Sách Lăng Kính Đại Thừa của cư sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng, sách được gõ lại theo đúng bản gốc của cụ và không thay đổi bất kỳ chi tiết nào dù nhỏ nhất.
Vài nét về Cư Sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng (1920 -2000)
Cư Sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng sinh năm 1920 tạI Hà Đông, Bắc Việt.
Năm 1953, hành nghề Luật Sư.
Năm 1954, đất nước chia đôi, di cư vào Nam.
Nguyên Luật Sư Tòa Thượng Thẩm Saigon, Cựu Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng năm 1965, thời Nguyễn Khánh.
Sáng lập viên nhóm Quan Điểm, Saigon.
Năm 1975, miền Nam Việt Nam mất, di cư sang Hoa Kỳ.
Trước năm 1975, viết sách về Chính Trị, Triết Học và Văn Chương.
Sau năm 1975, chuyên đọc Kinh Đại Thừa, tịnh tu, viết sách Phật và giảng dạy Phật Pháp tại chùa Trúc Lâm Yên Tử, Santa Ana và chùa Liên Hoa, Garden Grove, bang California.
Những Tác Phẩm của ông viết về Phật Học sau năm 1975 tại Hoa Kỳ, đã phản ảnh đầy đủ một ngã rẽ đổi thay quan trọng trong tư tưởng của ông.
Đời người là Vô Thường, ông đã bình thản ra đi ngày 07 tháng 05 năm 2000, nhằm ngày 04 tháng 04 năm Canh Thìn tại Orange County, California, Hoa Kỳ.
Tinh thành trong Lịch Sử chuyển mình của Quốc Gia, cư sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng, ngoài “Một nhà văn luôn luôn thiết tha với đất nước. Một nhà tư tưởng luôn luôn thiết tha với đại thể. Một hồn thơ luôn luôn thiết tha với cái “MỸ” và cái “HẢO”, ông còn là “Một Thiền gia luôn luôn thiết tha với thế nhân.” Cư sĩ quả là bậc tiền bối hữu công sang chói, ông đã “khước từ những quyền uy, những hạnh phúc, những danh vọng, những phú quý, những sang giầu” để tựu thành đạo nghiệp cao quý cho hàng hậu tấn ngưỡng vọng.
Viết về sách Lăng Kính Đại Thừa
(Hòa Thượng Thích Mãn Giác)
Mới đây, sau một buổi đàm đạo, tôi được Cụ Nghiêm Xuân Hồng trao cho tập bản thảo LĂNG KÍNH ĐẠI THỪA. Nói như tác giả, tập sách này là kết quả của những tháng năm “đọc kinh”, đôi khi say mê đọc kinh và thường hay mơ màng hằng giờ trên những trang kinh xưa”. Đọc xong tập sách tôi như cũng sống lại một niềm xúc động lớn lao. Nhưng nó đã không còn là niềm xúc động của 30 năm về trước nữa.
Khoa học dẫu vẫn còn những cám dỗ của nó đối với tâm trí con người nhưng đã không còn giữ cái thể giá cũ. Trong khi những trang kinh xưa thì vẫn sừng sững còn đó như tự bao giờ, và cũng như tự bao giờ, mời gọi con người đi tới để thâm nhập, để tỉnh thức, bừng con mắt Huệ trước màn lưới vô minh, nghi hoặc dày đặc và để hứng khởi được cái Tâm Đại Bi giữa những biển động quay cuồng điên đảo của cuộc sống.
Mặc dù tự nghĩ mình vốn chẳng khác chi người cùng tử trong kinh Pháp Hoa, trầm luân trong biển khổ nghiệp nên gia bảo có đó mà vẫn chưa thấy được hết, miệt mài với tháng năm mà sở nguyện vẫn xa vời. Nhưng nhờ vốn hằng ngày trân trọng những lời kinh ngọc vàng, sống trong âm hưởng của Diệu pháp mà Đức Phật đã tuyên thuyết từ ngàn xưa nên vẫn cảm vì Pháp nhũ ân sâu mà cố giữ lấy một lòng theo dõi di giáo. Chính với tấm lòng đó mà tôi đã xúc động khi đọc tập bản thảo LĂNG KÍNH ĐẠI THỪA này.
Xúc động vì nghĩ đến tác giả – một nhà trí thức đã từng, trong một thời gian dài, đem tâm trí mình đi vào những suy niệm triết học xưa nay, nghiền ngẫm đến cả những thành tựu của khoa học để rồi cuối cùng trở về “mơ màng trên những trang kinh xưa” của Phật. Cuộc sống vẫn đầy những biến động, tâm thức con người vẫn thường xuyên chạm mặt với những điều bí ẩn, nhưng khát vọng chân lý vẫn cứ là một khát vọng muôn đời. Và với khát vọng này trong trường hợp của tác giả, Đạo Phật đã như một con đường còn lại sau cùng mở ra thênh thang khi mà tất cả những ngã đường khác đã lâm vào chỗ bế tắc.
Xúc động cũng vì nghĩ đến tác phẩm, dù có thể không phải đã là những kiến giải rốt ráo về kinh điển Đại Thừa Phật Giáo, điều mà không ai có thể tự nhận là làm được trọn vẹn – nhưng ít nhiều , đã nói lên được một phần rất lớn, hoài vọng của những thế hệ học Phật gần đây và ngày nay – những thế hệ sinh ra và lớn lên trong một thời đại có nhiều thành tựu nhưng cũng có nhiều đổ vỡ của nền văn minh khoa học. Hoài vọng đó sẽ thành tựu hay không và thành tựu như thế nào là một chuyện. Nhưng điều đáng nói ở đây là, dù ít dù nhiều, tác phẩm này cũng sẽ đóng góp vào việc mở đường cho những tâm trí đã từng bị chi phối bởi những kiến giải của khoa học tìm tới được với Đạo Phật.
Và với những tâm trí không bị chi phối nặng nề bởi những kiến giải của khoa học này thì điều mà tác phẩm có thể mang lại là một niềm xác tin vững chắc hơn đối với kinh điển Đại Thừa.
Tác dụng của kinh là tăng-thượng-tâm cho chúng sanh. Tâm đây là Bồ Đề Tâm, là Diệu Giác – Chân Tâm, là Phật Tâm. Có được một niềm xác tin vững chắc, tác dụng của kinh cũng là điều vững chắc. Cửa ngõ vào Đạo từ đó cũng sẽ mở ra vững chắc.
Chính với niềm xúc động đó mà tôi tưởng đến lời tán thán của người xưa :
Vô thượng thâm thầm vì diệu pháp
Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa.
để chân thành viết ra lời tựa này.
Los Angeles, Chùa Việt Nam,
Vu Lan năm Nhâm Tuất (1982)
THÍCH MÃN GIÁC
Mời quý bạn đọc sách Lăng Kính Đại Thừa – Cư Sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng tại file PDF dưới đây. (File với dung lượng khá lớn nên các bạn hãy tải về để đọc, nguồn sách: Pháp Âm Sư Khang)/Tâm Hướng Phật/St!
1 bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật.
Con xin tán thán công đức của quý đạo hữu ạ.