Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Giữ giới để tăng phước báo cho bản thân và gia đình

Người Phật tử phát nguyện thọ trì năm giới cấm nhằm trau dồi đạo đức, hoàn thiện nhân cách đồng thời đó là cách vun bồi phước báo cho bản thân và gia đình.

Ngũ giới: 5 giới cấm căn bản

Ngũ giới là 5 điều ngăn cấm mà Phật đã chế ra, để ngăn những tưởng niệm ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chính. 5 giới ấy là: Không sát sanh; Không trộm cướp; Không tà dâm; Không nói dối; Không uống ruợu. Năm điều này y cứ trên tâm từ bi, bình đẳng trên phương diện dứt trừ tội lỗi cá nhân và đem lại trật tự, an vui cho xã hội mà thành lập.

Đức Phật không bắt buộc chúng ta phải triệt để tuân theo và cũng không hăm dọa nếu chúng ta không tuân theo thì phải bị Ngài trừng phạt. Sự giữ hay không giữ giới là do chúng ta hoàn toàn tự liệu lấy.

Giới thứ nhất là không sát sinh

Giới đầu tiên trong ngũ giới mà Đức Phật dạy là không sát sinh. Ngài muốn các các đệ tử luôn quý trọng mạng sống của chúng sinh, muôn loài, nuôi dưỡng lòng từ bi biết yêu thương tất cả. Điều thứ nhất là mình phải biết tôn trọng mạng sống của người và của cả muôn loài. Muôn loài tức là những loài động vật hữu tình, chúng sinh hữu tình. Đối với đạo Phật là tôn trọng kể cả sự sống của cỏ cây, mình cũng không vô ý, vô cớ tự nhiên phá hại cây cối, tức là rất quý trọng môi trường. Điều đạo đức này, đạo Phật gọi là giới không sát sinh, tức là giới quý trọng mạng sống của con người và của các loài, bình đẳng về mạng sống, tôn trọng mạng sống của họ.

Giới thứ hai là không trộm cắp

Để quý Phật tử hiểu vì sao nên giữ giới không trộm cắp, điều đạo đức thứ hai đó là chúng ta không được ăn trộm, ăn cắp. Đây cũng là sự bình đẳng về tôn trọng quyền sở hữu tài sản của mọi người. Tài sản là mồ hôi nước mắt của mọi người làm ra, cho nên chúng ta phải tôn trọng, phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản giúp mọi người. Cho nên đã là một người quy y Phật, quy y Tam Bảo thì không thể làm việc trộm cắp được, vì trộm cắp là mất đi đạo nghĩa. Khi trộm cắp, chúng ta phạm cả tội luật pháp của thế gian, có khi cũng phải bị xử lý về mặt luật pháp. Trong đạo Phật cũng thế, một người đã gọi là Phật tử thì không thể có tính trộm cắp được, phải từ bỏ việc này.

Chúng ta đều không muốn ai lấy đồ của mình, vậy nên mình cũng không nên lấy đồ của người, đây là sự công bằng trong xã hội. Mọi của cải làm ra đều dựa vào công sức lao động, chúng ta lấy trộm đồ vật là đang lấy đi công sức, trí tuệ của người đã bỏ ra. Việc này cũng dễ gây kết thù xấu, làm mất lòng tin của mọi người đối với mình.

Giới thứ ba là không tà dâm

Người có hành vi ngoại tình giống như đứa trẻ đang thưởng mật trên lưỡi dao vậy, ham mê một chút vị ngọt mà quên mất hậu quả bị đứt lưỡi. Người Phật tử phải thực hành điều đạo đức là không được ngoại tình, tức là phải sống chung thủy. Điều này đối với đạo Phật rất phù hợp, vì đạo Phật tôn trọng hạnh phúc gia đình. Gia đình hạnh phúc thì con cái mới tốt đẹp và xã hội mới tốt đẹp được. Cho nên, đạo Phật đặc biệt coi trọng giới đức này. Điều đạo đức này là nghiêm cấm việc những người đã xây dựng gia đình đi ngoại tình.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc ngoại tình trở nên khá phổ biến khi các nền tảng ứng dụng tìm bạn rất nhiều. Nhiều người dù có cuộc sống khá đầy đủ, hạnh phúc nhưng cũng đi ngoại tình gây đau khổ cho chính họ và những người liên quan. Đức Phật thấy được kết quả đau khổ của việc ngoại tình nên Ngài khuyên các Phật tử không nên có những hành vi ngoại tình để tránh những nghiệp báo không đáng có khi phá vỡ hạnh phúc gia đình của mình và của người.

Giới thứ tư là không nói dối

Điều đạo đức thứ tư mà người Phật tử phải giữ, đó là không được gian dối. Xã hội chúng ta càng phát triển, quan hệ của con người với con người càng phức tạp và việc mất lòng tin với nhau cũng rất nhiều. Cho nên, đạo Phật đặc biệt nhấn mạnh không gian dối, không lừa dối, không nói dối, không lừa gạt người khác mà phải sống chân thật, sống chân thành với nhau. Một xã hội mà người với người sống chân thành với nhau, chân thật với nhau thì rất tốt đẹp.

Giới thứ năm là không say sưa, nghiện ngập

Giới đức thứ năm trong ngũ giới mà người Phật tử cần gìn giữ là không nghiện ngập các chất gây nghiện như rượu, ma túy, xì ke… Nói về tác hại của những chất gây nghiện, bây giờ có nhiều thứ gây nghiện. Nhưng những cái làm ảnh hưởng đến thể chất, ảnh hưởng đến nhân cách, trí tuệ của con người thì người Phật tử đều không được dùng. Nó làm ảnh hưởng, làm mất nhân cách, suy giảm trí tuệ, suy giảm sức khỏe thì người Phật tử đều không được dùng. Vì đạo Phật là đạo rất tôn trọng trí tuệ, rất quý trọng trí tuệ. Những thứ ảnh hưởng đến thể chất thì cũng ảnh hưởng luôn đến trí tuệ của chúng ta. Cho nên, đạo Phật nghiêm cấm người Phật tử không được nghiện ngập những thứ gây bệnh hoạn cho mình, ảnh hưởng đến cả trí não, trí tuệ.

Khi ta sử dụng các chất gây nghiện đến mức nghiện ngập, sẽ không kiểm soát được hành vi của mình dẫn đến các hành vi ác như giết người, cướp của, gây nên nhiều lỗi lầm. Ngày nay, các bạn trẻ ham mê đua đòi mà dính vào ma túy, bóng cười, hay việc uống rượu bia mà gây tai nạn giao thông luôn là những vấn đề nóng mà xã hội quan tâm. Đối với người học Phật, tránh xa việc nghiện ngập những chất làm hại cơ thể sẽ giúp tránh được những lầm đường lạc lối, tránh gây ra những việc sai trái.

Giữ giới để tăng phước

Người Phật tử phát nguyện thọ trì năm giới cấm nhằm trau dồi đạo đức, hoàn thiện nhân cách đồng thời đó là cách vun bồi phước báo cho bản thân và gia đình.

Năm giới quý báu này nếu được mọi người hiểu biết cặn kẽ và tuân giữ nghiêm mật thì chắc chắn thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Ngược lại, nếu không tuân thủ các nguyên tắc đạo đức này thì phước đức sẽ dần suy giảm, đến lúc cạn kiệt thì tai họa, hoạn nạn và đau khổ phát sinh.

Thế nên, để cho sự nghiệp, sức khỏe, gia đạo luôn phát triển ổn định, bền vững thì người đệ tử Phật cần thường xuyên vun đắp cội phước. Ngoài sự sẻ chia, bố thí, cúng dường và thực hành các thiện pháp khác thì giữ giới là cách tạo phước rất quan trọng. Quan sát và chiêm nghiệm cuộc sống sẽ thấy khá rõ, người thực hành đạo đức thì phước báo ngày càng tăng thêm. Người phạm giới và khuyết giới thì phước báo ngày càng sa sút, có thể dẫn đến thân bại danh liệt.

“Một thời Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt cùng với chúng đại Tỳ-kheo (…). Bấy giờ, Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở Trúc viên, Ngài bảo A-nan: – Các thầy hãy sửa soạn, hãy đi đến thành Ba-lăng-phất.

Đáp: Kính vâng.

Rồi Ngài sửa soạn y bát cùng với đại chúng theo hầu, Thế Tôn từ Ma-kiệt đi đến thành Ba-lăng-phất và ngồi ở gốc cây Ba-lăng. Lúc ấy các Thanh tín sĩ tại đó nghe Phật cùng đại chúng từ xa đến nghỉ dưới cây Ba-lăng, bèn cùng nhau ra khỏi thành, từ xa trông thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây Ba-lăng dung mạo đoan chính, các căn vắng lặng, nhu thuận tột bực, như con rồng lớn, như nước đứng trong, không chút bợn nhơ, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm tột bực. Thấy rồi, ai nấy hoan hỷ, lần đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, rồi ngồi lại một bên. Ðức Thế Tôn theo thứ lớp nói pháp, khai tỏ, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ. (…)

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Thanh tín sĩ rằng: – Phàm người phạm giới thời có năm điều suy hao. Những gì là năm? 1-Cầu tài lợi không được toại nguyện. 2-Dẫu có được tài lợi, ngày mỗi hao mòn. 3-Bất cứ đến đâu cũng không được mọi người kính nể. 4-Tiếng xấu đồn khắp thiên hạ. 5-Thân hoại mệnh chung sa vào địa ngục.

– Trái lại, này các Thanh tín sĩ, phàm người giữ giới sẽ có năm công đức. Những gì là năm? 1-Cầu gì đều được như nguyện. 2-Tài sản đã có thì thêm mãi không hao sút. 3-Ở đâu cũng được mọi người kính mến. 4-Tiếng tốt đồn khắp thiên hạ. 5-Thân hoại mệnh chung được sanh lên cõi trời.

Bấy giờ, đã nửa đêm, Phật bảo các Thanh tín sĩ hãy trở về. Các Thanh tín sĩ vâng lời, đi quanh Phật ba vòng, rồi đảnh lễ mà lui”.

(Kinh Trường A-hàm, kinh Du hành [trích])

Lời Phật dạy thật rõ ràng, những ai sống thiếu đạo đức sa đà buông thả phóng dật hay phạm khuyết các giới cấm thì sẽ chịu năm điều suy hao. Đầu tiên là cơ nghiệp làm ăn, buôn bán ngày càng không được như ý nguyện, tiền bạc kiếm được không còn dễ dàng như trước. Kế đến là tài sản dành dụm được trước đây rất khó giữ, cứ hao mòn tiêu tán dần. Bởi tài lộc đến hay đi là do phước, phước đủ thì tụ, phước thiếu thì tan. Khi đạo đức đã sa sút thì uy tín không còn, tiếng xấu ngày càng lan truyền thì chúng ta không còn được tín nhiệm và nể trọng. Bấy giờ, nếu không nhanh chóng nhận ra vấn đề để sám hối và phục thiện thì cơ nghiệp, sức khỏe, gia đạo đều đồng loạt lao dốc, thậm chí có người không giữ được thân mạng, chết đi trong bất an, sinh vào đọa xứ.

“Trái lại, này các Thanh tín sĩ, phàm người giữ giới sẽ có năm công đức. Những gì là năm? 1. Cầu gì đều được như nguyện. 2. Tài sản đã có thì thêm mãi không hao sút. 3. Ở đâu cũng được mọi người kính mến. 4. Tiếng tốt đồn khắp thiên hạ. 5. Thân hoại mệnh chung được sanh lên cõi trời”. Thế mới biết giữ giới có vai trò rất quan trọng trong việc vun trồng cội phước. Mặt khác, muốn tiến xa hơn nhằm thành tựu định tuệ và giải thoát sinh tử thì chắc chắn phải dựa vào nền tảng giữ giới. Có thể nói, muốn tạo phước nên giữ giới, muốn tu định phải giữ giới, muốn phát tuệ cần giữ giới. Sống đạo đức, có giới là phẩm hạnh căn bản của người đệ tử Phật nhằm hướng đến thành tựu phước báo, công đức và giải thoát.

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Sự tích về Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

Định Tuệ

Kinh Hoa Nghiêm tập 3: Phẩm Phổ Hiền Tam Muội thứ ba

Định Tuệ

Kinh Hoa Nghiêm tập 19: Phẩm Thăng Dạ Ma Thiên Cung

Định Tuệ

Dùng âm nhạc cúng dường Phật, được tiếng nói êm dịu dễ nghe

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 11: Quốc giới nghiêm tịnh

Định Tuệ

Người giữ gìn gia bảo của Như Lai

Định Tuệ

Lời Phật dạy: Sáu phần bố thí được phước vô lượng

Định Tuệ

Phẩm thứ 40: A Nan Tổng Trì – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Phẩm thứ mười bảy: Ưu Ba Tư Na – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Viết Bình Luận