.

6. Định: Nghĩa là tâm chuyên chú, tập trung vào pháp mình đang tu.

7. Xả: Là tâm buông bỏ tất cả những hệ lụy của cuộc đời, tất cả những thành kiến, định kiến, thiên kiến, biên kiến, tà kiến, ác kiến, thường kiến, đoạn kiến, không chấp chặt những tư tưởng chật hẹp, ích kỷ.

37 phẩm trợ đạo là gì? Bao gồm những pháp gì?

7. Bát chánh đạo

Bát chánh đạo là con đường gồm tám điều chân chánh, dẫn đến mục đích cứu kính của đạo Phật: giác ngộ và giải thoát. Đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Chánh Kiến

Chánh Kiến là thấy biết chân thật mọi sự vật. Mọi sự vật đều tự chúng đầy đủ, tự tại, rỗng lặng, không ngăn ngại trong hình tướng, màu sắc, âm thanh… Người có chánh kiến thấy như thế nào thì nhận đúng như thế ấy, không lấy trắng làm đen, lấy tốt làm xấu, dở làm hay…

Người có chánh kiến thì sự nhận xét sự vật không bị tập quán, thành kiến hay dục vọng làm sai lạc. Biết phân biệt cái nào giả, cái nào thiệt.

Chánh Tư Duy

Chánh tư duy là sự suy nghĩ chân thật. Sự suy nghĩ dựa trên sự thấy biết chân thật nên không bị các thành kiến, tình cảm hay xúc cảm làm sai lạc khi suy nghĩ.

Người có chánh tư duy lúc nào cũng biết xét đến những hành vi lỗi lầm và những ý nghĩ xấu xa để mà sám hối. Biết suy xét Vô Minh là nguyên nhân gây ra mọi đau khổ.

Chánh Ngữ

Chánh ngữ là nói điều chân thật và thẳng thắn để mang lại sự an vui và tốt đẹp cho mọi người. Người có chánh ngữ không bao giờ nói sai sự thật, không thiên vị. Thấy dở nói dở, thấy hay nói hay.

Đức Phật đã dạy rằng bất luận lời nói là của ai, nếu không hợp với chơn lý là không bao giờ tin. Bất luận lời nói là của ai, nếu hợp với chơn lý thì cứ tin theo đó mà tu.

Chánh Nghiệp

Chánh nghiệp là thân làm điều chân thật, miệng nói điều chân thật và ý nghĩ điều chân thật. Một khi thân, khẩu, ý đều chân thật thì ta sẽ đem đến cho người sự thương yêu và tốt đẹp.

Người có chánh nghiệp không bao giờ làm tổn hại đến quyền lợi, nghề nghiệp, danh giá và hạnh phúc của ai. Người có chánh nghiệp luôn luôn hành động có lợi cho người khác và nếu cần, họ có thể hi sinh quyền lợi hay tánh mạng của mình để giải thoát nỗi đau khổ cho người khác.

Có thể thấy rằng, hai yếu tố đầu tiên (Chánh kiến, Chánh tư duy) là sự tu tập, rèn luyện đối với ý. Chánh ngữ thuộc về khẩu và Chánh nghiệp thuộc về thân. Ba yếu tố này bổ trợ lẫn nhau giúp hành giả đạt được sự thanh tịnh của thân, khẩu, ý.

Theo cái nhìn của Đức Phật thì tất cả suy nghĩ và hành động của con người đều khởi nguồn từ tâm. Nếu con người có tâm tốt và biết lo lắng tới việc phát triển xã hội loài người bằng hành động thực tế, thì kết quả sẽ có ích cho nhân loại ngay trong hiện tại. Nếu ta không biết tu dưỡng và rèn luyện đạo đức thì con người sẽ trở thành ác nhân, và cuộc đời sẽ là nạn nhân của nó. Cho nên, nghề nghiệp chân chính là hành vi đúng đắn, tạo nghiệp thiện lành, tốt đẹp, từ bỏ sát sinh, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ nói dối, hại người.

Chánh Mạng

Chánh mạng là phương tiện sinh sống đúng đắn. Chánh mạng dạy chúng ta phải kiếm sống bằng những nghề nghiệp lương thiện. Một cách cụ thể, người tu tập Chánh mạng phải xa lìa công việc liên quan tới vũ khí, tới chất độc, chất gây nghiện (rượu, bia, ma túy, thuốc lá…) hay làm tổn hại mạng sống của chúng sinh (giết mổ…). Ngoài ra, những công việc mâu thuẫn với Chánh ngữ, Chánh nghiệp cũng cần phải từ bỏ vì không đem lại Chánh mạng.

Người theo đúng chánh mạng sống cuộc đời ngay thật, không tham gian, không làm giàu có trên mồ hôi nước mắt của người khác. Họ sống một cuộc đời có ý nghĩa, lợi mình, lợi người, xứng với bát cơm mình ăn, manh áo mình mặc, chứ không ăn không ngồi rồi, sống bám vào người khác. Họ không bao giờ mê tín dị đoan. Họ luôn luôn lấy trí huệ làm mạng.

Chánh Tinh Tấn

Chánh tinh tấn có thể coi là yếu tố vô cùng quan trọng để thực hành và thành tựu bảy chi còn lại của Bát chánh đạo. Nếu không tinh tấn, miên mật một cách đúng đắn, bạn sẽ không thể thành tựu bất cứ chi nào và sẽ bị thoái thất hay sai lệch trong sự thực hành của mình.

Chính tinh tiến có được dựa trên sức mạnh nội tâm, chính là những năng lực của tham ái, đố kỵ, sân hận… được chuyển hóa. Một cách cụ thể, bạn cần từ bỏ những điều xấu ác đã lỡ phát sinh, ngăn chặn những niệm xấu ác chưa phát sinh, phát khởi những niệm thiện lành và duy trì, trưởng dưỡng những việc thiện lành đã phát sinh. Vì vậy, Chánh tinh tiến phải luôn được dẫn dắt bởi Chánh kiến.

Chánh Niệm

Chánh niệm là chú tâm một cách chân thật. Khi ta sống trong tỉnh thức thì tâm ta ở trạng thái trong sáng, nhận biết trực tiếp và rõ ràng các hoạt động của thân thể, không bao giờ dính mắc vào một cái gì.

Người sống trong chánh niệm biết rõ những ý tưởng vui, buồn, thương, ghét xuất hiện, nhưng không bị lôi cuốn đi theo để tạo ra những phiền não cho cuộc sống. Người sống trong chánh niệm chỉ ghi nhớ những điều hay lẽ phải có lợi cho mình và cho người mà thôi.

Phương pháp tu tập chánh niệm là sự ý thức được, mình đang làm cái gì đó trong từng giây phút; khi đang ăn thì ta biết mình đang ăn, khi đang uống thì ta biết mình đang uống, đây là cách thức giúp ta làm chủ bản thân, không bắt nguồn từ sự phân biệt của ý thức, mà bằng sự quán sát sự sống của bản thân mình.

Muốn thắp lên ngọn đèn chánh niệm thì chúng ta cần có chất liệu của tình thương như, ánh mắt tha thứ, biết bao dung, từ bỏ những tham giận, si mê, sám hối, lạy Phật, tụng kinh, ngồi thiền. Tóm lại, nhiên liệu nào có khả năng để soi sáng cho sự hiểu biết chân chính và sự sống thanh tịnh đều là những chất liệu có giá trị tình thương chân thật.

Chánh Định

Một tâm định tĩnh có thể tạo ra ánh sáng trí tuệ nhờ biết cách tập trung, quán sát, kiểm soát tâm một cách hài hòa, thuần thục. Chánh định nghĩa là tập trung tư tưởng vào một vấn đề gì để thấy rõ ràng, không lầm lẫn. Nói cách khác là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chính đáng, đúng với chân lý, có lợi ích cho mình và người khác.

Chánh định là tâm trong sáng, an ổn và linh động chân thật. Sống được như thế là sống với cái tâm Phật, tâm giải thoát. Sống lành và thiện thì tự nhiên tâm ta sẽ hiển lộ ra lòng thương yêu bao la.

Chánh định thì có sự thông minh bén nhạy hay trí huệ, nhận biết rõ mọi thứ một cách tường tận mà không bị dính mắc, nên luôn thong dong tự tại. Chánh định là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chính đáng, đúng với chân lý, có lợi ích cho mình và cho người.

Người tu theo con đường Bát Chánh Đạo sau khi đã thuần thục 7 pháp trên, cuối cùng nhờ Chánh định mà tâm quán sát mọi sự vật đúng như thực trạng của nó.

Người có chánh định do giữ gìn giới luật, sẽ phát sanh trí tuệ bát nhã, đưa đến giác ngộ và giải thoát. Đó là tam vô lậu học “Giới-Định-Tuệ”. Ngoài ra, chúng ta cũng đã biết dù khởi niệm thiện hay bất thiện cũng đều dẫn đến khổ đau, bởi vì vẫn còn kẹt hai bên, tức là nhị biên, người đời gọi là hai thái cực.

Cho nên, Đức Phật dạy “Pháp Môn Bất Nhị”, giúp chúng ta lặng hết những tâm niệm dù thiện hay bất thiện, để không còn phiền não và khổ đau, để được an lạc và hạnh phúc, để được về cõi tây phương cực lạc, để được giác ngộ và giải thoát.

Tóm lại, chúng ta biết những điều Đức Phật chứng ngộ và giảng dạy, được gọi là Chánh Pháp ghi trong các kinh điển, ví như các bản đồ giúp nhân loại biết phương pháp tu tập, để được giác ngộ và giải thoát, để được cuộc sống an lạc và hạnh phúc hiện đời. Chánh Pháp không dành riêng cho bất cứ ai, dù là Phật Tử hay không, dù là tu sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia. Mặc dù có người thờ phượng Đức Phật, tin tưởng Đức Phật mà không học hiểu Chánh Pháp, không áp dụng Chánh Pháp, thì cũng không ích lợi gì hiện đời cả.

Chư Tổ có dạy:

“Tu mà không học là tu mù.
Học mà không tu là đãy sách”.

Nghĩa là muốn hưởng an lạc và hạnh phúc, muốn được giác ngộ và giải thoát, chúng ta phải tu tập. Nhưng tu tập mà không chịu học hiểu Chánh Pháp cũng ví như người mù lại không có bản đồ, không người hướng dẫn, thì làm sao đi đến nơi đến chốn một cách an lành được. Bản thân đã tu mù, không nghiên tầm giáo lý, kinh điển đại thừa, mà còn dẫn dắt người khác tu tập, thì quả là đại họa, là phỉ báng đạo Phật, là sư tử trùng thực sư tử nhục.

Trái lại, Chánh Pháp để áp dụng, thực hành chứ không phải để nói suông, để thảo luận, để tranh cãi. Người chỉ lo học hiểu để thỏa mãn kiến thức, mà không lo tu tập, không áp dụng vào đời sống hằng ngày, thì cũng chỉ có thể hiểu biết đến mức độ nào đó mà thôi, cũng ví như cái đãy, cái túi đựng sách có giới hạn vậy thôi. Những người đó cũng như những người đếm tiền trong ngân hàng, những người đếm bò cho chủ, trọn không có tiền và cũng không có bò.

Có câu chuyện giáo lý tối thượng thừa như sau:

Có một anh mù, đến thăm người bạn, đến lúc trời tối mới ra về. Người bạn đưa cho cây đèn. Anh mù bèn nói không cần, bởi vì đối với anh, trời sáng cũng như tối, ban ngày cũng như ban đêm, không có gì khác, không phân biệt được gì cả. Người bạn khuyên hãy cầm cây đèn, để người khác thấy mà tránh. Anh mù nghe có lý bèn nhận cây đèn và ra về. Trên đường về, có người đi đụng phải anh. Anh mù bèn la lên: bộ không thấy cây đèn tôi đang cầm đây hay sao? Người kia đáp: Cây đèn của anh đã tắt từ lâu rồi!

Thế mới biết chúng ta cần cây đèn của chính chúng ta, để giúp chúng ta tai qua nạn khỏi, để giúp chúng ta giác ngộ và giải thoát khỏi vòng trầm luân, sanh tử luân hồi. Cây đèn do người khác trao cho, có khi không được hữu dụng. Cây đèn luôn luôn hữu dụng đó phải là cây đèn của chính chúng ta. Cây đèn đó chính là trí tuệ bát nhã của tất cả mọi người chúng ta vậy.

Tâm Hướng Phật/Th!

Bài viết cùng chuyên mục

Thế nào là tu Khổ hạnh? Làm sao tu Khổ Hạnh?

Định Tuệ

Phương pháp nuôi dạy con ở trong Kinh Địa Tạng

Định Tuệ

Hòa Thượng Tịnh Không niệm Phật như thế nào?

Định Tuệ

Người tu tâm thanh tịnh nên tránh xa nghe, nói lời thị phi

Định Tuệ

Giới Luật là gì? Tầm quan trọng của giới luật

Định Tuệ

Như thế nào gọi là duyên thành thục?

Định Tuệ

Năm phương tiện pháp môn niệm Phật – Thích Đức Trí dịch

Định Tuệ

Người tường tận đạo lý, thấu hiểu đúng sai là bậc Thánh nhân

Định Tuệ

Thân người khó được, Phật pháp khó được nghe

Định Tuệ

Viết Bình Luận