Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Nhớ nghĩ đến sự chết là điều tiêu cực hay tích cực?

Quán niệm và đối diện với sự thật của chính mình rằng cái chết sẽ đến với mình bất cứ lúc nào là điều mỗi người phải thực hành.

Những thành bại, được mất, hơn thua, tranh đoạt, tham vọng và thù hận v.v… sẽ chẳng có giá trị gì nếu như gần kề với cái chết. Mặt khác, nhận thức được án tử đang lững lơ quanh mình nên con người nỗ lực làm ngay những việc cần làm, sống sao cho đáng sống.

1. Cái chết là chắc chắn xảy ra

Đầu tiên chúng ta có thể bắt đầu bằng việc suy ngẫm về những người trong quá khứ, dù là những nhân vật nổi tiếng như nhà văn, nghệ sĩ, triết gia, nhà khoa học, cho đến những con người bình thường nhất. Họ đã từng lao động, sáng tác, phát minh, yêu thương và thù hận, hạnh phúc và khổ đau, nhưng rồi cuối cùng tất cả đều cũng đã phải chết.

Tiếp đến, bạn hãy hướng tâm đến những người đang hấp hối mà bạn quen biết và đến những ai vẫn đang còn sống. Dù là một người bình thường hay thông minh, khỏe mạnh, giàu có, quyền lực và nổi tiếng đi nữa, cuộc sống của họ cũng sẽ phải đi đến hồi kết thúc. Đây là sự thật dành cho tất cả mọi loài.

Dẫu cho khoa học và y tế có phát triển đến đâu chăng nữa, không ai có thể tìm ra phương thuốc cải tử hoàn sinh. Hãy suy ngẫm rằng rốt cuộc ai cũng phải đối diện với cái chết và bạn cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

2. Nhớ nghĩ đến sự chết là điều tiêu cực hay tích cực?

Một thời, Thế Tôn trú ở Nàdika, tại Ginjakàvasatha. Tại đấy, Thế Tôn dạy các Tỷ kheo:

Niệm chết, này các Tỷ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử. Tu tập niệm chết như thế nào để đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử?

Này các Tỷ kheo, khi ngày vừa tàn, đêm vừa an trú, suy tư như sau: Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều. Con rắn, con bò cạp hay con rít có thể cắn ta, ta có thể mạng chung. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Thức ăn có thể làm cho ta mắc bệnh, làm ta có thể mạng chung… Như vậy sẽ là chướng ngại.

Này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ấy cần suy nghĩ như sau: Ta còn những pháp ác, bất thiện chưa đoạn tận, nếu lỡ mạng chung đêm hoặc ngày nay, chúng có thể là những chướng ngại cho ta. Biết được như vậy, Tỷ kheo ấy tinh cần, nỗ lực, chánh niệm tỉnh giác, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp.

Này các Tỷ kheo, niệm chết, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy thời được quả lớn, được lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Cần phải nhớ, phần Niệm chết, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.49)

Lời bàn:

Đời sống của con người thật quý giá nhưng cũng thật quá đỗi mong manh. Hôm nay còn khỏe mạnh, vui sống nhưng ngày sau sẽ ra sao vẫn là điệp khúc bí ẩn vấn nạn nhân sinh muôn thuở. Con người chỉ chạnh lòng, tê tái khi chứng kiến cảnh vô thường sống chết xảy ra với mọi người xung quanh mà chẳng mấy ai lưu tâm đến điều ấy có thể xảy ra với mình.

Theo tuệ giác của Thế Tôn thì mạng người chỉ tồn tại trong hơi thở, một khi thở ra mà không thở vào là kết thúc một đời người. Do vậy, quán niệm và đối diện với sự thật của chính mình rằng cái chết sẽ đến với mình bất cứ lúc nào là điều mỗi người phải thực hành.

Chính nhận ra sự mong manh, tạm bợ, nay còn mai mất của kiếp người sẽ giúp con người biết trân quý cuộc sống hơn. Những thành bại, được mất, hơn thua, tranh đoạt, tham vọng và thù hận v.v… sẽ chẳng có giá trị gì nếu như gần kề với cái chết. Mặt khác, nhận thức được án tử đang lững lơ quanh mình nên con người nỗ lực làm ngay những việc cần làm, sống sao cho đáng sống.

Cuộc sống xung quanh ta luôn biến động, đầy dẫy những tai nạn, rủi ro và bất trắc. Ý thức rõ ràng về sự chết có thể đến với con người bất kỳ lúc nào, người con Phật không hẹn ngày mai. Sống trọn vẹn với giờ phút hiện tại, bớt tham ái, hỷ xả, tha thứ và luôn nghĩ đến mọi người đồng thời tinh cần thực hành các thiện pháp. Nghĩ đến vô thường, thần chết đang rình rập là một cách thể nghiệm sự thật của đời sống. Cuộc sống sẽ bớt khổ đau và con người sẽ thương nhau hơn nếu như mọi người biết suy niệm về cái chết.

Nhớ nghĩ đến sự chết là điều tiêu cực hay tích cực?

3. Lợi ích của việc suy ngẫm về cái chết

Khi lần đầu suy ngẫm về cái chết, chúng ta có thể bị sốc vì chắc chắn nó sẽ gắn liền với những cảm giác hoang mang, sợ hãi, đến nước mắt, khổ đau, chia ly, hài cốt, nghĩa trang… Tại sao chúng ta không thể chấp nhận cái chết bình thản là quy luật vô thường?

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến cảm giác khó chịu, bất an và không chấp nhận cái chết là do vô minh chấp ngã. Chúng ta bám chấp vào hình ảnh “cái tôi” như là một thực thể tồn tại vĩnh hằng, không thay đổi và luôn mong muốn trường thọ.

Không có gì sai trái cả khi chúng ta cố gắng duy trì sự sống bởi cuộc sống thực sự có giá trị. Tuy nhiên, hiểu biết về sự không tồn tại một thực thể vĩnh hằng sẽ giúp chúng ta thoát khỏi mọi sợ hãi khi đối diện với cái chết và các quan điểm sai lầm.

Lợi ích của việc suy ngẫm về cái chết là giúp chúng ta có một thái độ dũng mãnh, vô úy và những hoạt động thiết thực đem lại lợi ích cho hết thảy mọi người. Cuộc sống con người vô cùng ý nghĩa bởi vì chỉ có thân người mới có cơ hội thực hành Phật pháp, phát triển tâm linh, trưởng dưỡng trí tuệ, tình yêu thương, lòng bi mẫn và cuối cùng đạt được giác ngộ.

Nhưng cuộc sống thật là ngắn ngủi. Cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào, nếu như chúng ta không cam kết làm lợi ích cho bản thân và mọi người thì sẽ thật là uổng phí và hối tiếc. Cuộc sống hiện tại và tất cả những trải nghiệm vui buồn đều thoáng qua, bám chấp vào thế giới này sẽ giống như việc đuổi theo ánh sáng cầu vồng.

Chúng ta đừng lãng phí thời gian theo đuổi những đam mê thế tục, những thứ mà chúng ta không thể mang theo trong hành trình kế tiếp. Hãy tận dụng mọi cơ hội để làm lợi ích, tránh những nghiệp bất thiện làm tổn hại người khác là nguyên nhân của đau khổ. Hãy trưởng dưỡng những hành động thiện nghiệp là nhân của hạnh phúc.

Cách chúng ta sống nhất định ảnh hưởng đến cách chúng ta chết. Nếu chúng ta thực hành tâm linh, tạo nhiều thiện nghiệp thì chúng ta sẽ chết với sự thanh bình. Nhưng nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ lưỡng cho cái chết, chắc chắn khi tử thần đến chúng ta sẽ sợ hãi và hối tiếc.

Sự tỉnh thức về cái chết đòi hỏi chúng ta phải an trụ trong giây phút hiện tại, nhìn về quá khứ như những giấc mộng và xem những mong ước về tương lai chỉ là ảo tưởng chưa chắc đã nắm bắt được. Như vậy, chúng ta sẽ trở nên an ổn, biết hài lòng và nhiệt tâm hơn với chính cuộc sống này.

Nguồn: Phatgiao.org.vn!

Bài viết cùng chuyên mục

Xã hội loài người phải chịu khổ nạn cực lớn

Định Tuệ

Những lưu ý cơ bản về trì tụng Chú Lăng Nghiêm Phật tử nên biết

Định Tuệ

Sự linh ứng nhiệm mầu của Kinh Dược Sư

Định Tuệ

Chính mình phải sanh tâm hổ thẹn, phải trách cứ chính mình

Định Tuệ

Thần chú Phổ triệu thỉnh chân ngôn và Giải oán kết chân ngôn

Định Tuệ

Người sắp mất thấy người thân đã chết hiện về, hãy bảo họ đừng để ý đến

Định Tuệ

Thờ cúng Địa Tạng Bồ Tát có công đức lợi ích gì?

Định Tuệ

6 hành vi làm hao tổn phước báo về sau mà bạn cần tránh

Định Tuệ

Niệm nam mô A Di Đà Phật và niệm A Di Đà Phật cách nào tốt hơn?

Định Tuệ

Viết Bình Luận