Tạo những ác nghiệp này thường khiến chúng sanh gặp phải ác báo ngoài thân, chiêu cảm hoàn cảnh chung quanh không tốt.
Luận Đại trí độ ghí: Đức Phật bảo ưu-bà-tắc Nan-đề-ca: Sát sinh có mười tội:
- Tâm thường mang lòng ác độc, đời đời không dứt.
- Chúng sinh oán ghét, không muốn nhìn.
- Thường khởi niệm ác, suy nghĩ việc ác.
- Chúng sinh sợ hãi, như thấy rắn, cọp.
- Khi ngủ trong lòng lo sợ, lúc thức cũng không an ổn.
- Thường có ác mộng
- Khi mạng chung, tâm cuồng loạn sợ chết.
- Gieo nhân duyên của nghiệp chết yểu.
- Sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục.
- Nếu ra khỏi địa ngục, được làm người, thì thường phải chết yểu.
Đức Phật dạy: Trộm cắp có mười tội:
- Chủ của vật ấy nổi giận.
- Bị người nghi ngờ.
- Không biết thời, không biết chỗ, làm việc không biết tính toán.
- Kết bạn với kẻ ác, xa lánh người hiền thiện.
- Đánh mất căn lành.
- Phạm tội với nhà nước.
- Của cải bị nhà nước tịch thu.
- Gieo nhân duyên của nghiệp nghèo cùng.
- Chết rơi vào địa ngục.
- Nếu ra khỏi địa ngục, được làm người, phải vất vả kiếm tiền để người khác sử dụng. Của cải bị mất bởi vua, hoặc giặc, hoặc nước, hoặc lửa, hoặc con bất hiếu sử dụng, cho đến chôn giấu cũng không còn.
Đức Phật dạy: Tà dâm có mười tội:
- Thường bị chồng của người đàn bà ấy làm hại.
- Chồng vợ không hòa thuận, thường tranh cãi nhau.
- Các pháp bất thiện ngày càng tăng trưởng, các pháp thiện ngày càng tổn giảm.
- Không bảo hộ thân mình, vợ con côi cút.
- Tài sản ngày càng hao hụt.
- Gặp các việc xấu, thường bị người nghi ngờ.
- Hàng thân thuộc, người tri thức không ưa thích.
- Gieo nhân duyên của nghiệp oan gia.
- Sau khi chết sẽ rơi vào địa ngục.
- Nếu ra khỏi địa ngục, làm người nữ thì phải chung chồng với nhiều người; nếu làm người nam thì vợ không trinh tiết.
Không có các nhân duyên như vậy tức là không tà dâm.
Đức Phật dạy: Nói dối có mười tội:
- Hơi miệng thường hôi.
- Thiện thần xa lánh, phi nhân được dịp làm hại.
- Dù nói thật, cũng không ai tin nhận.
- Không được cùng người trí bàn tính.
- Thường bị chê bai, tiếng xấu đồn khắp thiên hạ.
- Không được người cung kính, không ai nghe theo lời dạy bảo.
- Thường gặp nhiều chuyện buồn phiền.
- Gieo nhân duyên của nghiệp phỉ báng.
- Sau khi chết phải đọa địa ngục.
- Nếu ra khỏi địa ngục, được làm người, thường bị chê bai.
Không có các nhân duyên như vậy tức không nói dối, gọi là Thiện luật nghi.
Đức Phật dạy: Uống rượu có ba mươi sáu lỗi. Những gì là ba mươi sáu thứ tội lỗi?
- Người uống rượu say rồi thì làm con đối với cha mẹ không biết kính thờ; làm tôi đối với vua không biết tôn trọng. Do đó mà cha con, vua tôi không có trên dưới.
- Nói năng lộn lạo và hay sanh lỗi lầm.
- Phạm tội lưỡng thiệt và ưa nói nhiều.
- Nếu có việc gì cần giấu kín, nhưng khi đã say rồi thì đem nói tất cả.
- Mắng chửi trời đất không hề sợ tội.
- Nằm giữa đường sá không thể về nhà, mọi thứ đồ đạc mang theo đều bỏ mất hết.
- Không thể tự sửa mình cho chính đáng.
- Đi đứng ngả qua, ngả lại, lúc thì ngửa mặt lên trời, lúc lại gầm đầu xuống đất, có khi bị sa hầm, sa hố, thân thể bị tổn thương.
- Không thể đi đứng vững vàng nên phải bò lết như người què, đến khi đứng dậy được thì thân thể, mặt mày đều bị xây xát, trầy trụa.
- Lúc bán buôn hay bị lầm lộn và thường vọng động xúc phạm mọi người.
- Phế bỏ công việc không lo làm ăn.
- Tài vật bị tổn hao.
- Vợ con đói khát mặc kệ không nghĩ đến.
- Kêu la, chửi mắng không biết nể sợ pháp luật quốc gia.
- Thoát bỏ hết y phục để thân thể lõa lồ mà đi trên đường sá.
- Chui bậy vào nhà người, gặp đàn bà, con gái thì lôi kéo, nói năng xằng bậy, xúc phạm đến họ, tạo vô lượng tội lỗi.
- Thấy bất cứ ai đến gần đều muốn gây gổ với họ.
- Dộng đất kêu la làm kinh động xóm làng.
- Giết bừa súc vật không biết tội phước.
- Đồ đạc trong nhà đập bể tan nát.
- Vợ con coi như kẻ tù tội, say sưa nói bậy bạ không ra gì.
- Thân cận với bè đảng ác.
- Xa lánh không chịu gần gũi với bậc hiền thiện.
- Ngủ như chết, đến khi tỉnh dậy thân thể đau nhức như người bị bệnh.
- Những thứ uống ăn đều nôn mửa ra trông thật ghê tởm, khiến vợ con đều phải chán ghét.
- Khi đi đâu, nếu gặp voi, ngựa, chó sói, vì tâm ý tán loạn nên không biết sợ sệt, xa tránh.
- Không kính kinh pháp, không tôn trọng bậc hiền thiện, không cung kính sa môn.
- Hoang dâm vô độ không biết e sợ.
- Hình thể như kẻ điên cuồng khiến ai nấy đều tránh xa.
- Giống như người chết, không biết gì cả.
- Mang bệnh nghiện rượu, thân thể màu vàng, úa ứa giống như trái cây chín. Có khi mặt mày sanh ghẻ lác.
- Thiên long, thiện thần đều tránh xa vì các ngài rất ghét uống rượu.
- Thiện hữu tri thức ngày một lánh xa.
- Khi say thì ngồi chồm hổm, gặp các quan cao cấp cứ lấy mắt nhòm ngó không biết sợ sệt, nếu bị đánh đập thì nhắm nghiền mắt lại.
- Sau khi xả thân bị đọa vào địa ngục Thái Sơn, thường bị ngục tốt dùng nước đồng sôi rót vào miệng. Lục phủ, ngũ tạng đều bị cháy nát, cầu sống không được, cầu chết cũng khó. Thọ khổ như vậy trải qua ngày muôn năm.
- Khi thọ tội ở địa ngục đã mãn, sanh lên làm nhân gian làm người tâm trí ám độn không biết gì.
Hiện nay những người tâm trí ngu độn, không biết gì cả, đều do đời trước ưa uống rượu mà bị dư báo ấy. Như thế, ta đã nói phân minh, các ngươi đối với rượu cần phải thận trọng, vì uống rượu có 36 thứ lỗi. Người nào uống rượu đều phạm đủ cả.
Tự mình uống rượu tạo gây những tội lỗi trên, nếu tự tay trao chén rượu cho người uống thì chiêu cảm quả báo năm trăm đời không có tay, huống chi tự uống mà không bị chiêu cảm khổ báo rất nặng hay sao?
Kinh văn nói: “Trao đồ đựng rượu cho người”, có hai trường hợp:
- Nâng chén rượu lên nói với người cùng uống rượu với mình rằng: “Này anh! Chỉ thêm một chén nữa thôi mà!”
- Trao bình đã hết rượu mà bảo người đem thêm và nói rằng: “Châm thêm một bình nữa coi!”
Những cử chỉ ấy đều không được, vì không khác gì khích lệ người ấy uống rượu. Thậm chí còn rót rượu vào miệng người khác bảo họ uống cho thật say. Hành động như thế thì đâu phải là tư cách làm người?
Trong kinh văn Phật dạy: “Bị quả báo năm trăm đời không có tay”, không phải là sanh làm người mà không có tay, mà là khi bỏ thân này, bị đọa vào trong loài súc sanh, làm những loài vật không tay như côn trùng, đỉa, giun, lươn, lịch… là những loài thuộc về loại chúng sanh không có tay.
Không tạo bốn tội này tức là luật nghi thiện của thân, không nói dối tức là luật nghi thiện của miệng. Đây gọi là năm giới luật nghi.
Kinh Nghiệp báo sai biệt ghi: Có mười nghiệp thường khiến chúng sinh gặp phải ác báo ngoài thân. Nếu có chúng sinh tạo mười nghiệp ác, thì chiêu cảm hoàn cảnh chung quanh không tốt.
- Vì nghiệp sát sinh làm cho cảnh vật bên ngoài như đất bị nhiễm mặn, cỏ thuốc không sống nổi.
- Vì nghiệp trộm cắp nên chiêu cảm sương giá, mưa đá, châu chấu, sâu bọ V.V… làm mất mùa, đói kém.
- Vì nghiệp tà dâm nên chiêu cảm quả báo mưa to, gió lớn và bụi bặm.
- Vì nghiệp nói dối nên chiêu cảm cảnh vật nhơ bẩn, tanh hôi.
- Vì nghiệp nói hai lưỡi nên chiêu cảm đất đai cao thấp, không bằng phẳng, núi đồi, gò nổng trơ trụi, điêu tàn.
- Vì nghiệp nói lời thô ác nên chiêu cảm cảnh vật thô nhám, xấu xí, như ngói, đá, cát, sỏi… không thể xúc chạm được.
- Vì nghiệp nói lời thêu dệt nên chiêu cảm cỏ cây um tùm, cành nhánh gai góc.
- Vì nghiệp tham lam nên chiêu cảm lúa thóc hư lép, bé nhỏ.
- Vì nghiệp sân hận nên chiêu cảm trái cây đắng chát.
- Vì nghiệp tà kiến nên chiêu cảm lúa không có hạt, thu hoạch rất ít.
Tâm Hướng Phật/St!