Phát tâm trợ niệm giúp người khác được vãng sinh Tây phương là việc thay thế chư Phật rộng độ chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi, là việc vô cùng lớn lao.
1.- Phát tâm trợ niệm giúp người khác được vãng sinh Tây phương là việc thay thế chư Phật rộng độ chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi, là việc vô cùng lớn lao. Công đức này không thể nghĩ bàn. Vì vậy phải hết sức cẩn thận nếu không sẽ làm mất đi nhân duyên vãng sinh của người lâm chung! Xin hãy cẩn thận! Xin hãy cẩn thận!
2.- Khi đến nhà người lâm chung, trước tiên hãy mời toàn thể gia quyến đến để nói cho họ biết đây là thời điểm vô cùng quan trọng của người lâm chung. Vì họ đang ở ngưỡng cửa của siêu thăng hay đọa lạc. Trách nhiệm này là của toàn thể gia quyến, nếu gia quyến muốn người lâm chung được siêu thăng không đọa lạc thì mỗi mỗi sự việc đều tuân thủ theo sự chỉ đạo của ban hộ niệm, không được làm điều gì trái lại, đó là việc để người lâm chung nhất định được vãng sinh Tịnh độ.
3.- Khi vào trong phòng người bệnh, ban hộ niệm phải có thái độ thành khẩn, lời nói ôn hòa, để người bệnh nghe được tâm lý không hoài nghi. Trước tiên nên ôn lại và tán thán những việc lành mà bình thường người bệnh đã tạo, khiến cho tâm họ phát khởi sự hoan hỷ, kế đến nói về công đức và bốn mươi tám lời nguyện của Phật A Di Ðà, cùng cõi Cực Lạc vui sướng, làm cho người bệnh sinh vui mừng và phát khởi chánh tín cầu sinh Tây phương. Người trợ niệm nên xem người bệnh như thể người quyến thuộc để có thể có tâm thành khẩn tha thiết. Tuy nhiên, đời nay tuy không phải quyến thuộc của họ mà có thể đời trước, hoặc nhiều đời trước họ đã từng là quyến thuộc của chúng ta. Vì vậy trong Kinh Phạm Võng có nói: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta”, điều này bằng con mắt phàm phu chúng ta trong đời sống hằng ngày không thể nhận ra được, chớ hoàn toàn giữa ta và người bệnh lại không có quan hệ hay sao?
4.- Trong phòng người bệnh, ngoại trừ người khai thị ra, không để một lời nói hay một người nào ở lại, không được nói chuyện tạp gì vì khi họ nghe được làm phân tâm, mất đi chánh niệm. Nếu như có bà con thân quyến đến thăm nom thì người trợ niệm nên hỏi họ: “Có phải anh (chị) đến đây vì trợ niệm hay không?”. Nếu họ bảo phải thì mời họ cùng trợ niệm. Bằng không thì gia quyến phải nói rõ cho họ biết để khỏi mất lòng, nên mời họ đến phòng khách tiếp đãi vì khi người bệnh thấy được họ chắc chắn sinh ra sự luyến ái làm mất chánh niệm. Ðây là trách nhiệm của người trợ niệm, không nên vì sợ mất lòng, vì làm chướng ngại cho sự chánh niệm của bệnh nhân, làm mất đi khả năng vãng sinh Tây phương. Ðiều này là hoàn toàn trái với bản hoài độ sinh của chư Phật, lại không thích hợp với tôn chỉ của người trợ niệm.
5.- Lúc trợ niệm hoặc niệm bốn chữ “A Di Ðà Phật” hoặc niệm sáu chữ “Nam mô A Di Ðà Phật”. Niệm nhỏ hay lớn, thấp hay cao nên hỏi qua người bệnh là tốt hơn cả. Nếu như bệnh nhân bị cấm khẩu, vậy thì không nên niệm Phật quá nhanh, nếu nhanh thì nghe không rõ ràng, cũng không nên quá chậm vì chậm sẽ gây nên hôn trầm, cũng không nên quá cao, nếu cao thì người trợ niệm không thể trì niệm lâu dài và cuối cùng cũng nên đừng thấp quá, nếu thấp quá sẽ nghe không rõ ràng. Vì vậy người trợ niệm nên niệm không cao, không thấp, không nhỏ cũng không to, mà nên niệm từng câu, từng câu rõ ràng, từng chữ từng chữ khoan thai, khiến cho thần thức người bệnh nghe từng chữ từng câu rõ ràng. Niệm Phật như vậy mới là chân chính trợ niệm. Không nên tùy tiện theo ý nghĩ riêng mà niệm, lúc thì cao, lúc thì thấp, lúc nhanh lúc chậm, trợ niệm như vậy thì người bệnh không lợi ích chi. Tóm lại, chúng ta phải hiểu rằng nguyên nhân trợ niệm cho người lúc lâm chung vì họ khí lực cạn kiệt suy sụp không thể tự mình khởi lên ý niệm nhân duyên niệm Phật mà họ hoàn toàn nhờ vào sự trợ giúp của tha nhân niệm hồng danh A Di Ðà Phật. Vì vậy chúng ta cần phải niệm rõ ràng, làm cho tâm người bệnh, niệm niệm quay về an trú trong câu niệm Phật, luôn luôn thấy rõ hết thảy sự việc, và luôn chánh niệm. Niệm niệm tương tục không gián đoạn, đến lúc lâm chung nhất niệm niệm Phật, liền được vãng sinh. Ðây cũng là trách nhiệm chung của chúng ta thay thế Ðức Phật nhiếp độ chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi.
6.- Có khi trợ niệm trong một thời gian đã lâu, bỗng nhiên người bệnh tinh thần trở nên tỉnh táo, hoặc có thể nói chuyện, hoặc than thở, hoặc cơ thể có thể hoạt động và nhiều dấu hiệu khác. Trong trường hợp này người trợ niệm nên biết đây là dấu hiệu cho thấy trong vòng khoảng 2 giờ nữa họ sẽ tắt thở. Ví như một ngọn đèn dầu, dầu trong đèn từ từ cạn thì ánh sáng cũng do đó từ từ mà tắt. Nhưng trước khi dầu hoàn toàn hết thì tự nhiên ngọn đèn bùng lên trong giây lát rồi mới tắt. Thỉnh thoảng nghe nói có trường hợp người bệnh như trên, vì người trợ niệm chưa có kinh nghiệm nhận thức nên ngừng việc trợ niệm, trường hợp này hết sức nguy hiểm. Vì vậy chúng ta là những người trợ niệm cần nhận thức rõ vấn đề nêu trên.
7.- Khi ban trợ niệm vừa mới đến nơi mà gặp trường hợp bệnh nhân vừa mới tắt thở hoặc đã tắt thở trước đó một, hai hoặc ba tiếng đồng hồ, người trợ niệm nên biết đây là giây phút vô cùng quan trọng, tốt nhất trước tiên lớn tiếng khai thị, sau đó mới bắt đầu trợ niệm. Vì sau khi người bệnh tắt thở, không luận là thân quyến có khóc hay là không, tâm họ luôn luôn rối loạn. Nếu lớn tiếng khai thị tâm của họ, có thể biết được do hai nguyên nhân sau :
1.- Tâm người bệnh có quy y (quy vào danh hiệu Phật) nên biến phiền não thành chánh định.
2.- Cũng đã có phát nguyện cầu sinh Tây phương (tâm vui vẻ nghe danh hiệu là có thể sinh Tây phương).
Người khai thị nên lớn tiếng hướng dẫn họ như sau: “Hỡi ông (bà) gì! Mọi chuyện lành dữ trong quá khứ xin ông (bà) đừng nên suy nghĩ đến nữa, tài sản con cháu trong nhà hãy nên xả bỏ, không nên mảy may một niệm chạy theo, một lòng niệm Phật A Di Ðà để được vãng sinh sang cõi Cực Lạc. Tất cả chúng tôi sẽ niệm Phật trợ niệm cho ông (bà), ông (bà) nên dồn hết tâm lực nghe câu niệm Nam mô A Di Ðà Phật. Hãy an trụ vào đó mà vãng sinh Cực Lạc”. Sau khi khai thị xong là bắt đầu trợ niệm ngay. Nếu như người làm chung bình thường có tín nguyện niệm Phật cầu vãng sinh Tây phương thì nhất định được vãng sinh Tây phương. Nếu như bình thường có tín nguyện cầu sinh Tây phương thì nghe được danh hiệu trợ niệm thì công đức không thể nghĩ bàn. Như trong Kinh Ðịa Tạng có nói: “Người nào lúc lâm chung, nghe được một danh hiệu Phật, có thể tiêu trừ được trọng tội vô gián địa ngục”. Cho nên người trợ niệm vào giây phút lâm chung công đức niệm Phật thật lớn lao thay.