Thật đúng như trên “Kinh Hoa Nghiêm”, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai”.
Ở trong Đại Kinh đã nói qua với các vị nhiều lần, Pháp Thân Đại Sĩ (cũng chính là Bồ Tát từ Viên Giáo Sơ Trụ trở lên) không có thân tướng, cũng chính là không có chấp “ngã”. Vô tướng thì họ mới có thể hiện tất cả tướng. Vô tướng vô bất tướng, họ có thể hiện tất cả tướng. Vô trí thì họ có thể hiện tất cả trí, không gì không biết. Cho nên ở trên Kinh Phật nói với chúng ta, họ có thể đồng thời hiện ra vô lượng vô biên thân tướng.
Thân tướng hiện ra có phải là giống nhau hay không? Không phải vậy, họ có thể hiện ra vô số thân tướng khác nhau. Như mọi người đọc được ở trong “Phẩm Phổ Môn”, ba mươi hai ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, đáng dùng thân gì để độ thì Ngài liền hiện ra thân đó để độ. Ba mươi hai ứng thân là ba mươi hai loại lớn, trong mỗi một loại vô lượng vô biên sắc tướng, mà mỗi một sắc tướng có thể nói là đều không đồng nhau.
Những tướng này có phải là Bồ Tát có ý hiện ra không? Không phải. Các vị phải nên biết, có ý thì không thể hiện. Hiện tại chúng ta không thể hiện là do nguyên nhân gì? Chúng ta có ý. Có ý thì không thể hiện, vô ý thì có thể hiện. Các vị phải nên biết, cái ý đó là phiền não, không phải là thứ tốt. Cái ý là chấp trước, là vọng tưởng, là phân biệt, cho nên chướng ngại đức dụng của tự tánh. Nếu như chúng ta đem cái ý này xả đi thì có ý nghĩa gì không? Không ý nghĩa gì. Bạn không có ý thì bạn liền tự tại, bạn liền có thể như chư Phật Bồ Tát tự tại thị hiện vậy. Chúng ta ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” thấy được rất rõ ràng, rất tường tận những sự tướng, cảnh giới, đạo lý này. Đó là thật, không phải hư vọng.
Trong sử Phật giáo Trung Quốc có ghi chép, thời đại Tùy Đường còn có những người này. Trong sử truyện của nhà Phật có một bộ sách gọi là “Thần Tăng Truyện”. Ở trong đó ghi chép cũng có đến gần 300 người, họ đều có công năng đặc dị. Khi tôi mới bắt đầu học Phật, tôi ưa thích xem loại sách này. Sau đó thì biết được những năng lực này đều là bản năng của tất cả chúng sanh. Các Ngài có, chúng ta cũng có. Các Ngài có thể thị hiện, còn chúng ta thì không cách gì thị hiện, nguyên nhân là do đâu? Các Ngài không có chướng ngại, chúng ta có chướng ngại, làm cho bản năng của chính mình bị chướng ngại mất, cho nên năng lực này không thể hiển hiện.
Thật đúng như trên “Kinh Hoa Nghiêm”, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai”. Tất cả chúng sanh không chỉ bao gồm tất cả nhân loại chúng ta, mà tất cả súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục đều là chúng sanh. Trí tuệ của mọi người cùng Như Lai quả địa không hề khác nhau. Đức năng của mọi người, tức là nói năng lực này cùng Phật không hề khác biệt.
“Tướng” là hiện tướng, y chánh trang nghiêm cũng giống y như Phật. Phật rất cảm thán mà nói là những chúng sanh này chỉ bởi vọng tưởng, chấp trước mà không thể chứng đắc. Đó là một câu nói đem gốc bệnh của chúng ta nói ra hết. Bởi vì chúng ta có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước, cho nên trí tuệ, đức tướng không thể hiện tiền. Đó chính là nghiệp chướng mà trong Kinh Phật thường nói. Bạn có chướng ngại. Nếu như trừ bỏ chướng ngại này đi thì trí tuệ, năng lực của chúng ta liền hiện tiền. Trí tuệ không thể nghĩ bàn! Thế gian, xuất thế gian, thế nhân thường nói, thiên thượng nhân gian, quá khứ, vị lai, bạn không có thứ gì mà không biết, mọi thứ đều tường tận, đó là trí tuệ của bạn. Bạn vì sao mà biết được? Bạn vốn dĩ biết được.
Hiện tại khoa học gia thường hay nghĩ vũ trụ từ do đâu mà có, sanh mạng từ đâu mà có. Đều ở nơi đó mà truy cứu, đều ở nơi đó mà thăm dò. Họ có thể có được đáp án chính xác không? Thành thật mà nói, vĩnh viễn không có được đáp án chính xác. Vì sao vậy? Bởi vì chướng ngại của họ chưa được đoạn dứt. Chướng ngại chướng mất đi trí tuệ của họ, cho nên họ làm sao có thể nghiên cứu, thăm dò? Thảy đều là rơi vào vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, không cách gì hiểu được chân tướng sự thật.
Phật nói với chúng ta, nếu như chân thật muốn hiểu rõ chân tướng sự thật thì không khó, chỉ cần buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì trí tuệ, đức tướng vốn sẵn có trong tự tánh của bạn liền hiện tiền. Đến lúc đó thì thấu suốt chân tướng. Chân tướng rốt cuộc là như thế nào vậy? Giống như Phật đã nói trên “Kinh Hoa Nghiêm”. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói chính là chân tướng sự thật.
Đó là Phật nói với chúng ta, còn chúng ta chưa thấy được. Phật dạy bảo chúng ta trừ bỏ đi chướng ngại thì chân tướng sự thật liền ở ngay trước mặt bạn. Sau khi nghe Phật nói Kinh thì có được lợi ích gì? Làm ấn chứng cho chúng ta, xem thử chân tướng sự thật mà chúng ta đã thấy, cái chúng ta đã tiếp xúc có thể như Phật đã nói hay không? Đó là một cách dùng khác của Kinh điển, là làm một chứng minh cho chúng ta.
Do đây có thể biết, mục đích cuối cùng của học Phật là ở đâu vậy? Chúng ta vì sao phải học Phật? Học Phật là vì cái gì? Vì để hồi phục lại bổn lai diện mục của chúng ta mà thôi. Nếu muốn nói cạn một chút, mục đích của học Phật chính là dạy cho bạn nhận biết được chính mình, nhận biết hoàn cảnh đời sống của chính mình. Nếu như bạn không nhận biết được chính mình, không hiểu rõ hoàn cảnh đời sống của chính mình, ở trong Phật pháp gọi là phàm phu, gọi là mê hoặc. Tường tận rồi thì gọi là giác ngộ.
Sau khi giác ngộ, bạn tự nhiên liền có loại năng lực này. Không gian đời sống của bạn không phải bị bó buộc ở một khu vực, mà không gian đời sống vô cùng rộng lớn, là tận hư không khắp pháp giới, ở nơi nào có cảm thì nơi đó liền có ứng. Chư Phật, Bồ Tát hiện thân biến du mười phương cõi nước không phải là có ý mà đi. Đạo lý này nhất định phải hiểu. Chúng sanh có cảm thì Ngài liền có ứng, cảm ứng tương thông. Cho nên Thế Tôn ở trong hội Lăng Nghiêm nói rằng, chư Phật Bồ Tát tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp.
Bạn nói xem, tự tại dường nào! Loại năng lực này chúng ta tổng kết quy nạp lại mà nói, thì chính là các Ngài “tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm Tam Muội”. Hoa Nghiêm Tam Muội phía trước đã nói qua. Đơn giản mà nói, họ đã tường tận chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Nhân sanh chính là bản thân chính ta. Vũ trụ chính là hoàn cảnh đời sống của chúng ta. Chân tướng này họ đã tường tận rồi.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 45
Tâm Hướng Phật/St!