Đức Phật trú tại Tinh xá Kỳ-hoàn, trong thành Thất-la-phiệt, phiên âm từ tiếng Phạn, là tên của kinh đô nơi vua Ba-tư-nặc đang trị vì, còn gọi là thành Xá-vệ.
Đức Phật trú tại Tinh xá Kỳ-hoàn, trong thành Thất-la-phiệt. Thất-la-phiệt phiên âm từ tiếng Phạn, là tên của kinh đô nơi vua Ba-tư-nặc[4] đang trị vì, còn gọi là thành Xá-vệ. Đức Phật đã giáo hóa rất nhiều hạng chúng sinh trong thời gian trú tại Tinh xá Kỳ-hoàn, rất gần nơi kinh đô. Thành Thất-la-phiệt khác hẳn rất nhiều so với các thành phố khác, nơi đó thường có rất nhiều thú vui ngũ dục: sắc, thanh, hương, vị, xúc. Tất cả những thứ ấy rất là phong phú. Như về sắc; ở đây có rất nhiều phụ nữ đẹp và kinh đô có nhiều màu sắc sặc sỡ. Về âm thanh, âm nhạc ở đó có lẽ rất tuyệt vời. Về hương, ở đó có mùi cà ri Ấn Độ, chẳng hạn như ngày nay ở nước Mỹ này cũng có, và có thể ngửi được từ mọi phía khi người ta nấu nướng.
Về mùi vị, ở Ấn Độ có loại bơ lỏng, nhưng do tôi chưa bao giờ nếm được loại bơ ấy nên không biết rõ mùi vị nó ra sao. Cứ cho là nó như một loại sữa vậy. Dù tôi có muốn nếm thử nó, tôi cũng không rõ nó có thích hợp ở đất nước này hay không.
Về sự xúc chạm, có lẽ ở thành Thất-la-phiệt có loại lụa mịn nhất, biểu tượng cho sự quý phái.
Kinh đô ấy có rất nhiều của cải và rất giàu có. Dân chúng ở đó sống có đạo đức, có giáo dục và rất tự do, nên chữ Thất-la-phiệt dịch sang tiếng Hán là Phong Đức. Người dân ở đó có rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Họ thừa hưởng được tri thức và thông đạt mọi thứ học thuật và hiểu biết. Họ cũng là người rất tự do, không bị lệ thuộc bởi thế lực nào khác.
Có lần một vị pháp sư tìm đến một pháp sư Trưởng lão xin có lời khai thị. Khi đến, ông ta vạch vai áo quỳ xuống trước vị Trưởng lão thỉnh cầu.
Trưởng lão pháp sư hỏi:
“Ông đến đây cầu thỉnh điều gì?”
Vị pháp sư trẻ đáp:
“Con đến để cầu pháp giải thoát”
Pháp sư Trưởng lão hỏi:
“Ai trói buộc ông?”
Ngay khi vừa nghe câu hỏi ấy, vị pháp sư trẻ nhận ra chẳng có ai trói buộc mình cả, lúc ấy thoát nhiên khai ngộ
“Con có tự do rồi, khỏi cần tìm kiếm tự do ở đâu nữa.”
Tri giác đó lưu xuất từ sự khai ngộ của ông ta.
Có người sẽ đặt vấn đề:
“Nếu tôi cũng đi cầu người khai thị cho pháp giải thoát và có người chỉ cho rằng chẳng có ai trói buộc mình thì tôi cũng sẽ được khai ngộ hay sao?”
Điều đó hoàn toàn khác vì thời cơ của quý vị chưa đến. Năng lực tiềm tàng của quý vị chưa chín mùi. Khi đã đến lúc, chỉ một lời nói, có thể khiến cho quý vị thức tỉnh, tâm hoát nhiên thông suốt và khai ngộ liền.
Người dân ở thành Thất-la-phiệt rất tự do, siêng năng công phu nên rất dễ ngộ đạo vì kinh đô ấy được thừa hưởng rất nhiều của cải và đức hạnh. Đức Phật thường trụ ở đó khi Ngài còn tại thế.
Tinh xá Kỳ hoàn tức là “Rừng cây của Thái tử Kỳ-đà trong vườn của ông Cấp Cô Độc.” Câu này có ghi trong kinh Kim Cương, ở đoạn mở đầu.
Ở trong thành Thất-la-phiệt, có một vị trưởng giả tên là Tu-đạt-đa, thừa hưởng được rất nhiều phước báo. Không ai có thể biết được ông giàu có đến mức nào. Một hôm có người bạn nói với Tu-đạt-đa: “Đức Phật đang thuyết pháp ở nơi đó.” Khi nghe đến tên Đức Phật, tóc của vị trưởng giả dựng đứng và ông ta mất khả năng tự chủ.
Ông ta nói: “Tôi muốn đi gặp Đức Phật liền ngay bây giờ.” Vì ông ta muốn gặp Đức Phật, nên Đức Phật liền phóng hào quang chiếu đến nơi Tu-đạt-đa, mặc dù ông ta ở nơi rất xa. Lúc ấy là nửa đêm, nhưng nhờ Đức Phật phóng quang nên Tu-đạt-đa tưởng như trời rạng sáng, nên ông ta liền trở dậy và chuẩn bị lên đường đi gặp Đức Phật. Vì lúc ấy đúng vào giữa đêm, cổng thành còn đóng kín, nhưng nhờ vào thần lực của Phật mà cổng thành tự mở ra khi Tu-đạt-đa đến và tự đóng lại khi ông đi qua. Ông ta đến nơi, gặp được Đức Phật, rồi được nghe Đức Phật thuyết pháp. Ông ta vui thích không thể nào nói được. Ông hỏi Đức Phật:
“Thế tôn có quá nhiều đệ tử, thế họ trú ở đâu?” Lúc ấy chưa có Tinh xá trong vườn Kỳ-đà. Đức Phật đáp: “Như Lai và tăng đoàn không ở một nơi thường xuyên.”
Vị trưởng giả đáp: “Con sẽ xây dựng một Tinh xá để cúng dường cho Thế tôn và tăng đoàn.”
Do ông quá giàu, nên lời nói của ông rất có thẩm quyền. Ông nói:
“Khi con trở về con sẽ tìm một địa điểm và sẽ xây dựng tinh xá.
Khi Tu-đạt-đa trở về thành Thất-la-phiệt, ông ta dò tìm khắp nơi, cuối cùng tìm được vườn cây của Thái tử Kỳ-đà, cách kinh thành chừng một dặm rưỡi. Ông ta thấy khu vườn là nơi rất thích hợp để dâng cúng cho Đức Phật. Nhưng nó là sở hữu của Thái tử Kỳ-đà, nên ông ta tìm gặp Thái tử Kỳ-đà để thương lượng:
Thái tử hỏi:
“Tại sao ông lại muốn mua vườn của tôi?”
Trưởng giả đáp:
“Để tôi xây dựng Tinh xá rồi thỉnh Đức Phật và chư tăng đến ở.”
Thái tử nói đùa: “Được rồi. Tôi sẽ bán cho ông, nếu ông lấy tiền vàng phủ đầy khắp khoảnh đất mà ông muốn mua.”
Thái tử Kỳ-đà không ngờ là Trưởng giả Tu-đạt-đa thực sự làm được việc đó. Không thể ngờ rằng Tu-đạt-đa trở về và cho chở toàn bộ tiền vàng có trong kho nhà mình đến trải đầy mặt đất khu vườn.
-Tôi chỉ nói giỡn với ông thôi! Thái tử la lên khi thấy khu vườn mình đã được lát đầy tiền vàng. -Sao mà tôi lại bán khu vườn của mình đi? Ông không nên đối xử với tôi thiếu nghiêm túc như vậy.
Trưởng giả đáp lại:
-Nay ông là một Thái tử, trong tương lai ông sẽ lên ngôi vua. Một vị vua không bao giờ nói đùa. Ông không thể đùa giỡn với tôi như vậy. Bất luận ông có nói gì đi nữa, ông cũng không thể từ chối việc bán khu vườn cho tôi.”
Khi Thái tử nghe được những lời này, biết mình không thể làm gì hơn được nữa, nên phải nhượng bộ: “Được rồi! Ông đã phủ đầy mặt đất bằng tiền vàng, nhưng tiền vàng không phủ được các gốc cây. Đây là những gì chúng ta sẽ thỏa thuận. Chúng ta sẽ chia ra. Đất đã phủ bằng tiền vàng sẽ thuộc về ông nhưng cây cối sẽ thuộc về tôi. Tôi sẽ cúng dường hết và ông có thể cúng dường nơi này cho Đức Phật.
Trưởng giả Tu-đạt-đa không có cách nào chọn lựa nữa, chỉ còn biết chấp nhận điều kiện của Thái tử Kỳ-đà. Thế nên địa điểm đó được gọi là “Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên – Rừng cây của Thái tử Kỳ-đà, vườn của ông Cấp Cô Độc.” Trưởng giả Tu-đạt-đa còn được gọi là Cấp Cô Độc, là người luôn luôn cấp dưỡng cho những trẻ mồ côi, kẻ góa bụa và những người không nơi nương tựa và những người già cả không có con cái. Đức hạnh lớn lao đã tạo nên một danh xưng xứng đáng với ông ta.
Còn tên gọi Thái tử Kỳ-đà nghĩa là sao? Thái tử Kỳ-đà sinh nhằm ngày vua cha Ba-tư-nặc chiến thắng sau trận đánh với quân của nước láng giềng trở về, nên hoàng tử vừa mới sinh ra được vua cha đặt tên là Jeta–Kỳ-đà, nghĩa là chiến thắng.
Đây là sự tích của “Tinh xá Kỳ-hoàn.” Sau khi mua được vườn của Thái tử Kỳ-đà, Trưởng giả Tu-đạt-đa chi thêm số tiền rất lớn kiến trúc tinh xá.
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển 1!