Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Mục đích cuối cùng của sự giáo hóa của Phật A Di Đà

Mục đích cuối cùng của sự giáo hóa của Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương Cực Lạc là vô thượng chánh đẳng chánh giác…

Câu phía dưới đây là nói thành tựu của họ: “Tất thành A-Nậu-Đa-La tam miệu tam Bồ Đề”. Câu này là câu mà người học Phật luôn mong cầu. Đây là thành tựu của học vị. Quả vị thì sao? Quả vị là học vị. Học vị là Phật Đà. Câu nói này là hoàn toàn dịch theo âm tiếng Phạn, không phải không dịch được. Thời xưa dịch kinh, ở trong quy tắc dịch kinh có năm loại không dịch, câu này là thuộc về “tôn trọng nên không dịch”. Ý nghĩa của nó là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. “A” dịch thành vô, “Nậu-đa-la” dịch thành thượng, “Tam” dịch thành chánh, “Miệu” dịch thành đẳng, chữ “Tam” dưới đây cũng là chánh, “Bồ Đề” dịch thành giác, A-nậu-đa-la tam miệu tam Bồ Đề nghĩa là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chánh giác nói cách khác là không phải ảo giác, không phải tà giác. Phàm phu chúng ta, quả thật mà nói, cái giác của phàm phu là ảo giác. Có một số người tu hành ở trong lục đạo cũng có định công, cũng có trí tuệ, thần thông đức năng của họ người thông minh của thế gian chúng ta đều không thể so sánh. Những người này ở trong Phật pháp đều không thể gọi họ là chánh giác.

Tiêu chuẩn của “Chánh” là gì vậy? Kinh Phật có một tiêu chuẩn, tiêu chuẩn rất rõ ràng, phiền não chướng dứt hết rồi thì cái giác đó được gọi là chánh giác. Phiền não chưa dứt hết thì cái giác của bạn không chánh, ở trong cái giác này của bạn còn xen tạp phiền não trong đó. Sao gọi là phiền não? Còn có ngã chấp ở trong đó, nói hơi thô thiển một chút, vẫn còn ý nghĩ lợi ích riêng tư ở trong đó. Chỉ cần có ý nghĩ lợi ích riêng tư, có một ý nghĩ về cái tôi thì không phải chánh giác. Cho nên ở trong quá trình tu học Phật pháp, người chứng được quả A-la-hán mới được gọi là chánh giác. Tam quả dưới A-la-hán cũng không được gọi là chánh giác, họ còn phải đi trên con đường hướng về chánh giác, vẫn chưa đạt được chánh giác. Hướng lên trên nữa, phải đoạn hết phân biệt, đoạn hết trần sa phiền não (trần sa phiền não là phân biệt) thì liền gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác. Cách nói này, quả thật mà nói, vẫn là phương tiện mà thôi, nhưng cũng là sự thật. Tại sao vậy? Bồ Tát quyền giáo không phải Thanh Văn, Duyên Giác, họ đích thực là Bồ Tát, nhưng là Bồ Tát ở trong mười pháp giới. Nếu phá một phẩm vô minh thì liền kiến một phần tự tánh, kinh Phật cũng có nói chứng một phần pháp thân, đây mới là Chánh Đẳng Chánh Giác, danh phù hợp với thực. Bốn mươi mốt phẩm vô minh đoạn hết rồi thì mới gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đó là quả vị của Như Lai, Phật quả của Viên Giáo.

Mục đích cuối cùng của sự giáo hóa của Phật A Di Đà ở thế giới Tây Phương Cực Lạc là vô thượng chánh đẳng chánh giác, không giống chư Phật giáo hóa chúng sanh ở thế giới khác. Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa chúng sanh ở thế giới Ta Bà có chia thành ba giai đoạn là Chánh Giác, Chánh Đẳng Chánh Giác, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không chia thành ba giai đoạn. Theo như cách nói trong trường học hiện nay thì thế giới Tây Phương Cực Lạc chỉ có một lớp tiến sĩ, những lớp khác đều không có. Chúng ta ngày nay đến thế giới Tây Phương Cực Lạc để đi học, Phàm Thánh Đồng Cư độ, hạ hạ phẩm vãng sanh cũng là lớp tiến sĩ. Tại sao vậy? Phật A Di Đà chỉ dạy chúng ta đều là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đây là chỗ thù thắng không gì sánh bằng của thế giới Tây Phương Cực Lạc, những thế giới khác không có. Chư Phật Như Lai ở thế giới khác lập trường học, có thể nói dạy từ lớp mẫu giáo đến lớp tiến sĩ, dạy rất vất vả. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không như vậy, chỉ có lớp tiến sĩ, dưới nữa đều không làm. Việc làm này rất cừ khôi! Chúng sanh địa ngục, chúng sanh đường ác, chỉ cần được vãng sanh cũng là tham gia lớp tiến sĩ. Ở chỗ này phải đặc biệt ghi nhớ, chúng sanh đường ác vì một niệm sai lầm mà đọa đường ác, nhưng họ có thiện căn rất sâu dày. Sự việc này không nên nhìn thấy thật kỳ lạ, có thể là bản thân chúng ta nhất thời hồ đồ làm chuyện sai lầm nên đến địa ngục, vậy thì thật sự phải nương vào Bồ Tát Địa Tạng. Bồ Tát Địa Tạng đến chỉ dạy cho bạn, đánh thức bạn, khiến bạn giác ngộ, khiến bạn quay đầu là bạn được cứu rồi.

“Bất phục canh đọa ác thú”. Nếu như không phải vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, tu hành ở trong cõi nước chư Phật thông thường, chúng ta biết biên độ tiến lên thối xuống rất lớn, cũng tức là nói sẽ thối chuyển. Tại sao nói sẽ thối chuyển vậy? Tập khí ác của chúng ta chưa đoạn hết. Những điều này đều là sự thật. Ở trong đời sống thường ngày của chúng ta, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài vẫn còn khởi ý nghĩ bất thiện, điều này đã chứng minh ác nghiệp của chúng ta chưa hết. Ác nghiệp chưa hết, vào thời điểm này có thiện nghiệp chín muồi, có thể sanh về ba đường thiện. Nhưng phước báo, thọ mạng ở trong ba đường thiện cũng bằng không, cũng không phải chân thực. Điều này tất cả chúng sanh được mấy người hiểu thấu? Sinh vào trong ba đường thiện vẫn mong cầu phú quí, mong cầu trường thọ, vọng tưởng, tham dục một núi, do đó lại tạo ác nghiệp. Đây là vì hưởng phước mà lại tạo ác nghiệp. Cho nên, rất có khả năng họ lại đọa vào đường ác.

Ý nghĩa của câu này của Ngài rất sâu, sau khi sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, không những bạn sẽ không bị đọa đường ác, (phía trước đã nói rồi, vì không có duyên ác), mà những người của thế giới Tây Phương Cực Lạc này đời sống không gian hoạt động của họ thật là quá rộng, tận hư không khắp pháp giới là không gian sinh hoạt của họ. Chúng ta đọc thấy ở trong kinh, mỗi ngày hầu như lúc nào họ cũng đến mười phương thế giới để tham vấn chư Phật Như Lai, ở trong Kinh Di Đà nói mỗi ngày cúng dường mười vạn ức cõi Phật. Mười vạn ức cũng không phải là con số, nó đại biểu cho đại viên mãn. Mười là đơn vị của chữ số viên mãn, cộng thêm vạn ức là đại viên mãn. Tận hư không khắp pháp giới, chúng ta nói quá khứ, hiện tại, vị lai tất cả chư Phật, Bồ Tát, họ mỗi ngày đều đi cúng dường, hằng ngày gần gũi chư Phật Như Lai. Cúng dường Phật thì Phật nhất định vì họ thuyết pháp. Đến thế giới khác cúng dường Phật, nghe pháp cũng sẽ không đọa đường ác. Cái ý này sâu lắm, rộng lắm! Thế giới Tây Phương bảo đảm bạn sẽ không thoái chuyển, không còn đọa nữa, cho dù đến thế giới khác cũng sẽ không bị đọa nữa. Đây là sự thật không thể nghĩ bàn. Cho nên có một nhóm đồng tu nặng về tâm từ bi, mong muốn đời sau vẫn làm pháp sư, vẫn độ chúng sanh, không muốn vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta không thể không bái phục đối với loại người này, nhưng đời sau họ có được vừa ý thỏa lòng hay không? Quá khó nói! Đời sau mình làm chủ không nổi, nghiệp lực đang làm chủ. Không phải đời sau muốn làm người thì làm người, muốn làm pháp sư thì làm pháp sư, muốn làm vua thì làm vua. Nếu được vậy thì quá tốt rồi, thật đúng là vừa lòng hợp ý. Cái khó là khó ở chỗ gọi là “việc không như ý thường đến tám chín”, đủ thứ pháp ở thế gian này không như bạn tưởng tượng đâu! Bản thân hoàn toàn không thể làm chủ được, cũng không phải Phật Bồ Tát làm chủ cho chúng ta, cũng không phải Thượng Đế làm chủ, mà là nghiệp lực làm chủ. Nghiệp lực là chúng ta ở trong đời sống thường ngày khởi tâm động niệm, lời nói việc làm làm chủ tể. Phàm phu trong lục đạo không có người nào mà không bị nghiệp lực chi phối. Không bị nghiệp lực chi phối, ở trong lục đạo không có. Ở mức thấp nhất là pháp giới tứ thánh ở ngoài lục đạo, những người này quả thực chứng được chánh giác và đang tiến bước hướng về mục tiêu chánh đẳng chánh giác, có thể nói họ không bị trôi theo nghiệp lực, mà giống như nhà Phật thường nói: “Thừa nguyện tái lai”, họ có thể theo nguyện lực.

Nguyện lực và nghiệp lực khác nhau chỗ nào vậy? Khác nhau chỗ, nếu là người theo nguyện lực đến thọ sanh thì đúng như trong kinh Kim Cang đã nói là “ngoài không dính tướng, trong không động tâm”, đó là theo nguyện lực đến. Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, trong kinh Kim Cang nói: “Không thủ nơi tướng, như như bất động”, người này mới là người đích thực thừa nguyện tái lai. Nếu như chúng ta thấy sắc, nghe tiếng còn có phân biệt, vẫn còn ý nghĩ sanh khởi thì là nghiệp lực, không phải nguyện lực. Hay nói cách khác, theo nguyện lực mà đến thì thật sự nhìn thấu rồi, thật sự buông xả rồi; còn nghiệp lực là chưa nhìn thấu, cũng chưa buông xả, đây là chỗ không giống nhau. Cho nên đoạn kinh văn này của Phật, chúng ta phải tham cứu thật tỉ mỉ.

Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 105
Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Phật pháp chẳng có gì khác, buông xuống là được

Định Tuệ

Pháp môn Niệm Phật là pháp môn ngay đời này thành Phật

Định Tuệ

Thọ Bồ tát giới tại gia nuôi chó mèo có tội hay không?

Định Tuệ

Khi buông xuống chúng ta sẽ biết rõ, hiểu rõ

Định Tuệ

Chỉ có pháp môn niệm Phật thích hợp khắp ba căn, gồm thâu phàm lẫn thánh

Định Tuệ

Bệnh là quả báo, có thể xoay chuyển được không?

Định Tuệ

Tại sao nói Giới luật là mạng mạch của Phật pháp?

Định Tuệ

Di cung hoán số có làm thay đổi được vận mệnh hay không?

Định Tuệ

Phật Pháp rất bình đẳng, tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật

Định Tuệ

Viết Bình Luận