Dưới đây là nội dung sách Phật Học Phổ Thông quyển 5, tác giả Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, khóa thứ năm Lịch sử truyền bá Phật giáo.
Trích đoạn:
KHÓA V: LỊCH SỬ TRUYỀN BÁ PHẬT GIÁO,
10 TÔN PHÁI VÀ VŨ TRỤ NHƠN SINH
Bài thứ 1: LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ẤN ÐỘ
A. MỞ ÐỀ
Khao-khát cái tuyệt-đối, khinh-thường cái cái tương-đối; mong cầu cái vĩnh-viễn trường-tồn, ruồng-bỏ cái biến-chuyển vô-thường, người Việt Nam nói riêng và người Á-châu nói chung đã được huân-tập mấy ngàn năm trong một thái-độ tư-tưởng như trên, nên đã xem thường lịch sử, là một môn học theo sát sự biến-chuyển vô-thường của sự thế, mà mục-đích là mong ghi chép một cách trung-thành những gì đã mất hút trong bóng tối của thời-gian.
Quan-niệm khinh thường lịch sử ấy đã đem lại cho chúng ta nhiều điều tai-hại không nhỏ. Chúng ta đã bỏ mất bao nhiêu bài học quý giá mà ông cha chúng ta đã mua với một giá rất đắt; chúng ta đã mất rất nhiều liên lạc với quá-khứ, tắc mất đường thông-cảm với người xưa, và đang lạc-loài trong hiện tại vì không biết nên bỏ con đường nào và nên theo con đường nào. Người ta thường nói rất đúng: Một dân-tộc không quá-khứ, thì cũng khó mà có tương-lai.
Riêng trong phạm-vi Phật giáo chúng ta, tìm về cho đúng nguồn-gốc, thử vạch lại con đường đi truyền-giáo của ông cha, xây dựng lại mô-hình của một thời-đại huy-hoàng của Phật giáo, đó là những công-việc vô cùng khó-khăn, nhọc mệt.
Nhưng mặc dù mệt nhọc, khó-khăn, không lẽ thấy vết xe đổ của người xưa mà nay chúng ta không tránh, cứ nhắm mắt đi càn? Người xưa đã xem thường lịch sử, ngày nay trái lại, chúng ta phải dành cho nó một địa-vị quan-trọng.
Có thấy rõ được nguồn-gốc, sự phát-triển, những thời-đại thịnh-suy của môt tôn giáo, chúng ta mới hiểu rõ được giá trị chân-thật của tôn-giáo ấy. Nhất là nếu chúng ta là những người có nhiệm-vụ truyền-bá giáo-lý của Phật-đà, thì hơn ai cả, chúng ta phải học lịch sử Ðạo-Phật để tìm hiểu lẽ thịnh suy, nguyên-nhân những thành bại của công-cuộc hoằng-dương chánh-pháp trên khắp năm châu, hầu bắt chước những điều hay có lợi cho Ðạo, bỏ những điều dở, có hại cho Ðạo, để Phật-pháp được hoằng truyền mãi mãi với thời-gian.
Vậy trước tiên, chúng ta hãy trở về nguồn, tuần-tự đi theo bước chân trên đường truyền giáo, từ khi Ðức Giáo-chủ Thích-Ca mới xuất-thế ở Ấn Ðộ, dần dần qua Trung-Hoa, rồi đến Việt Nam, để cuối cùng có một ý-niệm tổng-quát về hiện-tình Phật giáo ở nước nhà và trên thế-giới phức-tạp ngày nay.
Mời quý bạn đọc sách Phật Học Phổ Thông quyển 5 – HT Thích Thiện Hoa tại file PDF dưới đây. Đọc và tải trọn bộ sách Phật Học Phổ Thông tại: Phật Học Phổ Thông trọn bộ – HT Thích Thiện Hoa