Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát sơ phát Bồ đề tâm

Lúc vua Phổ Phúc nói kệ rồi, tâm vua chân thật nên mười phương các ức thế giới chấn động sáu cách, trên không âm nhạc tự nhiên hòa tấu và mưa hoa mạn đà la.

Nầy thiện nam tử ! Thuở quá khứ lâu xa quá bảy mươi vạn a tăng kỳ hằng sa kiếp, có Phật hiệu Lôi Âm Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác xuất thế tại phương Đông cách đây bảy mươi hai na do tha Phật độ, thế giới ấy tên Vô Sanh, Lôi Âm Như Lai thuyết pháp tại đó. Chúng Thanh Văn có tám mươi ức na do tha. Chúng Bồ Tát nhiều gấp bội.

Bấy giờ có vua tên Phổ Phúc đủ bảy báu trị bốn thiên hạ với chánh pháp lý làm Chuyển Luân Vương. Trong thời gian tám vạn bốn ngàn năm, vua Phổ Phúc thường cung kính cúng dường Phật Lôi Âm với những y phục uống ăn cung điện đền đài đẹp tốt, cũng thường cung kính cúng dường chư Bồ Tát và chúng Thanh Văn.

Thân tộc của vua, nội cung thể nữ vương tử đại thần chỉ chuyên lo cúng dường mà không làm gì khác. Dầu thời gian nhiều năm mà không ai mỏi nhọc.

Sau thời gian ấy, nhà vua ở vắng một mình suy nghĩ: nay tôi đã nhóm họp căn lành quảng đại mà còn chưa định chỗ hồi hướng, vì cầu Đế Thích, Phạm Vương, Chuyển Luân Vương chăng ? Vì cầu Thanh Văn, Bích Chi Phật chăng?

Lúc vua nghĩ như vậy rồi, trên không có chư Thiên bảo rằng: “ Đại Vương chớ phát khởi tâm kém hẹp ấy. Tại sao? Vì phước đức của vua đã họp được rất nhiều, vua nên phát tâm Vô thượng Bồ đề.”

Nghe lời khuyến cáo ấy, vua Phổ Phúc vui mừng nghĩ rằng nay tôi ở nơi đây quyết định chẳng lui, vì chư Thiên biết lòng tôi nên đến khuyến cáo. Nhà vua đem tám mươi ức na do tha trăm ngàn người đến chỗ Phật Lôi Âm, đảnh lễ chân Phật, hữu nhiễu bảy vòng, cúi mình cung kính chắp tay nói kệ bạch Phật:

“Nay tôi lễ Thế Tôn
Mong vì tôi chỉ dạy
Làm sao được thành tựu
Đấng Thế Tôn tối thượng
Chỗ nương nhờ cho đời.
Tôi đã rộng cúng dường
Bởi tâm chẳng quyết định
Chưa biết chỗ hồi hướng
Tôi đã tu phước lớn
Nên hồi hướng chỗ nào.
Là cầu ngôi Chuyển Luân
Đế Thích hay Phạm Vương
Là cầu quả Thanh Văn
Hay cầu Bích Chi Phật.
Lúc tôi nghĩ như vậy
Trên không chư Thiên bảo
Đại Vương chớ nên phát
Tâm hồi hướng kém hẹp
Nên vì các chúng sanh
Mà phát nguyện rộng lớn
Vì lợi ích thế gian
Nên phát tâm Bồ đề.
Nay tôi thỉnh Thế Tôn
Đấng Pháp Vương tự tại
Mong nói các phương tiện
Phát khởi tâm Bồ đề
Phát tâm Bồ đề rồi
Sẽ được như Thế Tôn
Duy nguyện đức Thế Tôn
Vì tôi tuyên nói đủ”.

Bấy giờ đức Lôi Âm Như Lai vì vua Phổ Phúc mà nói kệ rằng :

“Đại Vương nên lắng nghe
Phật sẽ thứ đệ nói:
Tất cả pháp nhơn duyên
Tùy căn dục thực hành
Như sở nguyện đã có
Được quả báo như vậy.
Phật ở thủa quá khứ
Cũng phát tâm Bồ đề
Vì tất cả chúng sanh
Nguyện làm lợi ích họ.
Như chỗ Phật phát nguyện
Như xưa đã phát tâm
Được bất thối Bồ đề
Ý nguyện mau viên mãn.
Đại Vương phải kiên cố
Tu tập các công hạnh
Vua sẽ được vô thượng
Phật Bồ đề quảng đại”.

Vua Phổ Phúc nghe Phật nói vui mừng hớn hở được chưa từng có, liền ở trước đại chúng đại sư tử hống mà nói kệ rằng:

“Nay đối trước đại chúng
Phát tâm đại Bồ đề
Vì mỗi mỗi chúng sanh
Thệ tận vị lai tế.
Thọ vô lượng sanh tử
Mà làm đại lợi ích
Tu đủ hạnh Bồ Tát
Cứu các chúng sanh khổ.
Từ nay nếu trái thệ
Phát khởi tâm tham dục
Bỏn xẻn ganh oán hờn
Là dối Phật mười phương.
Tôi từ ngày hôm nay
Nhẫn đến thành Bồ đề
Thường phải học chư Phật
Tu hành các phạm hạnh.
Tùy thuận giới thanh tịnh
Xa rời các lỗi lầm
Tôi ở nơi Bồ đề
Cũng chẳng nguyện mau chứng.
Sẽ tận vị lai tế
Rộng lợi ích chúng sanh
Nghiêm tịnh các Phật độ
Vô lượng bất tư nghị.
Sẽ khiến danh hiệu tôi
Nghe khắp mười phương cõi
Nay tôi tự thọ ký
Quyết định sẽ thành Phật.
Chí nguyện thắng thanh tịnh
Nơi đây vốn không nghi
Tôi sẽ sạch ba nghiệp
Chẳng cho sanh các ác.
Tôi dùng chơn thiệt nầy
Thành Phật Lưỡng Túc Tôn
Nếu tâm tôi chơn thiệt
Đất sẽ động sáu cách
Nếu lời tôi thành thiệt
Không có chút hư vọng
Sẽ khiến trong hư không
Âm nhạc tự nhiên trỗi
Nếu tôi không siểm khúc
Cũng không tâm oán hận
Do tâm chơn thiệt ấy
Sẽ mưa hoa mạn đà”.

Lúc vua Phổ Phúc nói kệ rồi, tâm vua chân thật nên mười phương các ức thế giới chấn động sáu cách, trên không âm nhạc tự nhiên hòa tấu và mưa hoa mạn đà la.

Hai mươi ức người tùy tùng nhà vua đều rất vui mừng mà tự bảo rằng chúng tôi sẽ được Vô thượng Bồ đề, rồi bắt trước nhà vua mà phát Bồ đề tâm.

Đức Phật bảo đại chúng: “Vua Phổ Phúc thuở xưa ấy đâu phải ai khác, chính là Văn Thù Sư Lợi ngày nay vậy. Ông ấy thuở quá khứ bảy mươi vạn a tăng kỳ hằng sa kiếp tối sơ phát tâm Bồ đề, kế đó quá sáu mươi bốn hằng sa kiếp được vô sanh pháp nhẫn hay đầy đủ Bồ Tát thập địa và thập trí lực Như Lai, các pháp ở Phật địa thảy đều viên mãn, mà ông ấy chưa từng khởi tâm, nghĩ rằng tôi sẽ thành Phật.

Nầy chư thiện nam tử ! Thuở ấy, hai mươi ức người tùy tùng nhà vua đồng phát Bồ đề tâm ấy, đều do Văn Thù Sư Lợi khuyên dạy cho vào sáu Ba la mật bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ, nay tất cả đều đã chứng Vô thượng Bồ đề chuyển đại pháp luân, xong Phật sự, nhập Niết bàn. Văn Thù Sư Lợi đều cúng dường chư Phật ấy và hộ trì chánh pháp của chư Phật ấy. Chỉ còn có một đức Phật hiện tại là Địa Trì Sơn Như Lai ở thế giới tên Địa Trì tại Hạ phương cách đây bốn mươi hằng sa Phật độ, cũng có vô số chúng sanh Thanh Văn và Bồ Tát.

Lúc đức Phật nói nhơn duyên đời trước của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, trong đại chúng có bảy ngàn người phát tâm Vô thượng Bồ đề.

KINH VĂN THÙ SƯ LỢI THỌ KÝ!

Bài viết cùng chuyên mục

Phẩm Thứ Nhất: Phạm Thiên Thỉnh Pháp – Kinh Hiền Ngu

Định Tuệ

Sự tích về Đức Đại Thế Chí Bồ Tát

Định Tuệ

Sự tích về Đức Phổ Hiền Bồ Tát

Định Tuệ

Được làm thân người khó hơn rùa mù tìm bộng cây

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 43: Phi thị Tiểu Thừa

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 20: Đức phong hoa vũ

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 26: Lễ cúng thính Pháp

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 35: Trược thế ác khổ

Định Tuệ

Kinh Kim Quang Minh Quyển 5: Phẩm Giảng lại tánh Không

Định Tuệ

Viết Bình Luận