Niệm Phật đúng pháp là “tâm tiếng hiệp khắn nhau”. Tiếng ở đâu thì tâm ở đó, tâm ở đâu thì tiếng ở đó. Niệm thầm hay ra tiếng đều phải vậy.
Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh chỉ dạy Niệm Phật đúng Pháp
Niệm Phật đúng pháp là “tâm tiếng hiệp khắn nhau”. Tiếng ở đâu thì tâm ở đó, tâm ở đâu thì tiếng ở đó. Niệm thầm hay ra tiếng đều phải vậy. Thế nên, lúc ứng dụng tu đúng hay không đúng tự mình dễ dàng phân biệt. Muốn niệm đúng pháp cũng khó lắm! Tâm phải theo tiếng rất khó! Khó kềm, khó nhiếp cho đến phải dùng xâu chuỗi, nhờ lần chuỗi để trói buộc cái tâm loạn tưởng lại, chứ không phải lần chuỗi thiệt lẹ hột này rồi đến hột khác.
Thuở trước, tôi tự tìm cách để niệm Phật. Lúc ngồi lại niệm Phật thầm, tôi định thời gian là một xâu chuỗi. Ban đầu niệm đủ ba câu Phật hiệu rồi lần một hột, nhưng ba câu Phật này phải chắc chắn, nếu nó xao lãng không rõ ràng thì bỏ, lại niệm ba câu khác. Sau đó, tiến lên năm câu lần một hột, rồi đến bảy câu lần một hột, sau rốt mười câu lần một hột. Nếu lúc niệm Phật mà có một chút xao lãng, tạp niệm xen vào thì mười câu đó bỏ, niệm mười câu khác. Nhiếp tâm không dễ dàng, phải chuyên cần tinh tấn, nắm cho thật vững chắc. Nếu tu hành lơ là để phí thời gian thì thật vô ích. Mình tu đúng thì chính mình được thành tựu, do đó phải cố gắng.
Lúc được “Bất niệm tự niệm” trong tâm biết rất rõ ràng như từ chỗ điểm A bước đến điểm B, được rồi thì nhất định không bao giờ mất, chắc thật không phải mờ mịt. Đến bây giờ, tôi chỉ được chỗ này thôi. Các huynh đệ đừng nghĩ rằng, các vị Thánh xuôi chân nằm ngủ ngáy khò khò như mình đâu, nghĩ vậy là sai. Tôi được một chút đó mà cái ngủ đã tự nhiên mất, nếu có thì chỉ thỉnh thoảng.
Các pháp môn khác cũng vậy, lúc còn phàm phu thì chưa có đạo lực, ở pháp Phật được chút gì thì gọi là đạo lực. Đã có sức mạnh trên đường đạo ắt phải khác hẳn lúc chưa có.
Cách đối trị các bệnh khi niệm Phật
Người niệm Phật thường bị các bệnh sau: “Phan Duyên, Hôn Trầm, Tán Loạn và Vô Ký”.
1. Phan Duyên: Là các căn, nhất là Mắt, Tai, Mũi, chạy theo “Duyên Trần”, Sắc “cảnh đẹp”, Thinh “âm thanh”, Hương “mùi thơm”…
– Đối Trị: Làm ngơ “xả bỏ” ngoại cảnh, tập trung tâm ý “thâu nhiếp các căn” vào câu Phật hiệu.
2. Hôn Trầm: Là Buồn Ngủ, “ngủ gục”.
– Đối Trị: Thay đổi tư thế, phương cách, nhịp độ như đang tịnh tọa thì đổi thành đi kinh hành, hay lễ Phật. Đang niệm thầm thì đổi thành niệm ra tiếng. Đang niệm ra tiếng hay niệm thầm thì gia tăng tốc độ “niệm nhanh hơn”.
3. Tán Loạn: Là Vọng Niệm, “vọng tưởng” khởi dậy quá mạnh, suy nghĩ tứ tung, loạn xạ.
– Đối Trị: Áp dụng phương pháp phản văn trì danh, miệng niệm tai nghe. Tập trung tinh thần, lắng lòng “thu nhiếp các căn” khởi dậy câu niệm Phật hiệu rành rẽ, rõ ràng từng chữ, từng câu một.
– Đối với người Sơ Cơ “mới tập niệm Phật” dùng phương pháp trên không hiệu quả thì dùng phương pháp Thập Niệm Ký Số, như sau: Niệm rành rẽ, rõ ràng bốn chữ hay sáu chữ cũng được, niệm câu nào nhớ câu nấy, không được lần chuỗi, chỉ dựa vào tâm để nhớ. Niệm nhớ đủ mười câu, bắt đầu niệm nhớ lại từ một đến mười. Luân chuyển mãi như thế.
Không được quá mười câu. Niệm rõ ràng, nhớ phân minh, nghe rành rẽ, không xen tạp, không gián đoạn, không có kẽ hở, làm sao vọng niệm chen vào được.
4. Vô Ký: Là trạng thái không “hôn trầm, không tán loạn, lưng chừng, mơ mơ, màng màng, nửa thức, nửa ngủ, nửa tỉnh nửa mê”. Có người lầm tưởng là Đắc Định.
Đối Trị: Giống như Tán Loạn, hoặc Hôn Trầm như trên đã nói.
4 vấn đề trên đây nói chung cách đối trị tổng quát, mỗi người có căn tánh, trình độ khác nhau nên khéo léo, linh động, uyển chuyển áp dụng cách đối trị của riêng mình.
Trích: Những Lời Dạy Của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh!
Tâm Hướng Phật/St!