Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Lời trọng yếu về việc xem Tạng Kinh

Nghĩa lý của Đại tạng kinh chẳng qua là Giới, Định, Tuệ mà thôi. Song, người xem Tạng kinh thường có hai lỗi lầm sau đây.

1. Lời trọng yếu về việc xem Tạng Kinh

Nghĩa lý của Đại tạng kinh chẳng qua là Giới, Định, Tuệ mà thôi. Song, người xem Tạng kinh thường có hai lỗi lầm:

Một là chấp văn tự không rõ nghĩa lý. Hai là biết nghĩa lý mà không thể hội tâm mình.

Như thế, luống uổng thời gian chỉ là gieo duyên mà thôi. Nếu hay thấu rõ Giới, Định, Tuệ mà huân tu thì giáo lý của một Đại tạng kinh gọi là: “Niệm niệm thường trụ”. Đó tức là niệm trăm ngàn muôn ức quyển kinh. Cũng nên biết, Giới, Định, Tuệ nầy tức là pháp môn niệm Phật. Tại sao? Vì:

  1. Giới: Nghĩa là ngăn ngừa sai trái. Nếu có thể nhất tâm niệm Phật thì những việc ác chẳng dám xâm nhập. Đó tức là Giới.
  2. Định: Nghĩa là trừ bỏ tán loạn. Nếu có thể nhất tâm niệm Phật, trong lòng không có duyên khác. Đó tức là Định.
  3. Tuệ: Nghĩa là soi sáng. Nếu quán chiếu tiếng niệm Phật, mỗi chữ mỗi chữ rõ ràng; cũng quán chiếu tâm hay niệm và Phật được niệm, đều không thật. Đó tức là Tuệ.

Niệm Phật như thế tức là Giới, Định, Tuệ. Cần gì đuổi theo văn tự, đọc cả Tạng kinh? Thời giờ mau chóng, mạng sống chẳng bền lâu. Mong mọi người lấy Tịnh nghiệp làm việc gấp. Đừng cho lời tôi sai lầm mà chẳng nghe!

2. Dạy cư sĩ tại gia

Mẹ con, vợ chồng, gia đình quyến thuộc trong kiếp người, đều là nhân duyên đời trước, tạm thời hội tụ cuối cùng ắt phải chia ly, chẳng đáng buồn khổ.

Điều đáng buồn khổ chính là chỉ qua suông một đời, không biết niệm Phật. Nay chỉ cần buông bỏ muôn duyên, soi sáng lại mình mà niệm Phật, tức là việc lớn quan trọng gấp rút luôn làm trong đời người. Không nhiều lời nữa! Ngoài ra, chỉ nên thuần nhất niệm Phật. Khi niệm Phật, cần phải mỗi chữ mỗi chữ soi sáng, nơi tâm rõ ràng phân minh. Tâm tha thiết từng giờ từng phút, chẳng để cho có một chút vọng tưởng tạp niệm.

Sớm chiều khi lễ Phật, thành khẩn phát nguyện cầu sinh Cực Lạc. Lâu dài như thế, đến lúc mạng chung, tự nhiên chánh niệm hiện tiền, vãng sinh Tịnh độ Cực Lạc của Phật A-di-đà, liên hoa hóa sinh, vĩnh viễn xa lìa mọi đau khổ.

3. Dạy người bệnh

Người xưa có nói: “Bệnh là thuốc hay cho chúng sinh”. Thế thì, người trong khi bệnh nên phát sinh tâm đại hoan hỷ. Tất cả chỗ không vừa ý đừng khởi phiền não.

Người xưa còn nói: “Sống chết có số mạng”. Vậy nên, người trong khi bệnh nên phát sinh tâm đại giải thoát. Mặc cho sự sống chết, đừng sinh lòng sợ hãi.

Vả lại, quá khứ như huyễn, hiện tại như huyễn, vị lai như huyễn, tận lực buông bỏ, chỉ giữ chánh niệm mà thôi.

Trong khi bệnh, nhất định phải nhẫn nại, chịu đựng, đừng ôm ấp cái tâm mong mau hết bệnh. Đó là cách hay giúp mau hết bệnh.

Xử trí việc nhà xong, buông bỏ muôn duyên, nơi tâm rỗng rang chỉ niệm sáu chữ Di-đà, giây phút không quên, tự nhiên nghiệp chướng tiêu diệt. Nghiệp chướng đã tiêu diệt, tự nhiên đêm nằm an ổn, thân tâm khỏe mạnh.

Người niệm Phật phải phát nguyện lìa bỏ thế gian ác trược này, sinh về cõi Cực Lạc.

4. Dạy cư sĩ Kỳ Niên

Sắc thân vốn có sự suy tàn, Pháp tánh thật không hoại diệt. Trừ hết muôn điều phiền lụy, thuần tịnh nhất tâm. Tâm thanh tịnh nên cõi nước thanh tịnh. Như thế thì thành tựu vãng sinh mà tự thấu suốt Vô sinh.

5. Dạy người thiện nữ sắp lâm chung

Thể chất nam nữ tuy khác nhau, nhưng tánh sáng suốt thật không hai. Đâu nói ngũ lậu, chỉ quý nhất tâm. Nhất tâm xưng niệm A-di-đà, quyết định vãng sinh cõi Cực Lạc.

6. Dạy Đại Đồng

Người xưa dạy thân cận minh sư, cầu Thiện tri thức. Song, Thiện tri thức thật không có: “Pháp môn bí mật miệng truyền tâm nhận”, chỉ cởi mở trói buộc cho người, tức là bí mật.

Nay chỉ cần: “Chấp trì danh hiệu, nhất tâm không loạn”. Tám chữ này tức là pháp môn bí mật cởi mở trói buộc. Đó là con đường rộng lớn thênh thang ra khỏi sinh tử. Sáng niệm, tối niệm, đi niệm, ngồi niệm, niệm niệm tiếp nối, tự nhiên thành chánh định, chớ tìm cầu chi khác nữa!

Tâm tán loạn đã lâu, nhất thời khó mà an định. Niệm Phật tâm không thanh tịnh, chẳng cần buồn lo, chỉ cần công phu thâm sâu mà thôi. Mỗi chữ mỗi câu nơi tâm mà niệm.

7. Dạy Vương Trí Đệ

Tâm không thì nghiệp không, thân không thì bệnh không. Nếu có tâm nghi ngờ, nên dốc sức buông bỏ. Trong kinh nói: “Hễ có hình tướng đều là giả dối”.

Đã thuộc về giả dối, ví như hoa đốm trong hư không, như bọt nước trôi sông, như việc trong giấc mộng, nào có nghi ngờ chi nữa.

Giảm bớt lo lắng, ngăn chặn phiền não phẫn nộ, tiết lượng sự ăn uống, cẩn thận trong sinh hoạt. Chỉ giờ giờ phút phút đem câu niệm Phật làm thoại đầu, đừng để lãng quên, tức là sự tỉnh giác sáng soi, ngay khi bối rối vẫn không mê mờ.

8. Dạy Minh Tự Đại Hiểu

Ghi nhớ số quá nhiều, bó buộc tâm quá gấp nên phát sinh các thứ bệnh. Chỉ cần cố gắng âm thầm không gián đoạn, không xen tạp, tức là công phu. Chẳng cần khổ hạnh quá sức. Vọng tưởng mạnh mẽ, chiến đấu lâu ngày tự nhiên hàng phục được, nhất định không nghi ngờ.

9. Dạy Ngô Đại Tuấn

Đừng lo ngộ hay không ngộ, đừng lo có không, trong ngoài, chặng giữa; đừng lo Chỉ Quán, đừng lo đồng hay bất đồng với pháp môn khác. Nghi tình đã không phát khởi, cũng đừng lo là ai hay chẳng là ai. Chỉ cần chấp trì danh hiệu, nhất tâm nhất ý, không gián không đoạn, thuần nhất không tạp. Thực hành đi!

10. Dạy Vu Quảng Tuệ

Người xưa nói: “Tạp niệm là bệnh, niệm Phật là thuốc”. Niệm Phật chính là để trị tạp niệm, người không thể trị được bởi vì niệm không khẩn thiết. Khi tạp niệm sinh khởi, liền dụng tâm gia công niệm Phật. Mỗi chữ, mỗi câu chuyên nhất không hai thì tạp niệm tự dứt.

11. Dạy Vương Quảng Đệ

Chẳng bằng ngay đó nắm chặt một câu A-di-đà. Tận tâm, tận lực niệm đi! Không có một mảy may niệm nào khác, tức là công án chữ “Vô”. Những thoại đầu chữ “Vô”… không cần đề khởi, thuần nhất niệm Phật. Nơi niệm Phật thấu suốt thì nghìn nơi muôn nơi đều thấu suốt.

12. Dạy Quảng Kỳ

Lão Bàng Uẩn nói:

“Mười phương đồng tụ hội,
Người người học vô vi,
Đây là trường tuyển Phật,
Tâm không, được đậu về”.

Người chưa được không tâm thì hãy siêng năng niệm Phật, niệm niệm không ngừng, tâm sẽ tự không.

13. Dạy Ngô Quảng Thụ

Đã không nghi việc sinh tử, không nghi công án của các bậc Cao đức ngày xưa, thì sao lại phát sinh sợ hãi? Sao lại còn lo lắng sự nghi ngờ xâm nhập tâm tư? Thế thì gọi là không nghi, thật ra vẫn còn nghi.

Thuở xưa, có hai vị Tỷ-kheo phạm giới dâm và sát, ở ngay một lời nói của ngài Duy-ma, tội lỗi tiêu diệt hoàn toàn. Nay, nếu được như hai Tỷ-kheo ấy thì khỏi bàn. Nếu không được như thế thì có một phương pháp khác. Trong kinh nói: “Chí tâm niệm Phật một tiếng, tiêu diệt tội nặng của sự sinh tử trong tám mươi ức kiếp”.

Nếu thành kính niệm Phật mười vạn tám ngàn tiếng, không tội gì chẳng tiêu diệt. Lời chửi mắng như gió cuốn mây bay, như mặt trời tan sương sớm, như giọt nước rơi vào biển cả, như mảnh tuyết rơi trong lò lửa, diệt trừ sạch hết không còn dấu vết.

14. Dạy Phước Kiến Lâm Vinh
(Vinh trình bày cảnh lạ đã thấy)

Kinh nói: “Hễ có hình tướng đều là giả dối” Mắt thấy tai nghe thảy đều quét sạch, nhất tâm niệm Phật.

15. Dạy Tiết Quảng Duyệt

Tham cứu không tiện, chuyên trì danh hiệu Phật cũng được. Chỉ cần được nhất tâm, tự nhiên không theo cảnh.

16. Dạy một vị cư sĩ

Giữ vững năm giới, một lòng niệm Phật. Hiếu dưỡng cha mẹ, cũng nên khuyên cha mẹ nhất tâm niệm Phật. Cầu nguyện mẹ con, cùng sinh về Tịnh độ. Tùy duyên qua ngày, được cung cấp thì nhận, đừng đi hóa duyên, chớ tổ chức hội niệm Phật, giữ phận mình tu hành. Như thế tức là đại thiện nhân, là Cư sĩ chân chánh trong thời mạt pháp.

17. DẠY ĐỘNG ĐÌNH SƠN ÔNG MÔN THẠCH THỊ
(Cầu đời sau làm quan)

Làm quan tuy tốt, nhưng dựa vào chức quan mà tạo nghiệp thì đời sau đọa lạc chịu khổ vô cùng. Cần phải nhất tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh độ. Dầu cho chức vị đến bậc Tam công cũng chẳng bằng lên đài sen chín phẩm. Niệm Phật cầu sinh về Tịnh độ, hơn làm quan rất xa.

18. DẠY ĐỘNG ĐÌNH SƠN HỨA MÔN THẠCH THỊ
(Cầu đời sau làm Tăng)

Làm Tăng tuy tốt, nhưng Tăng mà không tu hành đời sau phải đọa lạc chịu khổ vô cùng. Cần phải nhất tâm niệm Phật cầu sinh về Tịnh độ. Thân cận hình tượng giả bằng vàng, gỗ chạm khắc, chẳng bằng thân cận Phật thật hiện đang thuyết pháp. Làm Tăng ở Tịnh độ vượt hơn làm Tăng ở thế giới này rất xa.

19. Dạy người học Phật

Người hiện nay, phần nhiều ưa nói tham cứu tỏ ngộ, ưa nói liễu thoát sinh tử, chẳng biết rằng ở cõi này liễu ngộ rất khó, gọi là vượt ra ba cõi theo chiều dọc. Tư-đà-hàm còn một lần sinh trở lại, huống gì phàm phu! Chúng sinh cõi này phần nhiều sinh về Tây Phương trước, rồi sau mới tỏ ngộ. Một môn sinh về Tây Phương, gọi là vượt ra ba cõi theo chiều ngang, muôn người không sót một.

Trích: Tịnh Độ Vựng Ngữ!

Bài viết cùng chuyên mục

Chánh niệm lúc lâm chung, một niệm sau cùng rất quan trọng

Định Tuệ

Vì sao người tu giỏi mà vẫn đọa vào ba đường ác?

Định Tuệ

Người niệm Phật mà còn ăn mặn có được vãng sanh không?

Định Tuệ

Nhất Tự Phật Đảnh Luân Vương Chú

Định Tuệ

Vãng sanh là gì? Điều kiện để người niệm Phật cầu vãng sinh tịnh độ

Định Tuệ

Phật giáo lấy hiếu đạo làm gốc

Định Tuệ

Người tu đạo cần có tâm kiên trì không đổi

Định Tuệ

Người gieo nhân lãng phí nước uống sẽ bị quả báo gì?

Định Tuệ

Bát khổ là gì? Chân lý thứ nhất bao quát Tứ diệu đế

Định Tuệ

Viết Bình Luận