Bản thân con học Phật nhiều năm, xin hỏi làm thế nào mới có thể khởi phát được tâm thành kính, tâm hiếu thuận của chính mình?
Câu hỏi: Bản thân con học Phật nhiều năm, luôn cảm thấy tâm thành kính, tâm hiếu thuận của mình chưa đủ, xin hỏi làm thế nào mới có thể khởi phát được tâm thành kính, tâm hiếu thuận của chính mình ạ?
Đáp: Bạn hỏi rất hay. Bạn cứ thật thà học “Đệ Tử Quy”, tâm thành kính, tâm hiếu thuận của bạn sẽ dần dần nâng lên. Bạn cứ học ở trong Kinh giáo mà lơ là việc tu học “Đệ Tử Quy” thì tâm thành kính, hiếu thuận này vĩnh viễn không làm được. Vì sao vậy? Đây là làm ở trên mặt sự. Sau đó bạn đem tâm thành kính hiếu thuận với cha mẹ, mở rộng đến hiếu thuận với hết thảy chúng sanh thì bạn sẽ tiến vào Bồ Tát. Trong tâm trí của Bồ Tát, nhận thức của các Ngài là gì? “Hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta”, đối xử với hết thảy chúng sanh là dùng tâm hiếu thuận với cha mẹ để đối xử, người này gọi là Bồ Tát. Vì sao các Ngài làm như vậy? Bởi vì các Ngài chân thật biết lời nói này không phải là giả. Vì sao nói hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta? Cha mẹ quá khứ, cha mẹ vị lai đời đời kiếp kiếp, đây không phải là giả.
Chúng ta ở thế gian này chuyển thế bao nhiêu lần, nếu hiện nay thiên nhãn của bạn thật sự vừa khôi phục, túc mạng thông vừa khôi phục thì bạn sẽ hiểu có bao nhiêu người là cha mẹ quá khứ, nhân duyên trong đời trước, huống chi là đời sau. Chân thật là mối quan hệ này, đây không phải là giả, không phải là một loại lý tưởng của chúng ta, mà nó là chân tướng sự thật.
Cho nên lời Phật nói, bạn xem trong “Kinh Kim Cang” nói: “Như Lai là bậc chân ngữ, thật ngữ, như ngữ”. Chữ “như” này quan trọng. “Như” là gì? “Như” là hoàn toàn tương ưng với sự thật, đây gọi là “Như ngữ”. Cho nên lời Phật nói là Như ngữ, là thật không phải giả.
Chính chúng ta đã quên mất quá khứ, nên không biết bao nhiêu người ở trước mắt có quan hệ như thế nào với mình, không biết bao nhiêu người có ân đức như thế nào với mình. Trong “Đệ Tử Quy” đều dạy chúng ta, nhớ ân không được nhớ oán, việc không như ý thì buông xuống, đừng để ở trong tâm; những chỗ tốt, ân đức của người khác đối với ta thì niệm niệm không quên. Làm ra tấm gương cho người khác xem, nếu đại chúng trong xã hội đều rõ ràng rồi, đều có thể cảm ân, đều có thể quên oán, bạn nói xem thế giới này tốt đẹp biết bao, thế giới này chính là Thế giới Cực Lạc.
Cho nên Thế giới Cực Lạc là do chính chúng ta sáng tạo ra, không phải là người khác. Địa ngục, thiên đường cũng là do chính mình tạo ra. Cho nên thật thà thực hành “Đệ Tử Quy” quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Từ nền tảng này nâng cao lên trên thì đây là chính xác, đây là như pháp. Không từ “Đệ Tử Quy” nâng cao lên trên thì như Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói “không phải đệ tử Phật”, Phật không thừa nhận bạn là học trò của Ngài, bởi vì bạn đã không y theo từng bước mà đi.
Vậy bạn muốn hỏi, Phật dạy chúng ta học như vậy ở chỗ nào? Phật dạy chúng ta học như vậy ở trong Tịnh Nghiệp Tam Phước. Ba điều mười một câu của Tịnh Nghiệp Tam Phước là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất trong việc tu học tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng tông phái. Đây là khoa mục chung, bất luận là Hiển giáo hay Mật giáo, Tông môn hay Giáo hạ, nhất định đều phải tuân thủ.
Bạn xem điều đầu tiên: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, bạn nói trong đây có “Đệ Tử Quy” không? “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng” được thực hiện trong “Đệ Tử Quy”; “Từ tâm bất sát” đây là thuộc về nhân quả báo ứng, thực hiện trong “Cảm Ứng Thiên”; câu tiếp theo “Tu Thập Thiện Nghiệp”.
Chúng tôi đề xướng là có căn cứ, không phải là nói tùy tiện, trước hết học “Đệ Tử Quy” rồi mới học “Cảm Ứng Thiên”, sau cùng học Thập Thiện Nghiệp, thứ tự này là Phật sắp xếp, không phải là chúng tôi bịa ra. Đây là gì? Đây là thiện nam tử, thiện nữ nhân ở cõi người, họ có tiêu chuẩn ở chỗ này. Bạn phải hiểu là nếu không thể thực hiện “Đệ Tử Quy” thì không phải là thiện nam tử, thiện nữ nhân.
Thực hiện “Đệ Tử Quy”, có được điều kiện cơ bản của thiện nam tử, thiện nữ nhân rồi, còn phải nâng cao lên trên, còn phải học “Cảm Ứng Thiên”, còn phải học Thập Thiện Nghiệp thì mới là thiện nam tử, thiện nữ nhân đã nói trong nhà Phật. Không thể không biết điều này. Trọn đủ thân phận và điều kiện của thiện nam tử thiện nữ nhân thì mới có thể học Phật, bạn xem mới có thể nâng lên “Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”, bạn mới có thể thọ tam quy.
Cho nên nếu không có “Đệ Tử Quy”, “Cảm Ứng Thiên”, “Thập Thiện Nghiệp” thì thọ trì Tam Quy gọi là Tam Quy trên danh nghĩa. Thế nào gọi là Tam Quy trên danh nghĩa? Là hữu danh vô thực. Phải biết điều này. Cho dù Pháp sư Đại đức giỏi đến mấy truyền thọ Tam Quy cho bạn đều không phải là thật, Phật không thừa nhận, thần Hộ pháp không thừa nhận. Bạn trọn đủ ba điều này, chính là ba nền tảng Nho Thích Đạo mà chúng tôi nói. Ba cái gốc này bạn đều làm được rồi thì Phật thừa nhận, thần Hộ pháp thừa nhận. Thần Hộ pháp thừa nhận thì thần hộ pháp sẽ bảo hộ cho bạn.
Lại nâng cao lên trên là học Đại thừa. Điều thứ hai là Tiểu thừa, làm được “Thọ trì Tam Quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi” là tiểu thừa. Cho nên chúng ta phải nghiêm túc nỗ lực làm cho được “Sa Di Luật Nghi”. Điều thứ hai của Tịnh Nghiệp Tam Phước trọn đủ rồi thì mới nâng cao lên đến “Phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Câu “khuyến tấn hành giả” sau cùng là hóa tha.
Bạn hãy xem mười một câu nguyên tắc chỉ đạo tối cao này, mười câu là tự lợi, là thành tựu chính mình, câu sau cùng là giáo hóa chúng sanh. Khuyến tấn, khích lệ đồng học học Phật khác, kéo họ tiến lên. Cho nên chính bạn không phải là tấm gương tốt thì bạn làm sao có thể giúp được người khác? Câu sau cùng là giúp người khác.
Trích trong:
HỌC PHẬT VẤN ĐÁP
Giảng ngày 21 tháng 3 năm 2008
HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG TRẢ LỜI CÁC
CÂU HỎI CỦA CÁC ĐỒNG TU
Tại: Hiệp hội Giáo dục Phật-đà Hồng Kông.
TẬP 14
Tâm Hướng Phật/St!