Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Mười phương chư Phật đều khuyên chúng ta tu học Tịnh Độ

Mười phương ba đời hết thảy chư Phật đều khuyên chúng ta tu học Tịnh Độ, khuyên người cầu sanh thế giới Cực Lạc.

Hôm qua tôi gặp một cư sĩ từ Trung Quốc đại lục đến đạo tràng nơi đây nghe kinh. Anh này rất thích Phật pháp và nói với tôi là anh thâm tín Phật pháp nhưng không tin cõi Tịnh độ của A Di Đà Phật. Lúc đó tôi vẫn chưa nghe thấy lời nói này vì thời gian lúc đó quá gấp gáp. Anh viết cho tôi một tin nhắn, khi trở về tôi mới nhìn thấy. Cũng có thể nói là anh này có thiện căn, hướng đến Phật pháp, thời gian học Phật chưa được nhiều, mới được hai năm. Hiện tượng này là bình thường.

Tôi nghĩ lại thời gian mình học Phật thì hầu như mười năm đầu cũng là không tin Tịnh độ. Bảy năm đầu khi học Phật vẫn còn bài trừ Tịnh độ, rất thích nghiên cứu kinh điển của Phật giáo. Kể từ sau khi tôi từ bỏ công việc rồi cùng pháp sư Sám Vân ở lều tranh, ở đó năm tháng rưỡi. Pháp sư Sám Vân có bảo tôi đọc Văn Sao của Pháp sư Ấn Quang. Trong thời gian đó tôi đọc Văn Sao Chánh Biên, Tục Biên hai lần. Ngài lại bảo tôi đọc A Di Đà Kinh Sớ Sao, Yếu Giải và Viên Trung Sao, đồng thời bảo tôi làm Khoa Phán.

Đương nhiên Khoa Phán không phải là do tôi làm mà Khoa Phán là của cổ Đại đức làm. Ngài muốn tôi đem Khoa Phán sắp xếp thành biểu giải để làm thành Khoa Hội. Đó là lần đầu tiên tôi phát hiện ra phân đoạn, bố cục, kết cấu, tầng lớp của kinh điển nhà Phật tinh nghiêm đến như vậy, khiến tôi khâm phục đến mức năm vóc sát đất. Sau khi sắp xếp Khoa Phán thành Biểu Giải thì đối với bố cục và kết cấu đều rõ ràng dễ hiểu, thế là ý nghĩa của toàn bộ kinh đều có thể xem một cách rõ ràng.

Sau này tôi thân cận với lão cư sỹ Lý Bỉnh Nam, Ngài là chuyên tu Tịnh độ, chuyên hoằng Tịnh độ. Trong thời gian năm tháng ở cùng với pháp sư Sám Vân, tôi không bài trừ Tịnh độ nữa. Đây là một bước tiến bộ lớn. Khi tôi đến Đài Trung cầu học, lão sư Lý thường khuyên tôi tu học Tịnh độ. Tôi lại tiến thêm được một bước nữa, thế nhưng vẫn chưa thể chuyên tâm, mà vẫn rất thích đại kinh đại luận trong Phật môn hơn. Vì vậy tôi học Bát Nhã, học Duy Thức với Ngài, đương nhiên đều là học những thứ để nhập môn.

Sau này còn học Kinh Lăng Nghiêm, như vậy trên đại Kinh đã có được nền tảng, hơn nữa lại rất có thiên hướng về Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa và đọc chú sớ của người xưa. Lão sư Lý ở Đài Trung giảng kinh thuyết pháp dạy học, bản thân Ngài còn có công việc, việc xã giao rất nhiều, vì vậy chúng tôi chỉ có thể tiếp xúc với Ngài khi lên lớp học, cũng chính là hai lần mỗi tuần. Ngoài thời gian đó ra thì cơ hội thỉnh giáo với Ngài vô cùng ít. Thế nhưng tiếp xúc với Ngài mười năm thì hành nghi, đạo đức của Ngài đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho tôi, do đó tôi mới sanh khởi lòng tin đối với Tịnh độ.

Tôi chuyên tu, chuyên hoằng Tịnh độ là sau khi giảng Kinh Hoa Nghiêm. Tôi ở Đài Bắc khởi giảng Kinh Hoa Nghiêm, bỗng một hôm liền nghĩ: trong Kinh Hoa Nghiêm đại diện quan trọng nhất là Phổ Hiền Bồ-tát và Văn Thù Bồ-tát, đại diện quan trọng cuối cùng là Thiện Tài Đồng Tử. Tôi bỗng nhiên suy nghĩ, các Ngài tu hành pháp môn gì? Tôi cẩn thận đọc kinh lại một lần nữa, lúc này mới hoát nhiên đại ngộ là các Ngài đều tu Tây Phương Tịnh Độ, đều phát nguyện cầu sanh thế giới Cực Lạc. Thế là tôi nghiêm túc phản tỉnh, Ngài Văn Thù Bồ-tát là thầy của bảy vị Phật, là lão sư của bảy vị Phật trong quá khứ, Ngài là cổ Phật thừa nguyện tái lai, lái thuyền từ, lấy thân phận Bồ-tát để giúp đỡ Tỳ Lô Giá Na Như Lai, giúp đỡ Thích-ca Mâu-ni Phật giáo hoá chúng sanh. Trong đoạn cuối Kinh Hoa Nghiêm, các Ngài phát nguyện cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta nghĩ xem các Ngài là người như thế nào? Đều không phải là nhân vật thông thường, nếu luận theo vết tích thì Ngài là thân phận Đẳng Giác Bồ-tát của thế giới Hoa Tạng.

Nếu nói theo nguồn gốc thì từ kiếp rất lâu xa về trước Ngài đã sớm thành Phật rồi. Người như vậy vẫn muốn phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, nếu như Tịnh Độ có vấn đề thì Ngài làm sao lại thị hiện như vậy chứ? Phổ Hiền Bồ-tát thì càng không cần nói rồi, tổng quy kết của Kinh Hoa Nghiêm là Phổ Hiền Bồ-tát “dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”.

Chúng ta sẽ hỏi thế giới Cực Lạc rốt cuộc là có hay không? Có rất nhiều người nảy sinh hoài nghi đối với vấn đề này. Vấn đề này không khó giải quyết, vậy tôi xin hỏi thế giới hiện tiền của chúng ta là có hay là không có? Nếu chúng ta thừa nhận thế giới mà chúng ta hiện nay đang sống là có vậy thì cũng như vậy, chúng ta cũng có thể khẳng định thế giới Tây Phương Cực Lạc là có, vì một có thì hết thảy đều có. Không thể nói thế giới này của chúng ta là có mà thế giới Tây Phương không có, là hư ảo. Vậy thì cách nghĩ này của bạn hoàn toàn sai lầm rồi.

Người thâm nhập Đại thừa khẳng định thập pháp giới y chánh trang nghiêm đích thực tồn tại. Vì sao vậy? Là vì “Tất cả các pháp từ tâm tưởng sanh”, chỉ cần trong tâm của bạn nghĩ thế giới Cực Lạc thì sẽ có thế giới Cực Lạc xuất hiện. Bạn sẽ hỏi vì sao vậy? Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật nói rất rõ ràng, rất minh bạch, tận hư không pháp giới hết thảy chúng sanh từ đâu mà có? Là do “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, cái có thể hiện, có thể biến, có thể sanh chỉ là một thứ. Đây là sự thật, nhất định không phải là hư vọng.

Một thứ này là gì? Đó là tâm, là thức, là tưởng. Nhà Phật gọi cái này là Chân Như, Tự Tánh, Chân Tâm. Phật nói rất nhiều danh từ, Ngài nói mấy mươi danh từ đều là nói một việc. Một sự việc vì sao Phật lại nói nhiều danh xưng đến như vậy? Đây chính là sự thiện xảo trong giáo học của Phật. Phật dạy chúng ta không chấp trước tên gọi, chỉ cần bạn hiểu ý nghĩa là được rồi. Không chấp trước tên gọi, không được chấp trước tướng. Vì sao vậy? Vì danh tự vốn là tánh không: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, tướng là sở biến (cái được biến ra), là sở hiện (cái được hiện ra), nó không phải vĩnh viễn tồn tại. Cho nên bạn hiểu rõ là được rồi, ngàn vạn lần không được chấp trước, chấp trước thì hỏng ngay. Khi vừa có phân biệt, chấp trước thì bạn liền mê.

Mục đích của Phật dạy học là dạy chúng ta khai ngộ. Làm thế nào mới có thể khai ngộ? Lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước liền khai ngộ. Do đó một sự việc nhưng Ngài lại nói rất nhiều tên gọi khác nhau. Nói thế này cũng được, nói thế kia cũng được, không cần cố chấp, chấp trước. Đây chính là sự thiện xảo trong việc dạy học, là trí huệ cao độ trong việc dạy học. Cho nên “Tất cả các pháp từ tâm tưởng sanh”, trên kinh luận hiển thị cho chúng ta thấy rõ chân tướng sự thật.

Phật nói “Duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà”, bạn có tin là có tâm và có tánh không? Nếu khẳng định có tâm, có tánh, vậy thì bạn liền có thể khẳng định tâm tánh có thể hiện tướng. Tâm tánh có thể hiện tướng, tướng được hiện ra là từ tâm tưởng sanh. Tâm người thiện, ý thiện, hạnh thiện thì sẽ hiện tướng nhất chân thiện hảo trang nghiêm. Nếu tâm ác, niệm ác, hạnh ác liền hiện ác tướng của ba đường ác. Chúng ta hiểu thông suốt đạo lý này rồi, đối với thế giới Cực Lạc có tồn tại hay không thì liền được giải quyết rồi. Không chỉ thế giới Cực Lạc tồn tại mà tất cả thiên đường của những tôn giáo khác nói đến, những địa ngục được nói đến, chúng ta khẳng định chúng đích thực là tồn tại. Đều là chân tướng sự thật.

Trong kinh Đại thừa, Phật nói cho chúng ta là vô lượng vô biên quốc độ của mười phương chư Phật, vô lượng vô số thế giới y chánh trang nghiêm, chúng ta hoàn toàn khẳng định là có. Nếu bạn nói những lời này tôi nghe rồi không phản đối nhưng sự hoài nghi chưa dứt, vì tôi chưa nhìn thấy. Vậy làm thế nào có thể chứng thực? Nếu bạn muốn chứng thực cũng không khó. Tôi hỏi bạn, buổi tối bạn ngủ có nằm mơ không? Không chỉ ngủ buổi tối nằm mơ mà nằm ngủ buổi trưa cũng mơ. Trong giấc mơ đó có cảnh giới hay không? Có cảnh giới, vậy là bạn có kinh nghiệm rồi. Giấc mộng mỗi tối bạn ngủ có giống nhau hay không? Là không giống nhau, trong giấc mơ hiện là cảnh giới, hiện là thế giới, y chánh trang nghiêm.

Khi tỉnh mộng rồi, bạn nghĩ xem cảnh giới trong giấc mộng vẫn nhớ được rõ ràng. Khi đang nằm mộng thì bạn sẽ không có cảm giác được nó là giả, sau khi tỉnh lại rồi mới biết đó là một giấc mộng. Thế giới hiện nay của chúng ta là mộng cảnh, thế giới Tây Phương Cực Lạc và hết thảy cõi nước của chư Phật, thập pháp giới y chánh trang nghiêm, nói cho bạn biết: Tất cả đều là mộng cảnh. Cho nên Phật nói “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, “Tất cả pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương như điện chớp, nên quán sát như thế”. Bạn không thể nói thế giới này không có, bạn cũng không thể nói thế giới này có. Bạn nói thế giới này không có nhưng nó hiện tướng, chúng ta quả thực ở trong cảnh giới này. Bạn nói cảnh giới này có nhưng trên sự thật thì bất khả đắc (không thể có được), nó là mộng cảnh, là huyễn cảnh.

Phật nói với chúng ta: “Mượn giả tu thật”. Huyễn cảnh là giả, y chánh trang nghiêm là giả, trong y chánh trang nghiêm này, bạn cầu cái thật. Thế nào là thật? Là có thể biến, có thể hiện, có thể sanh. Cái “có thể” này chính là thật. Vậy thật là gì? Là chân như tự tánh. Tôn chỉ dạy học của nhà Phật chính là dạy bạn kiến tánh “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Trung tâm giáo học của toàn bộ Phật pháp Đại thừa, có rất nhiều phương pháp, đó là tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn.

Trong tứ hoằng thệ nguyện chúng ta niệm “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Vô lượng pháp môn, pháp là phương pháp, môn là con đường. Phương pháp, con đường có rất nhiều nhưng phương hướng chỉ là một, mục tiêu chỉ là một, là minh tâm kiến tánh mà thôi. Chúng ta do vì phiền não nghiệp chướng tập khí quá sâu nặng, ở thế gian này chúng ta không có năng lực đoạn phiền não, không có năng lực đạt tâm thanh tịnh, hay nói cách khác, không có năng lực minh tâm kiến tánh. A Di Đà Phật ở nơi đó thị hiện ra một đạo tràng. Đạo tràng đó thanh tịnh, Ngài cung cấp một điều kiện tu học rất tốt cho những người chân thật muốn minh tâm kiến tánh, tiếp dẫn người chí đồng đạo hợp.

Nếu bạn thật sự muốn làm Phật, bạn đến nơi này để tu học, Ngài giúp đỡ bạn, thành tựu bạn, giúp bạn đạt đến minh tâm kiến tánh. Cho nên hết thảy chư Phật mười phương đều tán thán A Di Đà Phật. Các bạn đọc qua Kinh Vô Lượng Thọ thấy được sự tán thán của Thế Tôn đối với A Di Đà Phật là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (Ánh sáng tôn quý nhất, vua trong các Phật), sự tán thán của Thích-ca Mâu-ni Phật chính là đại diện cho sự tán thán của hết thảy chư Phật.

Cho nên Thiện Đạo Đại sư nói rất hay: “Chư Phật sở dĩ hưng xuất thế duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải” (Chư Phật sở dĩ xuất hiện ở thế gian chỉ để nói đến bổn nguyện rộng sâu của Đức Di Đà). Thiện Đạo Đại sư trong sử sách ghi chép là A Di Đà Phật tái lai, là hoá thân của A Di Đà Phật. Là hóa thân của A Di Đà Phật vậy thì chính là A Di Đà Phật. Có thể nói mười phương ba đời hết thảy chư Phật đều khuyên chúng ta tu học Tịnh Độ, bạn vẫn còn không thể tin tưởng hay sao? Vẫn còn có thể có hoài nghi hay sao? Sự tu học của Phật pháp không phản đối sự hoài nghi mà hoan nghênh bạn hoài nghi vì nghi bạn mới có thể cầu chứng, đoạn nghi mới có thể sanh tín: “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu” (Lòng tin là nguồn đạo, mẹ của các công đức). Vì vậy sự kiến lập của lòng tin chân thật là phải đoạn tận sự nghi hoặc.

Tất cả Phật pháp không chỉ là bốn mươi chín năm giáo học của Thích-ca Mâu-ni Phật, mà là thập phương tam thế hết thảy Như Lai giáo hoá chúng sanh. Trọng điểm giáo học chính là khuyên người cầu sanh thế giới Cực Lạc. Mười phương ba đời hết thảy chúng sanh tuyệt đại đa số là căn tánh trung hạ, trên chín mươi phần trăm, người thượng căn lợi trí rất ít. Chỉ cần bạn có thể tin nhận lời của Phật, y giáo phụng hành, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì bạn một đời thành tựu.

Nếu bạn không tin tưởng, chính mình đi học pháp môn khác, cũng được thôi nhưng thời gian rất dài, phải học từ từ, vô lượng kiếp rồi lại vô lượng kiếp bạn mới học thành công. Đến khi bạn thành công rồi gặp lại các vị cổ Phật ngày xưa sẽ nói: “Khi chúng ta cùng nhau tu hành, ngài tu Tịnh Độ nên sớm thành Phật rồi, còn tôi tu pháp môn này nên bị bỏ lại xa quá”. Bạn sẽ rất cảm thán, mới biết là chọn lựa Tịnh Tông là đúng đắn, chuyên tu chuyên hoằng, nhất định không thay đổi thì không ai là không thành công. Những thí dụ thế này có quá nhiều rồi, từ xưa đến nay bạn xem niệm Phật vãng sanh có tướng lành hy hữu đủ để chứng minh việc này là có thật, không phải là giả.

Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 84
Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Khuyên người khác quy y có lỗi hay không?

Định Tuệ

Mạng người trong hơi thở, tại sao lại không niệm Phật?

Định Tuệ

Thế nào gọi là ác, thế nào gọi là thiện?

Định Tuệ

Kiếp nạn từ đâu mà tạo thành?

Định Tuệ

Người thường niệm Phật tự tâm sẽ thanh tịnh

Định Tuệ

Trong tâm bạn nghĩ đến Phật thì sẽ thành Phật

Định Tuệ

Gặp khó khăn nên hồi hướng như thế nào cho hợp lý?

Định Tuệ

Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng và niệm thánh hiệu Bồ Tát Địa Tạng

Định Tuệ

Kinh Bát Đại Nhân Giác điều giác ngộ thứ năm giảng giải

Định Tuệ

Viết Bình Luận