Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Hãy sáng suốt suy nghĩ để tránh Khẩu nghiệp

Khẩu nghiệp là nghiệp nặng nhất của đời người, vết thương ta gây ra trên thân thể người khác theo thời gian nó sẽ lành lại, còn vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lại được.

1. Khẩu nghiệp là gì?

Khẩu nghiệp là nghiệp quả thiện ác phải gánh chịu do gây nhân từ lời nói tốt xấu gây ra. Các ác nghiệp do nói dối, nói ác khẩu, nói lời thêu dệt… đều chịu quả báo nặng nề và thế gian thì gần như không ai không mắc lỗi này!

Miệng là cửa ngõ vào ra của thân. Thức ăn đưa vào miệng, nhờ đó nuôi dưỡng thân xác. Lời nói phát ra từ miệng, nhờ đó biểu đạt những gì nuôi dưỡng trong tâm ý. Lời nói ra phải phù hợp với những gì suy nghĩ trong lòng, thì mới có thể khiến cho người khác phân biệt đúng sai, phải trái. Nếu không được như vậy, ắt chỉ là hạng xảo trá, gian ngụy khó lường. Kẻ chuyên dùng cơ mưu xảo trá với người, lời nói còn chưa lập được chút công đức gì thì trước đó đã tạo ra biết bao lầm lỗi.

Người đời thất bại do lời nói quả thật không ít. Miệng không thể suy xét, chỉ tâm mới có khả năng suy xét. Miệng do tâm sai khiến, nên nói ra lời dối trá là miệng, nhưng chủ ý nói ra lời dối trá để lừa gạt người khác lại chính là tâm. Con người khi giao tiếp mà trong lòng ngoài miệng chẳng được như nhau thì không phải lỗi của miệng, mà chính tại tâm. Chỉ cần giữ tâm trong sáng minh bạch thì lời nói tự nhiên sẽ không còn gian xảo trí trá.

Lời Phật dạy về khẩu nghiệp

Đức Phật dạy: “Người bình thường nếu nói ra điều chi thì nên nói lời tốt lành, không nên nói lời tệ hại. Nói lời tốt lành là thân thiện, nói lời tệ hại thì tự sanh ra phiền muộn bực bội”. Lại trong Thành Thật Luận nói: “Nếu người ác khẩu mắng nhiếc bới móc đủ loại, thì tùy theo lời nói mà nhận chịu báo ứng”.

Người thế gian, gặp thời uế trược này, dễ tạo nhất là khẩu nghiệp. Như trước mọi người dối trá mê hoặc, khiến người ta nhận thức sai lạc, làm cho muôn vàn khổ đau tranh nhau trói buộc, trăm mối ưu sầu thảy đều tụ tập. Gieo trồng nhân tố hư vọng, cảm lấy quả báo hèn hạ. Địa ngục khổ đau vô cùng lại thêm nước sôi đỏ. Mê mờ pháp tắc làm loạn chân lý thật sự đều do vọng ngữ mà ra. Kinh Chánh Pháp Niệm có bài kệ:

“Cam lộ cùng với những thuốc độc
Đều ở trong lưỡi của con người
Cam lộ là lời nói chân thật
Vọng ngữ thì trở thành thuốc độc
Nếu như người cần vị cam lộ
Thì người ấy nói lời chân thật
Nếu như người cần đến thuốc độc
Thì người ấy nói lời vọng ngữ
Thuốc độc không quyết định cái chết
Vọng ngữ thì quyết định không sai
Nếu như người nói lời vọng ngữ
Thì họ phải nói là người chết
Vọng ngữ không lợi ích cho mình
Cũng không lợi ích cho người khác
Nếu như mình và người không vui
Tại sao phải nói lời vọng ngữ
Nếu như người xấu xa phân biệt
Vui thích những lời vọng ngữ
Chết rơi vào trong lửa và dao
Phải chịu những khổ não như thế
Thuốc độc làm hại tuy rất dữ
Nhưng chỉ có thể giết một thân
Quả báo của ác nghiệp vọng ngữ
Làm cho trăm ngàn thân bị hoại”.

2. Sáng suốt suy nghĩ để tránh Khẩu nghiệp

Ngay từ những ngày còn bé, ta chập chững tập đi, ta được học nói, gọi cha gọi mẹ, đòi ăn, đòi chơi… lớn lên, ta bắt đầu buông ra lời nói dối, lời nói cay đắng, nóng giận rồi thốt lên như lưỡi dao nhọn sắc, những thứ vào miệng thì không độc, những thứ từ miệng tuôn ra mới độc.

Tại sao lại nói: “Những thứ vào miệng không độc, những thứ từ miệng tuôn ra mới độc”. Chúng ta ăn cơm dẻo, canh ngọt, ăn rau xanh, quả chín thì tại sao những lời nói ra lại như những lưỡi dao sắc bén cứa vào lòng người khác?

Chúng ta ai cũng đã học nói, phải chăng đến lúc nào đó ta phải học thêm cách lặng im. Lặng im để không làm tổn thương người khác, lặng im để không đố kỵ, nghi ngờ nhau; để không nói ra những lời giả dối, sáo rỗng; để không khiến người dối diện nổi giận; để bản thân minh trong sạch, không mang những suy nghĩ xấu của người khác về mình. Cuộc đời đã là bể khổ với biết bao rối ren, luẩn quẩn, chúng ta cần học cách im lặng, kiên nhẫn.

Ta không cần phải cố nói với một người rằng 1+1 = 2, nếu như người ta tin vào kết quả khác của riêng họ mà không muốn nghe thì có ta thắng cũng chẳng ích gì?

Trong bất kỳ một quan hệ nào, ta chiến thắng một cuộc tranh cãi cũng là ta đã thua, thua vì có thể dẫn đến sự bất hòa, nghi ngờ giữa hai người. Đúng sai ra sao thì cuộc đời sẽ chứng minh và dạy, vấn đề là khi nào họ nhận ra được và sửa nó.

Đừng cố công bảo: “Tôi đã nói bao nhiêu lần rồi mà anh không chịu nghe”. Bởi vì nếu như muốn nghe, tự khắc tai họ sẽ kiếm tìm, khám phá tâm họ sẽ rộng mở.

Cuộc đời mỗi người ngắn ngủi và nhỏ bé lắm, cũng chỉ là cái vòng lẩn quẩn của nhân quả mà thôi. Nhưng cuộc đời cũng dài, rộng lắm, ta chưa sống hết, chưa trải qua hết cuộc đời, làm sao chắc chắn tuyệt đối rằng không có kết quả khác cho 1+1=2?

Thật vi diệu khi ta sinh ra đã có hai mắt để nhìn cho thấu, hai tai để nghe cho nhiều, hai chân để đi cho xa, hai tay để siêng làm việc giúp đời nhưng ta chỉ có một cái miệng, chính là để ta nói ít đi. Chúng ta chỉ cần nói cho những người biết lắng nghe mà thôi.

Con người ta lạ lắm, chỉ thích vươn lên để nghe tiếng trên cao mà lãng quên đi âm thanh dưới thấp. Người nào mà đặt cái tôi của mình cao hơn người khác sẽ chẳng thể nghe được gì, chẳng học được gì mà cứ lẩn quẩn mãi trong u minh.

Đức Phật ví dụ người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận lời mắng chửi đó thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Con người chúng ta có nghe ai nói gì về mình, dù tốt hay xấu thì chớ nhận, như thế thân tâm sẽ được an vui.

Con người chúng ta thường nghe người nói không tốt về mình qua miệng nhiều người, để rồi nhận phải những điều không tốt đó rồi nổi tính sân si. Như thế là không hay.

Tuy nhiên, không phải lời thị phi nào ta cũng dễ bỏ ngoài tai. Có những lời cay đắng, sỉ nhục nhân cách, nó tác động không chỉ tới riêng bản thân ta mà còn tạo lên làn sóng dư luận ảnh hưởng đến tâm lý những người quanh ta, họ có thể từ chỗ lời thị phi đó mà nhìn nhận không đúng về ta.

Hãy sáng suốt và bình tĩnh để lắng nghe, bởi những lời thị phi chỉ ảnh hưởng được những ai đánh giá hơi hợt, đánh giá một vấn đề từ cửa miệng; những người sâu sắc, sáng suốt thì có cách nhìn sâu rộng và chỉ có bình luận, nhận xét khi đã thẩm định kĩ càng. Thế nên, nếu ta đúng thì hãy giữ vững sự kiên định của tâm thức, bởi chẳng khó khăn gì khi ta vượt qua những lời thị phi, những lời ong tiếng ve không đúng sự thật, không có căn cứ.

Trong Phật giáo, Khẩu nghiệp là nghiệp nặng nhất của đời người, vết thương ta gây ra trên thân thể người khác theo thời gian nó sẽ lành lại, còn vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lại được. “Minh Chính”!

3. Quả báo khẩu nghiệp

“Kinh Hộ Khẩu” ghi: “Có một ngạ quỷ thân hình xấu ác, nhìn là nổi ốc, ai cũng kinh sợ. Thân phát lửa dữ. Miệng đầy sâu dòi lúc nhúc, cả thân đầy máu mủ tanh hôi, mùi thối bay nồng, không ai dám đến gần. Miệng khạc ra lửa, thân bị lửa đốt, cất tiếng kêu khóc, rảo chạy cùng khắp.

Lúc đó ngài Mãn Túc La hán hỏi Ngạ quỷ: Xưa kia ngươi tạo tội gì mà nay phải chịu khổ như thế?

Ngạ quỷ đáp: Kiếp xưa tôi từng làm sa môn, chẳng giữ oai nghi, nói năng thô ác, sống tham lam, keo xan không biết cho ra.

Hễ thấy người giữ giới tinh tấn thì mắng nhiếc, mạ nhục, ác kiến liếc nguýt, còn ỷ mình giàu mạnh, cho là sống lâu không chết nên tạo ra vô lượng tội ác. Bây giờ nhớ lại, có hối cũng chẳng thể cứu chuộc lỗi lầm xưa. Vì vậy, thà là cam tâm chịu khổ tự cầm dao bén cắt lưỡi mình kiếp này sang kiếp khác, chứ tuyệt đối không nên thốt lời phỉ báng việc lành của người!

Mong ngài trở về cõi Ta bà, kể lại quả báo và tình trạng ghê khiếp của tôi để răn dạy chư tu sĩ và các Phật tử, cảnh báo họ phải cẩn thận giữ khẩu đức, chớ tùy tiện buông lời nói ác. Dù thấy người giữ giới hay không cũng chỉ nên nói đức tốt của người. Tôi làm quỷ đói đã mấy ngàn kiếp, ngày đêm chịu đủ đau khổ. Thọ hết quả báo này thì phải vào địa ngục. Ngạ quỷ nói xong thì bật khóc to, ngã nhào xuống đất như Thái Sơn đổ.

Ngày nay đại chúng nghe kinh dạy như vậy, rất là đáng sợ. Chỉ vì lỗi của miệng mà mang tội nhiều kiếp, huống chi là còn bao nhiêu tội ác khác nữa? Xả thân thọ thân không ngừng chịu khổ, đều do nghiệp ác của mình đã tạo. Nếu không gây nhân thì đâu phải chịu quả. Đã gieo nhân quyết định phải gặt quả. Chưa từng thấy ai tu hành buông lung, lười biếng mà được giải thoát. Trái lại, người hay tinh tấn cẩn trọng tu hành, được phước đức vô lượng.

Đại chúng nên biết hổ thẹn, tịnh hóa thân tâm, sám hối lỗi cũ. Tội xưa hết rồi, không gây thêm tội mới nữa thì được chư Phật khen ngợi.

Từ nay trở đi, nếu thấy người làm thiện, chớ bàn tán phê bình thành bại, lâu mau. Dầu họ chỉ làm lành trong một niệm, một giờ, một khắc, một ngày, một tháng, nửa năm hay một năm thì vẫn tốt hơn là không làm.

Vì vậy kinh Pháp Hoa dạy: “Nếu có người tâm tán loạn vào trong tháp miếu, niệm một câu Nam mô Phật, thảy đều thành Phật đạo”. Huống chi là người phát tâm rộng lớn, siêng năng tu phước thiện, mà ta không tùy hỷ, thì rất đáng thương.

Chúng con từ vô thỉ đến nay, ắt đã có vô lượng ác tâm cản trở việc lành tốt đẹp của người. Vì sao mà biết? Bởi nếu không như vậy, thì cớ sao ngày nay bao việc lành của chúng con đa phần đều gặp khó khăn: Tự thân không giỏi tu Thiền định, trí huệ. Hễ vừa lễ bái chút ít đã than khổ, vừa cầm đến kinh, liền sinh nhàm chán. Cả ngày toàn tạo nghiệp ác, khiến không thể giải thoát.

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Một câu danh hiệu A Di Đà Phật chính là thâm diệu thiền

Định Tuệ

Nghiệp lực là gì? Làm gì khi nghiệp lực chi phối?

Định Tuệ

Chú Vãng Sanh tiếng Việt và Phạn, lợi ích khi trì tụng thần chú

Định Tuệ

Pháp môn Tịnh độ là gì? Phương pháp niệm Phật cầu sinh Cực lạc

Định Tuệ

Hiện nay có rất nhiều bệnh quái gở, bệnh từ đâu đến vậy?

Định Tuệ

Lúc sắp mạng chung thì Oan gia trái chủ hiện đến trả thù đòi mạng

Định Tuệ

Cầu được cũng khổ, cầu không được cũng khổ

Định Tuệ

Chân chính trì giới niệm Phật sẽ thấy Phật

Định Tuệ

Như thế nào mới có thể làm Phật?

Định Tuệ

Viết Bình Luận