Sư Ông Thích Giác Khang thường lấy câu chuyện đối đáp giữa Lục Tổ và ngài Huyền Giác để nói về Bát Nhã khi giảng bài Kinh Sáu Sáu.
Sư Ông Thích Giác Khang thường lấy câu chuyện đối đáp giữa Lục Tổ và ngài Huyền Giác để nói về Bát Nhã khi giảng bài Kinh Sáu Sáu. Câu chuyện đó như sau:
Vĩnh Gia Huyền Giác Thiền Sư, họ Ðới quê ở Ôn Châu. Thuở nhỏ tu học Kinh Luận, chuyên về pháp môn chỉ quán của Thiên Thai Tông, nhân xem Kinh Duy Ma Cật phát minh tâm địa (kiến tánh). Bỗng gặp đệ tử của Tổ là Huyền Sách đến thăm, luận đàm với nhau; thấy lời nói của Huyền Giác khế hợp với Chư Tổ, Huyền Sách hỏi: Thượng Tọa đắc pháp nơi Thầy nào?
Ðáp: Tôi nghe giảng Kinh Luận Ðại Thừa, mỗi mỗi đều có Thầy truyền thừa, sau xem Kinh Duy Ma Cật ngộ tự tâm Phật, nhưng chưa có Thầy ấn chứng.
Huyền Sách nói: Trước thời Phật Oai Âm Vương thì được, sau thời Phật Oai Âm Vương, không Thầy mà tự ngộ, ấy đều là thiên nhiên ngoại đạo.
Huyền Giác nói: Vậy xin nhờ Thượng Tọa vì tôi ấn chứng.
Huyền Sách nói: Lời tôi chẳng đáng kể, ở Tào Khê nay có Lục Tổ Ðại Sư, các nơi đều tụ tập đến đó để thọ pháp, hễ đi thì cùng nhau đi.
Huyền Giác bèn cùng với Huyền Sách đến tham vấn. Huyền Giác vừa gặp Huệ Năng đi quanh ba vòng chống tích trượng đứng.
Huệ Năng bảo: – Phàm làm Sa môn phải đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, Đại đức từ đâu đến mà lớn lối ngạo mạn vậy.
Huyền Giác đột ngột dùng ngay nhát kiếm:
Sinh tử sự đại
Vô thường tấn tốc
Nghĩa là sinh tử việc lớn, vô thường mau chóng, cần giải quyết ngay lễ nghĩa làm gì.
Huệ Năng đáp:
Hà bất thể thủ vô sinh
Liễu vô tốc hồ
Sao không nhận cái lý “Vô sinh” và thấu rõ cái nghĩa “không chóng”. Nghĩa là sao không tự nhận cái nguyên lý vô sinh thường còn bất biến. Nguyên lý vô sinh ấy là “tự tánh”. Bởi vì chữ “thể” chỉ cho “tự tánh” và chữ “liễu” là chỉ cho cái dụng của “tự tánh”, đó là trí.
Vậy ý của Tổ muốn thử xem Huyền Giác đã thấy “tánh” chưa. Mà nếu đã thấy tánh, thì tánh tức là dụng, là trí huệ Bát Nhã. Dùng trí này mà quán chiếu thì làm gì có vấn đề sống chết và mau chóng phải đặt ra.
Thấu rõ ý ngầm của Tổ trong câu hỏi, Huyền Giác đáp ngay:
Thể tức vô sinh, liễu bổn vô tốc.
(Thể tức vô sinh, thấu vốn không chóng).
Như vậy Huyền Giác đã biết được tự tách vốn không sinh diệt, vượt cả không gian, thời gian, làm gì có mau chóng.
Nghe Huyền Giác đáp, Huệ Năng khen:
Như thị! Như thị!
(Đúng thế! Đúng thế!)
Như thế Huyền Giác tìm đến Tổ vừa để thử thầy vừa để xin ấn chứng. Và Huyền Giác chống tích trượng đứng, đâu phải là ngạo mạn, mà đó là ý chỉ thâm diệu của thiền tông.
Nhưng đến đây cuộc thử thách vừa ngưng lại, để rồi tiếp tục gay cấn hơn. Thừa cơ hội Huyền Giác xin kiến về, Huệ Năng lại dùng mũi nhọn đâm vào đối thủ (cơ phong vấn đáp) một lần nữa lại nói về việc “chậm mau”.
Phản thái tốc hồ?
(Về chóng thế sao?)
Huyền Giác đỡ ngay thế kiếm “mau chóng” bằng thế kiếm “Bất động”.
Bổn tự phi động, khởi hữu tốc đa?
(Vốn mình chẳng động, há có mau chóng sao?)
Với ý nghĩa tự tánh, vốn là tự tại, vượt ngoài động tịnh, chóng chậm, vượt cả không gian, thời gian, làm gì có mau chóng?
Huệ Năng liền tấn công quyết liệt, dồn đối phương ở vào thế chân tường bằng nhát kiếm “Ai’’.
Thuỳ tri phi động?
( Ai biết chẳng phải động? )
Chữ “Ai” là năng, là chủ tể. “Cái chẳng động” là sở. Năng và sở nối liền nhau bằng nhịp cầu “biết”. Nếu Huyền Giác mà suy tư để thấy mình có “Cái chẳng động” thì rõ là Huyền Giác còn động.
Nhận được ý đó, Huyền Giác lập tức đẩy lại ngay:
– Nhân giả tự sinh tâm phân biệt.
Ấy là tại Tổ sinh tâm phân biệt.
Câu trả lời ấy đủ chứng tỏ là Huyền Giác không phải suy lường về “cái chẳng động” mà đã liễu được cái chân lý “bổn lai chẳng động”.
Lục Tổ liền khen:
Nhữ thậm đắc vô sinh chi ý
(Người thực đã thấu được cái ý vô sinh)
Lời khen của Lục Tổ là một nhát kiếm bọc nhung vô cùng nguy hiểm. Vì lời khen này nhấn mạnh vào chữ “Ý”.
– Trên kia là chữ “Ai”
– Bây giờ là chữ “Ý”
Trên kia là chủ – bây giờ là khách.
Ý của Tổ trắc nghiệm Huyền Giác đã thật sự dung thông chưa? Lãnh hội được ý đó.
Huyền Giác đáp lại:
– Vô sinh khởi hữu đa? (Vô sinh há có ý sao?)
Một ý nghĩ mà không móng lên, ấy là trạng thái “vô sinh”.
Thế chưa đủ, Lục Tổ còn bồi thêm một nhát kiếm Tối thượng thừa, chẻ vào ba vấn đề : Ai, Ý, phân biệt.
– Vô ý thuỳ dương phân biệt?
(không ý thì ai phân biệt?).
Đây là vấn đề cơ bản nhất. Nếu phá hết ngã, pháp, vượt qua mọi đối đãi thì đi đến kết quả gì?
– Nếu phân biệt, nếu suy lường thì vọng niệm dấy lên.
– Không phân biệt, không suy lường lại khác gì gỗ đá.
Nếu phân biệt rõ cội nguồn, muôn vật mà bổn tánh vẫn như như bất động, tức là nhảy được qua bờ kia vậy.
Do vậy Huyền Giác mới trả lời:
Phân biệt diệc phi ý.
(Phân biệt cũng chẳng phải là ý)
Huyền Giác đã vượt qua mọi ý niệm suy lường.
Đó chính là “Tri kiến Phật”.
Tổ nói: Lành thay! Hãy ở lại một đêm.
Người thời ấy tôn Huyền Giác là Nhất Túc Giác. Về sau Huyền Giác soạn bài Chứng Ðạo Ca thịnh hành khắp thế gian. Sau được sắc phong là Vô Tướng Ðại Sư, người đời tôn là Chơn Giác.
Tâm Hướng Phật/St!