Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Tam độc Tham sân si là gì? Nhận diện và chuyển hóa tam độc

Tam độc Tham sân si là gì? Tam độc (Triviṣa) trong Phật giáo nói về 3 trạng thái tinh thần có hại là ngu si (vô minh) (Moha), tham lam (Lobha), sân hận (Dosa).

1. Tam độc là gì?

Tam độc (Triviṣa) trong Phật giáo nói về 3 trạng thái tinh thần có hại là ngu si (vô minh) (Moha), tham lam (Lobha), sân hận (Dosa).

Vì bị kiềm chế bởi tam độc tham, sân, si nên chúng sinh luôn tạo nghiệp ác và do đó tạo ra trong tâm thức những nghiệp lực dưới dạng tiền định lực, trói buộc tâm thức. Khi mạng sống chấm dứt, chúng sinh bị kiềm chế bởi những tiền định lực ấy sẽ phải đi theo nghiệp lực của mình để tái sinh trong 6 cõi luân hồi với một tâm thức và thân thể của kiếp sống mới, phù hợp với các nghiệp nhân đã tạo tác ra trong quá khứ.

Tam độc là phần chính giữa trong bức tranh “Bánh xe luân hồi” (Bhavachakra), đặt tại nhiều tu viện Phật giáo ở Tây Tạng, với hình ảnh con công, rắn và lợn cắn đuôi nhau.

Tham (Lobha)

Theo Phật pháp, tham là sự đắm say, sự ham muốn, sự đam mê một điều gì đó. Cốt lõi của lòng tham nằm ở 5 nhu cầu của con người: Tài (tài sản), sắc (sắc đẹp, hình thức bên ngoài), danh (danh thơm, tiếng tốt), thực (ăn uống), thùy (ngủ nghỉ). Khi ham muốn về 1 trong thứ này dâng lên cao hơn mức bình thường, con người sẽ nảy sinh lòng tham và được hiển hiện với những hành động, lời nói của mình.

Thế nhưng, lời Phật dạy về lòng tham khẳng định rằng, tham lam không phải là bản chất của con người. Nhân chi sơ, tính bổn thiện. Con người sinh ra thuần khiết như tờ giấy trắng, trái tim thuần hậu và thiện lương. Lòng tham lớn dần lên theo năm tháng, qua những bể dâu mà mỗi người gặp phải. Người không biết tiết chế lòng tham thì lòng tham cứ lớn dần mãi lên, đưa lối dẫn đường đến những hành động sai trái.

Phật nói: “Lòng tham càng lớn, phúc đức lại càng tiêu tán”. Vì sao? Tham thường đi liền với ác. Người tham muốn đoạt được thứ mình muốn, lại sinh làm điều ác để thỏa mãn cho mình.

Đức Phật dạy tham như cỏ hoang làm hại ruộng nương, đây là làm hại “đất tâm” của người tu hành và trị tham chẳng gì hơn là việc bố thí:

(Pháp Cú 356)
Cỏ hoang làm hại ruộng vườn
Tham lam gây hại nhiều hơn cho người,
Tham lam ai đã lìa rồi
Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng
Hưởng về phước báu vô vàn.

Theo Kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo” người không tham muốn thì được thành tựu những điều tốt đẹp sau đây: Ba nghiệp thân, khẩu, ý được tự tại, của cải không bị mất mát, hưởng phúc đức và những sự tốt đẹp sẽ đến với mình, mặc dù mình không mong ước.

Đức Phật còn dạy là đừng để tham và sân, đừng để tội lỗi lôi mình vào cảnh khổ. Tội lỗi ở đây nghịch nghĩa với chánh hạnh, là không theo giáo pháp, trong câu sau này có nghĩa là sân hận. Căn nguyên của điều ác là tham lam và sân hận:

(Pháp Cú 248)
Các ngươi nên biết rõ rằng
Dễ gì chế ngự việc làm ác đâu
Tham lam, tội lỗi hố sâu
Kéo ta xuống chốn khổ đau đời đời.

Kinh Phật dạy rằng, lòng tham của con người không bao giờ có giới hạn. Ví như được ăn no mặc ấm, rồi nhu cầu cao lên lại ăn sang mặc đẹp, rồi nhu cầu được xã hội trọng vọng, nhu cầu được thể hiện bản thân. Nhu cầu càng cao, lòng tham càng lớn.

Phật dạy rằng, tham lam càng nhiều thì báo ứng càng lớn. Luật nhân quả của lòng tham thường được trả ngay trong kiếp này, qua rất nhiều minh chứng thực tế trong đời sống mà hàng ngày chúng ta vẫn thấy báo đài đưa tin. Kẻ tham nhũng trộm cắp thì tù tội, kẻ cờ bạc cá độ thì bần hàn, người tham quyền cao chức trọng rồi cuối cùng cũng chẳng còn được gì, gia đình bất hòa, xã hội bất dung.

Sân (Dosa)

“Sân” là cơn giận, lòng giận dữ, nóng nảy, thù hận khi không vừa lòng, không được thỏa thích như ý muốn. Bất bình vì bị xúc phạm, nhân đó làm những chuyện sai trái. Sau cơn giận thời giữ lại lòng oán ghét tìm dịp mà trả thù.

Sở dĩ sân sinh khởi là do lòng yêu thích “cái ta” hay thích “cái của ta”. Nếu người ta mắng nhiếc, chê bai kẻ nào khác thời ta không thấy giận, nhưng nếu ai chửi bới hoặc khiển trách ta hay người thân của ta, hoặc làm tổn hại tài sản của ta lập tức ta cảm thấy khó chịu ngay. Khi khó chịu tăng dần thời sẽ trở thành nóng giận. Nhưng nên nhớ rằng trên đời này không ai tránh khỏi bị khiển trách, bị chê bai, khó tránh khỏi miệng thế gian như Đức Phật đã từng đưa nhận xét:

(Pháp Cú 227)
Người con Phật hãy nghe đây
Chuyện không phải chỉ đời này mà thôi
Từ đời xưa đã nói rồi:
“Làm thinh thời sẽ có người chê bai,
Nói nhiều cũng bị chê hoài,
Dù cho nói ít cũng người chê thôi”.
Làm người không bị chê cười
Thực là chuyện khó ở nơi cõi trần.

Trong quá khứ, trong tương lai và trong hiện tại chưa hề có người nào bị tất cả mọi người chê bai hay được tất cả mọi người khen ngợi, đúng như lời Đức Phật dạy:

(Pháp Cú 228)
Ở đời toàn bị chê bai
Hay toàn nghe tiếng người ngoài khen ta
Từ xưa chẳng thấy xảy ra,
Tìm trong hiện tại thật là khó sao,
Tương lai cũng chẳng có nào.

Phải tu tâm để đạt tới “vô sân”. Vô sân là không nóng nảy, hết giận hờn. Chúng sinh bị qua nhiều kiếp sinh tử luân hồi chính vì không thắng nổi lòng sân. Chư Phật được tự tại, giải thoát, là do dứt trừ được lòng sân tận gốc. Điều khó nhất là diệt trừ phẫn nộ ngay từ trong tâm. Khi tâm chúng ta không còn nghĩ đến giận hờn thì tự nhiên cơn phẫn nộ sẽ không bộc phát. Trong khi đốn cây để cất tịnh thất cho mình, thầy Tỳ kheo nọ vô tình làm tổn hại đến cái chồi non của một vị thần cây. Vị này nổi giận, muốn giết thầy nhưng kịp nghĩ suy nên kiềm chế được cơn sân hận của mình đang phát sinh. Đức Phật tán dương vị thần và dạy:

(Pháp Cú 222)
Khi cơn giận dữ bùng ra
Ai mà ngăn được mới là người hay
Giỏi như hãm lại được ngay
Chiếc xe đang chạy chở đầy, phóng nhanh,
Nếu không thì bản thân mình
Cầm cương hờ hững tài tình gì đâu.

Si (Moha)

“Si” là si mê, vô minh, ngu tối. Người vô minh không sáng suốt, không suy xét hiểu biết đúng lẽ phải, đúng sự thật để phán đoán việc hay dở, tốt xấu, lợi hại… nên mới làm những điều nhiễm ô tội lỗi, có hại cho mình và người. Si, vô minh theo thế tục gọi là “dại” hay “ngu”. Vô minh che lấp tâm trí, làm cho con người không còn nhìn thấy được những chất bợn nhơ đang gậm nhấm từ bên trong con người khiến các thói hư tật xấu ấy sẽ tăng dần và cuối cùng đưa con người vào con đường tội lỗi triền miên. Đức Phật dạy rằng vô minh là điều ô trược tệ hại nhất. Hãy dứt bỏ vô minh để trở thành người trong sạch.

Hai ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên bạch với Đức Phật rằng họ không thể thuyết phục được ông thầy của họ trước kia đến gặp Đức Phật và nghe giáo pháp vì vị này còn quá luyến ái tín đồ riêng. Nhân dịp này Đức Phật giải thích sự khác biệt giữa người suy luận chân chính với người suy luận sai lầm và hậu quả dĩ nhiên của mỗi lối suy luận:

(Pháp Cú 11)
Những gì không thật, hão huyền
Lại cho là thật và tin vô bờ,
Những gì chân thật lại ngờ
Lại cho không thật, chỉ là giả thôi,
Nghĩ suy lầm lạc mất rồi
Thấy sao chân thật rạng nơi pháp mầu.

(Pháp Cú 12)
Biết đây là thật để tin
Biết kia không thật, hão huyền mà thôi
Nghĩ suy theo đúng đường rồi
Thấy ngay chân thật rạng nơi pháp mầu.

Với hai câu Pháp Cú kể trên, chúng ta đã thấy vai trò chủ yếu của vô minh và tà kiến trong các nguồn gốc phát sinh các hành vi bất thiện. Như vậy chúng ta cũng không lạ gì khi Đức Phật khuyên chúng ta không nên tu theo lối khổ hạnh khắt khe, ép xác, chỉ nhắm vào bề ngoài và không nên chuyên lo tế tự, vì những hành động này không dẫn chúng ta đến giác ngộ giải thoát, không giúp chúng ta trở nên trong sạch.

Con người sống giữa nhân sinh đều phải thuận theo luân hồi nghiệp báo, tránh không được, nhưng tự mình có thể xây dựng những nghiệp duyên tốt đẹp cho mình. Muốn thiện, trước hết phải hết tham. Muốn phúc, trước tiên phải biết đủ. Vô sở cầu nhi tự đắc, đó mới thực sự là đại trí huệ của đời người.

Tiền của trên đời, cố kiếm thật nhiều rồi chết đi cũng không mang theo được. Tiền tài danh vọng, mất rồi tất cả cũng chỉ là hư vô. Đời người là hữu hạn, nhân sinh là vô hạn, cớ gì mãi tham lam để tự chuốc lấy đau khổ cho mình.

Những lời Phật dạy về sân si và lòng tham nhắc nhở chúng sanh rằng, lòng tham chính là thuốc độc giết chết nhân cách con người. Nếu sở hữu nào của chúng ta có được từ sự đau khổ của người khác, thì sự sở hữu ấy tất yếu là không chính đáng. Dù là mưu cầu cho cuộc sống hằng ngày hay lưu danh hậu thế, bất cứ ai bị lòng tham chi phối ắt sẽ nhận quả báo nặng nề.

2. Nhận diện và chuyển hóa tam độc

Tham, sân, si là căn bản của phiền não và đã có sẵn trong con người từ vô thủy rồi chứ không phải bây giờ mới có, nhưng ở mỗi độ tuổi, mỗi thời điểm thì sự thể hiện lại khác nhau. Chẳng hạn, đứa trẻ từ khi mới sinh ra đã biết khóc khi chưa được mẹ cho bú, biết la khi khó chịu; hoặc một người làm giám đốc, giữ chức vụ cao thì sẽ bộc lộ sự nóng giận rất khác so với một người công nhân… Dù cách thể hiện có khác nhau nhưng gốc rễ của những phiền não ấy đều bắt nguồn từ tam độc tham, sân, si. Vậy nên, là người Phật tử, điều quan trọng là chúng ta phải thấy được những tập khí xấu trong mình để cố gắng sửa đổi.

Đức Phật là người đã đoạn trừ hết tham, sân, si, không còn phiền não. Muốn được như Ngài thì chúng ta phải cố gắng tu tập. Quý vị thấy khó hay dễ? Niệm Phật, tụng kinh thì dễ, ai cũng có thể làm được, nhưng để điều phục được tham, sân, si thì rất khó, đòi hỏi chúng ta phải nhận diện được tam độc này và trải qua quá trình nỗ lực lâu dài để chuyển hóa.

Đức Phật là người tốt một trăm phần trăm, còn chúng ta thì sao? Một phần trăm, hai phần trăm, ba phần trăm,… Chúng ta còn là phàm phu, do vậy phải thường xuyên nhìn lại ba nghiệp của mình và tu sửa để dần dần tiến bộ, hoàn thiện bản thân, đến khi trở thành người tốt một trăm phần trăm thì chúng ta là Phật.

Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy có ba hạng người: Hạng người thứ nhất như chữ viết trên đá, hạng người thứ hai như chữ viết trên đất, hạng người thứ ba như chữ viết trên nước. Thế nào là hạng người như chữ viết trên đá? Đó là những người cứ giữ mãi sự sân hận trong lòng, thậm chí họ còn nghĩ rằng đời này mà chưa trả thù xong thì đời sau sẽ trả tiếp. Hạng người như chữ viết trên đất thì chỉ giận một thời gian rồi thôi. Còn hạng người như chữ viết trên nước thì tức giận xong là quên ngay. Viết trên đá rất khó tẩy xóa, viết trên đất thì dễ xóa hơn, còn viết trên nước thì không cần xóa, vì chữ viết trên nước không giữ lại được. Sân cũng vậy, có nhiều cấp độ: nặng, trung bình, nhẹ. Ai trong chúng ta cũng sân giận hết, quan trọng là biết mình đang ở cấp độ nào: Sân như chữ viết trên đá, trên đất, hay trên nước. Chắc chắn ai cũng muốn mình chỉ sân như chữ viết trên nước thôi.

Có người cho rằng, khi người ta nói mình, chửi mình một câu thì phải nói lại, chửi lại hai, ba câu mới là giỏi. Thật ra, chỉ có người yếu đuối mới làm như vậy. Còn người nhịn được, không nói, không chửi lại, đó mới là người có bản lĩnh. Trong bài Lời Thầy Dạy, Hòa thượng Giác Nhiên đã khuyên đệ tử:.

Nhẫn là điều, dầu có họ nói không,
Không nói có, mặc tình ai thêu dệt.
Con quyết tu, thì chi chi nhịn hết,
Nhịn nhịn hoài, nhịn nhịn mãi con ôi!
Chẳng phải là nhịn có ba lần thôi,
Mà nhịn mãi đến khi thành chánh giác.
Con nhịn được dầu thân con có thác
Thác thân con mà tâm được nhẹ nhàng
Cõi Tây Phương con chắc chắn bước sang
Bằng con đọa thầy nguyện ra chịu thế.

Quý vị thử nghĩ coi, khi mình nóng giận, gương mặt cứ nhăn nhó, khó chịu thì đẹp hay xấu? Rồi mình lại còn ôm cái tức giận ấy trong lòng dẫn đến ăn không ngon ngủ không yên, người ta chưa khổ mà mình đã thấy khổ rồi. Không những tự làm khổ mình, lúc sân giận con người còn có thể nói ra những lời nói không hay với người khác, thậm chí dẫn đến hậu quả là đánh nhau, chém nhau. Đó là tác hại của lòng sân.

Sân hận như lửa dữ
Làm hư hoại dung nhan
Thiêu đốt cả tâm can
Cháy tan rừng công đức
Cái hại của bực tức
Gây khổ mình và người
Hiện đời không an lạc
Thác đọa ba đường ác.

Ông bà ta có câu: “Đốn củi ba năm, thiêu một giờ”. Nghĩa là ba năm mình gom góp củi, vậy mà không cẩn thận thì chỉ cần một đốm lửa nhỏ cũng có thể thiêu rụi tất cả công sức, thành quả của mình. Sân hận cũng vậy, một ngọn lửa sân có thể “làm hư hoại dung nhan, thiêu đốt cả tâm can, cháy tan rừng công đức”. Đầu tiên, khi một người tức giận thì sẽ cảm thấy trong cơ thể nóng hừng hực như có lửa đốt, gương mặt hết đỏ rồi tái, nhìn rất đáng sợ. Người nào hay tức giận thì cơ thể bị tổn hại, dễ sinh bệnh tật. Hơn nữa, khi bực bội con người thường không làm chủ được lời nói và hành động của mình, dẫn đến những việc làm sai trái, hủy hoại hết những gì quý giá, tốt đẹp nhất mà bấy lâu nay họ đã dày công gây dựng. Thí dụ, một người hay đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, làm phước, bố thí, cúng dường,… nhưng chỉ cần đụng chuyện là tức giận, chửi mắng, thậm chí đánh đập, làm tổn hại đến người khác. Như vậy là cháy tan cả rừng công đức, “hiện đời không an lạc, thác đọa ba đường ác”.

Người ta thường nói: “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”. Khi chưa đánh được người ta thì tức lắm, muốn đánh trả cho bằng được, khi đánh được người ta rồi thì mình cũng đau mà lại sợ người ta trả thù. Thực tế thì ai cũng biết giận là xấu, là hại, rồi sẽ đưa đến những kết quả không tốt ở đời này và đời sau, thế nhưng làm chủ được cơn giận rất khó. Trước đây, tôi có làm một bài kệ như sau:

Mặt em đẹp xinh,
Giận lên thấy kinh,
Phùng mang trợn mắt,
Chẳng ai dám nhìn.
Mặt em hiền lành,
Giận lên dữ dằn,
Giống như La Sát,
Chẳng khác bà chằn.
Mặt em như hoa,
Giận lên thấy già,
Nhăn nheo xấu xí,
Còn gì là hoa.

Biết rằng tham, sân, si là xấu, nhưng để chuyển hóa được nó thì không đơn giản chút nào, đòi hỏi phải có cả một quá trình dày công tu tập. Nhiều người cứ chấp vào việc tu được năm năm, mười năm, từ đó làm tăng trưởng bản ngã. Bản ngã càng lớn thì phiền não càng cao. Hồi xưa, lúc mới đi chùa bản ngã còn nhỏ; đi chùa được một thời gian rồi có công việc, có chức vụ riêng, được làm ông này bà kia, được làm hội trưởng thì bản ngã lại lớn dần. Phiền não cũng từ đó tăng lên, bởi chỉ cần có người đụng tới mình là phiền não nổi lên ngay. Rốt cuộc, không biết đến chùa tu là tu cái gì. Mục đích ban đầu là tu để bớt tham, bớt sân, bớt si, nhưng tu riết rồi tham, sân, si lại ngày càng tăng trưởng. Cho nên mới có tình trạng, nhiều người đi chùa càng lâu thì càng khó ưa, bởi vì cái ngã, cái tôi lớn quá.

Chẳng hạn, nhiều người đi chùa lâu rồi nhưng vẫn vướng vào khẩu nghiệp. Cứ nghĩ rằng, đến chùa là để tụng kinh, niệm Phật, nhưng đến rồi lại bắt đầu bàn đủ thứ chuyện và trở thành “bà tám”. Đi chùa không nói về Phật pháp, về những điều tốt đẹp mà toàn nói chuyện thị phi, nói xấu người này người kia, mở miệng ra là gây chia rẽ, hiềm khích,… đủ thứ chuyện, rốt cuộc lại tạo thêm khẩu nghiệp.

Lời nói có sức nặng rất ghê gớm, như là dao, là búa vậy. Nhiều khi chỉ vì một câu nói mà làm người ta buồn phiền, mất ăn mất ngủ, thậm chí còn có thể là nguyên nhân gián tiếp đẩy một người đến cái chết. Vậy nên, đức Phật dạy không nên nói dối, nói đâm thọc, nói lời thô lỗ, nói lời ô uế. Đó là những hành động đưa con người đi vào con đường tội lỗi, sa đọa.

Đức Phật dạy chúng ta có ba cách nói, đó là nói như mật, nói như hoa và nói như phân. Nói như mật là khi nói ra, người nghe cảm thấy như đang được nếm mật ngọt. Nói như hoa là khi nói ra, người nghe cảm thấy như đang được ngửi một mùi hương dễ chịu. Còn nói như phân là lời nói chỉ đem lại sự khó chịu, bực tức mà thôi. Chúng ta cố gắng học cách nói như mật hoặc nói như hoa, đừng nói như phân.

Khi đi qua Mỹ, thầy thấy người Mỹ có lối sống và cách hành xử rất hay. Họ đối xử thân thiện với nhau, nói những lời nhẹ nhàng, lịch sự, lễ phép, hay nói lời cảm ơn, xin lỗi. Là người Phật tử, mình nên học tập những điều hay như thế.

Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Muốn giúp đỡ người khác thì phải nói làm sao để người nghe hoan hỷ, có vậy mới chuyển hóa được sai lầm của họ. Ngoài ra, chúng ta còn phải tập nói ái ngữ, nghĩa là nói lời thương yêu, nhẹ nhàng, hòa nhã, lễ phép. Như vậy thì sẽ luôn được mọi người yêu thương, quý mến. Đây là điều đắc nhân tâm.

Miệng ta là hoa sen
Một phen đã hé nở
Tỏa hương thơm Phật pháp
Gieo mầm giác cho người.

Lời nói mà làm người nghe cảm thấy hoan hỷ thì cũng giống như một luồng gió mát hay một làn hương thơm vậy. Có thể mình niệm Phật rất nhiều, rất giỏi nhưng để nói được một lời thương yêu, hòa hợp thì lại khó, đôi khi nói không được. Vì vậy, mỗi ngày quý vị phải ngồi suy ngẫm lại xem khẩu nghiệp của mình có thanh tịnh hay chưa, lời nói có chân thật, ái ngữ, có đem lại những điều tốt đẹp cho mình và cho mọi người hay chưa? Người học Phật chúng ta cố gắng nói những lời ái ngữ, ôn hòa khiến người nghe cảm mến, ghi nhớ mãi không quên.

Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy: “Không làm mọi điều ác,Thành tựu các hạnh lành,Tâm ý giữ trong sạch, Chính lời chư Phật dạy.”

Nghe thì rất dễ nhưng cả đời chúng ta cố gắng cũng khó làm xong. Chớ làm các điều ác là chúng ta sửa đổi ba nghiệp của mình: thân không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; khẩu không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác, không nói lời ô uế; ý không tham, không sân, không si. Nếu làm được mười điều này là chúng ta đang làm mười điều thiện.

Làm được như vậy đã khó, nhưng để “tâm ý giữ trong sạch” còn khó hơn. Cũng trong kinh Pháp Cú đức Phật dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo”. Tất cả lời nói, hành động của chúng ta đều bắt đầu từ ý. Ý nghĩ tốt sẽ biểu hiện thành lời nói và hành động tốt. Còn ý nghĩ xấu thì lời nói và hành động cũng xấu theo. Để có được ý nghĩ tốt, nhận biết được đúng sai, phải trái, chính tà thì chúng ta phải học Phật pháp.

Hầu hết, khi làm sai, chúng ta thường cho là mình đúng nên mới làm như vậy. Đó là do vô minh. Nhờ có giáo pháp của đức Phật, nhờ có ánh sáng chân lý nên mình mới nhận ra ý nghĩ, lời nói và hành động của mình là sai. Bản thân chúng tôi khi chưa xuất gia cũng làm rất nhiều điều sai trái mà không biết. Nhưng khi học Phật pháp, hiểu được nhân quả tội phước, biết đời này đời sau, lúc đó mới nhận ra là lâu nay mình có những suy nghĩ sai, lời nói sai và việc làm sai. Nếu có thời gian quý vị nên đọc cuốn Lương Hoàng Sám để thấy được rằng, nếu không chính niệm thì hằng ngày ý nghĩ, lời nói cũng như hành động của mình có thể gây tạo rất nhiều tội lỗi mà lâu nay mình không biết, còn cho rằng mình đúng.

Nếu chúng ta không thấy được lỗi của mình, không biết những điều mình làm là đúng hay sai thì không thể sửa đổi được. Cho nên mình phải học Phật pháp để biết mà sửa đổi. Chẳng hạn, tướng lĩnh ra trận mà không biết quân địch là ai, ở đâu thì làm sao mà thắng được? Phải hiểu rõ địch mới có thể giành chiến thắng. Cũng vậy, trước nay mình cứ nghĩ rằng cướp của giết người mới là tội, đâu biết rằng chỉ cần có ý nghĩ xấu thôi cũng là tội rồi, chưa nói đến việc làm. Vậy nên, chúng ta cần phải thường xuyên quán xét lại suy nghĩ, làm chủ được suy nghĩ của mình. Bởi vì ý nghĩ có trong sạch thì lời nói và hành động mới trong sạch. Ngược lại, ý nghĩ mà không trong sạch thì lời nói và hành động cũng không thể trong sạch.

Như vậy, dù là Phật tử hay chưa phải là Phật tử, nếu muốn tiến bộ, muốn trở thành người tốt thì đều phải tu. Tu là sửa đổi ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình từ xấu thành tốt, biết được tập khí tham, sân, si trong mình còn nhiều hay ít, mỗi ngày một bớt hay tăng. Nếu bớt thì mình tu có tiến bộ, còn nếu tăng là mình tu sai rồi. (Theo Thượng tọa Thích Chân Tính)

3. Dùng Từ, Bi, Hỷ, Xả đối trị tam độc

Nếu người tu đạo không có Tứ Vô Lượng Tâm, tức là làm ngược lại với đạo và dù có tu đến tám vạn đại kiếp, cũng vẫn còn xa Phật đạo đến cả tám vạn bốn ngàn cây số.

Tứ Vô Lượng Tâm là điều kiện cơ bản mà mỗi người tu nên có. Sao gọi là Tứ Vô Lượng Tâm? Tức là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Vô lượng là không có hạn lượng, có nghĩa là không bỏ dở nửa chừng, hoặc không đến giữa đường rồi tự vạch mức giới hạn cho mình, không muốn tiến tới. Như mới được chút đỉnh đó thì lấy làm đủ và nghĩ là xong rồi. Thật ra, Từ Bi Hỷ Xả không có lúc nào là đủ cả, mà có được càng nhiều thì càng tốt. Chúng ta nên mở rộng, tăng cường Từ, Bi, Hỷ, Xả cho đến khi đạt đến cảnh giới toàn thiện mới thôi.

Từ là có thể cho niềm vui. Chúng ta có cho chúng sanh niềm vui không? Nếu như không có, đó tức là chúng ta không dùng hết lòng từ của mình. Chúng ta nên tiến đến mục tiêu “vô duyên đại từ,” là dùng lòng từ bi đối xử với những người không có duyên với mình. Chúng ta không những thông cảm với người cùng trong hoàn cảnh khó khăn, mà chúng ta cũng nên thông cảm với cả loài động vật trong cảnh hoạn nạn nữa. Nếu có chuyện không may xảy ra, chúng ta nên ra tay tiếp đỡ, giúp chúng sanh thoát vòng khổ hải. Đấy là công việc mà Phật tử nên làm. Chúng ta đừng nên có thái độ dửng dưng, chỉ biết đứng nhìn mà không chịu giúp, vì thế là đánh mất tinh thần cứu thế của Phật giáo. Trái lại, Phật giáo lấy từ bi làm hoài bão, dùng cửa phương tiện của đạo Phật để tiếp nhận chúng sanh.

Bi là có thể bạt trừ khổ não. Chúng ta có thể bạt trừ sự đau khổ của chúng sanh không? Nếu không thể, thì đó là vì chúng ta chưa dùng hết lòng bi của mìmh. Chúng ta nên có tư tưởng “đồng thể đại bi,” cũng tức là thấy người chết chìm như chính mình bị chết chìm, thấy người đói như chính mình bị đói. Phật giáo lấy bi làm tông chỉ, vì bi là lòng lân mẫn, thương xót. Trong khi các nhà Nho nói rằng “bi thiên mẫn nhân” lại cũng phù hợp với ý nghĩa trên. Do đó mà biết rằng tư tưởng của thánh nhân trong thiên hạ đều giống nhau, như cùng xuất phát theo vết bánh xe, không tách rời lòng trắc ẩn xót thương. Phật giáo chủ trương từ bi, Nho giáo đề xướng trung thành và tha thứ. Tâm tâm tương đồng, đấy là cốt tủy của tôn giáo, nếu không thì là dị thuyết của ngoại đạo.

Hỷ là tâm vui vẻ. Chúng ta có hoan hỷ vui thích học Phật Pháp không? Chúng ta có sanh ưu sầu, phiền não, hoặc có tâm tư bực dọc không? Nếu quả là có, chúng ta hãy mau sửa đổi, đừng phát sanh tánh tình như thế. Nếu còn chút ít tập khí, rồi dụng công phu từ thất tình lục dục, thì đó là quan niệm sai lầm. Nên hiểu là chúng ta không được tiếp tục có thứ quan niệm sai lầm như thế. Nếu không, chúng ta không thể nào tưởng tượng nỗi hậu quả của nó sẽ ra sao.

Xả là tâm buông xả. Chúng ta có tâm buông xả không? Nếu có, vậy là lớn hay nhỏ? Là nhất thời hay là vĩnh viễn? Xả cái gì? Là phát tâm cho chúng sanh sự vui vẻ, bạt trừ cái khổ của chúng sanh và giúp họ trong hoàn cảnh nguy khốn. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ sanh lòng hoan hỷ đến mức vô hạn, nhưng chúng ta đừng nên chấp vào đó – làm xong việc rồi nên quên hết chứ đừng lưu giữ trong tâm thức. Nếu chúng ta chấp mà không quên được, đó không phải là hạnh nguyện của Bồ Tát. Chúng ta nên có tinh thần thi ân bất cầu báo thì mới được xem là người Phật tử chân chánh.

Tam độc con người là do ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo thành. Ðó là vì người ta không có tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả. Cho nên con người bị đọa lạc đời nầy sang đời khác và tạo nghiệp ác ngày càng nhiều thêm. Các nghiệp đó tích tập lại từ ít thành nhiều, vì thế độc tố trên thân thể người ta mỗi ngày một thêm sâu đậm. Loại độc nầy không có thuốc chữa trị, rồi lâu dần sẽ biến thành rắn, rết, bò cạp… Những loài động vật nầy: miệng có độc, đuôi có độc, chân có độc, thân cũng có độc. Tóm lại, có các loại độc hại như vậy, hễ nhẹ thì làm người hôn mê, còn nặng sẽ khiến cho người ta mất mạng. Quả thật đáng sợ vô cùng.

Con người nên có lòng từ bi. Ðối với người hay đối với sự việc gì, chúng ta cũng nên chung sống trong cảnh hòa bình và đối đãi với nhau bằng tấm lòng chân thật. Tất cả đều là nghĩ đến người khác, chúng ta không được dùng thủ đoạn cay độc để áp bức người. Người học Phật không được bác bỏ nhân quả, mà phải hết sức chú ý đối với chuyện nhân quả báo ứng! Giả như có người công kích quý vị một cách vô lý, hoặc họ dùng lời lẽ phỉ báng, hoặc dùng hành động hãm hại quý vị, quý vị nên xử lý với họ bằng thái độ điềm tĩnh, không chống đối. Quý vị nên dùng tâm từ bi mà cảm hóa người, gọi là: “Lấy đức báo oán,” khiến họ hồi tâm chuyển ý, biết ăn năn sám hối. Chúng ta nên học theo tinh thần của Bồ Tát Di Lặc, tức là Nhẫn! Nhẫn! Nhẫn! Như vậy thì đao thương tự nhiên sẽ biến thành gấm vóc; mưa sẽ tạnh, trời lại trong, sóng cũng yên, gió cũng lặng. Bằng không, nếu mình không có đủ định lực, không có tánh điềm đạm, chuyện nhỏ thì chửi bới, chuyện lớn thì đánh nhau. Kết quả là hai bên đều bị tổn thương, để rồi cũng như con trai, con cò tranh nhau, rốt cuộc ông câu được lợi, và bọn chúng lại trở thành sản phẩm hy sinh.

Lúc xưa có vị Phật Sống của chùa Kim Sơn vì có định lực nên chẳng sợ bất cứ loại độc hại nào. Bởi Ngài dùng lòng đại bi cảm hóa tất cả những loài động vật có độc, cho nên chúng trở thành bạn thân và tuyệt đối không phá hại Ngài. Trong phẩm Phổ Môn có nói: “Phàm hễ ai niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì có thể cảm hóa”, khiến loài vật có độc cải ác hướng thiện và sẽ không nhiễu hại con người. Khi nghiên cứu Phật Pháp, chúng ta nên thông suốt các ý nghĩa và hiểu rõ lý lẽ bên trong, có vậy mới được xem là người chân chánh học tập Phật Pháp.

Nhiều người có tư tưởng ham thích những chuyện cao xa, những cái kỳ lạ, diệu huyền. Họ chuyên dụng công vào mấy thứ cảnh giới như thế. Ðó là có tư tưởng sai lầm! Chúng ta nên ở tại nơi Từ, Bi, Hỷ, Xả mà dụng công phu. Vậy dụng công phu như thế nào? Trước hết là chúng ta nên dụng công ở chỗ không tranh, không cầu, không tham, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Ðạo lý nầy tuy nông cạn, nhưng trước tiên chúng ta phải nắm chắc chỗ nông cạn đó, vì từ gần sẽ đến xa và từ cạn mới đến sâu. Chúng ta không nên bàn tán đến những chuyện huyền diệu xâu xa, hay lý luận tràng giang đại hải, để rồi không ai hiểu nỗi, vậy chẳng ích lợi chút nào.

Cho nên nói: “Nên quán tánh pháp giới, tất cả do tâm tạo.” Tâm có thể tạo thiên đường, tâm có thể tạo địa ngục. Mười Pháp Giới không ra ngoài một tâm niệm, do đây chúng ta có thể biết rằng: Tâm niệm nhất động, nghiệp ảnh tùy chi, tức là tâm niệm vừa khởi, bóng nghiệp liền theo. Người xưa có nói:

“Ba chấm như chùm sao
Lưỡi câu như trăng khuyết
Mang lòng từ đây ra
Thành Phật cũng từ đấy.”

Ðó là diễn tả về cách cấu tạo của chữ tâm, do vậy chúng ta có thể hiểu rõ được tâm tánh của mình. Nếu đã hiểu rõ được tâm mình rồi, thì giận hờn gì cũng không còn nữa. Tất cả những tranh giành, tham lam, tìm cầu, nhất nhất sẽ không có nữa. Lúc bấy giờ chúng ta mới tự tại thật sự, mới giải thoát thật sự, mới hiểu rõ thật sự về ý nghĩa làm người.

Con người vốn sẵn có Phật tánh, mỗi chúng ta đều có đầy đủ hết. Tuy nhiên, chúng ta lại vứt đi Phật tánh của mình, bỏ cái gần để tìm cái xa và bám níu vào cái bên ngoài. Chúng ta tìm kiếm những thứ rác rưởi, rồi cho là vật quý giá và xem như bảo bối. Ðó thật là vừa tức cười, lại vừa đáng thương hại thay! Tôi hy vọng mọi người đều biết nhận thức ra điều nầy mà hạ thủ công phu, giữ lòng trong sạch, bớt ham muốn và đừng cạnh tranh với đời.

Có người nói: “Tất cả những gì trên thế giới, từ sơn hà đại địa, phòng xá nhà cửa, cho đến cây gai cỏ độc và đất, cây, cát, đá đều là do tâm tạo thành.” Nếu đã biết tất cả đều do tâm tạo, vậy tại sao chúng ta không quét sạch hết rác rến trong tâm để trang nghiêm cho thế giới ở vị lai? Thế giới Cực Lạc của Phật A Di Ðà được tạo thành, là do lúc xa xưa Ngài vì muốn cho chúng sanh thoát khổ được vui. Do Ngài đã siêng năng tu Lục Ðộ Vạn Hạnh, và hồi hướng công đức mà tạo ra thế giới Cực Lạc.

Chúng ta cũng nên tạo cho được một thế giới Cực Lạc. Vậy phải tạo như thế nào? Trước hết là chúng ta phải không có thất tình. Thất tình là gì? Ðó là hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục; tức là vui, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, ham muốn. Khi chúng ta điều phục được bảy thứ tình cảm đó, thì chúng sẽ không thể nào tạo phản dấy loạn nữa. Lúc bấy giờ tâm chúng ta sẽ thái bình vô sự, chuyện khổ sở gì cũng không còn. Vì sao có khổ sở? Vì tâm không được bình yên. Và nếu không có những chuyện khổ, chỉ toàn thọ hưởng các điều vui, như vậy là thế giới Cực Lạc của nhân gian rồi.

Một khi chưa hàng phục được thất tình, đó có thể vì chúng mạnh mẽ thái quá hay là yếu ớt bất cập, không phù hợp với trung đạo, cho nên chúng ta mới điên điên, đảo đảo. Nếu chúng ta hiểu rõ thất tình và có thể hàng phục được chúng, khiến chúng đừng gây sóng gió, tức là chúng ta đã hàng phục được tâm. Bởi thất tình từ trong tâm sanh ra, cho nên khi trong lòng hoan hỷ hay bực tức, đó đều là vì tâm đang bị xoay chuyển theo cảnh giới. Bây giờ chúng ta đã tìm ra căn gốc, vậy chúng ta sẽ không còn mê hoặc và cũng sẽ làm cho bọn thiên ma ngoại đạo phải hàng phục. Tại sao thiên ma ngoại đạo đến quấy nhiễu tâm mình? Bởi chúng ta đã dùng tâm tình cảm của mình một cách quá độ. Một khi hướng cầu bên ngoài, tâm chúng ta sẽ không an tĩnh. Do đó chúng ta đã dẫn dắt ma mị vào trong tâm mình để làm chủ nhân ông. Nếu chúng ta nghe theo mệnh lệnh và chịu sự chỉ huy của nó, vậy là chúng ta không còn quyền tự chủ và sẽ làm nô lệ cho nó thôi.

Tâm Hướng Phật!

Bài viết cùng chuyên mục

Làm thế nào chúng ta nhận ra Quán Thế Âm Bồ Tát?

Định Tuệ

Thiền định Ba la mật là gì? Sự chú tâm siêu nhiên

Định Tuệ

Nội dung và ý nghĩa Văn Thù Bát Tự Chân Ngôn

Định Tuệ

Niệm Phật có thể thấy Phật không?

Định Tuệ

Kinh Bát Đại Nhân Giác điều giác ngộ thứ năm giảng giải

Định Tuệ

Tín tâm là nhân tố thành tựu đệ nhất

Định Tuệ

Những hạng người nào có đủ phước báu nhất để niệm Phật?

Định Tuệ

Sự cầu nguyện là chánh tín hay mê tín?

Định Tuệ

Niệm Phật đúng cách sẽ được sự gia trì từ 10 phương Như Lai

Định Tuệ