Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Người ăn chay có được ăn trứng hay không?

Ăn chay có được ăn trứng hay không? Người ăn chay ăn trứng gà (trứng gà ta, trứng gà công nghiệp), trứng vịt, trứng cút có được không?

1. Ăn chay có được ăn trứng hay không?

Hiện nay có rất nhiều người trên thế giới thực hành ăn chay. Có người ăn chay trường, có người ăn chay kỳ, có người ăn chay tùy thích… và họ ăn chay cũng vì nhiều mục đích khác nhau như tôn giáo, đạo đức, khấn nguyện, sức khỏe hay đơn giản chỉ là để thay đổi khẩu vị.

Theo các nhà nghiên cứu ẩm thực, cách thức ăn chay của người phương Tây và trên thế giới nói chung hiện nay gồm ba nhóm chính như sau:

(1) Ăn chay có uống sữa và ăn trứng nhưng không ăn thịt cá gà vịt và những loại hải sản khác.

(2) Ăn chay có uống sữa nhưng không ăn trứng, thịt cá gà vịt và những loại hải sản khác.

(3) Ăn chay hoàn toàn, không ăn tất cả thực phẩm là động vật hoặc các sản phẩm chiết xuất từ động vật.

Trong các sách, tài liệu dạy nấu ăn chay trên thị trường, những nhà ẩm thực thiết kế thành phần các món ăn chay dựa trên ba quan điểm này. Đối với các thực phẩm chay đã được đóng gói thì nhà sản xuất có ghi rõ thành phần để người tiêu dùng tự lựa chọn.

Riêng việc ăn chay trong truyền thống Phật giáo Việt Nam hiện nay, theo thiển ý và quan sát của chúng tôi, có sự phối hợp của cả ba cách ăn chay trên. Trước hết, cách ăn chay (2) là phổ biến nhất, chư Tăng và Phật tử tuy không ăn thịt cá và trứng nhưng uống sữa và ăn các thực phẩm chế biến từ sữa. Trong trường hợp không dùng trứng, sữa, phó-mát chỉ ăn ngũ cốc cùng tương dưa rau củ quả… thì đã ăn chay theo cách (3).

Từ khi có trứng gà công nghiệp (theo quy trình sản xuất thì loại trứng này không chứa mầm sống) bán rộng rãi trên thị trường thì một số người và một số nơi ăn chay theo cách (1), ăn chay có sữa và trứng (sản xuất công nghiệp). Có điều, người ăn chay theo cách (1) này không nhiều và không phổ biến, bởi còn một số vấn đề… bất đồng và nhạy cảm, đơn cử như hình thức của hai loại trứng gà công nghiệp và trứng gà ta (có mầm sống) khá giống nhau.

Và hiện Giáo hội cũng chưa ban hành một văn bản mang tính giáo quy hay giới luật nào quy định cụ thể về việc ăn chay ngoài các tiêu chuẩn và nguyên tắc ăn chay truyền thống như không ăn thịt, không sát sanh, nuôi dưỡng lòng từ…, nên người Phật tử Việt Nam ăn chay theo cách nào (3), (2) hay (1) hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định chọn lựa của cá nhân, phù hợp với điều kiện sức khỏe, tu học của mỗi người. – “Như Nhiên – Quảng Tánh (Phatgiao.org.vn!)”.

2. Phật tử và việc ăn chay

Lời Phật dạy: “Ăn chay là cốt yếu để nuôi dưỡng lòng từ bi và tinh thần bình đẳng. Phật tử không lý nào lại không thực hành đức từ bi trong đời sống của mình từ ý nghĩ, lời nói, cho đến cách ăn uống”.

Chữ chay nguyên âm là Trai, dịch từ Phạn âm Ô ba va sa tha (Upavasatha), có nghĩa là Thanh Tịnh và một nghĩa nữa là Thời thực. Thời thực là dùng bữa ăn trưa vào giờ Ngọ và Phi Thực là ăn trưa sau giờ Ngọ. Theo quan niệm phổ thông của Phật tử Ðại thừa Việt Nam, ăn chay là dùng những chất thanh đạm, không ăn cá thịt và các thứ hôi nồng thuộc về loại ngũ tân vị (năm món gia vị có mùi cay nồng gồm: Hành, hẹ, tỏi, kiệu và hưng cừ).

Sở dĩ phải như vậy vì việc dùng chay mang đến cho con người một sự thân tâm, thanh tịnh, tránh được nhiều bệnh tật trong cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra ăn chay tăng thêm phần công đức trên phương diện tiến tu qua lời dạy của đức Phật là vì lòng thương xót chúng sinh; tránh ác báo của nghiệp sát và muốn dứt tâm tham nhiễm nơi vị trần.

Còn theo cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm, điều cần yếu là khi ăn phải từ nơi cơ bản thiết thực của nó. Không nên vì mê tín phi lý, vì háo danh muốn được tiếng khen mà ăn, hoặc sinh lòng kiêu mạn trở lại khinh người ăn mặn.

Bên cạnh đó, theo đạo Phật có hai phương thức ăn chay là chay trường và chay kỳ. Đối với ăn chay trường là tự nguyện suốt đời dùng chất thanh đạm, không thọ dụng đồ huyết nhục. Còn ăn chay kỳ thì theo những ngày trong tháng, trong năm. Cụ thể là Nhị trai, Tứ trai, Lục trai, Thập trai, Nhất ngoạt trai, Tam ngoạt trai.

Theo đó Nhị trai là ăn chay mỗi tháng hai lần vào ngày mùng một và rằm. Tứ trai là ăn bốn lần chay trong tháng, vào ngày mùng một, mùng tám, rằm, hăm ba (hoặc ba mươi, mùng một, mười bốn, rằm).

Nhất ngoạt trai là ăn chay luôn trong một tháng, vào tháng giêng, tháng bảy, hay tháng mười. Cách thức ăn chay như những ngày trên, đây chẳng qua là bước tập lần để đi đến trường trai mà thôi.

Bởi ăn chay dù rằng hữu ích và hợp lý nhưng cũng tùy theo hoàn cảnh và căn cơ, không phải người Phật tử nào cũng có thể bỏ ăn mặn liền trong một lúc được. Vì muốn đạt mục đích trường trai, có người không y theo lệ trên, mỗi tháng tập ăn chay từ năm, mười, mười lăm ngày, lần lần cho đến trọn tháng.

Lục trai là ăn chay trong các ngày mùng 8, 14, 15, 23, 29, 30 (tháng thiếu 28, 29 – PV) còn Thập trai là ăn chay mười ngày trong mỗi tháng.

Các thuyết Lục trai, Thập trai và Tam ngoạt trai đều có điểm. Theo kinh Phạm Võng, đức Phật dạy không nên dùng ngũ tân gia vị vào thức ăn vì những thứ ấy làm cho thân thể hôi và dễ sanh các phiền não như ái dục, sân hận.

Như thế thì muốn cho sự tu phước thêm phần toàn vẹn, vào ngày Lục trai hay Thập trai, người phật tử nên thọ trì Bát quan trai giới (tám giới phải giữ – PV), song phải ăn lạt và không dùng ngũ vị tân.

“Người Phật tử ăn chay đều nên tùy hoàn cảnh, khả năng tập lần, để tiến bước. Không nên ép xác cố ăn một cách quá kham khổ. Hãy chọn lựa thay đổi thường xuyên các món ăn thích hợp và vệ sinh” – Lời khuyên của cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm.

Các ngày ăn chay

  • 02 ngày: Mùng 1 và Rằm (15)
  • 04 ngày: Mùng 1, 14, 15 và 30
  • 06 ngày: Mùng 8, 14, 15, 23, 29 và 30
  • 08 ngày: Mùng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24 và 30
  • 10 ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30
  • 01 tháng: Tháng giêng hoặc tháng 4 hoặc tháng 7 hoặc tháng 10
  • 03 tháng: Tháng giêng, tháng 7 và tháng 10
  • 04 tháng: Tháng giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10
  • Trường trai: Ăn quanh năm suốt tháng

Tâm Hướng Phật!

Bài viết cùng chuyên mục

Chúng ta học Phật thì phải biết, Phật giáo là giáo dục Thánh Hiền

Định Tuệ

Quả báo của quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Định Tuệ

Một vọng niệm chính là một nghiệp nhân

Định Tuệ

Niệm Phật thành Phật là thật, còn lại đều là giả

Định Tuệ

Những ai muốn thay đổi cuộc đời của mình, hãy học Kinh Địa Tạng

Định Tuệ

Trách nhiệm của người Phật tử tại gia đối với Tam Bảo

Định Tuệ

Phật tử đi chùa cúng Phật để làm gì?

Định Tuệ

Lòng tin là gốc vào đạo, là mẹ đẻ mọi công đức

Định Tuệ

Quỷ thần đều nhìn thấy tất cả thiện ác của chúng ta

Định Tuệ

Viết Bình Luận