Ta chỉ có ghê sợ tội lỗi là hơn hết! Người mà biết được công lý, pháp tương đối, nhơn quả, quả báu, thì chỉ có sợ tội lỗi thôi, chớ không sợ ai hết.
Vấn: Trong đời ta nên sợ cái gì hơn hết?
Đáp: Ta chỉ có ghê sợ tội lỗi là hơn hết! Người mà biết được công lý, pháp tương đối, nhơn quả, quả báu, thì chỉ có sợ tội lỗi thôi, chớ không sợ ai hết. Cái thưởng để giác ngộ, phạt để giác ngộ, dạy cũng để giác ngộ; giác ngộ rồi là được; con đường giác ngộ từ đó là sẽ tự mình đi, hư nên tự mình chịu lấy, mình không còn phiền trách kẻ đi trên trước nữa.
Những bậc đi trên trước đã dạy ta, thưởng ta, phạt ta, là để cho ta giác ngộ công lý, khi ta đã giác ngộ rồi thì phận sự của các Ngài cũng hết rồi. Các Ngài không còn mắc tội với ta, không còn mắc tội với chúng sanh chung nữa. Mà từ đó, phước ta, ta nhờ, tội ta, ta chịu, và chúng sanh phiền ta chớ không phiền người trên trước.
Vì là ta đã giác ngộ rồi, mà ta còn làm quấy, là tội lỗi ấy ở tại nơi ta cố ý vậy. Trong đời mà ai cũng giác ngộ công lý hết rồi, biết công lý nhơn quả, là pháp tương đối, quả báo, của tự nơi mình rồi, thì sẽ không còn có ông Trời, ông vua, ông Diêm vương, ông quan tòa nào nữa cả.
Mà tất cả đều như nhau, bằng nhau, là những bậc giác ngộ, sống chung như thế giới Phật mà thôi. Vì ai cũng là Phật cả. Ông Trời, ông vua, ông Diêm vương, ông quan tòa có là bởi do sự yêu cầu tôn lập của kẻ khác, người tội sanh pháp luật, chớ không phải tự ý các ông muốn làm việc ấy.
Trong đời nếu có ông nào tự muốn làm chức vụ ấy, tức là ông ấy còn mê muội hơn người ta nữa, tự các ông tìm tội lỗi, tìm khổ chết tai họa. Nghĩa là các ông ấy, còn chưa giác ngộ biết có công lý sẵn nơi mỗi người sao?
Các ông ấy nếu mong xử phạt người ta, thì ai đi xử phạt ông ấy, ông ấy làm tội khổ người ta ai làm tội khổ ông ấy. Người kia làm khổ kẻ khác là có tội, còn ông ấy làm khổ người kia sao lại không có tội?
Công lý, nhơn quả, quả báo tương đối, sẽ có tha vị gì ông ấy đâu! Cũng như cha đánh con là vì sự giác ngộ bắt buộc, chớ đâu phải là cố ý đánh. Vậy thì cõi trần thế mà có ông Trời, ông vua, ông Diêm vương, ông quan tòa, là vì sự giác ngộ ép buộc, chớ tất cả đều giác ngộ Phật hết rồi, thì các ông ấy tội gì mà đi làm chức vụ vô ích đó nữa, làm chi cho mệt nhọc.
Chẳng là đi làm Phật theo ai nấy với người ta, cho được yên vui hơn. Như thế tức là ông vua, ông Trời không có lo sự ăn ở cho người đã tu hiền, khỏi cần cai trị người đã giác ngộ. Và Diêm vương, quan tòa, không có xử án người đã tu hiền, khỏi cần đày phạt người đã giác ngộ.
Vậy thì sao chúng ta lại chưa chịu giác ngộ công lý, nhơn quả, quả báo tương đối của mình, để cho các ông ấy, rảnh khỏe, để cho tất cả ai nấy cũng đều là Phật như nhau, bằng nhau. Nếu chúng ta mà biết sợ tội lỗi thì đâu còn có các ông ấy nữa. Thật vậy chỉ có tội lỗi là chúng ta đáng sợ hơn hết.
Tóm lại sự giác ngộ của chúng ta là có, chớ ông Trời, ông vua, ông Diêm vương, ông quan tòa vốn là không. Và chúng ta nên phải tự mình biết ghê sợ tội lỗi, hổ thẹn tội lỗi, và dứt trừ tội lỗi, lấy mình, tốt hơn là để người chế trị. Tội lỗi có là bởi nơi sắc thân vật chất, hữu hình, tứ đại, địa ngục. Vì ai nấy cũng như nhau, là cái ác, cái có; ở trong ấy, cái tham, sân, si nhốt phạt, thống khổ vô cùng. Vậy ta phải xem coi cái có, cái sắc, là đất bỏ trơ trơ phía dưới chân ta, dùng nó làm cái nền nhà của ta, trí ta như nhà cửa, còn tâm ta là chủ ở bên trong, tâm chủ bước đi trên nền sắc thân bọc che dưới giữa nhà thức trí, làm chủ bằng tâm thì chắc không còn tai nạn.
Hồi nghĩ lại ai ai cũng sanh ra từ nhỏ tới lớn ở trong đời, sanh ra ở trong cái có, cái vô minh, dễ gì tự giác, ai cũng mãi loay hoay trong sự vật, lo cho ăn, mặc, ở, bịnh, của sắc thân tứ đại, cho là quan trọng, ai mà không tham danh lợi, vui chơi, sung sướng, dư hơn cho êm ấm xác thân ta, và lo cho xác thân những kẻ khác nữa.
Chấp lấy xác thân là ta, là chủ, ai ai cũng quý giá nâng cao tôn trọng sắc thân, mà nào chúng ta đã có nghĩ ra thiện ác? Mà nào có đếm kể, coi cái ác quấy tội lỗi ra gì? Ai mà không cho cái thiện là thiệt thòi thua kém xấu xa. Nào ta đã có phen nghĩ đến cái thiện là bền vui, hơn là cái ác tươi cười trong nháy mắt, mà quả báo của nó là khổ ngàn ngày đâu.
Vì thế chúng ta mới lầm, mới lạc đường, mới thất bại. Đến chừng có khổ, chúng ta mới nhận ra cái vô thường, khổ não, không ta, không của ta, mới không còn mê tín theo cái có, cái sắc của cảnh bên ngoài nữa. Chừng đó chúng ta sẽ gặp đặng cái thật bên trong của ta, làm chủ lấy ta, không còn sợ sệt cúi lòn ai cả, bởi ta đã không còn tội lỗi với ai ai nữa.
Cũng không còn tham muốn cái thái quá, bất cập, chừng ấy tâm ta đã định, ta đã nhập định nghỉ yên theo lẽ chánh chơn, ta nhập định theo đường trung đạo, chánh đẳng chánh giác vô thượng, tức là ta nhập Niết bàn, tâm chơn như, thành Phật vậy.
Phật là người giác ngộ,
Chúng ta sớm nên giác ngộ.
Vì sự giác ngộ tâm chơn, quý báu hơn cái thiện lành thức trí, và cái thiện lành thức trí, cần ích hơn là sắc thân vật chất, ác quấy, tội lỗi, danh lợi, vui chơi, cái có nơi ngoài tứ đại. Vậy ai ai cũng cần nên phải giác ngộ hết.
Trích CHƠN LÝ của TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG!