Nếu con có thể tu tập đầy đủ công đức, phát tâm Vô Thượng Bồ-đề, thì cũng sẽ được thân tướng, dung mạo trang nghiêm đẹp đẽ như đức Thế Tôn vậy.
Vào thời Đức Phật, lúc ấy, Phật ở gần thành Tỳ-xá-ly (Vaicāli) là một thành lớn trong xứ Ấn Độ thời ấy, cùng với chư tỳ-kheo, trong vườn hoa gần bờ sông Nhĩ-hầu, nơi giảng đường được xây cất có nhiều tầng. Khi ấy, Phật đắp y mang bát, cùng với chư tỳ-kheo vào thành mà khất thực, đến nhà một vị trưởng giả tên là Sư Tử (Simha).
Vị trưởng giả này có người con dâu tên là Danh Xưng (Yacomati). Cô này nhìn thấy dung nhan của Phật oai nghiêm đẹp đẽ, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hào quang rạng chiếu rực rỡ quanh thân, liền lấy làm vui vẻ, hân hoan vô cùng.
Cô hỏi người cha chồng rằng:
-Thưa cha! Có cách nào được dung mạo tốt đẹp, trang nghiêm như Phật chăng?
Ông trưởng giả đáp rằng:
-Nếu con có thể tu tập đầy đủ công đức, phát tâm Vô Thượng Bồ-đề, thì cũng sẽ được thân tướng, dung mạo trang nghiêm đẹp đẽ như đức Thế Tôn vậy.
Người con dâu nghe rồi liền xin cha một số tiền lớn để thiết hội thỉnh Phật cúng dường. Cô cúng dường Phật xong, lại dùng các thứ hoa quý đẹp trang nghiêm mà tung lên không trung để cúng dường, xưng tán Phật.
Có lẽ nhờ thần lực của Phật hoặc của chư thiên, những hoa ấy từ trên không trung rơi xuống liền tự kết thành một tán hoa rất lớn mà che trên đỉnh đầu của Phật, tùy khi Phật đi đứng, đều bay theo mà che phía trên Phật.
Cô Danh Xưng nhìn thấy phép mầu nhiệm ấy, lòng vui mừng không tả xiết, liền sụp xuống chí thành lễ Phật, phát lời đại nguyện rằng:
– Nguyện nhờ công đức cúng dường hôm nay, trong đời vị lai tôi nguyện sẽ có thể vì những chúng sanh mù lòa mà cứu giúp cho được sáng mắt, vì những chúng sanh chẳng quy y Phật mà độ cho quy y; tôi sẽ làm cho những chúng sanh không người cứu hộ sẽ được cứu hộ, những chúng sanh không được an ổn sẽ được an ổn, những chúng sanh chưa nhập Niết-bàn sẽ được nhập Niết-bàn.
Khi ấy, Phật quán sát thấy cô phát lời nguyện lớn như vậy rồi liền mỉm cười, từ nơi trán, giữa hai lông mày phóng ra một đạo hào quang năm sắc chiếu khắp thế giới, hóa hiện đủ các màu sắc, bay quanh Phật ba vòng rồi lại theo chỗ trên trán Phật mà bay trở vào.
Khi ấy, A-nan bạch Phật rằng:
– Như Lai là đấng tôn quý, chẳng vô cớ mà cười bao giờ. Nay vì nhân duyên gì mà Phật mỉm cười, xin giảng giải cho con được biết.
Phật bảo A-nan:
– Ông có nhìn thấy cô gái tên Danh Xưng đây cúng dường ta chăng?
A-nan thưa:
– Bạch Thế Tôn, con đã thấy.
Phật dạy:
– Nay cô gái này đã phát tâm Bồ-đề rộng lớn, nên trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp nữa sẽ tu tập đủ các hạnh Bồ-tát, đầy đủ tâm đại bi, sáu phép ba-la-mật, sau cùng thành Phật hiệu là Bảo Ý (Ratnamati), hóa độ chúng sanh nhiều vô số. Vì nhân duyên ấy mà ta mỉm cười.
Khi nghe Phật thuyết nhân duyên thành Phật về sau của cô Danh Xưng, trong đại chúng có người được đắc quả Tu-đà-hoàn(*), có người đắc quả Tư-đà-hàm, có người đắc quả A-na-hàm, có người đắc quả A-La-hán. Lại có người phát tâm tu tập thành Bích-chi Phật, lại có người phát tâm Vô Thượng Bồ-đề(*). Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.
Kinh Bách Duyên!
______________________________
Chú thích :
*Từ Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, cho đến A-la-hán là bốn thánh quả của người tu tập theo giáo pháp Tứ diệu đế.
Tu-đà-hoàn, Hán dịch là Nhập lưu, là quả vị đầu tiên, xem như mới nhập vào dòng thánh.
Tư-đà-hàm, Hán dịch là Nhất Lai nghĩa là còn phải thọ sanh trong luân hồi một lần nữa.
A-na-hàm, Hán dịch là Bất lai, nghĩa là đã dứt sạch nghiệp quả, không còn phải tái sinh nữa.
A-la-hán, Hán dịch là Ứng cúng, nghĩa là bậc đầy đủ phước đức, trí tuệ, xứng đáng nhận sự cúng dường của chư thiên và loài người.
*Bích-chi Phật: còn gọi là Độc giác Phật hay Duyên giác Phật. Đây là quả vị của người tu theo pháp Thập nhị nhân duyên. Gọi là Độc giác Phật, vì các vị này ra đời tu tập theo lý nhân duyên và đạt đến giải thoát, vào thời không có Phật. Gọi là Duyên giác Phật, vì các vị tu tập đến giải thoát nhờ tu tập pháp nhân duyên. Cả bốn thánh quả và quả vị Bích-chi Phật đều được xem là những quả vị của tiểu thừa.
*Tâm Vô thượng Bồ-đề, hay Bồ-đề-tâm, tức là tâm nguyện muốn thành Phật, bậc giác ngộ hoàn toàn. Đây không phải là quả vị do tu tập chứng đắc, mà là sự phát nguyện ban đầu, quyết lòng tu tập cho đến khi được hoàn toàn Giác ngộ thành Phật. Vì thế bất cứ ai khi đã có đủ đức tin đều có thể phát Bồ-đề-tâm.
________________________
Kinh Bách Duyên có nguồn gốc từ bản kinh tiếng Phạn nhan đề là Avadāna-Cataka, nằm trong Đại Tạng Kinh Phật giáo và đã được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng như Tây Tạng, Pāli, Hán, Pháp…
Bản dịch tiếng Pháp lấy tựa là “Avadāna-Cataka ou Cent légendes bouddhiques”, do Léon Feer dịch và phát hành tại nhà sách Ernest Leroux 28 Rue Bonaparte Paris, in xong năm 1891. Trước đây cư sĩ Đoàn Trung Còn đã dịch bản tiếng Pháp này sang tiếng Việt.
Bản chữ Hán nhan đề là “Soạn tập bách duyên kinh”, do ngài Chi Khiêm đời nhà Ngô ở Trung Quốc dịch từ tiếng Phạn, gồm 10 quyển, được đưa vào Đại chánh tạng thuộc tập 4, kinh số 200, bắt đầu từ trang 203.
Đây là một bản kinh Phật đặc sắc, nêu bật lên ý nghĩa nhân quả bằng những truyện tích nhân duyên Nhân quả.