Kinh Lăng Nghiêm là bộ kinh đại thừa, là vua trong các kinh, hết sức quý giá, người trì tụng cảm được sự linh ứng của Kinh Lăng Nghiêm rất nhiều.
Kinh Lăng Nghiêm là bộ kinh đại thừa, là vua trong các kinh, với nội dung siêu việt tuyệt luân hùng vĩ, tráng lệ nguy nga, thể hiện pháp thân, tư tưởng và tâm nguyện của Phật.
Kinh Lăng nghiêm là một Pháp Bảo, hết sức quý giá. Kinh Lăng Nghiêm gồm 10 chương, Phật nói rất rõ ràng, súc tích. Con người nếu không có xương tủy thì chết, Phật Giáo không có Kinh Lăng Nghiêm thì Phật Pháp diệt.
Trong Kinh Pháp Diệt Tận nói rằng: “Tương lai khi đến thời kỳ Mạt Pháp, bộ kinh Lăng Nghiêm sẽ bị hủy diệt trước hết.” Vì kinh này hiển bày con đường tu chứng, đem tất cả những điều sai trái của thiên ma ngoại đạo và của cả chúng sanh trình bày vô cùng rõ ràng, xiển minh hết sức tường tận.
Đạo lý quá chân thực, uy lực quá dũng mãnh nên tà ma không chịu nổi. Cho nên chúng dùng đủ mọi cách để phá hoại, tiêu diệt bằng cách tạo ra lời đồn xuyên tạc, nói rằng Kinh Lăng Nghiêm không phải từ kim khẩu Phật thuyết ra, mà là do người đời sau ngụy tạo.
Phải tuyên truyền Kinh Lăng Nghiêm là ngụy tạo thì chúng mới có cơ hội để sinh tồn. Nếu như thừa nhận đây là lời Phật thuyết pháp thì đối với chúng là không xong! Bạn đã thấy tầm quan trọng của việc đọc kinh Lăng Nghiêm. Dưới đây là các mẫu truyện về linh ứng khi đọc tụng kinh Lăng Nghiêm.
Vợ chồng hiếm muộn đọc Kinh Lăng Nghiêm sinh được con trai
Vợ chồng Hưng kết hôn muộn, năm Hưng 45 tuổi, vợ Hưng 43 tuổi thì 2 người mới kết hôn. Lại nữa, Lam vợ của Hưng lại làm việc ở một ngân hàng ở tỉnh Bình Dương, còn Hưng làm việc kỹ thuật điện lạnh ở Sài Gòn, vì công việc nên sau khi cưới, 2 vợ chồng vẫn phải sống xa nhau, chưa chuyển việc về gần nhau được.
Cuối tuần, nếu không bận công việc thì Hưng mới tranh thủ chạy xuống Bình Dương để thăm vợ. Vì vậy cưới nhau đã 3 năm rồi nhưng đến nay 2 vợ chồng vẫn chưa có con, dù hai bên gia đình rất nóng lòng, thúc giục, do hai vợ chồng đã lớn tuổi, sợ không sinh được con.
Nhà Hưng có 2 anh em trai, nhưng Thành là em trai của Hưng đã mất trong một lần bị tai nạn giao thông ngoài đường, do nóng nảy, dẫn đến tranh cãi dữ dội và người chạy xe đụng anh Thành đã rút dao ra đâm Thành trúng ngực, mất máu và Thành tử vong khi được đưa vào bệnh viện.
Vì vậy coi như bây giờ gia đình Hưng chỉ còn anh là đứa con trai duy nhất, nên áp lực phải cưới vợ sanh con đè lên vai anh rất nặng nề, đôi lúc anh bị trầm cảm vì áp lực.
Bà nội anh Hưng lúc còn sống thì hay đọc chú Đại Bi và kinh Lăng Nghiêm. Bà ngày xưa đã dặn dò Bác Hai của anh Hưng lúc ra trận là nên đeo, cột cuốn kinh Lăng Nghiêm trước ngực để không bị trúng pháo, đạn bắn trúng.
Bác Hai làm theo lời bà dặn và đúng là trong thời chiến tranh, dù là binh sỹ trực tiếp chiến đấu ở chiến trường nhưng bác Hai không hề bị trúng đạn.
Cô Tư là con gái của bà nội, khi mang thai, được bác sỹ dự sanh là sẽ sanh khó, vì thai nằm ngược và thai yếu nên bà nội cũng ráng đọc kinh Lăng Nghiêm cầu nguyện cho mẹ con cô Tư. Đến ngày cô Tư sanh thì tự nhiên, thai đã quay lại và không còn bị ngược nữa, bà nội thắp nhang tạ ơn trời Phật.
Nhưng nhà chỉ có bà nội là siêng đọc kinh, trì chú thôi, chứ bác Hai và cô Tư đều bận bịu gia đình, con cái, bận rộn làm ăn buôn bán nên ít có thời gian đọc kinh, trì chú như bà.
Nay bà nội mất thì hầu như các con cháu càng ít người chịu đọc kinh, trì chú. Chỉ có ngày giỗ bà nội thì ba của anh Hưng và bác Hai lấy cuốn kinh A Di Đà ra đọc, mà kinh A Di Đà cũng ngắn nên không mất nhiều thời gian cho lắm.
Dịp vừa rồi, anh Hưng và mẹ soạn trên gác xép lại để cho em sinh viên đến thuê trọ, mới thấy cuốn kinh Lăng Nghiêm của bà nội để trong một cái hộp thiếc cũ, trước đó là hộp đựng sô-cô-la, trong hộp thiếc này bà để kinh Lăng Nghiêm và mấy hình ảnh thời còn chụp trắng đen của mấy người con, cháu.
Anh Hưng bỏ các hình ảnh ấy vào cuốn album của gia đình, còn cuốn kinh Lăng Nghiêm thì anh mang lên phòng của mình. Vì nơi tủ thờ cũng đã chật chỗ, anh sợ bỏ nhiều thứ giấy lên, chẳng may tàn nhang rớt xuống hoặc nến đổ xuống thì có thể gây cháy…
Dạo này tối đến, anh cũng không có nhiều cuộc điện thoại gọi đi sửa máy lạnh, vệ sinh máy lạnh nên anh lấy kinh Lăng Nghiêm ra đọc, tò mò coi trong kinh nói gì mà bà nội cất cẩn thận vậy?
Kinh Lăng Nghiêm vốn rất dài nhưng càng đọc kinh này thì anh càng thấy hay và những triết lý, lời dạy của đức Thế Tôn đúng là đáng ngưỡng mộ, trầm trồ. Bản kinh rất quý báu mà ai đọc xong cũng phải xuýt xoa… Cuối cùng thì anh cũng đã đọc xong kinh Lăng Nghiêm và đọc qua tới “Kinh Pháp Diệt Tận” luôn.
Vào những ngày cuối tuần thì anh vẫn chạy xe về Bình Dương thăm vợ mình. Anh Hưng vẫn nhớ như in cái ngày vợ anh gọi điện thông báo đã đi bác sĩ khám và chị đã mang thai rồi, đó là ngày 16/05, năm đó lại trúng dịp Phật Đản nên gia đình anh Hưng hoan hỷ lắm và cho đó là điềm lành.
Trong thời gian vợ mang thai thì anh Hưng vẫn không ngừng lo lắng vì chị Lam vốn đã lớn tuổi nên sẽ gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy anh càng dốc lòng đọc nhiều lượt kinh Lăng Nghiêm, hầu như ngày nào đi làm về mà không có khách gọi đi sửa máy lạnh là anh Hưng lại đọc kinh Lăng Nghiêm rất thành tâm. Trong suốt thời gian mang thai thì chị Lam không bị ốm nghén, nôn ói khổ sở như những phụ nữ khác.
Tới ngày dẫn chị Lam đi sanh trong bệnh viện, anh Hưng ngồi chờ ngoài hành lang, lúc đó anh lấy cuốn kinh Lăng Nghiêm, lúc này đã được bọc giấy báo ngoài bìa để tránh gây tò mò, chú ý của những người xung quanh và anh đọc thầm, cầu nguyện cho vợ con mình được an toàn, không xảy ra bất cứ biến cố nào trong quá trình sinh con. Vì anh đọc nhiều báo kể những biến chứng, rủi ro trong quá trình sinh con nên anh rất lo sợ, anh càng thành tâm đọc kinh và cầu nguyện.
Và rồi cô y tá cũng bồng một đứa bé trai nặng 3,6 kg ra, nhìn mặt thì ai cũng kêu lên là “ông Hưng con” vì rất giống anh Hưng. Anh ngồi nghĩ sẽ đặt một cái tên có ý nghĩa cho con trai, rằng nó sẽ tên là Thiện Tâm.
Khi hai mẹ con chị Lam về nhà, anh Hưng có tạc một pho tượng Phật để tạ ơn chư Phật đã phù hộ cho mẹ tròn con vuông. Anh dự tính sau này con trai biết đọc, anh sẽ dạy cho bé đọc kinh Lăng Nghiêm từ sớm.
(Chuyện linh ứng có thật của vợ chồng anh Hưng – TP. HCM).
Chuyện hôn nhân nhiều lần trắc trở được thành tựu từ việc đọc kinh Lăng Nghiêm
Thục biết yêu từ năm 22 tuổi, lúc cô vừa tốt nghiệp đại học. Đó là 1 anh chàng học cao đẳng giao thông vận tải tên Mạnh, anh ấy làm bên cầu đường nên lương và thưởng cũng cao, thời gian đầu 2 người rất quấn quýt, thậm chí mẹ của Mạnh đã đến nhà Thục chơi và nói chuyện với ba mẹ của Thục.
Ai cũng thấy Mạnh rất thương Thục, thương thật tình và chiều chuộng cô. Bà con họ hàng đều nghĩ là 2 người sẽ sớm cưới nhau. Thế nhưng chẳng bao lâu thì Mạnh và Thục chia tay và cả 2 thề là sẽ không bao giờ muốn thấy mặt nhau nữa. Nguyên nhân thì cả 2 đều không nói ra.
Sau đó cô đổi việc ở một số công ty, cô cũng có những người yêu mới. Trải qua 4 lần yêu và chia tay trong mệt mỏi, đau khổ, mỗi lần chia tay bạn trai thì Thục đều phải xin nghỉ việc ở công ty vài ngày và nằm khóc ở nhà. Thục cũng đi chùa, mấy cô làm công quả ở chùa hướng dẫn Thục đọc kinh vào những ngày cuối tuần.
Rồi Thục được con nhỏ Quỳnh bạn thân, rủ đi coi bói ở một bà bói nổi tiếng. Bà ấy phán là số của Thục phải trải qua 5, 6 lần đau khổ vì tình, bị chia cắt, chia tay, thậm chí là bà coi chỉ tay thì đường hôn nhân của cô không hề có đám cưới. Bà bói nói là do nghiệp chướng của cô mà ra, giờ cô phải lo làm nhiều việc thiện, lo đọc kinh, đọc thần chú, giúp người, cứu vật … thì mới mong qua được nghiệp chướng. Thục nghe mà buồn rầu, não lòng, đau đớn. Cô đã chia tay hết 4 lần rồi. Nếu đúng như bà bói nói thì cô sẽ bị thêm 2 lần nữa đau khổ vì tình.
Hôm đó cô về chùa, đang thắp hương vái lạy trước bàn thờ Địa Tạng bồ tát thì Thục gặp cô Sinh, cô Sinh có để hũ cốt của mẹ ở chùa này và thường về làm công quả, nấu cơm chay cho chùa.
Cô Sinh mỉm cười với Thục, rủ Thục ở lại ăn cơm chay với cô và rủ Thục cùng đọc kinh Lăng Nghiêm với cô, vì sư phụ vừa tặng cho cô Sinh 1 cuốn kinh Lăng Nghiêm in bìa cứng màu nâu, có bọc ny-lông rất trang trọng.
Thục thấy cô Sinh tấm tắc khen kinh Lăng Nghiêm, tán thán ca ngợi về cuốn kinh này. Cô Sinh nói về tầm quan trọng của kinh này, rằng :” Kinh Lăng Nghiêm mà diệt thì đạo Phật diệt. Ở đời mạt pháp thì kinh Lăng Nghiêm diệt trước nhất”. Vì vậy cô Sinh ở nhà hay khuyên con gái Út của cô cùng tụng kinh Lăng Nghiêm với cô mỗi buổi tối.
Do Thục rất quý cô Sinh nên lần nào về chùa mà gặp cô ở trong bếp đang nấu cơm chay cho các thầy thì Thục cũng mang tặng những văn phòng phẩm của công ty mà cô đang làm thuê như bút bi, giấy note, bút xóa, bút dạ…. còn cô Sinh thì hay gói mấy cái bánh ít mà cô làm để gởi cho Thục mang về, cả 2 người rất hoan hỷ.
Có lần Thục về chùa nhưng sắc mặt rất u ám, mắt sưng vù do cô vừa khóc tối hôm qua, cũng vì chuyện tình cảm. Cô Sinh gặng hỏi thì Thục cũng kể thực tình là cô đang đau khổ vì tình. Do vậy nên cô Sinh cũng biết rằng trong lòng Thục hiện đang không vui, không thoải mái vì chuyện tình cảm.
Lần nào cô Sinh cũng khuyên Thục buông bỏ bớt những chuyện không vui, đừng chấp vào nó và hãy giữ tinh thần lạc quan. Lần này, cô Sinh lấy cuốn kinh Lăng Nghiêm và 2 cô cháu ra ngồi nơi bộ bàn ghế làm bằng đá, kê dưới gốc cây sa la, gần mấy cây cau kiểng, kế đó là 1 hòn non bộ có tượng Mẹ Quán Âm ở trên cao, có đàn cá chép màu cam đang bơi phía dưới rất đẹp.
2 cô cháu cùng đọc chậm rãi nhưng đọc to, rõ ràng kinh Lăng Nghiêm, khi đọc hết “PHẦN LƯU THÔNG” trong kinh thì Thục cảm thấy đầu óc khoan khoái, thoải mái, dễ chịu chưa từng có.
Thấy vậy cô Sinh đề nghị tặng quyển kinh mà cô vừa được thầy tặng, tặng lại cho Thục để mang về nhà tự đọc. Thục ban đầu còn từ chối, sau cô thấy cô Sinh rất thực lòng nên Thục nhận kinh và mang về nhà tự đọc mỗi cuối tuần. Cô cảm thấy cuốn kinh này quý báu vô cùng, nếu ai mà cũng chịu đọc kinh này thì rất tốt, nhất là những người thực hành thiền lại càng nên đọc kinh Lăng Nghiêm.
Sau đó thì cô cũng quen một chàng trai hơn cô 2 tuổi, là đối tác kinh doanh của công ty mà cô làm. Anh ấy tên Tuấn, trong nhiều lần đến liên hệ công việc, anh ấy gặp Thục và cảm mến cách giao tiếp khéo léo và thông minh, thật tình của Thục nên Tuấn hẹn hò cô đi uống café, đi xem phim.
Thục cũng không hy vọng lần này cô có thể có cái kết mỹ mãn với Tuấn vì cô đã đau khổ vì tình 4 lần, thêm nữa là thầy bói phán là cô còn bị đau khổ thêm vài lần nữa nên Thục cũng giữ chừng mực, cô không đặt nặng tình cảm của mình vào Tuấn cho lắm. Mặc cho Tuấn ra sức chăm sóc, quan tâm cô. Cô vẫn thích đọc kinh Lăng nghiêm vào mỗi cuối tuần khi cô được nghỉ làm.
Quen nhau được hơn 1 năm thì Tuấn dẫn ba đến gặp ba me Thục, vì mẹ anh đã mất từ lúc anh 12 tuổi. Sau đó 2 tháng thì Tuấn bàn đến việc kết hôn và cả 2 gia đình đã thống nhất được 1 ngày tổ chức đám cưới cho đôi trẻ.
Kết hôn xong, 1 năm sau thì 2 người đón đứa con gái đầu lòng rất giống Tuấn, Tuấn không đi làm thuê nữa mà mở doanh nghiệp riêng. Anh còn mở cho Thục một cửa hàng văn phòng phẩm để vợ không phải đi làm thuê mà có thể chủ động thời gian chăm sóc con.
Chuyện của phật tử Diệu Anh- trang chuyện nhân quả!
Tâm Hướng Phật/St!