Nóng giận và tức giận chính là liều thuốc độc giết chết chính bản thân mình. Vì thế chúng ta cần học cách kiềm chế và bỏ qua…
Tức giận là một thứ tập khí thuộc căn bản phiền não lâu đời. Nó là một trong ba thứ có gốc rễ sâu xa trải qua từ vô lượng kiếp. Nó thuộc loại câu sanh hay bản hữu chủng tử. Khi có mặt ta là đã có mặt nó. Ba thứ đó là: “Tham, Sân, Si”. Trong kinh thường gọi ba thứ này là “Tam độc” .
Tức giận là một cơ chế phản xạ của con người khi đứng trước một sự việc không như ý. Tuy nhiên việc tức giận quá mức sẽ dẫn đến ức chế tinh thần, khi không kiểm soát được ắt sẽ bộc phát gây ra những hành động sai trái.
Chẳng hạn, điều gì mình không ưa thích mà cứ phải “chạm trán” liên tục thì tâm bất mãn bùng phát biến thành phẫn nộ, hoặc trong trường hợp thường xuyên bị kẻ khác chỉ trích tấn công với lời lẽ gay gắt thì sự bực phiền dồn nén trong lòng trào dâng chuyển thành cơn phẫn nộ. Phẫn nộ, do đó, là hệ quả của tâm giận dữ bất mãn bị kích động.
Phật khuyên mọi người chúng ta không nên nóng giận. Phật không phân biệt nóng giận vì có lý do chính đáng hay không chính đáng, hợp lý hay không hợp lý. Chỉ biết rằng khi nóng giận, tâm con người chắc chắn không đủ để kiểm soát hành vi và ngôn ngữ. Phật nói: “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các người”.
Đức Phật dạy rằng, cần phải học cách nhận diện và chuyển hóa cơn giận, khi giận, không nên đè nén trong lòng mà nên nói ra. Ta nên bày tỏ nỗi khổ của ta một cách rất chân tình và thật thà với người mà ta đang giận, có như thế mới có cách giải quyết vấn đề.
Khi trao đổi bàn giải với nhau, cả hai nên dùng lời ái ngữ ôn hòa và phải tỏ ra một cách hết sức thành thật cởi mở. Cả hai nên dẹp bỏ lòng tự ái kiêu căng ngã mạn. Vì lòng tự ái là con đẻ của bản ngã. Chính nó gây nên thù hận và giết chết đời ta.
Phật khuyên ta nên lấy lòng từ bi và tính ôn hòa để thắng phẫn nộ. Đồng thời ta còn phải thận trọng lời nói, giữ gìn ngôn ngữ cho nhẹ nhàng, đúng đắn và không bao giờ nên thốt ra những lời nặng nề thô lỗ làm đau lòng người khác.
Thông thường, khi tức giận, con người thường muốn trừng phạt nặng nề đối phương, càng như thế, hiểu lầm càng lớn, thù hận càng sâu, chẳng phải càng bi ai hay sao, người giữ mối thâm thù làm sao có thể hạnh phúc được.
Điều khó nhất là diệt trừ hận thù từ trong tâm, khi không còn nghĩ đến tức giận, tự khắc cơn nóng giận sẽ nguội dần. Ta sẽ dùng tình thương và lòng bao dung để đáp lại mọi trường hợp mà người phàm tục cho là đáng giận, trong những lúc họ tranh giành phải trái hơn thua với nhau.
Hãy luôn nhớ rằng, dứt bỏ được nóng giận, hơn thua, cuộc đời sẽ tự nhiên thanh thản và dễ chịu hơn rất nhiều…!!!
Người nóng tính, nóng giận cũng như con rắn độc
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, gọi các Tỷ kheo: Có bốn loại rắn, này các Tỷ kheo. Thế nào là bốn? Loại rắn có nọc độc nhưng không ác độc; loại rắn ác độc nhưng không có nọc độc; loại rắn có nọc độc và ác độc; loại rắn không có nọc độc, không có ác độc.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, có bốn hạng người được ví dụ như bốn loại rắn này có mặt ở đời. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người rất mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ không tồn tại lâu dài. Ví như loại rắn có nọc độc nhưng không ác độc.
Này các Tỷ kheo, có hạng người không mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ tồn tại lâu dài. Như là loại rắn ác độc nhưng không có nọc độc.
Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người rất mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ tồn tại lâu dài. Ví như loại rắn có nọc độc và ác độc.
Này các Tỷ kheo, có hạng người không mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ không tồn tại lâu dài. Như là loại rắn không có nọc độc, không có ác độc.
Có bốn hạng người này, này các Tỷ kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm Mây mưa, phần Các con rắn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.23).
Lời bàn:
Tâm sân hận của con người thường được ví như hình ảnh ngọn lửa tàn phá những khu rừng hạn hán, thiêu đốt tất cả những gì tốt đẹp mà chính họ đã tạo dựng. Cơn giận bùng phát ra bên ngoài thường hung hãn như ngọn lửa lớn. Tuy nhiên, khi giận dữ được nén vào trong lòng thì nó ẩn tàng hiểm họa như nọc độc của rắn độc.
Nóng giận nhanh mà nguội lạnh nhanh, hạng người này bộc trực, ngay thẳng, không để bụng, điều gì không vừa ý thì nói ngay, nói rồi thôi. Xem ra nếu hiểu thì cũng dễ dàng thông cảm và sống chung với họ. Tuy vậy, hạng người này thường mang lại những tổn thương, tự ái cho nhiều người. Như loại rắn độc thường phun nọc độc nhưng dùng để tự vệ hơn là tấn công nhằm giết hại đối phương.
Hạng người khác ít nóng giận hơn hoặc có giận thì thường dồn nén mà không biểu hiện ra. Tuy họ có vẻ thoải mái, dễ chịu nhưng một khi đã ghim gút thì giận lâu, khó tháo gỡ. Như loại rắn không có nọc độc nhưng tâm tính ác độc. Ít giận nhưng một khi đã giận ai thì giận dai, không hỉ xả cũng là một tâm tính ác cần phải đoạn trừ.
Nguy hiểm nhất là hạng người dễ giận và giận lâu. Hiểm họa thật khó lường luôn chờ đón những người sống chung và chính bản thân của người ấy. Nếu không đủ tuệ giác và từ bi để dung nhiếp thì cần phải tránh xa hạng người này. Bởi cầm đuốc đi ngược gió thì sẽ có ngày cháy tay, gần rắn độc và hung dữ thì khó tránh khỏi tai họa.
Không sân hận hay nếu có thì nhanh chóng hỉ xả là một trong những đặc điểm lý tưởng để sống chung an hòa. Hạng người này hiếm có trên đời, phải nỗ lực tu tập trong thời gian dài mới mong thành tựu. Do vậy, nuôi dưỡng và phát triển từ bi, trí tuệ từng phút giây trong đời sống hàng ngày là điều cần yếu và quan trọng của mỗi người.
Từ những lời dạy của Đức Phật giúp chúng ta hiểu được tâm sân hận là một trong những nguyên nhân gây ra phiền não. Phật từng nói: “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các người”, nghĩa là chúng sinh từ bỏ nóng giận, vì đó là nguyên do tạo ra phiền não.
Không nóng tính, giận hờn là giữ được bình tĩnh trước những cảnh trái ý nghịch lòng. Nóng tính, giận hờn là tính xấu tai hại chẳng khác ngọn lửa tàn bạo, đốt cháy cả người giận lẫn những người chung quanh, làm ảnh hưởng những mối quan hệ.
Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”, là “Một ý niệm giận hờn nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra”.
Tâm Hướng Phật/St!