Người học Phật ban đêm đừng ngủ trần truồng, phải mặc áo, quần đùi, tâm thường như đối trước Phật. Ăn cơm chớ nên quá mức.
Người học Phật nên giữ tấm lòng tốt lành, nói lời tốt lành, làm chuyện tốt lành. “Giữ tấm lòng tốt lành” là phàm những ác niệm nghịch trời trái lý, tổn người lợi mình đều chẳng cho khởi lên. Nếu khởi lên bèn lập tức sanh lòng hổ thẹn, sám hối khiến cho nó tiêu diệt ngay.
Phàm những tâm hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ, lợi người, lợi vật đều thường gìn giữ, hễ sức làm được bèn sốt sắng làm. Chẳng thể làm thì tâm cũng thường nghĩ đến điều ấy.
“Nói lời tốt lành” là phải nói những lời có ích cho người, hữu ích cho vật; chứ không phải là muốn cho người khác nghe xong vui sướng mà gọi là lời tốt lành!
Như giáo huấn con cái và khuyên người làm lành, khuyên người kiêng ác, khuyên người giữ vẹn luân thường, khuyên người tu phước v.v… “Làm việc tốt lành” là tích cực làm những chuyện hiếu dưỡng cha mẹ, tôn kính anh, hòa thuận với họ hàng, sửa đổi phong tục cho tốt đẹp hơn.
Phàm tụng kinh, lễ Phật, niệm Phật, bái sám, các Phật sự đều phải thân tâm cung kính!
Người học Phật ban đêm đừng ngủ trần truồng, phải mặc áo, quần đùi, tâm thường như đối trước Phật. Ăn cơm chớ nên quá mức. Cơm ngon đến đâu đi nữa chỉ ăn đến tám chín phần là tối đa. Ăn mười phần đã chẳng có ích cho người; ăn mười mấy phần ắt tạng phủ bị thương tổn. Thường ăn như thế nhất định bị đoản thọ. Hễ ăn quá nhiều, tâm hôn trầm, thân mỏi mệt, tiêu hóa chẳng kịp, ắt phải trung tiện. Chuyện trung tiện là chuyện tệ nhất, là chuyện gây nên tội lỗi lớn nhất.
Nơi Phật điện, tăng đường, đều phải cung kính; như thắp hương chẳng qua để biểu lộ tấm lòng, chứ xét rốt ráo ra, chẳng có loại nào đáng xem là hương cả!
Nếu ăn nhiều, vãi trung tiện hết sức hôi thối, khiến cho hơi thối ấy xông sực Tam Bảo, tương lai ắt sanh làm loài giòi trong hầm phân. Chẳng ăn quá mức sẽ chẳng phóng trung tiện!
Nếu như dùng chất lạnh, cảm thấy không ổn, hễ vô sự bèn đi ra chỗ trống xả ra, đợi đến khi tan mùi lại quay vào trong thất. Nếu có việc chẳng ra ngoài được, hãy nên dùng sức kềm lại, chưa đầy một khắc nó sẽ tan mất trong bụng. Có người nói chẳng phóng ra sẽ thành bệnh; lời lẽ này còn nặng tội hơn chuyện phóng trung tiện, vạn phần chớ nghe theo. Đức Phật chế giới luật chưa nhắc đến sự này; có lẽ cổ nhân thân thể khỏe mạnh, lại không tham ăn, không có chuyện này, cho nên không nói đến. Nếu có, ắt Phật phải nói. Chớ nói Phật không cấm cho nên cứ việc phóng, đấy chính là tự cầu đọa lạc, Phật cũng khó cứu!
Khổng Tử dùng tư cách của bậc thánh nhân triều kiến bậc quốc quân (vua một nước) phàm phu, khi sắp lên điện, ở dưới thềm, còn chẳng dám thở mạnh, huống chi lúc đã vào điện gặp mặt vua!
Vì thế, sách Luận Ngữ chép: “Nhiếp tề thăng đường, cúc cung như dã. Bình khí tự bất tức dã” (Nâng vạt áo lên điện, khom mình như thế đó, nín hơi như không thở) (Nhiếp 攝: Nâng. Tề 齊, đọc như Tư 咨12 , nghĩa là vạt áo. Cúc 鞠: uốn cong. Bình 屏: giấu kín. Tức 息: hơi thở từ trong mũi. Khổng Tử triều kiến vua, lúc sắp lên điện, trước hết đi khom mình. Do khom mình nên vạt áo trước dài hơn, cho nên phải nâng hai mép vạt áo lên cách mặt đất khoảng chừng một thước mới chẳng đến nỗi đạp lên áo, vấp té, thất lễ. Nghiêm túc đến cùng cực, cho nên hơi thở trong mũi tựa hồ chẳng thoát ra. Hãy thử xem Ngài kiêng dè đến mức độ nào? Người đời nay so với Khổng Tử kém xa lắm, vua khi ấy so với Phật lại kém thật xa nữa! Phóng trung tiện so với thở ra lại càng khác xa lắm. Im lặng suy nghĩ, khác gì đại địa chẳng có chốn dung thân, há chẳng cực lực lưu tâm ư?)
Chúng ta là nghiệp lực phàm phu ở trong Phật điện của bậc Thánh Trung Thánh, Thiên Trung Thiên (thánh của các thánh, trời của các trời), nơi có đủ Tam Bảo, sao dám chẳng kiềm chế, mặc tình trung tiện ư? Tội lỗi ấy lớn nhất không gì sánh bằng!
Có lắm kẻ do chẳng xem nhiều trước thuật của cổ đức, nên tưởng là cổ đức không nói đến. Chẳng biết cổ đức nói rất khéo, gọi đó là “tiết hạ khí” (hơi rỉ ra từ bên dưới). Họ cũng chẳng hiểu câu đó có nghĩa là gì, chẳng thèm để ý.
Ba mươi, bốn mươi năm trước, Quang thường nói đến chuyện này, sau thử hỏi lại, người ta chẳng biết là chuyện gì! Do vậy, tốt nhất cứ nói thẳng là “trung tiện”.
Trong tuồng hát, hễ chửi người khác nói buông tuồng bèn nói: “Lời ngươi nói như thả rắm”. Phàm có chuyện gì kinh sợ, đều chẳng dám thở mạnh, làm sao còn đánh trung tiện được? Do buông tuồng không kiêng dè, nên mới trung tiện!
Chớ có nói “nhắc đến chuyện trung tiện nghe không nhã”, thật ra, tôi vì muốn tạo cách cứu người khỏi bị làm giòi trong hầm phân! Sáng dậy và lúc đại tiểu tiện xong, phải rửa tay. Phàm sờ lên thân, mò xuống chân đều phải rửa tay.
Những tháng mùa Hạ ống quần chớ buông thùng thình, phải bó lại. Tùy tiện khạc đàm hỉ mũi là chuyện tổn phước lớn lắm! Đất Phật thanh tịnh, chẳng những trong điện đường chẳng được khạc nhổ, hỉ mũi, mà ngay cả trên cuộc đất sạch phía ngoài điện đường cũng chẳng nên khạc nhổ, xỉ mũi. Nhổ trên đất sạch sẽ tạo thành vẻ dơ bẩn!
Có kẻ luông tuồng chẳng kiêng dè, khạc bừa ra đất hay khạc lên vách trong phòng! Một gian phòng đẹp đẽ mà khắp đất, đầy tường toàn là đàm. Kẻ ấy khạc đàm để ra vẻ hống hách, lâu ngày thành bệnh, hằng ngày thường khạc; tinh hoa của đồ ăn thức uống đều biến thành đàm hết. Nếu chịu nuốt đàm xuống, lâu dần không còn đàm nữa. Đấy là cách hay nhất để dùng đàm diệt đàm. Nếu chẳng thể nuốt xuống nên bỏ một cái khăn lau đàm trong tay áo, khạc lên đó xong lại bỏ vào trong tay áo. Cách này cũng vừa mệt người, lại không sạch sẽ, chẳng bằng nuốt xuống, vừa không mệt người, vừa chẳng ô uế, lại vĩnh viễn không bị bệnh đàm. Đây là cách hay nhất để trị bệnh đàm.
Người học Phật nhất cử nhất động đều phải lưu tâm. Đối với việc niệm Phật phải chí thành. Nếu khi nào trong tâm khởi lên đau buồn, đấy cũng chính là tướng thiện căn phát hiện, chớ nên để thường xảy ra như thế. Nếu không, sẽ bị ma bi thương dựa vào. Phàm có chuyện gì thích ý, chớ nên hoan hỷ quá mức. Nếu không, ắt bị ma hoan hỷ dựa. Lúc niệm Phật, mí mắt nên rủ xuống, chớ nên căng thẳng tinh thần quá mức đến nỗi tâm hỏa bốc lên, rất có thể bị những chứng bệnh ngứa đầu, đau đầu v.v… cần phải điều hòa cho thích đáng. Niệm lớn tiếng thì chẳng được cố sức quá mức để khỏi bị bệnh. Lần chuỗi niệm có thể ngừa được sự lười nhác, nhưng lúc tịnh tọa chẳng được lần chuỗi, hễ lần chuỗi thì ngón tay động nên tâm chẳng định được, lâu ngày ắt thành bệnh.
Xem kinh luận và các loại sách vở chớ nên vội vã. Phải xem nhiều lần, xem gấp rút sẽ chẳng thể ngưng lặng được, khó lòng thấu đạt ý chỉ. Kẻ hậu sinh hơi thông minh, được một bộ kinh sách bèn quên ăn bỏ ngủ để xem, coi một lần là xong liền. Lần thứ hai không còn hứng thú xem nữa. Dù có xem, cũng giống như vẻ mất hồn ngơ ngẩn. Những loại người này đều chẳng thể thành tựu, hãy nên tận lực ngăn ngừa!
Tô Đông Pha nói: “Cựu thư bất yếm bách hồi độc. Thục độc thâm tư tử tự tri” (Sách cũ trăm lần xem chẳng chán; đọc kỹ, nghĩ sâu ắt tự biết).
Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên (Quyển Thượng)
Xin thường niệm A Di Đà Phật!