Con người hiện nay tuy đã thấy quan tài rồi thế nhưng vẫn không biết rơi lệ, không sợ chết càng không sợ sau khi chết đi phải đọa vào luân hồi.
Cổ nhân có câu: “Chưa thấy quan tài chưa rơi lệ”. Con người hiện nay tuy đã thấy quan tài rồi thế nhưng vẫn không biết rơi lệ, không sợ chết càng không sợ sau khi chết đi phải đọa vào luân hồi.
Các đồng tu chúng ta thường đi trợ niệm cho người khác, thấy các cảnh đau đớn bi ai của người sắp chết trong lòng luôn tự nhủ: “Lần này về nhà, mình nhất định phải niệm Phật cho thật tốt, buông xả hết mọi thứ duyên”.
Thế rồi chỉ qua vài ngày sau thì tánh nào vẫn quàng tật đó, trước đây lăng xăng với những việc không cần thiết như thế nào thì vẫn cứ lăng xăng như thế ấy. Đến cuối cùng sau khi chết đáng bị đọa lạc như thế nào thì vẫn phải đọa lạc như thế ấy.
Có thể khẳng định đây là thực trạng của đại đa số người tu học ngày nay. Rõ ràng biết pháp môn Niệm Phật thù thắng, biết công đức của danh hiệu không thể nghĩ bàn, thế nhưng câu Phật hiệu càng niệm càng cảm thấy vô vị, càng thiếu động lực đến sau cùng bỏ luôn chẳng màng niệm đến nữa. Đây là nguyên nhân gì vậy?
Nguyên nhân căn bản nhất đó là tâm sanh tử không tha thiết. Tại sao tâm sanh tử không tha thiết? Vì mãi bận rộn bôn ba theo đuổi những việc của thế gian.
Cho nên dù đã niệm Phật nhiều năm, thậm chí là cả đời vậy mà công phu vẫn không thể đắc lực, càng không có hy vọng được vãng sanh.
Bây giờ chúng ta hãy khoan nói đến việc vãng sanh không có hy vọng, mà ngay đến việc sau khi chết đi không đọa vào ác đạo cũng không thể nào nắm chắc, quý vị hãy nghiêm chỉnh mà suy nghĩ thử xem có đúng vậy không?
Thành thật mà nói thì một người thật sự có tâm sanh tử tha thiết, dù cho không ai khuyên bảo, không ai đốc thúc tự nhiên họ cũng tranh thủ từng phút từng giây của chính mình mà tinh chuyên niệm Phật.
Giống như lão Hoà Thượng Hải Hiền vậy, trong tâm của Ngài mỗi mỗi đều mong muốn A Di Đà Phật mau mau đến đón Ngài đi, do đó mà câu Phật hiệu của Ngài ngày đêm không gián đoạn.
Còn chúng ta thì sao? Trong tâm chỗ chỗ đều là nghĩ đến công việc, gia đình, bạn bè, vui chơi, ăn uống….tuy rằng ngày ngày đều hô hào phải vãng sanh Cực Lạc, thế nhưng đều chỉ là lời nói suông mà thôi chứ bên trong không có nội hàm, cũng không có thực chất, vì thế câu Phật hiệu rất khó lòng đề khởi.
Nếu như A Di Đà Phật lập tức hiện ra đón mình đi theo Ngài, đại đa số người sẽ sợ hãi bỏ mà chạy ngay, còn một số người thì nói: “Con muốn vãng sanh nhưng không phải lúc này, con còn có việc này phải làm, việc kia chưa xong…..”.
Cái tâm tham luyến mê chấp này chính là trở ngại lớn nhất đối với việc vãng sanh của mỗi chúng ta, và việc lớn sanh tử biết đến khi nào mới có thể giải quyết xong?
Chúng ta hãy bình tâm mà tự hỏi chính mình xem: Chúng ta từ khi tu học đến nay có được mấy lần phát xuất từ nội tâm thật sự mong cầu vãng sanh, lại có được bao nhiêu tiếng Phật hiệu phát xuất từ cái tâm Tin sâu-Nguyện thiết của chính mình?
A Di Đà Phật!
Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không!