Tâm Hướng Phật
Kinh Tạng Bắc Truyền

Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa PDF – Nguyễn Minh Tiến việt dịch

Kinh Vô Lượng Nghĩa gồm có ba phần chính yếu: đức hạnh, trí tuệ và công đức. Dưới đây là nội dung Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa để bạn đọc tụng.

Lời giới thiệu

Kinh Vô Lượng Nghĩa (Amitartha-sutra) do ngài Đàm Ma Già Đà Da Xá (Dharmagatayasas) dịch ra Hán văn tại chùa Triều-đình ở Quảng-châu, Trung-quốc, vào năm 481 (tức năm thứ 3 niên hiệu Kiến-nguyên, đời vua Thái-tổ Tiêu Đạo Thành của vương triều Nam-Tề [479-502], thời đại Nam-triều); được thu vào bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, quyển 9, mang số 276.

Ý chỉ của kinh này đặt trên cơ sở: Vì phiền não của hữu tình chúng sinh nhiều vô lượng, nên đức Phật thuyết pháp cũng vô lượng; thuyết pháp vô lượng nên nghĩa lí cũng vô lượng; nghĩa lí tuy vô lượng nhưng chỉ phát sinh từ Một pháp: đó là pháp Vô Tướng.

Từ “vô lượng nghĩa” có ba ý nghĩa: 1) Tất cả các pháp đều có đầy đủ vô lượng vô số nghĩa lí, cho nên gọi là “vô lượng nghĩa”. 2) Vô lượng nghĩa tức là “thật tướng”. Theo ngài Cát Tạng (549-623) giải thích trong bộ Pháp Hoa Kinh Nghĩa Sớ, thì bản thể của thật tướng là không có hạn lượng, cho nên gọi là “thể vô lượng”; từ một pháp thật tướng mà phát sinh ra tất cả pháp, cho nên gọi là “dụng vô lượng”; cả thể và dụng của thật tướng đều vô lượng, cho nên gọi là “vô lượng nghĩa”. 3) Vô lượng nghĩa là chỉ cho kinh điển đại thừa. Trong phẩm “Tựa” của kinh Pháp Hoa có nói: Đức Thế Tôn vì chư vị Bồ-tát mà nói kinh đại thừa tên là Vô Lượng Nghĩa. Vì vậy, kinh này cũng có người gọi tên là Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa.

Nhân nơi đây đề cập tới tên kinh, chúng tôi cũng xin nói thêm một điều: Trong kinh văn (ở hai phẩm thứ hai và thứ ba) có ghi lời Phật nói tên kinh này là “Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa Kinh”, nhưng tên kinh được ghi trong Tạng Đại Chánh thì không có hai chữ “Đại Thừa”, mà chỉ có bốn chữ “Vô Lượng Nghĩa Kinh”; có thể, “Vô Lượng Nghĩa” mới là tên chính thức của kinh, còn từ “đại thừa” chỉ là tiếng bổ từ mà thôi.

Phẩm “Tựa” của kinh Pháp Hoa còn cho biết, tại đạo tràng Kì-xà-quật (gần thành Vương-xá), đức Phật đã nói kinh Vô Lượng Nghĩa này trước khi nói kinh Pháp Hoa. Sau khi nói kinh Vô Lượng Nghĩa – là pháp môn đã do tự Ngài chứng đắc, đem giáo hóa hàng Bồ-tát đại thừa – Ngài liền nhập định “Vô lượng nghĩa xứ”; và sau khi xuất định, Ngài đã nói kinh Pháp Hoa. Vì vậy chư vị cổ đức đều nói rằng, kinh Vô Lượng Nghĩa này chính là tiền đề, là phần mở đầu của kinh Pháp Hoa; có thể nói, nội dung của toàn bộ kinh Pháp Hoa là khai triển ý chỉ của kinh Vô Lượng Nghĩa vậy.

Về ngài Đàm Ma Già Đà Da Xá, dịch giả của kinh này, các sử liệu đã không nói gì nhiều về tiểu sử và hành trạng của ngài; chỉ biết đại khái rằng, ngài là người Trung Thiên-trúc, có mặt ở Quảng-châu vào khoảng cuối nhà Lưu-Tống đầu nhà Tiêu-Tề (tức khoảng thập niên 70 của thế kỉ thứ 5) của thời đại Nam-triều (420-589).

Theo bài “Tựa Kinh Vô Lượng Nghĩa” của ẩn sĩ Lưu Cầu (437-495) viết để ở đầu cuốn kinh, có tì kheo Tuệ Biểu ở núi Võ-đang (phía Nam huyện Quân, tỉnh Hồ-bắc), lập chí du phương cầu đạo, không nề hiểm nguy, lao nhọc. Năm thứ 3 niên hiệu Kiến-nguyên (tức năm 481) nhà Tề, ông đến vùng Lĩnh-nam, được gặp sa môn Đàm Ma Già Đà Da Xá, người Trung Thiên-trúc, ở chùa Triều-đình, thành phố Quảng-châu. Vị sa môn này có tài viết kiểu chữ “lệ” rất đẹp, đã dịch cuốn kinh Vô Lượng Nghĩa, muốn lưu truyền nhưng chưa biết giao phó cho ai. Tì kheo Tuệ Biểu bèn chí thành cầu thỉnh, ngài bèn trao cho. Tuệ Biểu được bản kinh ấy, liền đem về lại núi Võ-đang… Ngoài mấy nét giản dị đó ra, không ai biết gì thêm về cuộc đời hành đạo của ngài; cả năm sinh năm mất cũng không rõ.

Trước bản dịch của ngài Đàm Ma Già Đà Da Xá, cũng đã có bản dịch Vô Lượng Nghĩa Kinh của ngài Cầu Na Bạt Đà La (394-468) ở đời Lưu-Tống (420-479), nhưng đã bị thất truyền rất sớm.

Bản kinh Hán văn được dùng để dịch ra Việt văn sau đây là bản Hán dịch của Tam tạng pháp sư Đàm Ma Già Đà Da Xá, rút ra từ Tạng Đại Chánh, quyển 9, mang số 276.

Kính giới thiệu,
Cư sĩ Hạnh Cơ
Miền Tây Gia-nã-đại,
Tiết Thượng-nguyên năm Bính-Tuất,
2006 (PL 2549)

Ý nghĩa kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa

Vô lượng nghĩa là không có nghĩa cố định gợi cho chúng ta không nên chấp văn tự ngữ ngôn, không chấp pháp; vì mắc bệnh cố chấp thì không thể thăng hoa trên bước đường tu học.

Người tu chấp pháp là người học kinh nhiều mà không sử dụng được, vì chứa đủ thứ dữ kiện trong đầu, nên trí không còn linh hoạt, sáng suốt, không thể đánh giá đúng sự việc thực tế, không thể đắc đạo và càng tu càng phiền não.

Trái lại, nghe được giáo pháp vi diệu và thích thú, luôn suy ngẫm để vận dụng trong cuộc sống được tốt đẹp, là biết nương theo phương tiện Phật dạy và sử dụng được yếu nghĩa một cách khéo léo.

Kinh có thể ví như thức ăn tinh thần để nuôi dưỡng tâm linh chúng ta. Thực phẩm vật chất ăn vào phải tiêu hóa, nghĩa là trích lấy được phần dinh dưỡng nuôi cơ thể khỏe mạnh, còn phần xác bã phải thải ra ngoài. Việc áp dụng giáo pháp của chúng ta cũng giống như thế, học kinh, đưa kinh vào tâm trí phải cho chúng ta trí giác; còn chấp kinh, kẹt văn tự ngữ ngôn, trí không sáng được.

Chúng ta không chấp pháp, không chấp ngã, thường được ví như tấm gương trong sáng, vật gì ở trước gương thì hiện hình trên gương và vật đi qua rồi, không còn lưu bóng trên gương. Nương theo pháp Phật dạy để tấm gương chúng ta trong sáng, sẽ thấy đúng mọi vật bây giờ và tại đây.

Tất cả tấm gương của chư Phật đều hoàn toàn sáng tỏ, muôn vật đều hiển bày trước các Ngài, nên tất cả Đức Phật đều thấy chính xác giống nhau, không cần nói nữa.

Tuy nhiên, đối với loài người bị vô minh nghiệp chướng ngăn che, không thấy được chân thật pháp, Đức Phật Thích Ca mới phải nói. Như vậy, từ hàng Bồ tát trở xuống, Đức Phật nói vô số pháp thích ứng với những hoàn cảnh sai biệt của tất cả mọi người, gọi là pháp phương tiện không mang tính cố định.

Thật vậy, trên ba trăm hội Đức Phật thuyết pháp, không hội nào giống nhau, vì chúng hội đạo tràng khác nhau, mới có pháp sai biệt. Ngày nay, tu theo Bổn môn Pháp Hoa chúng ta đọc kinh, cũng phải lọc lấy những pháp ứng với nghiệp của mình để thực hành thì có kết quả tốt; ví như trong tủ thuốc gia truyền, chọn lấy thuốc đúng bệnh mà uống sẽ khỏi bệnh. Uống hết tất cả thuốc, sẽ chết.

Học kinh cho chúng ta trí giác, nghĩa là cho chúng ta hiểu biết về Đức Phật, về lời dạy của Ngài, về cuộc sống cao quý của Ngài và vận dụng được tinh ba của pháp Phật để thể hiện cuộc sống tốt đẹp của chính mình, lợi lạc cho mọi người. Thành tựu như vậy, chúng ta đã thực hiện được tinh thần Vô lượng nghĩa.

Kinh Vô Lượng Nghĩa muốn nói về một đời giáo hóa của Đức Phật, trong suốt 49 năm thuyết pháp; tất cả pháp Phật dạy được ghi trong tam tạng Thánh giáo có vô lượng nghĩa.

Mặc dù có vô số nghĩa, nhưng tất cả pháp Phật cô đọng lại thành ba nghĩa trọng yếu là đạo đức, trí tuệ và việc làm lợi ích chúng hữu tình. Ba yếu nghĩa này được nói rõ trong ba phẩm của Vô Lượng Nghĩa kinh; phẩm thứ nhất là Thanh văn hay đức hạnh, phẩm thứ hai là Duyên giác hay trí tuệ và phẩm thứ ba là Bồ tát pháp, hay công đức.

Điển hình là kinh Vô Lượng Nghĩa, tức đức hạnh, trí tuệ và việc làm thánh thiện vô cùng, đã tỏa sáng trong cuộc đời giáo hóa của chính Đức Phật; hay nói cách khác, tất cả kinh điển của Phật đều ẩn chứa ba nghĩa này, tức xây dựng cho mọi người có cuộc sống đạo đức, trí tuệ và lợi lạc cho nhiều người.

Mục lục

Kinh Vô Lượng Nghĩa phẩm thứ nhất: Đức Hạnh

Kinh Vô Lượng Nghĩa phẩm thứ hai: Thuyết Pháp

Kinh Vô Lượng Nghĩa phẩm thứ ba: Mười Công Đức

Mời quý bạn đọc Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa – Nguyễn Minh Tiến việt dịch tại file PDF dưới đây.

[pvfw-embed viewer_id=”3227″ width=”100%” height=”600″ iframe_title=”Tâm Hướng Phật” zoom=”auto” pagemode=”none”]

Bài viết cùng chuyên mục

Kinh Pháp Hoa hay Diệu Pháp Liên Hoa Kinh trọn bộ PDF

Định Tuệ

Kinh Đại Bảo Quảng Bác Lâu Các Thiện Trụ Bí Mật Đà La Ni PDF

Định Tuệ

Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật PDF cho bạn đọc tụng

Định Tuệ

Kinh Kim Cang trọn bộ cho bạn đọc tụng – HT Thích Trí Tịnh PDF

Định Tuệ

Kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa PDF

Định Tuệ

Kinh tránh xa các cánh cửa bại vong – TT Thích Nhật Từ PDF

Định Tuệ

Kinh Lăng Già Tâm Ấn PDF – Hòa Thượng Thích Thanh Từ

Định Tuệ

Kinh Phân Biệt Bố Thí – HT Thích Chánh Lạc dịch PDF

Định Tuệ

Kinh Hiền Ngu Nhân Duyên trọn bộ 9 quyển file PDF

Định Tuệ

Viết Bình Luận