Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Phật tử đi chùa cúng Phật để làm gì?

Tu là gì? Là sửa. Vậy Phật tử có tu chưa? Phật tử đi chùa cúng Phật để làm gì? Việc ấy có gọi là tu không? Cúng Phật để xin cầu an hay cầu siêu? Đó là việc của Phật tử?

Từ việc này hỏi lại Phật tử. Thí dụ: Phật tử có con cái nó về thăm mình, cho tiền cho quà rồi nó đòi hỏi mình phải đáp ứng lại nó việc này, việc nọ… thì hỏi mình có vui mà nhận quà của chúng không?

Chúng là con cái mình mà lại đặt điều kiện với mình buộc mình phải thỏa mãn cho chúng khi mình nhận tiền của, lễ vật của chúng? Con cái như vậy là có tốt với cha mẹ không? Phải là con hiền con thảo không? Một bậc cha mẹ nghiêm chỉnh đúng đắn có chấp nhận yêu sách vô lối như vậy của con cái không?

Ở đây việc cúng kiến của Phật tử cũng vậy. Cúng Phật một số lễ vật, tiền của nào đó rồi mong cầu Phật phải độ cho mình điều này điều nọ. Phật phải giúp cho thân nhân mình siêu, giúp cho mình an, thỏa được những việc muốn của mình trong cuộc sống.

Mua may bán đắt, tai qua nạn khỏi, gia đạo yên lành, con cái nên danh nên phận v.v… biết bao nhiêu việc mình đòi hỏi ở đức Phật với một mớ lễ vật như vậy? Như vậy đó là mình đã tu chưa?

Tu là sửa. Ở đây mình có sửa gì không? Mình chỉ có tham thôi, không có sửa gì cả, phải vậy không? Mà tham tức là trái với sự tu rồi. Tu là sửa. Sửa là sửa tham sân si để lần hồi tham sân si không còn nữa. Như vậy mới gọi là tu! Chứ tu gì mà mỗi ngày lòng tham thêm nhiều.

Đem nải chuối, ốp nhang cúng Phật cầu được việc, mừng quá, sau đem hai nải, hai ốp cầu thêm nữa…, như vậy đó là mỗi ngày lòng tham thêm lớn. Và lúc nào việc cầu không còn linh nữa, kiếm chùa khác, Phật khác linh hơn. Việc cúng kiến đi chùa như vậy ở Phật tử, đó là cái duyên dễ bước vào tà đạo, bước vào mê tín dị đoan.

Nghe ở đâu có gì linh thiêng hiển hách, có gì lạ một chút là rủ nhau kéo đến xin xỏ nọ kia v.v… gặp tà ma dẫn dụ là đi vào đạo tà mất nhân chánh giáo. Đó là chỗ đáng tiếc cho quí Phật tử.

Đã có tâm tốt mà gieo nhân không chính xác, không cần hiểu Phật pháp ra sao. Thành ra cũng đồng làm một việc mà người hiểu biết thì có kết quả tốt, còn người không hiểu biết thì kết quả chẳng ra gì.

Cũng chỉ một ốp nhang nải chuối mà người hiểu được Phật pháp thì gặt được pháp lành an vui, còn người không hiểu thì chỉ thêm sự rối rắm đau buồn, nếu không nói là hoài công vô ích.

Nói như vậy để Phật tử thấy rõ chỗ tu chớ không phải nhằm trách cứ gì Phật tử. Thật ra cái lỗi không phải ở Phật tử, mà nếu có nói thì đó là lỗi của những Tăng Ni nào đó. Các vị ấy đã vô tình hay cố ý đưa các Phật tử vào chỗ nhận thức lệch lạc.

Người Phật tử đến chùa xin cúng 100 đồng. Vị trụ trì hay người có trách nhiệm thâu tiền liền hỏi:

– Phật tử muốn cầu gì? (Hỏi và hướng dẫn) Cầu an hay cầu siêu?

Và lắm lúc vị đó còn tâm lý hơn, tìm hiểu về gia đình của Phật tử, biết có chuyện gì đó không ổn thì gợi ý cầu nguyện cho v.v…

Phật tử thiếu hiểu Phật pháp liền đó nghe mình được người Thầy chăm sóc cẩn thận, bèn thích ý. Và cứ vậy, nhờ Thầy giúp cho việc này, việc nọ qua cúng kiến, cầu an, cầu siêu…

Tại sao khi Phật tử cầm tiền, dâng lễ vật cúng kiến, nếu người Thầy có hỏi cầu gì? Phật tử lại không trả lời rằng:

– Con không cầu gì khác, chỉ cầu cho Tam bảo trường tồn để độ thoát chúng sanh trầm nịch. Vì vậy việc Phật tử đi chùa, cúng Phật, lễ Phật phải được đặt lại.

Việc tu ở Phật tử phải được đặt lại. Trước hết Phật tử đến chùa để cúng dường Tam Bảo. Việc cúng dường này có nghĩa là góp một phần tài lực để duy trì ngôi Tam Bảo cho còn mãi mãi ở đời. Mà đại diện ngôi Tam Bảo là Tăng Bảo.

Như vậy, cúng dường Tam Bảo có nghĩa là cúng dường cho Tăng Bảo. Khi cúng lòng những mong sao cho ngôi Tăng Bảo có được nguồn sống mà duy trì Phật Bảo, Pháp Bảo.

Chư Tăng có sống thì ngôi Tam Bảo mới thường trụ ở thế gian và làm ngọn đèn sáng cho chúng sanh hướng tới để tiêu trừ bao nỗi vô minh hắc ám. Phải biết việc khai mở đạo mầu là quý báu vô lượng, vì việc ấy mà cúng dường nên phước đức theo đó cũng vô lượng.

Cúng dường như vậy là không vì việc riêng mà chung cho cả Tam Bảo, cho cả chúng sanh, nên dù không cầu gì khác mà phước đức vẫn to tát.

Việc cúng dường này không phải nhằm chuyển đổi lòng tham, không phải chuyển từ cái tham lệch lạc thành cái tham chính đáng, đã tham thì không cái nào chính đáng. Ở đây nói là nhằm hướng dẫn để xác định về nhận định chính đáng trong việc làm, nhằm xây dựng cho Phật tử có được chánh kiến, có được cái nhìn đúng đắn khi đi vào ngôi nhà Phật pháp.

Như đã nói: Trước là giữ vững ngôi Tam Bảo. Giúp Tăng Bảo được sống còn để tiếp nối ngọn đèn chánh pháp của Phật. Kế đó Phật tử phải chịu khó học hỏi nghe pháp.

Đến chùa, nếu chỉ một bề lo cúng dường cơm áo (tứ sự) không, chưa đủ. Người Phật tử phải trau giồi thêm Phật pháp với chư Tăng Ni nữa. Có vậy, việc Phật pháp mới sáng ra và việc tu theo đó mới có lối vào, khi hành không sai lạc. Đó là việc chính yếu, Phật tử phải chú ý.

Tu mà không học là tu mù. Vả lại đó cũng là trợ duyên cho Tăng Ni tự trau dồi để đáp ứng lại chỗ cầu học của Phật tử. Chứ không, không ai hỏi gì hết, khiến Tăng Ni có người cũng lơ là sự tu học kinh điển. Để rồi qua ngày đoạn tháng, chỉ làm một việc cúng kiến lặt vặt có chừng. Như vậy, uổng phí cho cả đời xuất gia học đạo.

Phật tử đến chùa, phải cầu học Phật pháp, và chỉ nên nói về những vấn đề Phật pháp, chớ nên đem việc thế sự lạm bàn. Chỉ mất thời giờ vô ích và làm rối tâm người tu.

Hòa Thượng Thiền Sư Thích Thanh Từ!
Trích trong : Nhặt Lá Bồ Đề – Tập 1

Bài viết cùng chuyên mục

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 9 – Pháp Sư Tịnh Không

Định Tuệ

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 6 – Pháp Sư Tịnh Không

Định Tuệ

Quỷ thần cũng muốn nghe giảng kinh, đặc biệt là Kinh Địa Tạng

Định Tuệ

Năm mươi loài Ấm Ma

Định Tuệ

Tại sao nơi A Di Đà Phật trụ được gọi là thế giới Cực Lạc?

Định Tuệ

Facebook là ảo nhưng tạo nghiệp là thật

Định Tuệ

Người bệnh lâu năm nên niệm A Di Đà Phật hay Địa Tạng Bồ Tát?

Định Tuệ

Thiện pháp viên mãn thường được thân cận chư Phật Bồ Tát

Định Tuệ

Pháp môn Tịnh Độ thù thắng không thể nghĩ bàn

Định Tuệ

Viết Bình Luận