Tâm Hướng Phật
Sách Hay

Liễu Phàm Tứ Huấn toàn tập – HT Tịnh Không giảng giải PDF

Liễu Phàm Tứ Huấn Tập 16
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 19.04.2001
Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng
Thâm Quyến_Trung Quốc

Tập 16

Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Chúng ta xem tiếp một đoạn sau cùng về “bán mãn”. “Hựu vi thiện, nhi tâm bất trước thiện, tắc tùy sở thành tựu, giai đắc viên mãn. Tâm trước ư thiện, tuy chung thân cần lợi, chỉ ư bán thiện nhi dĩ. Thí như dĩ tài tế nhân, nội bất kiến kỷ, ngoại bất kiến nhân, trung bất kiến sở thí chi vật, thị vi tam luân thể không, thị vi nhất tâm thanh tịnh. Tắc đẩu sửu khả dĩ, chủng vô nhai chi phước. Nhất văn khả dĩ, tiêu thiên kiếp chi tội. Thảng thử tâm vị vọng, tuy hoàng kim vạn dật, phước bất mãn dã, thử hựu nhất thuyết dã”.

“Bán mãn” nói đến đoạn này mới xem là rốt ráo, nhưng vấn đề này không phải phàm phu có thể làm được. Do đây có thể thấy, chúng ta nói bán hay mãn, bán mãn vẫn có cấp bậc, không thể nhất loạt như nhau. Nếu dùng tiêu chuẩn ở đây, những gì ở trước nói về mãn đều là bán, đều không phải viên mãn thật sự. Đến “tam luân thể không” mới thật sự viên mãn. Ai có thể làm được “tam luân thể không”? Pháp thân Bồ Tát mới có thể làm được. Không những lục đạo chúng sanh không làm được, mà Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát trong tứ thánh pháp giới cũng không làm được, vì sao vậy? Vì con người không thể vô tâm. Nói cách khác, họ có vọng tưởng phân biệt chấp trước, không thích hợp với tiêu chuẩn này. Khi nào đoạn tận vọng tưởng phân biệt chấp trước, mới đạt được tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn của pháp thân Bồ Tát, chúng ta cần phải biết, biết mới có lợi ích, lợi ích gì? Hành thiện không tự thấy đầy đủ, có lợi ích này. Bất luận tích bao nhiêu công đức, trong lòng mình luôn cảm thấy chưa đủ nhiều, vẫn còn rất ít, như vậy rất tốt. Không tự thấy vừa lòng mới siêng năng nỗ lực cần cầu tu thiện. Hiểu được đạo lý này, mới biết thiện hạnh của Chư Phật Bồ Tát niệm niệm viên mãn. Bất luận họ tu điều thiện là lớn hay nhỏ, tất cả đều viên mãn. Vì sao vậy? Vì họ không có vọng tâm, họ dùng chân tâm, dùng bản tánh, chân tâm bản tánh là viên mãn. Dùng chân tâm bản tánh làm việc, không có gì mà không viên mãn, đạo lý là như vậy. Đây là nguyên nhân vì sao chúng ta phải học Phật, vì sao phải phát nguyện làm Phật. Bây giờ chúng ta giải thích sơ lược đoạn văn này.

“Vi thiện nhi tâm bất trước thiện”, không có phân biệt, không có chấp trước. “Tắc tùy sở thành tựu, giai đắc viên mãn”, đều là viên mãn, đều là mãn thiện. Nếu tâm chấp trước vào điều thiện, “tuy chung thân cần lợi, chỉ ư bán thiện nhi dĩ”, nếu chấp trước vào tướng tu thiện, dù suốt đời cần mẫn phấn đấu tích tu, vẫn là bán thiện mà thôi. Nguyên nhân vì sao? Vì trong thiện tâm có xen tạp, trong tâm có chấp trước chính là xen tạp, xen tạp sự bất thiện, cho nên công đức thiện không thuần, chỉ đạt được bán thiện mà thôi.

Bên dưới đưa ra một ví dụ để chứng minh. “Thí như dĩ tài tế nhân”, tu tài bố thí, phải “nội bất kiến kỷ”. Sau khi tu bố thí tài vật, không chấp trước có cái tôi. Tôi có thể bố thí, tôi dùng bao nhiêu tài vật để bố thí, như vậy là chấp trước có cái “tôi”. Tâm như vậy không chân, không thuần. “Ngoại bất kiến nhân”, cũng không để người mình bố thí trong lòng. Tôi có thể bố thí, họ nhận tôi bố thí, ta vĩnh viễn không quên điều mình làm. Đây chính là vọng tưởng phân biệt chấp trước, làm phá hoại tâm thuần thiện của mình. Cần phải “trung bất kiến sở thí chi vật”, quý vị bố thí bao nhiêu tiền tài đừng so đo tính toán, thường hành bố thí. Nếu thường cảm thấy tôi bố thí, người đó nhận bố thí của tôi, tôi bố thí bao nhiêu tài vật. Tâm hành bố thí như vậy, dù bố thí suốt đời cũng chỉ là bán thiện. Phải như thế nào mới là “mãn thiện”?

Ở Singapore có một vị cư sĩ tên là Hứa Triết, bây giờ rất nhiều người biết đến bà. Chúng tôi đến phỏng vấn bà, có làm thành CD, bây giờ cùng lưu thông cùng các CD khác của chúng tôi trên khắp thế giới. Năm nay bà 102 tuổi, suốt đời tu bố thí, bố thí của bà là mãn thiện. Tài vật bà bố thí không nhiều, nhưng ngày nào cũng làm, không có lúc nào nghỉ ngơi, bà được quả báo mãn thiện. Mọi người thấy vậy, vô cùng ngưỡng mộ. 102 tuổi, thân thể mạnh khỏe, không hề có bệnh hoạn gì. Tôi quan sát tỉ mỉ, bà chỉ rụng một cái răng, tình trạng thể năng của bà như người ba bốn mươi tuổi vậy. Bà thường nói, chúng ta phải trường thọ, chúng ta đừng già, chúng ta không được bệnh. Suối đời bà chưa từng sanh bệnh, sống đến 102 tuổi, tinh thần bảo mãn. Ngày ngày phục vụ cho những người già, người bệnh, phục vụ này chính là bố thí. Ngoại tài bố thí, nội tài bố thí, quả thật bà đã đạt được “tam luân thể không”. Bà không biết đến cái tôi, bà cũng không để người mình bố thí, người nhận ân huệ của mình trong tâm, không có. Tâm địa bà trống trải, sạch sẽ. Cũng không nghĩ đến, hôm nay mình làm bao nhiêu việc thiện, làm bao nhiêu việc tốt, không có ý niệm này. Bà thật sự làm được tam luân thể không, nên quả báo của bà rất thù thắng, không ai có thể sánh được, tâm địa chân thành thanh tịnh từ bi. Như trong Pháp Bảo Đàn nói: “bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai”.

Ba năm nay tôi ở Singapore, tôi đưa ra trường hợp của cư sĩ Hứa Triết, là hiện thân thuyết pháp, quý vị có tin chăng? Phải chăng quý vị rất ngưỡng mộ? Ngưỡng mộ thì cần phải học! Chúng ta xả phải xả cho triệt để. Có rất nhiều người không hiểu đạo lý này, không hiểu chân tướng sự thật, không dám xả, cho rằng vì sao? Tôi đều bố thí hết, xả bỏ hết, ngày mai tôi phải như thế nào? Ai chịu bố thí cho tôi? Cho nên mỗi niệm họ không quên cái “tôi”, không dám buông bỏ. Buông bỏ thì buông bỏ, nhưng chỉ buông bỏ một nửa, còn một nửa kia vĩnh viễn không buông được. Do đó thiện họ tu được chỉ có bán thiện, không thể đạt được viên mãn. Quả báo của họ chỉ đạt được một nửa, không thể đạt được viên mãn. Vấn đề này chúng ta không thể không tư duy tường tận, nếu không hiểu thấu triệt đạo lý này, ta hành thiện không triệt để. Muốn cầu quả báo viên mãn, đó là điều không thể.

Trong tất cả kinh luận, Đức Phật thường dạy chúng ta, của cải trong đời của một người từ đâu mà có? Của cải ta đạt được là quả báo, có quả tất phải có nhân, nhân của tài phú là gì? Là do tài bố thí, càng thí càng nhiều. Không phải nói, tôi bố thí, sau khi tôi bố thí của cải này, sau đó không có thu hoạch, như vậy không được. Bố thí là trồng nhân, “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Nếu trồng nhiều, nhất định thu hoạch được nhiều, đây là đạo lý nhất định. Cho nên người càng bố thí tài, người này càng phát tài, tài nguyên của họ đến cuồn cuộn không dứt, nhưng tâm phải chân thành.

Tôi bố thí không phải vì cầu phát tài mà muốn bố thí, nếu như cầu phát tài mà hành bố thí, đây là nhân địa không chân, có phát tài chăng? Phát, nhưng không nhiều, nhiều hơn một chút so với thứ ta bố thí ra, vì sao vậy? Thêm một chút lợi tức. Nếu không có ý niệm vì phát tài mà bố thí tài, thì của cải đó không thể đo lường, của cải này sẽ nhiều vô tận. Của cải đến, của cải này không phải hưởng thụ riêng mình, nhất định phải đem của cải này cứu tế cho tất cả chúng sanh khổ nạn. Như vậy quả cáo của công đức này ngày càng thù thắng, quả báo tuyệt đối không phải ở nhân gian, nhân gian không có phước báo lớn như thế. Quả báo ở cõi trời, quả báo ở thế giới Hoa Tạng, quả báo ở thế giới Cực Lạc. Cho nên ta phải hiểu, phải biết cách làm. Bố thí pháp được thông minh trí tuệ, bố thí vô úy được mạnh khỏe sống lâu. Của cải, thông minh, mạnh khỏe trường thọ đều là quả báo. Nếu không hiểu cách tu nhân, nếu nhân không thuần, nếu nhân không chánh, làm sao đạt được quả báo này?

Trong chư vị đồng tu, những lời này chúng ta không được miễn cưỡng khuyên người khác. Miễn cưỡng khuyên người khác, người ta còn cho rằng mình có ý đồ. Chúng ta khuyên họ tu tài bố thí, họ tưởng rằng ông thầy này tham tài, ông ta có ý đồ muốn tiền của tôi, không được nói! Chỉ có lúc giảng kinh thuyết pháp giải thích thêm một vài điều, để họ nghe được tự mình giác ngộ. Tôi không cần tiền của người khác, nếu nói tôi dùng tâm gạt tiền của quý vị. Không sai, quý vị đã tu bố thí, quý vị sẽ được phước, còn tôi phải gặp nạn. Tôi gạt người, tạo nghiệp, tôi phải bị đọa lạc, sao tôi có thể làm điều này? Tôi khuyên quý vị, tôi phải làm triệt để hơn quý vị, cho nên quả báo tôi đạt được viên mãn hơn quý vị. Của cải viên mãn, sự viên mãn này không phải nói tôi có rất nhiều tài phú, không phải vậy. Mỗi ngày tôi sống không thiếu thốn, đây chính là viên mãn. Quý vị có tài sản vạn ức, mỗi ngày quý vị cũng là ngày ba bữa cơm, đêm ngủ sáu giờ, bất qúa cũng chỉ là như vậy mà thôi. Tôi không có đồng nào, mỗi ngày cũng không thiếu bữa cơm nào, đêm về cũng ngủ rất ngon, không có khác gì với quý vị. Phải hiểu đạo lý này, phước này chính là “mãn”. Thân thể mạnh khỏe sống lâu, không có bệnh khổ, không có phiền não, không có ưu tư, không có vướng bận. Đây thật sự là phước đức viên mãn.

Tôi tiếp xúc Phật pháp, tu học Phật pháp đến nay là tròn 50 năm. Trong 50 năm này, tôi được thầy dạy bảo, để tôi phá mê sanh tín, tiếp theo là y giáo phụng hành. Khi mới tiếp xúc, thầy nói với tôi tu học Phật pháp là hưởng thụ cao nhất của đời người, tôi thật sự đạt được, thầy không gạt tôi, tôi cảm kích vô cùng. Trong đời tôi, nếu không gặp được pháp môn này, tôi biết đời này sẽ sống rất đau khổ, cũng không sống đến ngày hôm nay. Không cần tính đến thọ mạng, dài hay ngắn đều như nhau, nhưng khác biệt giữa vui và khổ quá lớn. Sự khác biệt của quả báo sau khi chết, điều đó rất khó tưởng tượng. Gặp Phật pháp, mang đến cho tôi cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Đem đến cho đời sau, tôi tin phước báo nhất định hơn hẳn đời này rất nhiều lần. Nhất định phải hiểu đạo lý này, phải thấu hiểu chân tướng sự thật.

“Tam luân thể không” rất quan trọng, dù làm nhiều việc thiện đến đâu cũng đừng để trong lòng. Đôi lúc người khác nhắc đến, trong lòng nghĩ lại có điều này, không ai nhắc đến thì không hề nhớ, như vậy là đúng. Đạo đức cơ bản của nó là “nhất tâm thanh tịnh”. Chúng ta học Tịnh độ tông, tu học chủ yếu của Tịnh độ chính là câu này. Trong Kinh Di Đà nói: “nhất tâm bất loạn”, đây là mục tiêu tu học chính yếu của người học Tịnh độ. “Nhất tâm” là chân tâm, trong nhất tâm không có giới hạn, cho nên là khắp hư không biến pháp giới. Như vậy dù một chút việc thiện cũng lớn giống như tâm lượng chúng ta vậy.

Cho nên “đẩu sửu khả dĩ chủng vô nhai chi phước”, một đấu gạo không nhiều, nhưng bố thí một đấu gạo trồng được phước báo vô lượng vô biên. Vì sao vậy? Vì ta dùng nhất tâm thanh tịnh bố thí, là do bố thí mà không chấp tướng, cho nên phước báo lớn như thế. Con người đạt đến không chấp tướng, chính là Bồ Tát, không phải phàm phu. Trong Kinh Kim Cang nói: “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, người này là Bồ Tát. Nếu người này chấp tướng, trong kinh nói: “hữu ngã tướng, hữu nhân tướng, hữu chúng sanh tướng, hữu thọ giả tướng”, tức không phải  Bồ Tát. Sự khác nhau giữa Bồ Tát và không phải Bồ Tát, Kinh Kim Cang đưa ra tiêu chuẩn quá hay. Trong tâm còn có ta, còn có người, còn có thị phi, đó là phàm phu, không phải Bồ Tát. Còn như trong tâm không có ta, cũng không có người, cũng không có chúng sanh, cũng không có thọ giả_thọ giả là quan niệm về thời gian, quá khứ, hiện tại, vị lai đều không có. Phân biệt chấp trước này đều không còn nữa, người này là Bồ Tát. Người này bố thí một đấu gạo, phước báo là vô lượng vô biên, bố thí một đồng tiền có thể “tiêu ngàn kiếp tội”. Chúng ta phải tinh tấn nỗ lực nâng cao cảnh giới của mình, cảnh giới càng cao càng dễ tu phước. Muốn nâng cao cảnh giới phải bắt đầu từ việc đoạn ác, phải đoạn ác thật triệt để. Thông thường chúng ta đều hạ thủ công phu ở đây, nhưng vẫn chưa được triệt để. Họ có đoạn, nhưng đoạn không sạch, do đó quả báo không thù thắng. Hứa triết đã đoạn tận, cho nên quả báo thù thắng, quả báo viên mãn.

Mấy câu sau cùng nói: “Thảng thử tâm vị vọng”, nghĩa là không quên cái tôi, cũng không quên người, cũng không quên những việc tốt mình đã làm. “Tuy hoàng kim vạn dật”, tức là nói quý vị bố thí tiền tài rất nhiều. “Phước bất mãn dã”, chỉ được bán phước, không được mãn phước. “Thử hựu nhất thuyết dã”, đối với “bán” và “mãn” Liễu Phàm tiên sinh nói rất nhiều, chúng ta phải biết tu phước báo viên mãn.

Tiếp theo nói với chúng ta “hà vị đại tiểu”, như thế nào là phước lớn? Như thế nào là phước nhỏ? “Tích Vệ Trọng Đạt vi quản chức”, Vệ Trọng Đạt hình như là người thời nhà Tống, câu chuyện về ông trong trước tác của cổ nhân trích dẫn rất nhiều. Do đây có thể biết, ông đúng là một người có thật, không phải là hư cấu. “Quản chức” là nhậm chức tại Viện hàn lâm, chức vị chắc cũng không lớn. “Bị nhiếp chí minh ty”, câu này là nói ông bị tiểu quỷ dẫn đến âm tào địa phủ. “Chủ giả mệnh lại, trình thiện ác nhị lục”, bị quỷ bắt đi. “Chủ giả” là Vua Diêm La, Vua Diêm La_“lại” là phán quan, kêu phán quan đem sổ thiện ác của Vệ Trọng Đạt. Ông ta làm ác hay làm thiện, ở âm gian đều ghi chép lại, tức là nói đều lưu lại tài liệu, lấy tư liệu về ông ta ra xem. “Thử chí”, khi đưa đến. “Tắc ác lục doanh đình, kỳ thiện lục nhất trục”, Vệ Trọng Đạt suốt đời tạo việc ác, tư liệu về việc ác đầy khắp mặt đất, đều là tạo ác. Còn điều thiện, thiện chỉ có một quyển, quá ít. “Cẩn như trước nhi dĩ”, “như trước” tức giống như đôi đũa chúng ta ăn rất nhỏ, cuốn lại một quyển. Vua Diêm La thấy vậy, được, đem đến cân thử xem. “Sách xứng xưng chi, tắc doanh đình giả phản khinh, nhi như trước giả phản trọng”. Khi cân thử, sổ ghi tội ác sắp đầy khắp phòng lại nhẹ, còn một quyển sổ ghi việc thiện rất mỏng, giống như một tờ giấy cuốn lại vậy lại nặng hơn. “Trọng Đạt viết”, Vệ Trọng Đạt nói: “Mỗ niên vị tứ thập”, ông chưa đến 40 tuổi. “An đắc quá ác, như thị đa hồ”, tôi làm sao có nhiều tội ác đến vậy?

“Viết”, Vua Diêm La nói: “Nhất niệm bất chánh tức thị, bất đãi phạm dã. Nhân vấn trục tâm, sở thư hà sự”. Trong đời ông tạo ác quá nhiều, khởi một ác niệm, âm gian liền đem sổ thiện ác, ghi vào một tội trong sổ ác, không đợi đến ngươi phạm. Nếu như phạm, đó là đại ác, còn ý niệm vừa mới khởi đó là ác nhỏ. Sổ ghi chép về điều ác nhỏ lớn đầy khắp mặt đất, nên mới có nhiều như vậy. Khởi tâm động niệm không được không cẩn thận. Ông ta lại hỏi, ông nói thiện trong quyển đó là những gì? Quý vị ghi gì trong đó? Vua Diêm La nói: “Viết, triều đình thưởng hưng đại công”, triều đình muốn làm một công trình lớn. “Tu tam sơn thạch kiều”, trong thành Phúc Châu có ba ngọn núi, trong chú giải có, đó là Cửu Tiên Sơn, Mân Sơn, Việt Vương Sơn, nên gọi là “Tam sơn”, muốn làm một cây thạch kiều trong Tam sơn này. “Quân thượng sớ gián chi, thử sớ cảo dã”, ngươi từng thượng sớ kiến nghị lên hoàng đế, đừng làm công trình này, khổ dân tổn tài. Vì công trình này không cần thiết, không phải cần phải làm, có thể không cần làm.

“Trọng Đạt viết, mỗ tuy ngôn, triều đình bất tùng, ư sự vô bổ, nhi năng hữu như thị chi lực”. Tôi có kiến nghi như vậy thật, nhưng triều đình không tiếp nhận ý kiến, Tam Sơn thạch kiều vẫn làm. Bản tấu chương của tôi vẫn có sức mạnh lớn đến thế ư? Vua Diêm La nói với ông ta: “Viết, triều đình tuy bất tùng, quân chi nhất niệm, dĩ tại vạn dân, hướng sử thính tùng, thiện lực cánh đại hĩ”. Điểm này chúng ta phải suy nghĩ tường tận, vì một niệm của ông ta không phải vì bản thân, là vì tất cả nhân dân. Chính phủ muốn làm công trình này, tiền này là do trăm họ nộp thuế, là tiền mồ hôi nước mắt của biết bao nhân dân vất vả mới có. Lúc không phải việc cấp thiết, triều đình đã sử dụng nó, dùng tiền không thỏa đáng, cho nên ông ta đứng ra can gián. Tâm của ông là nghĩ cho nhân dân, thiện này rất lớn. Nếu triều đình tiếp thu ý kiến, thiện của ông càng lớn. Tuy không tiếp thu, nhưng tâm ông là vì nước vì dân, thiện này rất lớn.

Bên dưới tổng kết: “Cố chí tại thiên hạ quốc gia, tắc thiện tuy thiểu nhi đại. Cẩu tại nhất thân, tuy đa diệc tiểu”. Nếu chỉ để ý đến lợi ích cá nhân và gia đình mình, dù làm nhiều đến đâu, làm việc lớn đến mấy cũng là thiện nhỏ. Đạo lý này như trong Phật pháp nói: “cảnh tùy tâm chuyển”, chúng ta nhất định phải giữ tâm vì chúng sanh. Cảnh giới ta vì chúng sanh càng lớn, thì sức mạnh của thiện càng lớn. Mỗi niệm của tôi vì thành phố Thâm Quyến này, thiện này rất lớn, thành phố Thâm Quyến có hơn 400 vạn cư dân, hôm nay tôi thấy trên báo viết. Nếu bao gồm những người đến kinh doanh ở đây, những người du lịch không phải định cư, nhân khẩu lên đến 700 vạn.  Chúng ta giữ tâm, niệm niệm nghĩ đến phúc lợi cho 700 vạn dân, thiện này rất lớn. Nhưng nếu ta nghĩ cho toàn thể tỉnh Quảng Đông, nghĩ cho cả đất nước, nghĩ cho toàn thế giới, thiện này càng không thể tưởng tượng. Nhưng nếu so với pháp thân Bồ Tát, thiện lớn của chúng, thiện vì nghĩ cho nhân dân trên toàn thế giới, chỉ là một nửa vẫn chưa viên mãn. Vì sao vậy? Vì pháp thân đại sĩ khởi tâm động niệm là tận hư không biến pháp giới, không phải vì một thế giới, không phải vì một tinh cầu. Chúng ta nói hệ thái dương, hệ ngân hà, không phải, như vậy vẫn còn nhỏ. Pháp thân Bồ Tát khởi thân động niệm là vì tận hư không biến pháp giới, cho nên một chút thiện của họ đều không thể nghĩ bàn, đều vô lượng vô biên. Đạo lý và chân tướng sự thật này, chúng ta nhất định phải hiểu. Làm sao để học cổ thánh tiên hiền, Chư Phật Bồ Tát tu tập tích lũy đại thiện.

Đoạn sau cùng nói đến “nan dị”. “Hà vị nan dị”, nói đến điều này Liễu Phàm tiên sinh trích dẫn công phu tu tâm dưỡng tánh mà Nho giáo nói. “Tiên Nho vị khắc kỷ, tu tùng nan khắc xứ, khắc tương khứ. Phu tử luận vi nhân, diệc viết tiên nan”. Trước tiên phải bắt đầu từ khó, dễ tự nhiên đều làm được. Ông nói, ngày xưa Nho giáo chú trọng công phu khắc kỷ_ “Khắc kỷ” là khắc phục tập khí phiền não của mình. Bắt đầu làm từ đâu? Phải bắt đầu khắc phục từ chỗ khó khắc phục nhất.

Ví như con người chúng ta, có người tham tài, yêu tài. Có người háo sắc, tham sắc. Có người háo danh, tham danh, tập khí phiền não của mỗi người không giống nhau. Làm sao để khắc phục tập khí, khuyết điểm của mình? Tập khí của mình điều gì nặng nhất. Ví dụ chúng ta xem trọng của cải nhất, ý niệm tập khí phiền não về tham tài nặng nhất. Ta phải bắt đầu hạ thủ từ điều này, những điều khác đều dễ hơn.

“Phu tử luận vi nhân”, Khổng lão phu tử nói đến “vi nhân”, cũng nói đến “tiên nan”. Hay nói cách khác, làm sao có thể làm được nhân, cũng cần phải hạ công phu từ chỗ khó, khó ở đâu? Khó ở chỗ ta muốn làm một người có đức hạnh, cần phải khắc phục tự tư tự lợi, có tự tư tự lợi, khó! Có tự tư tự lợi, nhân không có. Chữ “nhân” này, văn tự này là một phù hiệu, quý vị xem phù hiệu này như thế nào. Một bên là “nhân”, một bên là ‘nhị”, đây là chữ hội ý. Dạy chúng ta từ nơi phù hiệu này để lãnh hội ý nghĩa của nó, phải làm được tự tha không hai. “Những gì mình không muốn, đừng đem cho người khác”, đây là ý của chữ nhân. Nghĩ đến người khác lập tức nghĩ đến mình, nghĩ đến mình lập tức nghĩ đến người khác, đây gọi là nhân. Trong Phật pháp nói: “tự tha không hai”, tự tha là một không phải hai. Hay nói cách khác, nếu chúng ta có tư tâm, có tự tư tự lợi, chữ “nhân” này liền không có. Cho nên xưng Bồ Tát là “nhân giả”, trong kinh luận Phật pháp, Phật thường xưng Bồ Tát là nhân giả. Nhân giả là Bồ Tát, không có tự tư tự lợi. Ở trước có đưa ra ví dụ với quý vị, trong Kinh Kim Cang nói: “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”. Hạng người này là nhân giả, tiêu chuẩn này rất cao. Cho nên Phu tử nói: “tiên nan”, khắc phục ý niệm tự tư tự lợi của chính mình rất khó, phải hạ thủ từ đây. Phật pháp nói vô ngã, phải hạ thủ từ “vô ngã tướng”.

Bên dưới Liễu Phàm tiên sinh đưa ra một ví dụ, đương nhiên mấy ví dụ này chưa đạt đến tiêu chuẩn Phu tử nói về nhân, tiêu chuẩn này quá cao, đây là tiêu chuẩn của thánh nhân, là tiêu chuẩn của Phật Bồ Tát, không phải phàm nhân. Bây giờ chúng ta bỏ qua điều này, chúng ta xem đến phàm nhân.

“Tất như Giang Tây Thư Ông”, ở Giang Tây có Thư tiên sinh. “Xả nhị niên, cẩn đắc chi thúc tu, đại thường quan ngân, nhi toàn nhân phu phụ”. Có một cặp vợ chồng rất nghèo, thiếu thuế của quốc gia, không thể nộp hết thuế, họ gặp được Thư tiên sinh. Thư tiên sinh cũng không đơn giản, ông là một người dạy học, thầy giáo dạy tư thục. Hai năm có được một ít tiền học phí của học sinh, nghĩa là một ít tiền lương, không nhiều. Ông gặp những người nghèo khổ, không thể nộp được tiền thuế, chúng ta gọi là tiền phạt, ông đem tất cả ra nộp thay, bảo toàn cho cặp vợ chồng này. Điều này không đơn giản! Người có tiền làm việc này không khó, ông không có tiền, thu nhập hai năm trong việc dạy học vất vả, ông đều giúp người khác.

Câu chuyện thứ hai. “Dữ Hàm Đan Trương Ông”, Trương tiên sinh ở Hàm Đan. “Xả thập niên sở tích chi tiền đại hoàn thục ngân, nhi hoạt nhân thê tử”. Ông cũng gặp một gia đình rất đáng thương, đem tiền bạc tích lũy mười năm giúp người khác trả hết tiền chuộc, giúp đỡ cho gia đình này. “Giai sở vị, nan xả xứ năng xả dã”, điều này không phải người bình thường có thể làm được. “Nhược trấn Giang Cận Ông, tuy niên lảo vô tử, bất nhẫn dĩ ấu nữ vi thiếp, nhi hoàn chi lân”. Đây là một người lân cận, thấy ông lớn tuổi không có con, đưa con gái mình đến cho ông làm thiếp, cô gái còn rất trẻ, ông không nỡ đành trả cô ta về.

“Thử nan nhẫn xứ năng nhẫn dã, cố thiên hàng chi phước diệc hậu. Phàm hữu tài hữu thế giả, kỳ lập đức giai dị”, làm việc tốt dễ. “Dị nhi bất vi, thị vi tự bạo”, không có chí tiến thủ, bỏ qua cơ hội tu phước tích thiện tích đức, họ không chịu làm, nếu họ làm thì quá dễ. “Bần tiện tác phú giai nan, nan nhi năng vi, tư khả quý nhĩ”. Nghèo khó làm được mới đáng quý. Đưa ra ví dụ đều rất nghèo cùng, trong xã hội không có tiền tài, không có địa vị. Nhưng thấy người khác có việc cấp thiết, họ không suy nghĩ gì thêm, đem tất cả tài sản tích trữ của mình ra giúp người khác, giải quyết khó khăn cho người khác, đây là khó mà làm được mới đáng quý! Cho nên quả báo của họ rất sâu dày. Nhưng chúng ta cần phải biết, lúc họ làm điều này chỉ biết giúp người khác giải quyết khó khăn, không hề nghĩ đến quả báo của mình. Nếu nghĩ đến quả báo của mình, có thể họ không làm.

Đọc xong tám đoạn văn này, chúng ta nhất định phải biết, tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn, 16 chữ này cần phải khắc phục. Không khắc phục được 16 chữ này, đời này chúng ta đoạn ác, ác đoạn không triệt để. Tu thiện, thiện tu không được viên mãn, chỉ làm được những việc thiện nhỏ, hoặc bán thiện, có được quả báo ở đời sau. Chỉ có đại thiện, mãn thiện mới có thể thay đổi nghiệp báo của mình. Như Liễu Phàm tiên sinh ông thực hành việc thiện, và thay đổi vận mệnh của mình. Có rất nhiều người tu thiện tích đức, nhưng vẫn bị vận mệnh xoay chuyển, không thay đổi được vận mệnh, chính là vì nguyên nhân này. Họ đoạn ác chưa triệt để, tu thiện chưa viên mãn, đạo lý là như vậy. Nếu học Phật, mục đích học Phật là muốn khai ngộ, là cầu minh tâm kiến tánh, cầu vãng sanh Tịnh độ. Nếu không khắc phục 16 chữ này, 16 chữ này tạo thành chướng ngại nghiêm trọng. Không chỉ chướng ngại minh tâm kiến tánh, mà nó còn chướng ngại sự đại triệt đại ngộ. Không chỉ như vậy, mà chúng ta cầu vãng sanh thế giới tây phương Cực Lạc, cũng bị nó chướng ngại, chúng ta không thể không biết. Vì thế người niệm Phật nhiều, nhưng người vãng sanh lại ít, nguyên nhân ở đâu chúng ta đã biết.

Hôm nay chúng ta tạm dừng tại đây.

Hết tập 16

Bài viết cùng chuyên mục

Báo ứng hiện đời tập 5: Nhân quả giải theo Phật Giáo

Định Tuệ

Niệm Phật Sám Pháp PDF – Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Định Tuệ

Khai Thị Quyển 4 – Hòa Thượng Tuyên Hóa – Sách PDF

Định Tuệ

Cẩm nang tu đạo PDF – Hòa Thượng Quảng Khâm

Định Tuệ

Liên Tông Bảo Giám PDF – Đại Sư Ưu Đàm

Định Tuệ

Khai Thị Quyển 2 – Hòa Thượng Tuyên Hóa – Sách PDF

Định Tuệ

Nhân quả phụ giải Lương Hoàng Sám – cư Sĩ Quả Khanh

Định Tuệ

Phá Mê Khai Ngộ PDF – Cư Sĩ Lê Sỹ Minh Tùng

Định Tuệ

Những chuyện niệm Phật cảm ứng mắt thấy tai nghe PDF

Định Tuệ

Viết Bình Luận