Kinh Hoa Nghiêm dạy: Lòng tin là gốc vào đạo, là mẹ đẻ mọi công đức. Lòng tin hay nuôi lớn các căn lành. Lòng tin có thể vượt qua các đường ma….
Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Lòng tin là gốc vào đạo, là mẹ đẻ mọi công đức. Lòng tin hay nuôi lớn các căn lành. Lòng tin có thể vượt qua các đường ma. Lòng tin có thể được vào định. Lòng tin có thể thoát biển sinh tử luân hồi. Lòng tin có thể thành tựu đạo Giác ngộ của Phật”.
Kinh Hoa Nghiêm lấy Thập tín làm điểm khởi đầu của sự thành Phật. Kinh Pháp Hoa lấy Chánh tín làm cửa để vào Đạo. Trong Ngũ căn lấy Tín căn làm đầu. Ngũ lực lấy Tín lực làm trước. Kinh A Di Đà cũng lấy Tín làm khởi điểm.
Vì thế, chư Phật trong ba đời, chư Đại Bồ Tát, lịch đại Tổ Sư tu tập các công hạnh, đầy đủ đại nguyện lực, vào cảnh giới Phật, thành tựu Bồ Đề, thảy đều từ nơi chữ Tín này mà bước vào. Lòng tin quan yếu như vậy nên hôm nay tôi phát tâm cố gắng đem hết tâm lực để trình bày những hiểu biết nông cạn của mình, mong quý vị củng cố thêm lòng tin Tịnh Độ. Tôi rất mong được chia sẻ tất cả những kinh nghiệm nhỏ nhoi về hành trì niệm Phật trong nhiều năm tịnh tu vừa qua. Đồng thời rất hoan hỷ học hỏi ở quý vị những kinh nghiệm hành trì mà quý vị đã gặt hái được, để rồi cùng nhau công phu đắc lực hơn, ngõ hầu chúng ta đồng vãng sanh Cực Lạc thành Phật độ chúng sanh.
Cổ đức dạy: “Pháp môn niệm Phật là pháp môn hợp thời cơ, dễ tu, dễ chứng”.
1. HỢP THỜI CƠ
Tượng Pháp Quyết Nghi Kinh dạy: “Sau khi Phật diệt độ là thời chánh pháp trong năm trăm năm trì giới kiên cố. Thời tượng pháp một ngàn năm kế tiếp thiền định kiên cố. Thời mạt pháp một muôn năm niệm Phật kiên cố”. Kiên cố nghĩa là thành tựu.
a. Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn nay đã hơn hai ngàn năm trăm năm mươi bốn năm (2554). Như vậy, hiện ta đi vào thời mạt pháp hơn một ngàn năm rồi, mà càng đi sâu vào thời mạt pháp thì đức trí chúng sanh càng hạ liệt.
b. Kinh Đại Tập dạy: “Đời mạt pháp ức ức người tu hành hiếm có một người đắc đạo. Chỉ có nương vào niệm Phật mới thoát khỏi sanh tử”.
c. Tổ thứ mười ba Ấn Quang đại sư dạy: “Cửu pháp giới chúng sanh lìa pháp môn này thì trên chẳng thể viên thành Phật đạo. Mười phương chư Phật bỏ pháp môn này thì dưới chẳng thể lợi khắp quần sanh”.
2. DỄ TU
a. Tất cả mọi người: Ai ai cũng niệm Phật được, bất luận tăng tục, ngu trí, vua quan, dân, nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, sang hèn, sĩ, nông, công, thương, binh, kể cả những người đau ốm bệnh tật đều niệm Phật được cả.
b. Khắp mọi nơi: Ở đâu cũng niệm Phật được, như ở chùa, ở nhà, bệnh viện, sở làm, công xưởng, rừng sâu, núi thẳm, trời cao, bể cả thậm chí ở nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp đều niệm Phật được cả.
c. Vào mọi lúc: Sáng, trưa, chiều, tối, ngủ cũng niệm Phật được.
d. Trong mọi động tác: Đi, đứng, nằm, ngồi, bò, leo, chạy nhảy đều niệm Phật được.
e. Bằng mọi cách: Niệm lớn tiếng, niệm nhỏ tiếng, niệm thầm, niệm bằng ý, niệm lần chuỗi, niệm theo hơi thở, niệm theo tiếng khánh… niệm cách nào cũng được miễn sao không xen tạp, không gián đoạn là được.
g. Trong mọi hoàn cảnh: Mọi tình huống đều niệm Phật được, như rảnh rang, bận rộn, vui buồn, hờn giận, ồn ào hay yên lặng… đều niệm Phật được cả.
h. Vì giản dị mà bao trùm các pháp, hiệu quả cao.
Chỉ cần niệm sáu hay bốn chữ mà giải thoát sanh tử luân hồi, thành Phật.
Tổ Liên Trì dạy: “Một câu A Di Đà Phật gồm hết tám giáo, nhiếp cả năm tông”.
Tổ Trí Húc dạy: “Niệm A Di Đà Phật được thuần thục, thời tam tạng(3) giáo lý gồm trong đó, một nghìn bảy trăm công án cơ quan hướng thượng cũng ở trong đó, ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, tam tụ tịnh giới(4) cũng không ra ngoài câu Phật hiệu”.
3. DỄ CHỨNG
a. Tự lực cộng tha lực: Hành giả niệm Phật thuần thục thì trước giờ lâm chung được Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc. Nguyện thứ mười tám trong Kinh Vô Lượng Thọ: “Lúc tôi thành Phật, chúng sanh nghe danh hiệu tôi, chí tâm tin ưa, tất cả thiện căn tâm tâm hồi hướng nguyện sanh cõi tôi, dẫu chỉ mười niệm nếu chẳng được sanh thì chẳng lấy Chánh giác, chỉ trừ kẻ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp”.
b. Dễ vãng sanh: Chỉ cần khởi ý muốn vãng sanh là được vãng sanh (Kinh Pháp Cổ). Cổ đức dạy: “Nhất cú Di Đà vô biệt niệm, bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương”.
Tạm dịch là: “Một câu Di Đà không niệm gì khác, không nhọc, khẩy tay đến Phương Tây (Thế giới Cực Lạc)”.
c. Dễ đắc: Một khi được vãng sanh thì chỉ cần một đời là thành Phật. Kinh Niệm Phật Ba la Mật dạy: “Vãng sanh đồng ý nghĩa với thành Phật, vì vãng sanh tức là thành Phật”.
Vì vãng sanh Cực Lạc dễ thành Phật, nên trên có những Đại Bồ Tát, chư Tổ, dưới thì chúng sanh đều đồng nguyện vãng sanh. Sau đây, tôi xin lược sơ qua một số vị này.
Trên thì có:
– Đại Bồ Tát: Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Giác Minh Diệu Hạnh.
– Chư Tổ tông phái khác: Mã Minh – Tổ Thiền tông thứ mười hai, Long Thọ – Tổ Thiền tông thứ mười bốn, Trí Giả – Tổ Thiên Thai Tông, Hoằng Nhất – Tổ Sư Luật Tông…
– Thanh Văn: Xá Lợi Phất, A Nan.
– Chư Tăng Trung Hoa: Trí Nghị, Đàm Loan, Đạo Xước, Quán Đảnh, Đạo Ngan (chư Thiên cõi trời Đâu xuất đến rước Ngài không đi, sau chư Thánh Cực Lạc đến đón Ngài mới chịu đi), Huệ Quang (như Ngài Đạo Ngan), Phi Tích, Hoài Ngọc (Bồ Tát bưng đài bạc đến rước Ngài không đi, sau bưng đài vàng đến Ngài mới chịu đi), Tri Huyền (Ngộ Đạt Quốc Sư), Hùng Tuấn (Ngài bị Diêm Vương kể tội phá trai, phạm giới, Ngài khiếu nại, Diêm Vương tha và cho sống lại. Ngài chí tâm niệm Phật, được vãng sanh Cực Lạc), Duy Cung (sư ăn thịt uống rượu, nhờ sám hối, niệm Phật được vãng sanh), Tuân Thức (Từ Vân sám chủ), Ưu Đàm (tác giả Liên Tông Bửu Giám), Hám Sơn (để lại nhục thân).
– Chư tăng Việt Nam: Hòa thượng Thích Thiền Tâm, Hòa thượng Thích Giác Lập, Hòa thượng Thích Thiền Định, Hòa thượng Thích Hồng Đạo, Thượng tọa Thích Thiện Tường, Sa Di Thích Minh Đạt…
– Chư Ni Việt Nam: Huệ Mộc, Pháp Thạnh, Tịnh Chơn, Pháp Tạng, Sư Bà Thích Nữ Đàm Lựu.
– Cư sĩ Ấn Độ và Trung Hoa: Hoàng Thái Hậu Vi Đề Hi, con gái của Ngụy Thế Tử (thấy cha và các anh dù còn sống nhưng đã được ghi danh ở ao thất bảo), Việt Quốc phu nhơn (chuyên tu Tịnh độ, khuyên người thiếp niệm Phật cầu vãng sanh, mộng du Cực Lạc, vãng sanh Thượng Phẩm Thượng Sanh), Viên Hoằng Đạo (tác giả Tây Phương Hiệp Luận, sanh Biên Địa), Vương Nhựt Hưu (tác giả Long Thư Tịnh Độ), Chung Húc và Thiện Hòa (làm nghề giết gà và bò, trước khi chết tướng ba đường ác hiện ra, vâng lời chư tăng niệm Phật, vãng sanh).
– Cư sĩ trên khắp thế giới: Bà Diệu Âm Huỳnh Ngọc Tuyết, Bà Diệu Hưng, Bà Quảng Khánh, Chúc Quý Lư Nhiên Phú, Thiện Bửu Nguyễn Văn Trí, Bà Diệu Âm Tô Vân Liên, Cụ bà Diệu Chi Tăng Kim Lang, Đồng Hưng Lê Văn Hiếu, Bà Diệu Chánh, Bà Triệu Vinh Phương, Bà Quảng Cánh Phạm Thị Tý, Bà Diệu Hoa Lê Thị Sen, Bà Lê Thị Cúc, Bà Nhật Trâm Phan Thị Diệu Anh, Bà Nguyên Hoa Đoàn Thị Minh Hương, Cụ Bà Huệ Chơn Lê Thị Mau, Cụ Nguyễn Thị Khương, Cụ Minh Đài Lưu Lâu, Tuệ Minh Trần Nguyên Hạnh, Cụ Hồ Thị Lan, Cụ Bà Trần Thị Kiêm, Cụ Bà Nguyễn Thị Sáu, Phan Văn Anh, Cụ Ông Đoàn Quang Trung, Cụ Nguyễn Minh Công, Cụ Trương Thị Nương, Cô Trần Thị Kim Phượng, cư sĩ Trương Biết.
Trên đây chỉ liệt kê một số vị tiêu biểu vì thật ra số lượng vãng sanh quá nhiều.
Hiện đời dễ thành tựu tịnh nghiệp: Tu Bồ Tát hạnh phải trải qua ba đại A tăng kỳ kiếp (vô lượng kiếp) mới thành tựu đạo quả Bồ Đề. Còn tu Tịnh Độ chỉ cần một đời là thành Phật.
Cổ đức ví dụ tu các pháp môn khác khó khăn và lâu dài như con mối từ gốc tre, muốn thoát khỏi cây tre phải đục từng mắt, từng mắt lên ngọn tre (gọi là thụ xuất). Còn tu Tịnh độ như con mối đục ngang thân tre mà ra (gọi là hoành xuất), nhanh chóng, nhẹ nhàng.
Điển hình, trong vòng hai năm nay đã có quý Thầy, Sư cô dự định về chùa Tịnh Luật nhập Phật Thất dài hạn… nào ngờ, do quyết tâm hạ thủ công phu, mới hai ngày đã nhập tâm. Lại nữa, có những cư sĩ nhập Phật thất mới bốn ngày liền được nhập tâm, những cư sĩ tại gia khác dù bận đi làm (ca một, ca hai), chỉ về chùa Tịnh Luật, dù niệm Phật vào ngày cuối tuần, thứ bảy, chủ nhật thôi, thế mà vài tuần lễ cũng đã nhập tâm.
Cho đến ngày nay, qua nhiều lần dự ngày Niệm Phật và Phật thất tại chùa Tịnh Luật, tính chung tiểu bang Texas và mười tiểu bang khác (trong liên bang Hoa Kỳ) hiện có trên bảy mươi (70) vị tại gia (có người niệm Phật nhiều năm nhưng chưa thọ Tam quy, Ngũ giới) được nhập tâm (bước đầu của Bất Niệm Tự Niệm). Khi đạt được Bất Niệm Tự Niệm hoàn toàn (không dụng công tác ý niệm Phật, mà tự nhiên nghe tiếng niệm Phật liên tục không gián đoạn suốt thời gian còn thức) thì bảo đảm vãng sanh, mà vãng sanh tức thành Phật như nói trên.
Còn người xuất gia, có rất nhiều, rất nhiều nhưng quý Thầy, Sư cô khiêm nhường, cẩn thận vì mật hạnh nên không nói ra mà thôi.
Riêng Minh Tuệ tôi bất đắc dĩ lắm phải nói ra để quý vị có niềm tin mà tu. Nay niềm tin đã có, kết quả đã có, nên việc nói ra có thể không còn cần thiết nữa.
Nam mô A Di Đà Phật
Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát dạy:
Có miệng tựa hồ câm,
Có tai làm như điếc,
Chẳng lẫn lộn với đời,
Mới là sùng đạo nghiệp.
Cổ đức dạy:
Như mù mắt không nhìn ngoại cảnh,
Như điếc tai không thính mảy may,
Càng không dao động càng hay,
Người ngồi tịnh toạ việc ngoài xem không.
Thấy sắc không mê sắc,
Nghe tiếng chẳng nhiễm tiếng,
Sắc tiếng đều không ngại,
Mới đến pháp vương thành.
Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng,
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương,
Lênh đênh làm khách phong trần mãi,
Ngày hết quê xa vạn dậm đường.
Nam mô A Di Đà Phật!
Trích: Niệm Phật đạt bất niệm tự niệm bảo đảm Vãng Sanh – Phần I: Lòng tin là gốc vào đạo!