Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Thường Lạc Ngã Tịnh có nghĩa là gì?

Thường Lạc Ngã Tịnh là 4 đức của Niết bàn Đại thừa và pháp thân Như lai. Thường là không biến đổi, Lạc là không có các khổ não chỉ có an vui, Ngã là tự do tự tại, Tịnh là không có phiền não nhiễm ô.

I. Thường Lạc Ngã Tịnh cũng gọi Niết bàn tứ đức: Chỉ cho 4 đức của Niết bàn Đại thừa và pháp thân Như lai. Sự giác ngộ đạt đến cảnh giới Niết bàn là sự giác ngộ vĩnh viễn không biến đổi, được gọi là Thường; cảnh giới ấy không có các khổ não, chỉ có an vui, gọi là Lạc; được tự do tự tại, không một mảy may bó buộc, gọi là Ngã; không có phiền não nhiễm ô, gọi là Tịnh. [X. kinh Niết bàn Q.23 (bản Bắc); luận Phật tính Q.2]. (xt. Tứ Đức).

II. Thường Lạc Ngã Tịnh: Chỉ cho 4 kiến giải sai lầm vì phàm phu không biết chân tướng của mình và thế giới vốn là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh mà sinh ra. Thường là hiểu lầm rằng con người sẽ tồn tại vĩnh viễn; Lạc là cho rằng đời người là khoái lạc; Ngã là tưởng lầm mình có tự do, tự chủ, là cái ta chủ thể có thể nắm bắt được; Tịnh là cho rằng thân tâm mình trong sạch. Đây cũng là 4 cái điên đảo. Cho nên Phật giáo thời kì đầu ở Ấn độ đã dạy tu tập 4 Niệm xứ để đối trị 4 cái điên đảo này, đó là: Quán thân là bất tịnh, Cảm thụ là khổ, tâm là vô thường, các pháp là vô ngã. (xt. Tứ Điên Đảo).

Phật tánh là thường, lạc, ngã, tịnh. Kinh Đại Bát Niết Bàn lần đầu nói đến điều này trong Phẩm Thọ Mạng như sau:

“Bấy giờ, Đức Phật dạy các tỳ kheo: Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Các ông vừa đưa ra ví dụ như người say rượu, đó cũng chỉ hiểu trên văn tự mà chưa thấu đạt nghĩa. Thế nào là nghĩa? Như người say kia thấy mặt trời mặt trăng vốn thật chẳng xoay chuyển mà sanh tưởng là xoay chuyển. Chúng sanh cũng thế, vì các phiền não vô minh che lấp nên sanh tâm điên đảo: ngã mà cho là vô ngã, thường mà cho là vô thường, tịnh mà cho là bất tịnh, lạc mà cho là khổ.

Đó là do phiền não che phủ, sanh ra các tưởng ấy nên chẳng thấu đạt nghĩa, như người say kia ở nơi chỗ chẳng xoay chuyển lại sanh ra tưởng xoay chuyển.

Ngã chính là nghĩa Phật, Thường chính là nghĩa Pháp thân, Lạc chính là nghĩa Niết bàn, Tịnh chính là nghĩa Pháp”.

Tất cả chúng sanh đều đang ở trong thực tại Phật tánh “không sanh không diệt, không đến không đi, chẳng quá khứ, vị lai, hiện tại, thường lạc ngã tịnh”, “ở nơi chỗ chẳng xoay chuyển lại sanh ra tưởng xoay chuyển,” là do vô minh phiền não che phủ khiến bị như người say. Vì vô minh phiền não mà sanh tâm điên đảo: Ngã – Phật mà điên đảo xoay chuyển thành vô ngã, Thường – Pháp thân mà điên đảo xoay chuyển thành vô thường, Lạc – Niết bàn mà điên đảo xoay chuyển thành khổ, Tịnh – Pháp mà điên đảo xoay chuyển thành bất tịnh.

Sở dĩ chúng sanh không thấy biết thực tại thường, lạc, ngã, tịnh vì các phiền não vô minh làm sanh ra tâm điên đảo xoay chuyển thành ra như người say, thường cho là vô thường, lạc cho là khổ, ngã cho là vô ngã, tịnh cho là bất tịnh. Thế giới vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh là một thế giới hư giả, do tâm điên đảo xoay chuyển mà vọng thấy. Đó là thế giới sanh tử của chúng ta.

Thế giới hư giả do tâm điên đảo xoay chuyển trong “nơi chỗ vốn không xoay chuyển” tạo thành bằng các hình tướng tách lìa nhau, ngăn cách đối nghịch nhau. Đã là thế giới của các hình tướng hữu hạn, tách biệt nhau nên phải là vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh. Trong thế giới giả tạo đã bị xoay chuyển do tâm điên đảo thì sự chấp thật tin vào các giác quan của mình lại tạo thành một lớp điên đảo xoay chuyển nặng nề hơn nữa:

“Khổ cho là lạc, lạc là cho là khổ, đó là pháp điên đảo. Vô thường cho là thường, thường cho là vô thường, đó là pháp điên đảo. Vô ngã cho là ngã, ngã cho là vô ngã, đó là pháp điên đảo. Bất tịnh cho là tịnh, tịnh cho là bất tịnh, đó là pháp điên đảo.

Có bốn pháp điên đảo như vậy là người chẳng biết tu các pháp một cách chân chánh”.

Khổ cho là lạc, vô thường cho là thường, vô ngã cho là ngã, bất tịnh cho là tịnh, đó là cái điên đảo của người ở trong một thế giới đã bị xoay chuyển thành hình tướng, vô tướng đã bị xoay chuyển thành sanh tử có hình tướng, Niết bàn thường và lạc bị xoay chuyển thành sanh tử vô thường và khổ đau, tánh Không do đó mà hoàn toàn bị xoay chuyển theo sướng khổ, được mất, vinh nhục, khen chê… của cuộc đời thế gian. Sự “cho là” sai lầm này do cái tưởng sai lầm, sẽ dẫn đến khổ đau không dứt.

Nhưng “khổ, vô thường, vô ngã, bất tịnh” cũng chỉ là những cái tưởng để chống lại, đối trị với cái tưởng điên đảo lầm cho rằng thế gian là ‘lạc, thường, ngã, tịnh’. Người khát khao giải thoát thì quán tưởng khổ, vô thường, vô ngã, bất tịnh để xóa bỏ cái tưởng điên đảo, xoay chuyển thô nặng lầm cho rằng thế gian là thường lạc ngã tịnh. Nhưng sự quán tưởng này cũng chỉ là một tưởng, dù cao hơn cái tưởng thô về thế gian ở trước. Vì vẫn còn tưởng, còn ở trong vòng khái niệm còn chấp thật có sanh tử, nên chưa có thể là nghĩa chân thật, rốt ráo.

Trong khi đó, sanh tử chỉ là “hoa đốm giữa hư không”, cho nên đối trị với sanh tử hoa đốm giữa hư không lầm tưởng là thường lạc ngã tịnh bằng cách quán tưởng nó là “vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh” thì cũng chỉ là một cách đối trị: vậy, chẳng phải là có nên không có ba đời. “Thiện nam tử! Vì hư không là trống không nên không có ba đời. Như hoa đốm giữa hư không, chẳng phải là có nên không có ba đời. Hư không cũng vậy, chẳng phải là có nên không có ba đời.”

Thiện nam tử! Không có một vật, đó là hư không. Phật tánh cũng như vậy. Vì hư không là không nên không có ba đời. Phật tánh là thường nên không có ba đời” (phẩm Bồ tát Ca Diếp).

Lạc cho là khổ, thường cho là vô thường, ngã cho là vô ngã, tịnh cho là bất tịnh là cái thấy vẫn còn sai lầm so với cái thấy của Phật. Phật thì thấy thực tại là thường, lạc, ngã, tịnh. Nếu Phật hay Phật tánh là khổ, vô thường, vô ngã, bất tịnh thì tu hành Phật đạo để làm gì?

“Thế gian cũng có thường lạc ngã tịnh. Xuất thế gian cũng có thường lạc ngã tịnh. Pháp thế gian có văn tự mà không có nghĩa. Xuất thế gian có văn tự cũng có nghĩa. Vì sao thế? Vì pháp thế gian có bốn sự điên đảo nên chẳng biết nghĩa. Bởi vì sao thế? Vì có tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.

Vì có ba điên đảo này nên người thế gian ở trong lạc mà thấy khổ, ở trong thường mà thấy vô thường, ở trong ngã mà thấy vô ngã, ở trong tịnh mà thấy bất tịnh. Đó gọi là điên đảo. Vì điên đảo nên thế gian chỉ biết văn tự mà chẳng biết nghĩa”.

Ở trong Lạc mà thấy khổ, ở trong Thường mà thấy vô thường, ở trong Ngã mà thấy vô ngã, ở trong Tịnh mà thấy bất tịnh, tức là ở trong Thường Lạc Ngã Tịnh, ở trong Niết bàn Phật tánh mà thấy vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh. Xưa nay chúng ta vốn ở trong Niết bàn, trong Phật tánh, không thể lìa khỏi nó một mảy may không gian thời gian nào, như cá sống trong đại dương, chỉ vì những cái tưởng xoay chuyển, điên đảo mà xoay chuyển Niết bàn thành ra sanh tử khổ đau.

Chính vì có ba điên đảo là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo mà Thường Lạc Ngã Tịnh bị xoay chuyển thành bốn điên đảo vô thường, khổ, vô ngã và bất tịnh. Tưởng, tâm, và kiến điên đảo đã tạo ra một cái tôi và cái của tôi giả tạo để tách lìa khỏi Niết bàn thường lạc ngã tịnh thành một sanh tử giả tạo vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh. Tưởng, tâm, và kiến điên đảo đã cắt đứt, phân mảnh thực tại toàn thể thành những phần tử biệt lập tách lìa nhau một cách giả tạo xung đột lẫn nhau, tạo thành sanh tử khổ đau do vọng tưởng.

Cho nên trong phẩm cuối cùng đức Phật thuyết pháp có tựa đề là “Ứng Tận Hoàn Nguyên”, dạy cho chúng ta “hoàn nguyên” lại cái thực tại toàn thể Phật tánh xưa nay vốn là chúng ta ấy.

Kinh dạy tiếp: “Ví như vào mùa xuân, có một nhóm người dạo chơi bằng thuyền trong hồ làm rớt chìm ngọc quý lưu ly. Liền cùng nhau lặn hụp tìm ngọc quý, tranh nhau hốt lấy gạch đá, cát sỏi, cây cỏ… mừng rỡ thoát lên mặt nước, mới biết là chẳng phải. Khi ấy ngọc quý vẫn ở dưới nước, do thế lực của ngọc, nước đều lặng trong. Bấy giờ mọi người mới thấy ngọc quý ở dưới đáy nước như ngẩng lên hư không nhìn thấy mặt trăng. Lúc ấy trong nhóm người ấy có một người trí, dùng sức phương tiện, yên tĩnh chậm rãi lặn xuống nước bèn vớt được ngọc.

Tất cả các tỳ kheo! Chớ nên cho việc tu tập các quán tưởng vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh như vậy là thật nghĩa, như nhóm người kia lặn xuống nước bốc nhầm gạch đá, cát sỏi, cây cỏ mà cho là ngọc quý.

Các ông nên khéo học phương tiện, mọi chỗ mọi nơi thường tu quán tưởng thường lạc ngã tịnh. Lại phải nên biết, tướng mạo bốn pháp tu tập trước kia đều là điên đảo. Muốn được chân thật tu các quán tưởng thì phải như người trí kia khéo vớt ngọc quý. Đó là các quán tưởng ngã, thường, lạc, tịnh”.

Thường tu quán tưởng thường lạc ngã tịnh mọi lúc mọi nơi tức là thường quán tưởng trực tiếp Niết bàn, hoàn nguyên sanh tử vọng tưởng trở lại Niết bàn. Thật nghĩa là mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, ý nghĩ đều là Niết bàn, không có cái gì ra ngoài Niết bàn. Đây là điều kinh điển Đại thừa thường nói: “Sanh tử tức Niết bàn”.

Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Người ăn thịt có thể khai ngộ không?

Định Tuệ

Con người phải vì xã hội, vì chúng sanh, không nên vì bản thân

Định Tuệ

Làm thế nào để thành mãn Bồ Đề Tâm?

Định Tuệ

Người Phật tử thọ bát quan trai có lạy bàn vong được không?

Định Tuệ

Vì sao chúng ta mỗi ngày đều phải gắng sức niệm Phật?

Định Tuệ

Tham cứu thiền rất khó ngộ, mà niệm Phật lại dễ thành

Định Tuệ

Thế nào là phước? Phước hữu lậu và phước vô lậu là gì?

Định Tuệ

Niệm Phật phải dự bị lúc lâm chung

Định Tuệ

Kinh Bát Đại Nhân Giác điều giác ngộ thứ ba giảng giải

Định Tuệ

Viết Bình Luận