Tâm Hướng Phật
Luân Hồi

Hòa giải vọng tưởng đảo điên – Mộng thoát luân hồi

Vô minh, một từ không có gì xấu, đơn giản là chưa đủ cơ duyên tin nhận chân lý siêu hình. Không tin nổi chính bản thân vật chất của họ cũng là hư giả.

Lời một vị chân tu tại gia: Nếu thâu Phật pháp vào một chữ thì đó là tâm. (Tâm vốn hàm dung vũ trụ, tâm sanh vạn pháp). Nếu thâu Phật pháp vào hai chữ, đó là buông xả. Gom vào ba chữ là giới định huệ. Cho đến nghìn vạn kinh luận Phật thuyết trong đời có thể gồm thâu trong bốn chữ A Di Đà Phật. Điều này xin phép bàn sau, giờ quay lại với buông xả.

Những vị sư chứng quả Thánh, có thiên nhãn, đã nhìn thấy một số đứa trẻ nằm trong nôi khóc ngặt, tay không ngừng khua khoắng, chính vì nó thấy ma quỷ trước mắt. Tại sao một đứa trẻ thấy được còn người lớn thì không? Bởi tâm nó còn trong veo; lớn thêm chút bắt đầu nhiễm các tập khí thế gian, tấm gương sáng nhuốm bụi; người thực dụng đam mê vật chất, càng mê mờ tin “không có quả báo thiện ác đời này, đời sau; không có A-la-hán”, “không ưa bố thí, không giữ giới luật” gương ấy càng dày bụi đến không thể soi thấy vật gì, dẫu được phong giáo sư, thiên tài, đều buộc phải liệt vào hàng vô minh, Phật gọi là hạng người “trước khổ, sau khổ”.

Vô minh, một từ không có gì xấu, đơn giản là chưa đủ cơ duyên tin nhận chân lý siêu hình. Không tin nổi chính bản thân vật chất của họ cũng là hư giả.

Thân người vốn huyễn tướng, chỉ chân tâm mới thật, mới chính ta. Không níu vào cái chân lại theo cái giả, lúc thân hoại sẽ trắng tay. Ta ở trong ngôi nhà, lại tưởng ngôi nhà là ta, ngày ngày tô điểm trang trí rực rỡ trước thiên hạ, còn ta ở trong đó thì héo tàn. Đến ngày ngôi nhà hư hoại theo quy luật vô thường, ta đau đớn khổ sở, chụp bắt hư không.

Thử tưởng đến một thời điểm ta nhận nhiệm vụ canh gác tối quan trọng, lại buồn ngủ, ta cố trương mắt đứng dậy đi lại nhảy nhót, nhưng vừa trở lại thế đứng gác lại ríu mắt. Chống mi lên tự nhủ ngủ quên sẽ mất mạng. Tiếp tục cố, vẫn rụi xuống. Rồi ta buông xuôi, thiu thiu. Giật tỉnh. Than ôi, thấy mình đã khoác một thân mới của loài động vật bậc thấp. Đây là thí dụ nhẹ nhàng. Câu hỏi: Con người từ đâu đến và chết về đâu? Một bậc sư tôn kính trả lời: Con người từ lục đạo (trời, người, a-tu-la (tam thiện đạo) súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục (tam ác đạo)) theo nghiệp mà tới, chết phần nhiều về lục đạo; thực chất mà nói, chết trở về ác đạo, rồi một số sinh linh chịu hết nghiệp báo từ tam đồ có cơ may đầu thai làm người. Bởi ta bị rối giữa vọng tâm, không nhận ra chân tâm thanh cao minh tuệ đầy đủ phước báo và trí tuệ.

Tự tánh như tờ giấy trắng. Ta sống mỗi ngày là chấm mực vẽ vời lung tung lên đó. Ai xả nhẹ thân kiến, vẫn vẫy vùng trong vô vàn những chấm đen và vạch xóa đủ thứ trần ai. Một khi trí sáng, hành giả từ vọng vẫn có thể nhìn thấy phần giấy trắng tinh phía dưới, dần dần tách bóc (không xóa) những thứ trên tờ giấy đó. Tức không diệt mà lìa vọng. Chuyển vọng quy chân.

Bậc đại đức muôn lần căn dặn: ‘Không thiểu dục tri túc thì ma nạn trùng trùng’. Nguyện tu về nước Phật, công phu đắc lực hơn thì chuyển qua đoạn dục khử ưu. Không đoạn dục, nhất là ái dục thì luôn như trong nhà lửa, lánh chốn nào tâm cũng xao động như khỉ chuyền cành. Đoạn ái dục, người kia dẫu thờ Phật nơi đâu thì đó là đại hùng bảo điện. Cuộc đời vốn dĩ giấc mơ buồn thảm. Chúng ta, nhiều lúc ẩn mình dưới thú. Chúng ta nhiều lúc đeo mặt nạ người bao biện cho thú tính bản năng. Tham, sân hận, kể cả vỗ ngực làm bộ anh hùng cũng dễ lấp ló mặt thú dưới cái gọi hình nhân. Giới tà dâm còn kể đến việc không được tự thỏa mãn, rõ việc đoạn ái phải từ gốc rễ, tức không hề còn cái vọng niệm ấy nữa, mắt và tai tuyệt giao với sắc thanh, kể cả giữa phu thê.

Một khi ý dâm vừa xoẹt liền ngay cảnh tỉnh, tưởng đến sự phanh đó khiến ta cũng đang đứng trước vực thẳm, chới với suýt lao xuống toi mạng. Giả như lỡ tưởng thảm cảnh quan hệ, hãy quán thân nữ kia là cái xác bệu bạo tanh tưởi da dẻ xám ngoét, quán sự hôi thối từ miệng từ chỗ dơ dáy như hầm phân; không ngớt nghĩ dục là than lửa, lửa thiêu rụi công đức nhọc nhằn có được, dừng lại vẫn còn kịp dừng lại vẫn còn kịp. Rồi tắt mọi vọng niệm khiến trở về lần theo từng chữ từng câu Phật hiệu; hàng ngày cầu mong chư Phật và Bồ-tát gia trì dứt tận lòng dâm. Chưa đoạn nổi ít ra cũng “thiểu dục”, xem như ăn khoai sắn qua bữa; làm việc ấy thì phải là ban đêm trong bóng tối với tâm hổ thẹn tận cùng, hổ thẹn đến muôn loài súc sanh ngạ quỷ. Rồi luôn phát nguyện không bao giờ tưởng đến một cảnh dục trong quá khứ.

Hễ cảnh vừa dựng liền xóa, liền niệm riết lấy “A Di Đà Phật”. Những cảnh quá khứ không tưởng lại, cảnh mới trong tương lai không tưởng đến, tâm hiện tại sao chẳng an? Đang tĩnh tọa bỗng khởi niệm, liền biết, như một bông hoa dần bung nở rồi héo tàn rũ xuống. Tưởng đến dục, tưởng những thứ liên quan đến ngã, là niệm tà vạy số một trong các tà vạy. Nhất khoát phía trước là hố thẳm. Là trầm luân bể khổ không bến quay về.

Gốc rễ của ưu phiền là vọng, là tưởng. Nhưng liệu ta có nên chống lại tưởng. Hành giả Tịnh độ, giai đoạn đầu đương nhiên phải gắn bằng được câu Phật hiệu vào tâm. Ta có thể chống lại vọng tưởng, tuyên chiến với vọng tưởng; như ngăn nước đổ bằng một khối bê-tông xuống đáy sông. Lúc câu Phật hiệu tự khởi, ở đó rồi, thì bốn bề đều là hàng xóm ân nhân, ta phải hài hòa hết thảy. Chưa nói việc mất lòng ra mặt, hễ trong lời nói bỗng cảm nghiệm thấy vướng mắc, phải tưởng ngay đến họ trước mặt, tưởng ngay đến mình đang cúi lễ thành tâm mong họ thứ lỗi. Vọng tưởng cũng đồng nghĩa với oan gia luôn vây quanh chúng ta giờ giờ khắc khắc, chống lại họ là tự rào đường về cõi Tịnh.

Theo lý Bát-nhã (hàng sơ cơ như tôi không dám sờ tới), thì thiện và ác, vọng và chân là hai mặt của bàn tay; trừ ác, diệt vọng là chặt đứt bàn tay. Lấy ví dụ vọng tưởng là muỗi, ta ngồi xuống chúng tới vu vu. Bạn đuổi, nó bay một vòng lại vu vu. Phải làm gì. Giết nó? Tự xem mình Phật tử chân chính, bạn đừng nói vậy bởi sẽ chẳng ai tin đâu. Ngay đến ý nghĩ bực cũng chớ khởi. Bạn có thể cúng dường nó một phần tư giọt máu, chẳng sao; lắng tâm sẽ cảm nhận được những chân muỗi đậu lên da mình, rồi cái vòi chích vào hơi nhói, sau đó ngưa ngứa đến lúc muỗi no tròn thì nó tự bay. Tạm biệt. Vọng tưởng chính là vậy. Bạn phải nghĩ mình nợ nó nên giờ vui vẻ trả thôi. Oan gia nên giải không nên kết. Nỗ lực sám hối, nỗ lực thấy mình tội lỗi tràn hư không vẫn may sao có được thân người, may sao gặp Chánh pháp, ta phải tận lòng lễ Phật niệm Phật hồi hướng mong có ngày hòa giải với mọi vọng niệm thế gian để chân tâm dần hiển lộ mở lối về Cực lạc. Ở đó mới là nhà, mới là quê hương.

Ta muốn trở về bản quán lẽ dĩ nhiên không vọng niệm nào cản nổi. Vọng khởi lên mở bài câu chuyện, chưa kịp thân bài và kết luận ta liền biết. Vừa biết liền mỉm cười [trong tâm] và tự nói, “này tâm ta biết mi rồi nghe”, kiểu như bọn trẻ chơi trốn tìm ngày xưa vậy; ta biết mi ở bụi nọ bụi kia. Ái chà, mới ngồi đây đã phóng [tâm] đến chợ rồi à. Chà rỗi nhỉ, tham gia cả vào chuyện thế sự nữa. Rồi là: Nghĩ à, tưởng à. Ai bắt? Ai bắt mi phải tưởng chứ? Nghĩ để làm gì (nói theo giọng điệu một đoạn quảng cáo trên ti-vi: [gấp đôi can-xi] nghĩ tưởng để làm gì. Ta phải tưới mát tâm bằng chút hài hước như vậy. Lâu lâu nó hơi quậy, cũng cần nghiêm nghị tí xíu: Này, đủ rồi nghe, đừng để mất lòng nhau đó nghe.

Cứ thế, một khi vọng niệm được gạn đục, câu Phật hiệu vốn vẫn niệm nay trỗi lên. Bây giờ hãy nghĩ, thân ta như ngôi nhà, trong nhà có cái máy niệm Phật suốt ngày đêm; do quanh xóm có trẻ con nô đùa, có nhà này hát hò nhà kia nhậu nhẹt, nhưng hễ mọi âm thanh ngưng thì tiếng niệm Phật từ máy trong nhà vổng lên trong vắt. Như vậy giai đoạn thứ nhất là khiến tâm luôn niệm Phật, tập quen thành một phản xạ vô điều kiện. Hoặc nếu bạn chuyên mặc niệm [trong tâm], cứ niệm một chuỗi ấn định bao câu Phật hiệu đó, rồi ngưng lại quan sát xem có vọng nào khởi lên không. Như ai đó trong rừng thẳm, bước một đoạn liền đứng xem có người có vật thoáng qua không. Không có à, lại niệm một chuỗi nữa. Cốt yếu là niệm từng chữ, tánh của tai nghe rõ từng chữ; như là bạn chỉ niệm cho duy nhất cái tai nghe vậy.

Có thời điểm quan trọng là trước lúc ngủ, tập niệm Phật đến ngủ quên, giấc ngủ chỉ mang duy nhất Phật hiệu. Ngay đến chợt tỉnh thì tâm tự khởi đầu tiên phải là A Di Đà Phật.

Chưa dám mơ đến loại công phu sự nhất tâm, lý nhất tâm; công phu thành phiến (lấy đó làm bệ mà tiến) là ta có thể tin chắc mình có vé lên Cực lạc thế giới. Phải sập mọi giác quan không dễ dàng để duyên trần lôi đi, nói không với ti-vi không xem đến một phút, tránh la cà và tránh xa các trang mạng dẫu chỉ vờn qua khoảnh khắc nhục dục. Giờ giờ khắc khắc nên luôn trong tư thế quán sát tâm. Đi đứng nằm ngồi cho đến làm việc gì tâm cũng không ngơi nghỉ việc hòa giải vọng niệm, nhẹ nhàng gạn vọng niệm như cần gạt mưa trước kiếng. Hở việc áo cơm liền quay lại với Phật hiệu, rỗi thêm thì nghe kinh, nghe giảng kinh giải sớ, đọc luận và học theo cách sống của chư tổ sư đại đức.

Bạn có thể nghe Pháp thâu đêm suốt sáng và đừng bao giờ nghĩ đến sự ngủ. Một khi tâm hút vào sự nghe vi diệu ấy, sức khỏe không hề bị tiêu hao. Sự thật vẫn có trường hợp niệm Phật còn tạp, nhưng do xả vạn duyên Ta-bà tha thiết về Cực lạc trong nỗi nhớ quay quắt, cũng dễ toại nguyện. Cho nên xét đến cùng, mọi pháp môn đưa đến các thứ bậc công phu chưa hẳn là vấn đề, vấn đề ở sự buông xả. Buông thân, buông vọng tưởng chấp trước không còn đối lập không còn vướng víu gì nữa rồi, câu Phật hiệu mới chính thức vang đến cõi Tịnh nơi tâm của mình. Ai hành trì dăm mười năm mà tâm vẫn bị cuốn theo lục trần như trâu bị xỏ mũi, muốn về Cực lạc là đang chơi trò oẳn tù tì trước mặt chư Phật.

Hồ Dụy!

Bài viết cùng chuyên mục

Cái khổ của sanh tử trong lục đạo luân hồi

Định Tuệ

Quả báo đọa địa ngục móc mắt – Địa ngục du ký

Định Tuệ

11 loại nhân duyên kiếp trước của con người mà ai cũng nên biết

Định Tuệ

Chúng ta hãy luôn quán niệm về cái chết để sống có ích hơn

Định Tuệ

Lỡ phá thai thì làm gì để vong linh thai nhi được siêu thoát?

Định Tuệ

Địa ngục có thật không? Sự trừng phạt của địa ngục như thế nào?

Định Tuệ

Quả báo đọa địa ngục Cắt lưỡi rạch mép

Định Tuệ

Quả báo đọa địa ngục đói khát – Địa ngục du ký

Định Tuệ

Cận tử nghiệp quyết định giải thoát hay đọa lạc

Định Tuệ

Viết Bình Luận