Chính tôi được nghe: Một thời đức Phật ở nước Ma Kiệt Đề, tại vườn Trúc.
Một hôm đức Thế Tôn và các vị Tỷ Khưu, sang nước Tỳ Xá Ly, ngồi nghỉ mát trên bờ sông Lê Việt. Trên bờ có năm trăm người chăn trâu và năm trăm người đánh cá; những người đánh cá này, họ có ba thứ lưới: một thứ hai trăm người kéo; một thứ ba trăm người kéo; một thứ năm trăm người kéo.
Đức Như Lai và các vị Tỷ Khưu ngồi cách họ cũng không xa, một lát thấy năm trăm người nọ, kéo hết sức cũng không nổi, sau họ gọi bọn năm trăm người chăn trâu lại kéo giùm, một lúc kéo lên được con cá rất lớn; trên mình cá có đủ trăm đầu thú: đầu ngựa, đầu lạc đà, đầu hổ, đầu chó sói, đầu lợn v.v… cá lạ xúm nhau lại xem.
Thấy thế, Phật sai tôi lại coi. Tôi vâng lời, lại nhìn thấy con cá lớn trên mình có đủ trăm đầu thú khác nhau, tôi lại trở về bạch Ngài biết rõ căn nguyên.
Ngài cùng đại chúng đi lại xem, khi tới nơi Ngài hỏi cá rằng:
– Cá, có phải là Ca Tỳ Lê không?
Cá đáp: – Thưa phải.
Ngài hỏi tiếp:
– Kiếp này làm cá, kiếp sau biết về đâu không?
– Thưa Ngài, kiếp sau về địa ngục A Tỳ.
Tôi và đại chúng không rõ tại sao, bèn hỏi Phật rằng:
– Kính lạy đức Thế Tôn! Ngài gọi con cá này là Ca Tỳ Lê vì lý do gì, xin nói cho chúng con được rõ?
Phật dạy: – Các ông hãy lắng nghe tôi nói nguyên ủy con cá này cho biết: Trước đây, về thời đức Phật Ca Diếp có một người Bà La Môn sinh được cậu con trai, đặt tên là Ca Tỳ Lê; cậu này thông minh tài trí, đối với hàng văn hoa trí thức thời đó; anh ta giỏi nhất. Tuy thế nhưng đối với trí tuệ học vấn của các vị Sa Môn thì anh ta kém đặc.
Khi cha anh chết có dặn anh rằng:
– Con chớ đàm luận với các vị Sa Môn của đức Phật Ca Diếp; vì các vị có trí tuệ sâu rộng, con không thể bì kịp.
Sau khi cha anh chết: anh vẫn còn đi học; và anh được tiếng khen trong nước là người tài biện luận, nhưng không bao giờ anh ngồi đàm luận với các vị Sa Môn, thấy con khuyết điểm ấy, nên một hôm mẹ anh hỏi rằng:
– Con vốn là người cao minh học vấn; đời nay có ai hơn được con không?
– Dạ! Thưa mẹ, các vị Sa Môn hơn con nhiều lắm!
– Hơn con thế nào?
– Thưa mẹ! Nếu con có chỗ nào không biết, đến hỏi thì các vị giải đáp rõ ràng dễ hiểu; nếu các vị hỏi lại thì con không đáp nổi, bởi vậy nên con biết kém!
– Vậy sao con không đến học hỏi phương pháp ấy?
– Thưa mẹ! Nếu học phương pháp ấy, thì phải làm Sa Môn, con là kẻ thế tục làm sao học được!
– Con sẽ giả làm Sa Môn, học tập cho giỏi, rồi lại trở về với mẹ có hại gì!
– Dạ, mẹ dạy con nghe!
Cách một thời gian, anh mang áo cầm bình giả làm Sa Môn, vào tu học, vì anh có trí thông minh sẵn, chỉ một thời gian đã quán thông tam tạng, một hôm về nhà chơi, mẹ anh hỏi: – Con học đã giỏi hơn các vị Sa Môn chưa?
– Thưa mẹ! Học vấn con giỏi ngang, còn tọa thiền con kém.
– Tại sao con biết kém?
– Thưa mẹ, vì phép tọa thiền khó, lý thú siêu hình, con tập cũng không được, học cũng không đạt, vì thế mỗi khi con đàm luận đều bị thua!
– Từ nay trở đi, có đàm luận nếu thua, thì con cứ la mắng sỉ nhục!
– Thưa mẹ, các vị Sa Môn tu đạo từ bi, có tội gì mà mẹ bảo con mắng!
– Vì con có mắng, thì con được!
Ca Tỳ Lê nghe lời mẹ dạy, cứ mỗi khi đàm luận với các vị Sa Môn bị thua, mắng liền: người là kẻ ngu! Người là loài súc sinh hiểu biết gì? Rồi lại tỷ các vị như đầu con thú này; đầu con thú khác, luôn luôn có thái độ ác liệt đối với các vị Sa Môn!
Nói tới đây Phật nhắc lại rằng:
– A Nan, ông nên biết Ca Tỳ Lê vì ác tâm mắng các vị Sa Môn thuở đó, nay phải chịu báo làm con cá trăm đầu!
– Kính lạy đức Thế Tôn, Ca Tỳ Lê bao giờ được thoát khỏi thân cá!
– A Nan ông nên biết: như ta lấy Phật nhãn mà coi, hãy còn lâu lắm, trong đời hiền kiếp, một ngàn đức Phật đã quá khứ đi rồi, cũng chưa được thoát.
Khi đó tôi và các vị Tỷ Khưu nghe Phật nói xong, ai nấy đều rùng mình rởn gáy, bi thương giao cảm! Đồng thanh nói: Tất cả chúng sanh thân, miệng, và ý nghĩ, phải nên cẩn thận!
Thấy Phật và đại chúng hỏi đáp như vậy, các người đánh cá và chăn trâu, đều chắp tay bái Phật, xin xuất gia tu phạm hạnh.
Phật khen họ tốt và nói:
– Thiện Lai Tỷ Khưu!
Ngài nói dứt lời, râu tóc họ rụng hết, áo mặc mình họ hóa ra áo Cà Sa, biến thành các vị Sa Môn.
Theo Phật tu học không bao lâu, đã hết lậu nghiệp, đắc quả A La Hán.
Vì đại chúng, Phật giảng về Tứ Diệu Đế, tất cả mọi người được nghe diệu pháp đều phát tâm hướng đạo vô thượng Bồ Đề, cúi đầu tạ lễ mà lui.
Trích: Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh – Hòa Thượng Thích Trung Quán dịch