Tín, Nguyện, Hạnh là tư lương của kẻ đi đường xa về Cực Lạc. Đối với sự vãng sanh, ba điều này có tánh cách liên đới nhau, thiếu một, tất không thành tựu.
Tiết 21. Tánh Cách Trọng Yếu Của Sự Phát Nguyện
Như trên đã nói, yếu chỉ của môn Tịnh Độ là Tín, Nguyện, Hạnh. Muốn vào cửa pháp này, trước tiên hành giả phải tin cõi Cực Lạc có thật, và đức A Di Đà luôn luôn hộ niệm, sẵn sàng tiếp dẫn chúng sanh nào quy kính, niệm sáu chữ hồng danh kêu gọi đến Ngài. Lòng tin như thế gọi là Tín. Sau khi đã có lòng tin, hành giả phải phát tâm chơn thiết cầu thoát ly cõi Ta Bà đầy khổ lụy chướng duyên, mong muốn sanh về miền Cực Lạc an vui, sự thanh tịnh trang nghiêm vô lượng, để tu tiến hoàn thành mục đích tự độ độ tha. Đó gọi là Nguyện. Và khi đã phát nguyện như thế, lại cần phải thiết thật xưng niệm danh hiệu đức A Di Đà cho đến trình độ tâm Phật tương ưng, để được tiếp dẫn. Đây gọi là Hạnh. Chương trước nói “Niệm Phật phải dứt trừ lòng nghi” là thuyết minh về Tín. Chương này giảng luận về Nguyện. Chương kế sau tiếp tục đề cập đến phần hành trì, tức là Hạnh. Tín, Nguyện, Hạnh còn gọi là ba món tư lương của môn Tịnh Độ. Ví như người đi xa phải cụ bị chăn mùng thuốc men, thức ăn mặc, và tiền bạc, để có đủ sự cần dùng khi lên đường. Người tu Tịnh Độ cũng thế, thiếu lòng tin không thể phát Nguyện. Có Tín, Nguyện mà chẳng thật hành, tức tu phần Hạnh, chỉ là Tín, Nguyện suông. Và nếu Hạnh đầy đủ mà thiếu sót Tín, Nguyện thì sự thật hành đó lạc lõng, không có tiêu chuẩn, đường lối. Cho nên Tín, Nguyện, Hạnh là tư lương của kẻ đi đường xa về Cực Lạc. Đối với sự vãng sanh, ba điều này có tánh cách liên đới nhau, thiếu một, tất không thành tựu.
Ngẫu Ích đại sư, một bậc tôn túc về Tịnh Độ đã dạy: “Được vãng sanh cùng chăng toàn do Tín, Nguyện có hay không, phẩm vị thấp cao, đều bởi hành trì sâu hoặc cạn.” Ngài lại bảo: “Nếu không Tín, Nguyện, dù trì niệm câu hồng danh cho đến gió thổi không vào, mưa sa chẳng lọt, vững chắc như tường đồng vách sắt, cũng không được vãng sanh.” Người niệm Phật tinh chuyên mà thiếu Tín, Nguyện, tùy công phu sâu cạn kết quả chỉ được hưởng phước báu nhơn thiên, khi hết phước vẫn phải bị luân hồi như cũ. Như tại Việt Nam ta, vào đời Hậu Lê, có một vị sư ở chùa Quang Minh, công hạnh niệm Phật tuy sâu mà vì Nguyện tâm không chí thiết, nên khi mãn phần chuyển sanh làm một vị đế vương triều nhà Thanh bên Trung Hoa. Về sau nhà vua nhân dùng nước giếng của chùa ấy để rửa vết chữ son ghi tiền kiếp của mình trên vai, mới cảm khái làm mấy bài thi. Trong ấy có hai câu:
Ngã bảng Tây Phương nhứt Phật tử,
Vân hà lạc tại đế vương gia?
Ý nói: Ta vốn là con của Phật A Di Đà ở Tây Phương, cớ sao lại lạc vào nhà đế vương như thế này? Tuy vua biết kiếp trước mình là vị sa môn niệm Phật ở chùa Quang Minh, nhưng vì trong ngôi vị đế vương, cảnh phước lạc quá nhiều, nên cũng không tu hành được. Niệm Phật mà thiếu Tín, Nguyện kết quả là như thế! Cho nên, xét kỹ lại lời của Ngẫu Ích đại sư, ta thấy phẩm vị cao thấp không phải là vấn đề, mà vấn đề chính là: “được vãng sanh cùng chăng.” Mà muốn được vãng sanh, Tín Nguyện là điều kiện phải có, và điểm cần yếu nhất lại là chữ Nguyện. Đại sư lại nhấn mạnh: “Nếu Tín Nguyện bền chắc, khi lâm chung, chỉ xưng danh hiệu mười niệm hay một niệm, cũng quyết được vãng sanh. Trái lại, công hành trì tuy vững như vách sắt tường đồng, mà Tín Nguyện yếu, kết quả chỉ hưởng được phước báo nhơn thiên mà thôi.” Lời này chỉ rõ: thà Tín, Nguyện bền chắc, dù phần Hạnh kém ít cũng được vãng sanh giải thoát. Xem đây ta thấy, đối với người tu Tịnh Độ, tâm Nguyện chơn thiết có tánh cách trọng yếu là dường bao!
Tiết 22. Kinh Văn Khuyên Phát Nguyện
Về động lực hướng dẫn của chữ Nguyện, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Người này khi sắp mạng chung, trong khoảng sát na rốt sau, tất cả các căn thảy đều tan hoại, tất cả quyến thuộc thảy đều lìa bỏ, tất cả oai thế thảy đều lui mất. Duy có nguyện vương này chẳng rời bỏ nhau, trong tất cả thời, nó đều dẫn dắt ở trước. Và trong khoảng một sát na, kẻ ấy liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.”
Bởi thấy rõ công dụng cần yếu của sự phát nguyện, nên trong Kinh A Di Đà, đức Thích Tôn cứ mãi nhắc đi nhắc lại điểm ấy, qua các đoạn văn như sau:
“Lại nữa, Xá Lợi Phất! Chúng sanh về cõi nước Cực Lạc đều là hàng A Bệ Bạt Trí. Trong ấy có nhiều bậc Nhất Sanh Bổ Xứ, số lượng rất đông, không thể dùng toán số tính biết được, chỉ có thể lấy số không lường không ngằn a tăng kỳ để nói mà thôi. Xá Lợi Phất! Chúng sanh nghe rồi, phải nên phát nguyện cầu sanh về cõi kia. Bởi tại sao? Vì được cùng các bậc thượng thiện nhơn như thế đồng họp một chỗ.
… Xá Lợi Phất! Ta thấy sự lợi ích đó, nên nói lời này. Nếu có chúng sanh nào nghe lời nói đây, phải nên phát nguyện cầu sanh về quốc độ ấy.
… Xá Lợi Phất! Nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh về nước Phật A Di Đà, những người đó hoặc đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh, đều được không thối chuyển nơi quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề ở cõi nước kia. Cho nên Xá Lợi Phất! Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn nếu có lòng tin, phải nên phát nguyện cầu sanh về quốc độ ấy.”
Như trên, ta thấy đức Thích Tôn mãi nhắc đi nhắc lại hai chữ “phát nguyện” lời ý đều khẩn thiết. Cho đến phần kết cuộc của kinh văn, Ngài cũng vẫn đôi ba phen bảo phải phát nguyện cầu sanh. Tại sao thế? Vì nếu về cõi Cực Lạc, sẽ được ở cảnh giới vô cùng mầu đẹp trang nghiêm, được thân kim cương đủ ba mươi hai tướng tốt, dứt hẳn nỗi khổ sanh già bịnh chết; được gần gũi Phật, chư đại Bồ Tát và hội họp với các bậc thượng thiện nhơn; được thần thông Tam Muội, không còn thối chuyển nơi quả vô thượng Bồ Đề. Bởi trí huệ của Phật nhìn thấy rất nhiều sự lợi ích như thế, Ngài mới vận lòng từ bi vì cứu độ loài hữu tình mà khuyên phát nguyện vãng sanh. Lòng bi mẫn của đức Thích Ca Thế Tôn, thật là vô lượng.
Tiết 23. Thử Xét Qua Những Tâm Nguyện Cầu Vãng Sanh
Nơi Kinh Vô Lượng Thọ, đức Thích Tôn đã kể lược qua trong mười bốn quốc độ có bao nhiêu Bồ Tát được sanh về Cực Lạc. Riêng cõi Ta Bà này có sáu mươi bảy ức bậc Bất Thối Bồ Tát được vãng sanh, còn số tiểu hạnh Bồ Tát và những chúng sanh tu tập chút ích công đức được vãng sanh nhiều không xiết kể! — mười ba quốc độ kia, là cõi nước của các đức Phật như: Viễn Chiếu Như Lai, Bảo Tạng Như Lai, Vô Lượng Âm Như Lai, Cam Lồ Vị Như Lai, Long Thắng Như Lai, Thắng Lực Như Lai, Sư Tử Như Lai, Ly Cấu Quang Như Lai, Đức Thủ Như Lai, Diệu Đức Sơn Như Lai, Nhơn Vương Như Lai, Vô Thượng Hoa Như Lai, Vô Úy Như Lai; mỗi quốc độ có từ mười ức cho đến vô số Bồ Tát vãng sanh về Cực Lạc. Đây là chỉ kể những bậc đại Bồ Tát; còn hàng tiểu hạnh Bồ Tát và phàm phu thì nhiều không thể nói xiết được! Đức Phật lại bảo: “Đó là chỉ lược thuật qua trong mười bốn quốc độ. Nếu phải kể tất cả hàng Bồ Tát ở mười phương thế giới sanh về Cực Lạc, thì dù có nói luôn đêm ngày trong một kiếp cũng không thể hết!”
Có người hỏi: – Như thế cõi Cực Lạc làm sao dung chứa cho xiết được?
– Xin đáp: Theo trong kinh, có đức Phật lấy một cõi đại thiên làm một Phật độ. Có đức Phật lấy nhiều hằng hà sa cõi đại thiên làm một Phật độ. Như Kinh Pháp Hoa nói, ngài Phú Lâu Na sau sẽ thành Phật hiệu là Phát Minh Như Lai; đức Phật này lấy hằng hà sa cõi đại thiên thế giới làm một Phật độ. Đức Thích Ca Thế Tôn ta làm giáo chủ một cõi đại thiên gọi là Ta Bà, gồm một ngàn triệu thế giới nhỏ. Ngài hóa thân thành một ngàn triệu đức Thích Ca ở những thế giới nhỏ ấy, thị hiện từ lúc giáng sanh cho đến nhập Niết Bàn để thuyết pháp. Thế thì cõi Cực Lạc có thể bao gồm từ ức triệu đến hằng hà sa cõi đại thiên lo gì không đủ chỗ dung chứa! Lại nữa, y báo tùy nơi chánh báo mà hiện. Nếu số người vãng sanh đông nhiều bao nhiêu, tất cảnh giới cũng tùy đó mà hiện rộng rãi bấy nhiêu. Nguyện lực và phước lực của Phật A Di Đà vô biên, có thể tùy số vãng sanh mà trang nghiêm tịnh cảnh.
– Lại hỏi: Theo Kinh A Di Đà, mỗi phương trong mười phương thế giới, có hằng hà sa số chư Phật đều ở nơi quốc độ mình khen nói pháp môn Tịnh Độ, khuyên sanh về Cực Lạc. Như vậy, có thể đồng thời vô lượng chúng hữu tình đều vãng sanh, Phật A Di Đà làm sao tiếp dẫn cho xiết?
– Đáp: Như trên trời chỉ một vầng trăng mà từ nhiều biển sông ao hồ to, cho đến mỗi hạt sương nhỏ, đều có bóng nguyệt và nhuần thắm ánh trăng. Lại tùy theo địa phương mình, mỗi người đều trông thấy và tiếp nhận được ánh trăng mát dịu. Lời xưa nói:
Hoa nở không phân nhà đói khó.
Trăng soi đồng sáng khắp non sông.
Phật A Di Đà cũng thế, với chân tâm sáng lặng bao hàm, Ngài có thể phóng vô lượng ánh quang minh, nhiếp thọ từ bậc đại Bồ Tát đến chúng sanh nhiều tội ác xưng niệm câu hồng danh, và đồng thời tùy cơ hiện ra số thân như vi trần tiếp dẫn vô lượng chúng hữu tình khắp mười phương sanh về Cực Lạc.
Như trên, ta thấy chúng sanh sanh về Cực Lạc nhiều không thể kể xiết, còn hơn vô số điểm giọt mưa. Nhưng xét chung về tâm nguyện cầu sanh của những vị ấy, ta có thể chia làm ba hạng:
Hạng thứ nhất, là những phàm phu thấp kém nhưng chân thật, không hiểu công đức cùng sự trang nghiêm ở Tịnh Độ, chỉ cảm nghĩ đời sống nhiều vất vã khổ nhọc, cõi Ta Bà đầy chán nản lo phiền, nên nguyện sanh về cõi nước thanh tịnh an vui.
Hạng thứ hai, tuy cũng là phàm phu nhưng có trí huệ và chí nguyện lớn, muốn sanh về Cực Lạc để bảo đảm thoát ly nẻo luân hồi, mau chứng đạo quả, hoàn thành chí nguyện tự độ độ tha.
Hạng thứ ba, gồm từ hàng tiểu thánh đã thoát ly vòng sống chết cho đến bậc Đẳng Giác Bồ Tát, vì muốn mau tiến lên thượng địa, muốn học hỏi diệu pháp thành Phật, nên phát nguyện vãng sanh.
Như vậy, ta thấy cầu về Tịnh Độ không phải chỉ có hạng người vì chán cảnh khổ miền ngũ trược, mà cũng có hạng người vì thương xót muốn tế độ chúng sanh cõi Ta Bà; cho đến những bậc vì trên cầu Phật đạo, dưới độ quần mê ở khắp mười phương thế giới. Tuy sở nguyện có thấp cao, nhưng khi đã sanh về Cực Lạc, thì cũng đồng được sự lợi ích như nhau, nghĩa là tất cả đều không thối chuyển, đạt đến mục đích thành Phật lợi sanh. Cổ đức đã bảo: “Pháp môn Tịnh Độ rất cao thâm mầu nhiệm, duy có Phật với Phật mới biết hết được, vì bậc Đẳng Giác còn nguyện vãng sanh, ngôi Nhất Sanh Bổ Xứ còn phải trụ nơi miền Cực Lạc để học hỏi. Các kinh Đại Thừa như: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Đại Bảo Tích v.v… đều khen ngợi Tịnh Độ và đề cập đến sự vãng sanh.” Pháp môn đã vi diệu đem lại nhiều sự lợi ích như thế, tuy có vô lượng vô biên chúng hữu tình ở mười phương sanh về Cực Lạc, nhưng đức Thích Tôn chưa mãn ý, còn muốn cho số tín nguyện vãng sanh càng được nhiều hơn. Cho nên trong Kinh Vô Lượng Thọ, Ngài đã than thở và khuyến tấn:
Cõi Phật Vô Lượng Thọ
Hàng Thanh Văn, Bồ Tát
Công đức và trí huệ
Không có thể khen nói!
Lại nơi cõi nước kia
Nhiệm mầu cực an vui.
Sự thanh tịnh như thế,
Sao không gắng làm lành
Mà niệm đạo tự nhiên?…
Đều phải siêng tinh tấn
Gắng sức tự mong cầu
Vãng sanh cõi An Lạc.
Tất lên chỗ siêu tuyệt
Vượt ngang năm nẻo ác
Ác đạo tự nhiên đóng
Thăng đạo không cùng tận.
Dễ sanh mà không người!
Cõi kia không cảnh nghịch
Tự nhiên thuận tiến lên.
Sao không xả việc đời
Siêng tu cầu đạo đức?
Để được kiếp sống lâu
Thọ, vui không cùng cực…
Lại cũng trong Kinh Vô Lượng Thọ, để tỏ sự trân quý tuyệt vời của môn Tịnh Độ, đức Thế Tôn đã nói: “Giả sử có cơn lửa lớn cháy phừng đầy khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, vì cầu nghe kinh pháp này phải vượt ngang qua nơi ấy, cũng nên vui vẻ tin ưa mà cầu, để được thọ trì đọc tụng, như lời dạy mà tu hành. Tại sao thế? Bởi vì có rất nhiều bậc Bồ Tát muốn nghe kinh này mà không được nghe. Nếu có chúng sanh nào được nghe và tín thọ kinh này, tất sẽ không thối chuyển nơi đạo Vô Thượng.”
Kinh pháp đã quý báu có nhiều lợi ích như thế, nên đức Thế Tôn từng căn dặn sau khi Ngài diệt độ, không nên sanh lòng nghi hoặc đối với pháp này. Nhưng tiếc thay, có những kẻ học Phật chưa thấu đáo đã không tin, lại đem kinh này giải thích theo lối chấp lý bỏ sự, thành ra xuyên tạc hủy báng, thật đáng thương buồn! Các bậc tôn túc khi xưa đã nói: “Đối với môn Tịnh Độ, duy có hai hạng người được lợi ích. Một là hạng tối dốt nhưng chân thật chỉ nghe lời dạy liền một bề tin nhận mà hành trì theo. Hai là hạng trí huệ sâu có căn lành về Tịnh Độ, thông suốt tánh tướng, hiểu rõ công đức niệm Phật, nên quyết lòng tín phụng. Còn hạng trí thức thông thường, hiểu cho thâm đáo thì không hiểu thấu, mà tin như kẻ tối dốt họ lại không thể tin. Vì thế hạng này khó được sự lợi ích.”
Nhưng, mọi sự đều có nhân duyên. Chỉ mong cho những vị được phước phận với môn này, sau khi nghe lời dẫn giải trên, càng củng cố thêm lòng tín nguyện.
Trích: Niệm Phật Thập Yếu – Nguyện Thiết, Động Lực Chánh của Sự Vãng Sanh!