Liễu Phàm Tứ Huấn Tập 18
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 20.04.2001
Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng
Thâm Quyến_Trung Quốc
Tập 18
Chư vị đồng học, xin chào mọi người!
Chúng ta xem tiếp đoạn văn “phương pháp tích thiện”. “Cố thiện sự thường dị bại, nhi thiện nhân thường đắc báng”. Chúng ta đọc đến hai câu này có cảm xúc rất sâu sắc. “Duy nhân nhân trưởng giả, khuông trực nhi phủ dực chi, kỳ công đức tối hoằng”. Tình hình này chỉ dựa vào người có đức hạnh, họ đứng ra uốn nắn lại những tà ác sai lầm này, dạy họ cải tà quy chánh, bảo hộ và giúp đỡ người thiện, khiến họ thành tựu, công đức này lớn nhất.
Bên dưới là đoạn thứ tư. “Hà vị khuyên nhân vi thiện, sanh vi nhân loại, thục vô lương tâm, thế lộ dịch dịch, tối dị một nịch. Phàm dữ nhân tương xứ, đương phương tiện đề ty, khai kỳ mê hoặc, thí do trường dạ đại mộng, nhi linh chi nhất giác”, như thế nào gọi là “khuyên người làm thiện?” Liễu Phàm tiên sinh nói, một người sanh trong thế gian này sao lại không có lương tâm? “Lương tâm” thực tế chính là mở đầu Tam Tự Kinh nói: “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, “tánh bổn thiện” chính là thiên lý lương tâm. Nhưng “thế lộ dịch dịch”, “dịch dịch” là hình dùng thế gian này rất tất bật. “Tối dị một nịch”, đặc biệt là xã hội hiện đại, sức mê hoặc quá lớn. Con người vốn có thiện tâm trời cho, bị những thứ này dụ dỗ, mê hoặc.
Trước đây khi tôi ở Đài Loan, có một lần ở nhà thầy Phương Đông Mỹ, gặp mấy vị quan viên của bộ giáo dục. Họ đến thỉnh giáo thầy về vấn đề làm thế nào phục hưng nền văn hóa xưa, họ nói rất nhiều, chúng tôi cũng ngồi nghe. Trong đó có mộ vị đưa ra một vấn đề khác, nước Mỹ hiện nay là một đất nước mạnh nhất thế giới. Nhìn từ kinh nghiệm lịch sử, quốc gia mạnh đến mấy cũng có ngày diệt vong. Thời nhà Chu 800 năm cũng bị diệt vong, La Mã của phương tây 1000 năm cũng diệt vong. Họ hỏi, tương lai nước Mỹ diệt vong, nhân tố đầu tiên là gì? Thầy Phương rất nghiêm túc, trầm mặc khoảng năm phút sau đó nói hai chữ, đó là truyền hình. Thầy nói nguyên nhân sau này nước Mỹ mất nước, nhân tố đầu tiên là truyền hình. Truyền hình là một loại công cụ, không có thiện ác sao có thể khiến đất nước diệt vong? Nội dung trong truyền hình phát sóng là gì? Toàn là sát đạo dâm vọng. Bất luận là người lớn hay trẻ con, mỗi ngày đều đối diện với những hình ảnh này, đây là “dễ diệt vong nhất”, bị nó ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Cho nên thầy Phương nói, nước Mỹ diệt vong không phải do nhân duyên của nước khác. Không có ai xâm lược hay đánh nước Mỹ, mà là do tự nó diệt vong. Lúc đó ông cũng đưa ra lời cảnh báo, Đài Loan tuyệt đối phải chú ý, nếu không nắm bắt tốt chương trình truyền hình, để nó đi đến tự do khai phóng như nước Mỹ, xã hội tương lai của Đài Loan không thể cứu vãn. Hầu như đều bị thầy Phương nói đúng. Hiện nay ngoài truyền hình ra còn có mạng internet, điều này rất đáng sợ!
Xem tiếp đoạn văn bên dưới: “Phàm dữ nhân tương xứ, đương phương tiện đề ty, khai kỳ mê hoặc”. Chúng ta cùng người giao tiếp, phải giữ tâm nhân từ, tâm yêu thương, phải luôn giúp người khác, nhắc nhở người khác. Khiến họ phá mê khai ngộ, quay đầu là bờ. “Thí do trường dạ đại mộng, nhi linh chi nhất giác”, họ đang chìm đắm trong mộng, chúng ta nghĩ cách khiến họ tỉnh lại. “Thí do cửu hãm phiền não, nhi bạt chi thanh lương, vi huệ tối phổ”. “Phổ” là truyền bá. Ví dụ người này chìm đắm trong phiền não, đây hình như là hiện tượng rất phổ biến trong xã hội hiện nay, chúng ta làm sao đem đến cho họ sự mát mẻ, đây là ân huệ lớn nhất. “Hàn Dũ vân, nhất thời khuyên nhân dĩ khẩu, bách thế khuyên nhân dĩ thư, giảo chi dữ nhân vi thiện, tuy hữu hình tích, nhiên đối chứng phát dược, thời hữu kỳ hiệu, bất khả phế dã. Thất ngôn thất nhân, thường phản ngô trí”. “Hàn Dũ” là người thời nhà Tống, lúc đó trực tiếp khuyên người, đây là dùng ngôn ngữ. Nếu khuyên rộng ra giữa đại chúng xã hội, chỉ có trước thuật sách mới có thể làm được. Cho nên giúp người làm việc thiện tuy có hiệu quả nhưng khác nhau, nhưng nhất định phải hiểu “tùy bệnh cho thuốc”, mới nhận được hiểu quả tốt. Xã hội hiện nay thường mắc bệnh gì? Người thiện ví như thầy thuốc giỏi, nhất định phải hiểu rõ căn nguyên của bệnh, làm sao để trị liệu, công đức này rất lớn.
“Thất ngôn”, là ta nói ra điều không nên nói, đây gọi là “thất ngôn”. “Thất nhân” là ta dạy người không nên dạy, ví dụ có rất nhiều thầy giảng kinh, tôi nghe nói cũng từng nghe họ giảng. Những gì họ giảng đều là chú giải của các bậc cổ đức thời Đường và Tống, giảng điều này có người nghe gọi là “thất nhân”. Họ là những người trong thời hiện đại, bệnh họ mắc phải không giống với bệnh của người thời nhà Đường Tống. Đem phương thuốc thời Đường Tống cho người bây giờ uống, không có hiệu quả. Đây là người giảng kinh “thất ngôn”, đối tượng là “thất nhân”.
Hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển, không trước tác sách cũng được, ngày nay trước thuật sách hình như hiệu quả không lớn. Ngày nay hiệu quả lớn nhất, không gì bằng truyền bá qua truyền hình vệ tinh, truyền bá qua mạng internet, hiệu quả này rất lớn. Chúng ta không thể không hiểu, không thể không biết cách vận dụng những phương tiện khoa học kỹ thuật cao này để truyền bá. Dùng nó để khuyên tất cả đại chúng trong thế gian, có thể không cần ấn tống sách, chúng ta đem những hình ảnh này, đem những giảng giải này làm thành CD, lưu thông rộng rãi lợi ích quần chúng, đây là việc tốt!
Đoạn bên dưới. “Hà vị cứu nhân nguy cấp”. Chúng ta xem đoạn văn này. “Hà vị cứu nhân nguy cấp, hoạn nạn điên bái, nhân sở thời hữu, ngẫu nhất ngộ chi, đương như đồng quan chi tại thân, tốc vi giải cứu”. Con người ở thế gian không sao tránh khỏi hoạn nạn khốn khó, đặc biệt là sống trong thời đại này. Mỗi ngày chúng ta đều nhận được tin tức từ báo chí và truyền thông, thiên tai ngày càng nhiều, ngày càng nghiêm trọng, đây đều là điềm báo rất hung dữ, không phải việc tốt!
Năm trước một vị đồng tu ở Mỹ gởi cho tôi một phần tài liệu, là con số do nước Mỹ thống kê. Mỗi ngày mức độ thanh thiếu niên phạm tội đạt đến 6900 vạn lần, đây là có báo án, còn chưa báo án không biết bao nhiêu. Tôi từng đem vấn đề này thỉnh giáo tổng kiểm soát trưởng ở vùng Los Angeles, tôi hỏi: Phải chăng đây là sự thật? Ông ta nói: Là thật. Tôi hỏi: Hiện nay tình hình như thế nào? Ông ta nói, hiện nay đang tăng trưởng, chưa có cách nào khống chế nó. Điều này đã hai năm rồi. Tôi suy đoán hiện nay mức độ thanh thiếu niên ở Mỹ phạm tội nhất định hơn 7000 vạn lần, mỗi một ngày! Quý vị nói sao có thể! Đáng sợ biết bao! Quả thật “như đồng quan chi tại thân”, “đồng quan” là mụt độc, trên thân người sanh mụt độc, quý vị xem đau đớn biết bao. Làm sao để giúp họ cứu vãn?
Đây là dùng ví dụ để nói: “Hoặc dĩ nhất ngôn, thân kỳ uất ức”, người này bị oan ức, chúng ta giúp họ, có thể nói ra một lời để minh oan giúp họ. “Hoặc dĩ đa phương, tế kỳ điên liên”, cuộc sống lưu lạc gian nan, khổ! Chúng ta từ trên nhiều phương diện nghĩ cách cứu tế giúp đỡ họ. “Thôi tử viết: Huệ bất tại đại, phó nhân chi cấp khả dã, cái nhân nhân chi ngôn tai”. Ân huệ không phải ở chỗ lớn, quan trọng là cứu trong lúc nguy nan. Người có nạn gấp, như lúc gặp mưa, phải nhanh chóng giúp họ. Việc cấp bách trước mắt, tôi nghĩ việc cấp bách nhất, cấp nạn nghiêm trọng nhất không gì hơn nguy cơ tư tưởng. Nguy cơ này đã phổ biến trên toàn thế giới, bất cứ khu vực quốc gia nào. Chúng ta bình tĩnh lắng nghe người xung quanh nói, họ nói gì? Từ trong lời nói của họ, chúng ta lãnh hội được họ đang nghĩ gì, họ đang nói gì và đang làm gì. Vô số lỗi lầm của hành vi đều sinh ra từ tư tưởng không tốt, cho nên nguy cơ về tư tưởng mới là căn nguyên! Vì sao sinh ra nguy cơ này? Do hoàn toàn đánh mất giáo huấn đạo đức của thánh hiền, không có ai đề xướng.
Giáo hóa chúng sanh, giáo hóa chúng sanh trên toàn thế giới, có hiệu quả nhất chính là truyền bá qua truyền hình vệ tinh và mạng internet. Chúng ta xem nội dung truyền hình là gì, nội dung trong mạng internet là gì, như vậy sẽ biết. Truyền hình và mạng không có dạy học về đạo đức, nhân nghĩa, chỉ có sát đạo dâm vọng, chỉ có tranh danh đoạt lợi. Dạy người cạnh tranh như thế nào, đấu tranh như thế nào, sau cùng là chiến tranh như thế nào. Phát triển đến chiến tranh, đó chính là sự hủy diệt của toàn thế giới. Ngày nay toàn bộ xu hướng là như thế, đây là nạn lớn của nhân gian. Chỉ có bậc chí sĩ có đạo đức_cứu vãn được kiếp vận của thế giới là những người nào? Là người có quyền lực thao túng công cụ truyền bá. Họ có năng lực hủy diệt thế giới này, họ cũng có năng lực cứu vãn thế giới. Rốt cuộc thế giới này đi đến hủy diệt, hay đi đến cứu vãn? Điều này chỉ trong một niệm của họ.
Đoạn bên dưới. “Hà vị hưng kiến đại lợi. Tiểu nhi nhất hương chi nội, đại nhi nhất ấp chi trung”, “nhất ấp” là một thành phố. “Phàm hữu lợi ích, tối nghi hưng kiến”, đây là ngày xưa vào thời nhà Minh, trong tình trạng xã hội đó. “Hoặc khai cự đạo thủy”, mở dòng sông để dẫn công trình thủy lợi. “Hoặc trúc đê phòng hoạn, hoặc tu kiều lương, dĩ tiện hành du, hoặc thí trà phạn, dĩ tế cơ khát, tùy duyên khuyên đạo, hiệp lực hưng tu, vật tỵ hiềm nghi, vật từ lao oán”. Từ cổ nhân, họ làm những việc phúc lợi cho xã hội, chính là ngày nay chúng ta đề xướng công việc từ thiện xã hội. Cần phải nỗ lực thực hành, nhưng phải xem nhu cầu của xã hội hiện tại. Ngày nay, lợi ích lớn nhất trong xã hội là dạy về luân lý đạo đức. Điều này nói khó cũng không khó, vào thời xưa đích thực là khó khăn. Nếu xã hội diễn biến thành hiện tượng như hiện nay, quả thật Chư Phật Bồ Tát, chư vị thần tiên cũng không cứu được, không có khả năng. Ngày nay ai có sức để cứu vãn? Như tôi vừa mới nói, người có quyền thao túng vệ tinh, mạng internet, những người này có quyền lực. Nếu họ vận dụng quyền lực của mình, mỗi ngày có thể dùng một hai tiếng đề xướng nhân nghĩa đạo đức, phổ biến giáo huấn của thánh hiền. Tôi tin rằng thế giới này chưa đến một năm, nửa năm sẽ thay đổi được nếp sống. Vì sao vậy? Vì con người đều có lương tâm, đáng tiếc không có ai thức tỉnh. Chỉ cần có người thức tỉnh, hằng ngày ở đây nói, lương tâm của họ sẽ phát khởi. Lương tâm phát khởi, quay đầu là bờ, đây là lợi ích lớn nhất trước mắt, không có lợi ích nào lớn hơn.
Đoạn thứ bảy, “Hà vị xả tài tác phú. Thích môn vạn hạnh, dĩ bố thí vi tiên, sở vị bố thí giả, chỉ thị xả chi nhất tự nhĩ”. “Thích môn” là nói đến nhà Phật. Nhà Phật nói “Bồ Tát hạnh”, phương pháp và thiện xảo vô lượng vô biên, nhưng quy nạp lại không ngoài “bố thí”. Sáu nguyên tắc chung của Bồ Tát hạnh, điều đầu tiên là bố thí. Thế nào gọi là bố thí? “Bố thí” chính là xả, quên mình vì người. “Đạt giả nội xả lục căn, ngoại xả lục trần, nhất thiết sở hữu, vô bất xả giả”. Đây không phải là người bình thường, “đạt giả”, đạt là thông đạt, ai là người thông đạt? Trong nhà Phật nói, pháp thân Bồ Tát mới là người thông đạt, vì sao vậy? Vì họ đã xả bỏ hoàn toàn, những lời nói này là sự thật, không phải hư cấu, nhưng phàm phu không làm được. Phàm phu có thể xả tài, có thể xả vật ngoài thân, như vậy đã là không tệ. Nếu khiến họ nội ngoại đều xả, tất cả mọi thứ không gì không xả, họ không làm được điều này.
Bên dưới nói: “cẩu phi năng nhiên”, nếu không làm được, lục đạo phàm phu không làm được. “Tiên tùng tài thượng bố thí”, trước tiên chúng ta hạ thủ từ đây. “Thế nhân dĩ y phục vi mạng, cố tài vi trọng yếu, ngô tùng nhi xả chi, nội dĩ phá ngô chi xan, ngoại dĩ tế nhân chi cấp. Thỉ nhi miễn cưỡng, chung tắc thái nhiên, tối khả đẳng địch tư tình, khư trừ chấp lận”. Người học Phật bắt đầu tu hành từ đâu? Từ bố thí. Tôi học Phật, lần đầu tiên gặp người xuất gia là đại sư Chương Gia. Câu đàu tiên tôi thỉnh giáo ngài, tôi nói con biết Phật pháp rất hay, con rất muốn học, có phương pháp nào khiến con nhanh chóng khế nhập chăng? Đại sư Chương Gia nói: có! đó chính là nhìn thấu và buông bỏ. Tôi tiếp tục thỉnh giáo ngài: Bắt đầu từ đâu? Đại sư nói với tôi từ bố thí, khuyên tôi học bố thí. Tôi rất nghe lời, trở về là bắt đầu thực hành, vì thế thầy rất thương tôi. Những gì thầy dạy tôi đều thực hành, thực hành quả nhiên có hiệu quả. Trước tiên bắt đầu từ tài bố thí, hiệu nghiệm này là gì? Giảm nhẹ tâm tham lam keo kiệt xưa nay của chúng ta, đoạn đương nhiên không dễ, chỉ giảm nhẹ. Nghĩa là tham lam, keo kiệt không còn nghiêm trọng như trước nữa. Đối với bên ngoài lại có thể giúp người khác, đây là bố thí ân huệ. Khi mới thực hiện bố thí rất miễn cưỡng, về sau trở thành tự nhiên. Bố thí miễn cưỡng, bản thân tôi có mười năm kinh nghiệm! Mười năm đầu đều rất miễn cưỡng, mười năm sau dần dần trở thành thói quen, đến nay hầu như dấu vết cũng không còn, tâm địa thanh tịnh. Đem tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn đều bố thí hết.
Xem tiếp đoạn thứ tám bên dưới. “Hà vị hộ trì chánh pháp”. Chúng ta nói đến đây, đặc biệt tại Trung quốc hiện nay, điều này rất quan trọng! Xã hội Trung quốc hiện nay bị một số tà tri tà kiến tà giáo nhiễu loạn khiến mọi người cảm thấy nghi hoặc không biết làm sao. Làm sao để phá trừ tà tri tà kiến? Làm sao để cấm chỉ tà giáo? Duy chỉ có hộ trì chánh pháp, cổ nhân nói: “phá tà hiển chánh”. Phá tà là mục đích, làm sao để đạt được mục đích phá tà? Như vậy cần phải hiển chánh, hiển chánh mới có thể phá tài, nếu không thể hiển chánh, tà tuyệt đối không phá được!
“Pháp giả, vạn thế sanh linh, chi nhãn mục dã, bất hữu chánh pháp, hà dĩ tham tán thiên địa, hà dĩ tài thành vạn vật, hà dĩ thoát trần ly phược, hà dĩ kinh thế xuất thế”. Đây là đem lợi ích của chánh pháp, nói sơ lược thành bốn điểm. “Chánh pháp”, giáo huấn của Phật Bồ Tát là chánh pháp, giáo huấn của Nho giáo là chánh pháp, giáo huấn của Đạo giáo là chánh pháp. Trên thế giới còn có rất nhiều Tôn giáo, cũng là chánh pháp. Chánh pháp của các Tôn giáo này lưu truyền tại thế gian suốt mấy ngàn năm.
Ấn độ giáo lưu truyền đến nay, người thế gian công nhận nó có 8500 năm lịch sử. Đạo do thái có 4000 năm lịch sử. Đạo thờ thần lửa, hình như cũng có người viết trong tiểu thuyết gọi là Minh Giáo, nhưng thông thường chúng ta gọi là Đạo thờ thần lửa, đạo này cũng có khoảng hơn 3500 năm, đều sớm hơn Phật giáo. Phật giáo, theo ghi chép của lịch sử Trung quốc, năm nay là ba ngàn không trăm hai mươi mấy năm. Hiện nay người nước ngoài thừa nhận là hơn 2500 năm. Tiếp tục truy tìm, Đạo thiên chúa, Đạo cơ đốc, ngày nay chúng ta dùng Tây lịch là năm 2001. Tây nguyên chính là của Đạo cơ đốc và Đạo thiên chúa. Hồi giáo có hơn 1700 năm lịch sử, Đạo Sikhism cũng có sáu bảy trăm năm lịch sử. Ngắn nhất như Đạo Bahaism cũng có hơn 150 năm lịch sử.
Chúng ta xem tường tận, lịch sử càng lâu dài, chánh pháp của nó càng chánh. Truyền qua nhiều năm như vậy, thế giới này rất nhiều người vẫn xem nó là chân lý, học tập theo nó, y giáo phụng hành, đây là chánh pháp. Nếu không có những chánh pháp này, làm sao có thể “tham tán thiên địa?” “Tham” là tham dự, “tán” là giúp đỡ, ngày nay gọi là đại tự nhiên. Chúng ta làm sao để tham gia giúp đỡ đại tự nhiên này? Làm sao có thể “tài thành vạn vật?” Giúp tất cả vạn vật. Đây đều là nói văn minh vật chất, hai câu bên dưới là nói về văn minh tinh thần. “Hà dĩ thoát trần ly phược”, siêu phàm nhập thánh, đây là cuộc sống tinh thần. “Hà dĩ kinh thế xuất thế”, phổ biến pháp thế xuất thế. “Cố phàm kiến thánh hiền miếu mạo”, miếu là nơi thánh hiền hoằng pháp lợi sanh, chúng ta đã thấy. Thấy được đạo tràng, thấy được hình tượng của thánh hiền, kinh sách điển tịch. Đây chúng ta gọi là Pháp Bảo. “Giai đương kính trọng, nhi tu sức chi”. Chúng ta phải tôn trọng nó, phải coi trọng nó, có tổn hoại phải lập tức sửa lại. “Chí ư cử dương chánh pháp, thượng báo Phật ân, vưu đương miễn li”, đây là việc chúng ta phải làm.
Tổng hợp ý nghĩa ở đây, thứ nhất là chúng ta nhất định phải tôn trọng đạo đức. Đạo, là một con đường lớn đường đường chính chính mà đời người cần phải đi. “Đại đạo” là gì? Ngày nay chúng ta gọi là “trật tự”, trật tự xã hội, trật tự gia đình. Giữa vũ trụ, chúng ta biết rất nhiều tinh cầu trong hư không, hành tinh chúng ta chạy có trật tự quanh mặt trời, không lộn xộn. Mặt trời chạy có trật tự quanh hệ ngân hà, đây là trật tự tự nhiên, là thiên đạo. Nhân đạo và thiên đạo có thể hợp nhất. Nhân đạo là gì? Nho giáo gọi là luân thường, luân thường là nhân đạo và thiên đạo hợp nhất. Vợ chồng, cha con, anh em, quân thần, bạn bè, có trật tự, không hề lẫn lộn. Quan hệ giữa người và người có trật tự, không loạn, thiên hạ thái bình, xã hội an định. Nếu cha không ra cha, con không ra con, vua không ra vua, thần không ra thần, đạo của chúng ta đã mất. Đạo mất xã hội sẽ động loạn, thiên hạ không thái bình. Giáo huấn của thánh nhân, dạy chúng ta những đạo lý này. Nếu chúng ta giao tiếp thật tốt mối quan hệ giữa người với người, xử lý tốt quan hệ giữa người với trời đất quỷ thật, xử lý tốt quan hệ giữa người và trời đất vạn vật. “Tham tán thiên địa, tài thành vạn vật”, chính là xử lý tốt những mối quan hệ này. Xử lý tốt mối quan hệ, đó chính là thánh hiền. Nơi dạy học của thánh hiền, kinh điển dạy học của thánh hiền, chúng ta nhất định phải tôn trọng, chúng ta phải biết tôn trọng đạo đức. Phải tôn sùng hành thiện, phải hành nhân nghĩa, phải coi trọng giáo dục của thánh hiền, phải coi trọng giáo dục của chánh pháp. Sau cùng nói “phải nên khuyến khích”, đặc biệt là trong xã hội hiện tại này.
Đoạn thứ chín: “Hà vị kính trọng tôn trưởng”. Đây là nói về luân lý. “Gia chi phụ huynh, quốc chi quân trưởng, dữ phàm niên cao, đức cao, vị cao, thức cao giả, giai đương gia ý phụng sự”. Người xưa thường nói: “Trung hiếu truyền gia”. Đức hạnh của chúng ta biểu hiện ở đâu? Biểu hiện ở chỗ biết coi trọng người lớn. Trong gia đình cha và anh là tôn trưởng của chúng ta, phải tôn trọng. Người lãnh đạo của quốc gia, nhất định phải tôn trọng.
Trong Kinh Phạm Vọng, đây là kinh giới của đại thừa Bồ Tát, trong này dạy chúng ta. Điều thứ nhất nói: “không làm quốc tặc”, tuyệt đối không được làm điều tổn thương đến quốc gia xã hội. Điều thứ hai là “không hủy báng quốc chủ”, tuyệt đối không được hủy báng người lãnh đạo quốc gia. Trong Kinh Anh Lạc Bồ Tát Giới dạy chúng ta: “không trốn thuế nhà nước”, nhân dân có nghĩa vụ nộp thuế, tuyệt đối không được trộm thuế, trốn thuế. Điều thứ tư là“không phạm quốc chế”, quốc chế là pháp luật của quốc gia, tuyệt đối không được trái phạm pháp luật nhà nước. Quý vị xem bốn điều này quan trọng biết bao, thực hành được bốn điều này chính là kính trọng tôn trưởng, kính trọng xã hội, kính trọng quốc gia.
“Tại gia nhi phụng thị phụ mẫu, sử thâm ái uyển dung, nhu thanh bất khí, tập dĩ thành tánh, tiện thị hòa khí, cách thiên chi bổn”. Hiện nay gia đình không còn dạy những điều này nữa, vì vậy trẻ em không hiểu những đạo lý này. Rất nhiều người nói: “con cái không nghe lời, không nghe quản giáo”. Quý vị không dạy, làm sao có thể quản giáo? Không những quý vị không dạy, mà cha mẹ quý vị cũng không dạy quý vị. Trong Kinh Vô Lượng Thọ Đức Phật nói rất hay: “Tiên nhân bất thiện, không biết đạo đức, không có người dạy, sao trách họ được”. Tuy câu này nói rất nhu hòa, nhưng chúng ta nghe xong rất khó chịu, rất đau lòng. Dạy con cái bắt đầu từ đâu? Ngày xưa bắt đầu dạy từ Đệ Tử Quy, dạy từ chỗ ứng đối, bây giờ ai hiểu điều này?
Đài Loan có mấy vị chí sĩ có đức hạnh đang đề xướng đọc kinh, khiến những học sinh tiểu học và trung học đọc sách cổ của Trung quốc, rất khó được, vô cùng hiếm có! Hy vọng việc đề xướng này có hiệu quả. Ngày nay ở Úc Châu chúng tôi kiến lập một đào tràng nhỏ, yêu cầu mọi người xuất gia học Đệ Tử Quy, đem nó đặt thành thời khóa đầu tiên của chúng ta. Phải thuộc, phải giảng được, và phải thực hành được, bắt đầu từ cách học làm người. Làm người chưa tốt làm sao có thể thành Phật? Những lời của Liễu Phàm tiên sinh đều ở trong Đệ Tử Quy.
“Xuất sự nhi quân hành nhất sự, vô vị quân bất tri nhi tự tư dã”. “Quân” tức bây giờ gọi là lãnh đạo. Bất luận ta ở trong đơn vị nào, người lãnh đạo đơn vị chính là “quân”. Chúng ta làm việc gì, tuyệt đối đừng cho rằng người lãnh đạo không biết, rồi tự mình làm những điều sai trái, vậy là sai. “Hình nhất nhân, vô vị quân bất tri, nhi tác oai dã”. Nếu chúng ta trừng phạt một người, tuyệt đối đừng tưởng rằng người lãnh đạo không biết, rồi có thể tùy ý bắt nạt người, đàn áp người, như vậy là sai.
“Sự quân như thiên, cổ nhân cách luận, thử đẳng xứ tối quan âm đức. Thức khán trung hiếu chi gia, tử tôn vị hữu, bất miên viễn nhi xướng thạnh giả, thiết tu thận chi”. Dạy chúng ta phải cẩn thận làm việc, những nơi này là cánh cửa âm đức quan trọng nhất. Ta làm việc tốt người khác không biết, đây là tích âm đức. Người lãnh đạo không biết ta ở đó tác oai tác quái, đây là tổn âm đức của chúng ta, không được làm điều này, quả báo rất đáng sợ!
Xem tiếp đoạn sau cùng: “Hà vị ái tích vật mạng”. Đây là vun bồi lòng nhân từ. “Phàm nhân chi sở dĩ vi nhân giả, duy thử trắc ẩn chi tâm nhi dĩ”. “Trắc ẩn” là tâm thương xót, đồng tình. Cách làm người của con người, nói thực chính là ở điểm này. “Cầu nhân giả cầu thử, tích đức giả tích thử”. Tất cả đều là tăng ích lòng trách ẩn của chúng ta, đây chính là nhân giả, là tích đức. “Chu lễ, mạnh xuân chi nguyệt, hy sinh vô dụng tẫn”. “Chu Lễ” là do Chu Công đặt ra, “mộng xuân” là chánh nguyệt. Chánh nguyệt nếu tế kỵ, tế kỵ đều là sát sanh động vật để tế thần minh, đừng dùng con vật cái. Vì sao vậy? Vì đây là lúc nó mang thai, phải thương xót chúng.
“Mạnh tử vị, quân tử viễn bào trù, sở dĩ toàn ngô, trắc ẩn chi tâm dã”. “Nghe tiếng nó, không nỡ ăn thịt nó”, Nho giáo nói như thế. Nhà Phật tuy không cấm ăn thịt, nhưng Đức Phật khuyên đệ tử nên ăn “tam tịnh nhục”. “Tam tịnh nhục” là gì? “Không thấy giết”, khi giết chúng ta không thấy. “Không nghe giết”, khi giết chúng ta nghe tiếng kêu. “Không vì tôi mà giết”, đây là không phải giết vì tôi. Đều là bảo toàn “tâm trắc ẩn” mà thôi.
Phật giáo truyền vào Trung quốc cho đến thời Lương Võ Đế. Lương Võ Đế đọc Kinh Lăng Nghiêm, đúng là khởi lòng trắc ẩn lớn, ông bỏ luôn ăn thịt. Chư vị nên biết, Phật giáo ăn chay không ăn thịt. Ăn chay là do Lương Võ Đế đề xướng, không phải là giáo nghĩa vốn có của Phật giáo. Lương Võ Đế là hộ pháp của Phật giáo, ông dùng sự tôn nghiêm của Quốc Vương đề xướng việc ăn chay, hình thành cuộc vận động ăn chay. Lúc đó người xuất gia đều hưởng ứng, truyền mãi đến nay cư sĩ tại gia cũng hưởng ứng, đây là một việc tốt, ăn chay chắc chắn có lợi ích cho sức khỏe. Đặc biệt là bây giờ ăn thịt, bây giờ ăn thịt bao hàm rất nhiều bệnh khuẩn, rất nghiêm trọng, “bệnh vào từ miệng”. Nếu chúng ta cho rằng ăn chay không có sức khỏe, ăn thịt mới có sức khỏe, tôi có thể làm chứng cho quý vị. Tôi đã ăn chay được 50 năm, chưa từng sanh bệnh, sao có thể nói ăn chay không có sức khỏe? Cư sĩ Hứa Triết ở Singapore năm nay 102 tuổi, bà ăn chay từ trong bụng mẹ. Bà vừa ra đời là không ăn đồ có mùi tanh, ăn thức ăn có mùi tanh là muốn nôn, bà ăn chay được 102 năm. Thân thể mạnh khỏe, không hề có chút bệnh hoạn nào, ở Singapore mọi người đều biết “cô gái 102 tuổi”, sao có thể nói ăn chay không có sức khỏe? Đều là quan niệm sai lầm đang quấy phá.
Bên dưới nói: “Cố tiền bối hữu, tứ bất thực chi giới, vị văn sát bất thực, kiến sát bất thực, tự dưỡng giả bất thực, chuyên vi ngã sát giả bất thực”. Ở đây nhiều hơn Đức Phật Thích Ca Mâu ni một điều, thêm một điều “tự dưỡng giả”. “Học giả vị năng đoạn nhục, thả đương tùng thử giới chi”. Đây là việc tốt. Chúng ta có một thân thể mạnh khỏe, không thể không chú ý điều này.
Sau cùng Liễu Phàm tiên sinh tổng kết: “Tiệm tiệm tăng tiến, từ tâm dụ trường, bất đặc sát sanh đương giới, xuẩn động hàm linh, giai vi vật mạng, cầu ty chữ kiển, sừ địa sát trùng, niệm y thực chi do lai, giai sát bỉ dĩ tự hoạt”. Thường nghĩ đến điều này, trong lòng chúng ta rất khó chịu, vì cuộc sống không thể không sát sanh. Biết được đạo lý này, người có tâm từ bi khẩn thiết họ không mặc áo dệt bằng lông, vì sao vậy? Vì cảm thấy đau lòng, may một chiếc áo biết bao nhiêu sinh mạng trong đó, sao nhẫn tâm được? Mặc áo da đều là sát sanh, lấy da của chúng, không nhẫn tâm. Làm ruộng, trồng trọt, rất nhiều côn trùng trên đất đều chết, chúng ta mới được một ít lương thực.
Gần đây tôi có tham quan một nông trường ở Sydney, do người xuất gia khai thác, họ trồng rau xanh trong túi ni long. Tôi hỏi họ “vì sao không trồng xuống đất?” Trồng xuống đất khi canh tác chết rất nhiều côn trùng. Chúng tôi trồng vào trong túi ni lông, chi phí công trình tốn hơn nhiều, nhưng không sát sanh. Tôi nghe xong rất cảm động, quả là hiếm có, đáng được phổ biến. Họ vẫn dùng đất để trồng, nhưng lấy đất bỏ vào túi ni lông, túi ni lông lớn, tránh việc sát sanh.
“Cố bảo điển chi nghiệt”, chúng ta ăn thức ăn không thương tiếc, thức ăn thừa là vất. Đây là tạo nghiệt, tội này rất nặng! “Đương dự sát sanh đẳng”, tội này không khác gì tội sát sanh. “Chí ư thủ sở ngộ thương, túc sở ngộ tiển giả, bất tri kỳ kỷ, giai đương ủy khúc phòng chi”, chúng ta cần phải luôn đề phòng. “Cổ thi vân, ái thử thường lưu phạn, lân nga bất điểm đăng, hà kỳ nhân dã, thiện hành vô cùng, bất năng đàn thuật”, nói không cùng tận. “Do thử thập sự, nhi suy quảng chi, tắc vạn đức khả bị hỉ”. Ở đây Liễu Phàm tiên sinh đưa ra mười trường hợp, hy vọng chúng ta suy ra từ mười trường hợp này, siêng năng nỗ lực học tập, tự nhiên thiện hành có thể đầy đủ viên mãn.
Thôi, hôm nay chúng ta tạm dừng tại đây.
Hết tập 18