Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Thiền xuất hồn là gì? Thiền xuất hồn có trong Phật giáo không?

Tu thiền là một pháp tu thực tế phù hợp với tinh thần khoa học hiện đại. Tâm chúng ta khởi vọng tưởng phiền não, chúng ta khéo quán thì vọng tưởng lặng, hết phiền não, tâm an định. Tu tới đâu có kết quả lợi ích tới đó, rất cụ thể, không xa vời.

Đức Phật Thích Ca xưa kia do tu Thiền mà giác ngộ giải thoát. Nhưng khi nói đến Thiền thì nhiều người hoang mang vì có cả một rừng Thiền nào là Như Lai Thiền, Tổ Sư Thiền, Thiền Đốn Ngộ, Thiền xuất hồn, Thiền Yoga, Thiền Tây Tạng, Thiền Zen… không biết theo pháp môn thiền nào và theo ai chỉ dạy bây giờ? Vì không ai chỉ dạy nên người chán nản thì theo đại một phái Thiền nào đó. Nếu là Thiền Phật giáo như Tứ Niệm Xứ, Minh Sát Tuệ, thì còn đỡ, nhưng nếu chẳng may rơi vào Thiền ngoại đạo thì không những uổng một kiếp này mà còn uổng cả muôn ngàn kiếp sau, vì sai một ly đi một ngàn dặm. Cổ nhân có câu: “Thà đành ngàn năm không ngộ, còn hơn một phút sai lầm”.

Như vậy làm sao phân biệt Thiền nào là Thiền Phật giáo và Thiền nào là Thiền Ngoại đạo. Câu trả lời nên là, tất cả các pháp Thiền nào chỉ rõ Tâm thể vốn Không, ngộ nhập bản Tánh Chân Tâm, là Thiền Phật giáo. Còn tất cả các pháp môn khác đều không phải là Thiền Phật giáo.

1. Thiền xuất hồn là gì?

Một số người tập Thiền là mong cầu thần thông. Họ tin vào các môn phái thiền ngồi một thời gian ngắn là thấy được hào quang hoặc xuất hồn về Việt Nam hay đến các cung trời nào đó và sinh tâm nghi rằng pháp Thiền của Phật dạy ngồi hoài mà không thấy thần thông. Đây là sự sai lầm rất lớn. Tất cả các hiện tướng của Tâm do Thiền ngoại đạo, sau một thời gian ngắn ngồi thiền, mà thành đều không phải là thần thông hay cảm ứng gì hết. Đó chỉ là vọng tâm mong cầu biến hiện. Thiền Phật giáo, đơn cử như trong pháp Tổ Sư Thiền thì Tâm không còn chỗ nương tựa thì lấy chỗ nào cho các hiện tướng sinh khởi. Thần thông của Thiền Phật giáo không phải là nơi hay cái mà các pháp Thiền ngoại đạo có thể đạt tới được. Ngay khi Giác Ngộ, thấy suốt Tự Tánh, đắc Tứ Vô Ngại Biện Tài, chính là thần thông của Phật giáo. Các loại thần thông khác như bay trên không, đi trên nước, chui xuống đất hay xuất hồn, Đức Phật đều xem như những trò ảo thuật mà Đức Phật khuyên học trò mình không nên làm.

Khi nói về Thiền xuất hồn, trong một quyển sách dạy tu thiền, Hoà thượng Thích Thanh Từ nói rằng Thiền xuất hồn có nghĩa là: “Hành giả mở các khiếu huyệt trên thân rồi xuất hồn bay đi học đạo với các bậc thầy chưa từng biết, sau đó tự thực hành. Thiền này có hai cái hại: Cái hại thứ nhất là khi mở huyệt đạo để xuất hồn, có người mở không khéo phát điên. Cái hại thứ hai là xuất hồn bay đi học đạo, ai nói là minh sư liền theo, không giảng trạch chánh tà nên dễ bị thần linh đánh lừa”. Từ đó Hòa thượng đã liệt kê loại thiền Xuất Hồn vào dạng thiền ngoại đạo mang danh nghĩa Phật giáo và Hoà thượng khuyên người Phật tử không nên tu theo loại thiền này.

2. Thiền xuất hồn có trong Phật giáo không?

Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy chúng sanh phải trở về với thể tánh chân tâm thường trụ, đồng với ý nghĩa như trong kinh Pháp Hoa: “Khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến”.

Nguyên nhân Ngài nói kinh Lăng Nghiêm là do ngài A-Nan thị hiện mắc nạn, bị nàng Ma- đăng-Già bắt. Sau khi nhờ Phật cứu độ được thoát nạn rồi, ngài mới cầu Phật chỉ dạy cho phương pháp nào mà mười phương các đức Phật tu hành đều được thành Đạo Quả…

Trước khi chỉ chân tâm, Phật gạn hỏi cái tâm theo thường tình của chúng sanh vọng chấp. Bảy đoạn hỏi tâm làm cho ngài A-Nan cùng đường tột lối; lúc bấy giờ Phật mới từ từ chỉ bày cái chân tâm đến sáu, bảy lần. Ban đầu Phật tạm chỉ các cảm giác về phần trực giác như thấy, nghe… là tâm (cũng như người kiếm trâu mới tìm được dấu) Khi ngài A-Nan và đại chúng đều hiểu rồi, Phật lại chỉ lên một tầng nữa là: “Các cảm giác tuy không phải vọng, nhưng chưa phải là chân tâm, nó cũng như mặt trăng thứ hai… ” Phật lại chỉ cái “Bản thể” sanh ra các cảm giác (hiện tượng), mới thật là chân tâm (dụ như người mới tìm gặp được trâu), tức là ở đoạn trong văn kinh chữ Hán nói: “Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến do ly kiến, kiến bất năng cập …”

Phật dạy cho biết rằng:

– Vì các ông còn ở trong vòng mê, nên chỉ gọi là các cảm giác – thấy, nghe, hay, biết – của chúng sanh. Đến khi ngộ rồi thì gọi là bốn đức Niết-bàn của Phật – Thường, lạc, ngã, tịnh.

Và Phật dạy:

– Tất cả các pháp đều từ tâm biến hiện, như năm ấm (còn gọi là năm uẩn), sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới và bảy đại đều do tâm sanh ra, rồi cũng trở về thể tánh chân tâm. Thế là Ngài dẫn các “tướng” quy về “Chân tánh”.

Đến đoạn này ngài A-Nan mới “ngộ” được “chân tâm”….

– Phật dạy khi đối cảnh, không khởi vọng niệm phân biệt theo vọng trần, tức là câu “bất tùy phân biệt”, nghĩa là , xoay các cảm giác như “thấy, nghe, hay, biết” đều trở về thể tánh chân tâm. Nếu vọng niệm không khởi thì chân tâm hiện bày. Đây là pháp tu trực chỉ của bậc thượng căn.

– Phật dạy trì giới: Nhân trì giới, tâm được thanh tịnh, nhờ tâm tịnh mới phát sanh ra trí huệ, để phá trừ vô minh. Vô minh hết, thì chân tâm tự hiện bày. Nhưng trong kinh này nói trì giới là chỉ cho “tâm giới”, nghĩa là thân đã không sát, đạo, dâm, vọng, mà tâm cũng không nghĩ tưởng đến việc sát, đạo, dâm, vọng, cho đến cái “biết mình đã đoạn trừ” cũng không còn. Thật là cao siêu vô cùng và cũng khó khăn tột bực, vì nếu tâm còn móng một vọng niệm gì, thế là tâm chưa tịnh. Nếu tâm chưa tịnh, thì giới thể chưa viên…

Trong khi tu thiền định, lại có thể gặp năm chục thứ “ngũ ấm ma”, nó biến hiện đủ điều, nào là ma nội tâm, ma ngoại cảnh, đủ cách nhiễu hại hành giả…

Sau mỗi đoạn ma hiện, Phật đều dạy rằng:

– Do hành giả dụng công tu thiền, nên mới có những biến hiện như vậy, không phải là đặng Đạo, hay chứng Thánh, nếu hành giả biết trước thì các cảnh ma kia lần lần tự tiêu diệt, không hại chi cả, còn nếu mê lầm không biết, tự cho rằng mình “đặng Đạo” hay “chứng Thánh”, sanh tâm chấp trước, thì bị ma nó cám dỗ. rồi phải đọa vào đường tà, làm quyến thuộc của ma .

Bởi thế, người tu hành cần phải thận trọng, chớ nên gặp chi tin nấy, mà bị ma cám dỗ, rất nguy hiểm cho đời mình, về hiện tại, cũng như vị lai .

Phật nhắc đi, nói lại nhiều lần, bảo các đệ tử:

– Nên đem lời ta nói đây truyền dạy cho chúng sanh đời sau, khiến cho mọi người đều biết rõ, để tránh khỏi các ma nhiễu hại, trên đường tu hành được thẳng đến đạo Bồ Đề” (Trang 260) (Trích “Triết Lý Thủ Lăng Nghiêm”; Soạn giả: Hòa thượng Thích Thiện Hoa; Phật Học Viện Quốc Tế ấn hành)

Thiền là pháp Phật ba đời
Lập thành công án từ thời Phật xưa
Công án tâm ấn thượng thừa
Tâm truyền dòng giống cũng vừa trau tâm
Tu Thiền giữa chốn thiền lâm
Tâm truyền cho khỏi mê lầm Thích Ca
Tu Thiền không phải mật gia
Cũng không hiển giáo mà là ấn tâm
Ấn tâm sau khỏi kiếm tầm
Một dòng một giống không lầm quỷ ma
Soi nẻo chánh tránh đường tà
Làm Phật tử như bách gia
Tu quán sổ tức khỏi tà kiến biên
Điều thân điều tức điều tâm
Thiền quán hơi thở ra vào định tâm
Căn cơ phù hợp xứng tầm
Hãy còn giao tế xa gần thôn lân
Đừng ham tu chín tầng thiền
Bạn cần hơi thở soi liền cội căn
Tham sân khỏi phải lằn nhằn
Lặng yên trong lọan tinh thần thế gian
Thiền trong đi đứng nằm ngồi
Ăn ngủ, nói chuyện, một lòng cũng xong
Thiền tâm, thiền lự, thiền na
Có nhiều tư thế ba la mật truyền
Tu Thiền tam nghiệp thật yên
Bước lần vào thánh điện tìm chủ nhân
Khách chủ một ý ân cần
Khách và chủ thể thật gần như nhau
Thong dong tự tại ra vào
Tâm vô quái ngại chứng mau niết bàn
Đừng theo thiền lạ ngoài tông
Xuất hồn không phải giống dòng thích Ca
Tiên tri, bốc phệ xem nhà
Không thuộc dòng dõi thiền na Phật nhà
Có gì mà thấp với cao
Tu Thiền mà thấy thấp cao thiền tà
Soi hồn thấy mặt bá gia
Ngụy biện xem gió trăng tà thâu đêm
Căn cơ ai nấy tự tìm
Tập thiền làm chủ cái tâm chính mình
Khai sáng Thiền phải cho minh
Không bị hoại diệt không sanh không về
Đừng làm bá tánh đam mê
Làm cho bá tánh đam mê chẳng Thiền
Tu Thiền nói chuyện xuất hồn
Đó là không phải đạo Thiền Bạn ơi
Thiền Phật không nói bằng lời
Thiền Phật tâm ấn tâm truyền tâm không
Thiền đó mới là giống dòng
Pháp thiền xưa mới cội tòng Thích Ca.

Trích theo những bài viết của Hòa thượng Thích Giác Quang!

Bài viết cùng chuyên mục

Sám hối nghiệp chướng: Phổ Hiền Hạnh Nguyện, nguyện thứ tư

Định Tuệ

Hiện tượng duyên âm là gì? Quan điểm của đạo Phật về duyên âm

Định Tuệ

Giải đáp 10 điều nghi vấn về cõi Tịnh độ phần 3

Định Tuệ

Niệm A Di Đà Phật là pháp sám hối, cầu tiêu tai diệt tội hiệu quả nhất

Định Tuệ

Lòng tin, cửa vào Tịnh độ: Sự trọng yếu của lòng tin

Định Tuệ

Họa phước vốn không cửa, lòng người chiêu cảm thôi

Định Tuệ

Chú làm sao mới linh?

Định Tuệ

Tâm địa thanh tịnh, trí tuệ hiện tiền

Định Tuệ

Không sanh về Tây Phương thì nhất định sẽ bị luân hồi

Định Tuệ