Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Lửa nào bằng lửa tham, chấp nào bằng sân hận – Pháp Cú 251

Bạch Thế Tôn, vì lý do gì họ không thể nghe pháp? Này A-nan, vì tham ái, vì sân hận, vì si mê. Vì vậy, không lửa nào bằng lửa tham ái, đốt cháy hữu tình không một chút tro.

Câu chuyện này xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan đến năm người thiện tín.

Khi đức Phật ở tại tinh xá Kỳ Hoàn, có năm tín đồ nghe Ngài giảng pháp, họ đảnh lễ Phật và lui ngồi một bên. Phật không hề nghĩ rằng: “Người này dòng Sát-lợi, người kia dòng Bà-la-môn, người nay giàu, người kia nghèo. Ta giảng rộng cho người này, không giảng rộng cho người kia”. Những việc này không liên quan đến đề tài Phật thuyết giảng, mọi người đều bình đẳng trước pháp, và Phật giảng dạy như nhau.

Nhưng năm người ngồi trước Phật, kẻ thì ngủ gục, người thì lấy ngón tay bươi trên đất, người đong đưa cành cây, người thì ngó lên trời. Chỉ có một người chăm chú nghe. Tôn giả A-nan đứng quạt hầu Phật, quan sát cử chỉ của năm người ấy, và sau đó bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, Ngài giảng dạy như tiếng sấm rền, mà những người ngồi nghe như thế, như thế.

– Này A-nan, ông có biết họ không?

– Bạch Thế Tôn, không.

– Người ngủ gục ấy, đã từng làm rắn trong năm trăm kiếp, thường cuộn mình lại ngủ say nên kiếp này cũng ưa ngủ, không có lời nào của Ta lọt vào tai.

– Bạch Thế Tôn, việc ấy xảy ra trong nhiều kiếp liên tục hay đứt quãng?

– Một lần, người này làm người, một lần khoác áo chư thiên, và lần khác làm rắn. Không thể dùng trí biết được số kiếp luân hồi của hắn. Nhưng trong năm trăm kiếp liên tục, hắn làm rắn và ngủ không bao giờ chán.

Người dùng tay bươi đất, là đã năm trăm kiếp làm côn trùng chui trong đất, nên bây giờ cứ bới đất, chẳng nghe lời Ta.

Người hay lay cành cây, là đã năm trăm kiếp làm khỉ, và vì thói quen chuyền cành, nên hiện tại cứ nắm cành cây, không nghe lời Ta nói.

Người nhìn lên trời, là đã năm trăm kiếp làm chiêm tinh gia, nên ngày nay cũng nhìn lên trời, không nghe Ta nói gì.

Người ngồi nghe chăm chú, là đã năm trăm kiếp làm Bà-la-môn đọc tụng Vệ-đà nên hôm nay cũng chăm chú như đang đọc Mật thư.

– Bạch Thế Tôn, Ngài giảng dạy thấm sâu như chẻ da xương, vì sao những người này không chăm chú nghe?

– A-nan, ông tưởng giáo lý Ta dễ nghe được sao?

– Bạch Thế Tôn, Ngài cho rằng khó nghe được?

– Ðúng vậy.

– Tại sao, bạch Thế Tôn?

– Này A-nan, những chúng sanh này trong vòng luân hồi vô tận không nghe tên Tam Bảo, nên bây giờ không thể nghe giáo pháp. Những chúng sanh này trong vòng sanh tử vô cùng ấy chỉ quen nghe tiếng nói của súc sinh. Hơn nữa, họ tiêu phí thời giờ trong việc ăn uống, vui chơi, múa hát, nên không thể nghe giáo pháp.

– Bạch Thế Tôn, vì lý do gì họ không thể nghe pháp?

– Này A-nan, vì tham ái, vì sân hận, vì si mê. Vì vậy, không lửa nào bằng lửa tham ái, đốt cháy hữu tình không một chút tro. Vào thời kiếp hỏa, hỏa tai thiêu rụi toàn thế giới không chừa một tí nào, nhưng lửa này chỉ cháy trong vòng bảy mặt trời, và chỉ cháy trong thời tiết nào thôi. Còn lửa tham ái không lúc nào không bốc cháy. Cho nên Ta nói không lửa nào bằng lửa tham ái, không kìm kẹp nào bằng sân hận, không lưới nào bằng si mê, không sông nào bằng ái dục.

Ngài nói Pháp Cú:

(251) Lửa nào bằng lửa tham!
Chấp nào bằng sân hận!
Lưới nào bằng lưới si!
Sông nào bằng sông ái!

Trích: Tích truyện Pháp Cú – Phẩm Cấu Uế – Những Người Lơ Ðễnh!

Bài viết cùng chuyên mục

Kinh Kim Quang Minh Quyển 3: Phẩm Diệt trừ nghiệp chướng

Định Tuệ

Kinh Pháp Hoa: Phẩm Thọ học vô học nhơn ký thứ chín

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 39: Từ Thị thuật kiến

Định Tuệ

Kinh Địa Tạng phẩm thứ mười: So sánh nhân duyên công đức của sự bố thí

Định Tuệ

Phẩm thứ mười bảy: Ưu Ba Tư Na – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Kinh Pháp Cú phẩm tâm và hình vẽ minh họa

Định Tuệ

12 đại nguyện của Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai

Định Tuệ

Được làm thân người khó hơn rùa mù tìm bộng cây

Định Tuệ

Thần chết sát bên cửa, hãy còn bận lăng xăng

Định Tuệ

Viết Bình Luận