Người đọc Kinh Lăng Già Tâm Ấn khéo lãnh hội sẽ thấy rõ Bản tâm mình, bao nhiêu lời Phật nói trong kinh dường như Phật đem tâm Ngài in qua tâm mình.
Lời người dịch
Chúng tôi phiên dịch bộ kinh Lăng-già Tâm Ấn này với mục đích cho Tăng Ni học tại Thiền viện chúng tôi. Tuy nhiên trước chúng tôi đã có Sư bà Diệu Không dịch, ấn hành vào năm 1970 và 1971 rồi, song bản dịch ấy vì lược nhiều quá khiến chúng tôi không hài lòng, bất đắc dĩ phải dịch lại.
Ở đây chúng tôi dịch trung thực với Thiền sư Hàm Thị không dám tăng giảm trong phần sớ giải. Nếu có giảm, chỉ đôi chút thôi. Bởi chúng tôi thấy, ngài Hàm Thị quả thật là một Thiền sư ngộ đạo trong môn đình Tào Động, cho nên lời sớ giải của Ngài rất phù hợp với Tâm tông. Trên phần chánh văn kinh, chúng tôi dịch nguyên âm những danh từ, không nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa, độc giả cần đọc qua phần sớ giải sẽ hiểu rõ. Vì chánh văn vừa tối nghĩa lại cô đọng khúc chiết, nếu không nhờ phần sớ giải, chúng ta không tài nào lãnh hội được.
Bản kinh ngài Hàm Thị sớ giải đây, nguyên tên là Lăng-già A-bạt-đa-la Bảo Kinh (Lankàvatàrasùtra), do ngài Cầu-na-bạt-đà-la (Gunabhadra) dịch Phạn Hán, có bốn quyển. Bởi Tổ Bồ-đề-đạt-ma sau khi truyền pháp cho Tổ Huệ Khả còn bảo: “xứ này có bốn quyển kinh Lăng-già có thể dùng ấn tâm…”, nên ngài Hàm Thị sớ giải để thêm hai chữ Tâm Ấn. Tâm ấn có nghĩa là toàn bộ kinh Lăng-già cốt làm sáng tỏ Bản tâm. Người đọc khéo lãnh hội sẽ thấy rõ Bản tâm mình, bao nhiêu lời Phật nói trong kinh dường như Phật đem tâm Ngài in qua tâm mình. Cộng thêm lời giải của ngài Hàm Thị càng làm cho chúng ta thấy rõ Bản lai diện mục của chính mình, hiện sờ sờ dưới bóng mặt trời trí tuệ của Ngài. Vì thế, hai chữ Tâm Ấn thật là xứng đáng. Do đó ngoài bìa chúng tôi chỉ đề năm chữ Kinh Lăng-già Tâm Ấn.
Về phẩm loại thì bản dịch đời Ngụy chia mười tám phẩm, bản dịch đời Đường chia mười phẩm, chỉ riêng bản này gồm chung lại một phẩm để tên là Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm, có bốn phần. Câu Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm đã nói lên chẳng những đức Phật Thích-ca nói kinh Lăng-già này chỉ thẳng Bản tâm, ngoài tâm không có một pháp, mà tất cả chư Phật có nói ra cũng đều chỉ Bản tâm. Như thế, để thấy Phật Phật giáo hóa không khác, pháp pháp đều hiện bày Bản tâm.
Trong phần đầu trước khi giải kinh, ngài Hàm Thị có làm bài Tổng luận mà không để tên Tổng luận, lại để phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm phần một khiến độc giả dễ lầm là văn kinh. Đó là Ngài muốn nêu lên cho chúng ta thấy lời bàn luận của Ngài ở đây do góp nhặt những yếu điểm trong kinh, chỗ tất cả chư Phật nói về tâm, chớ không có ý kiến nào riêng của Ngài. Vì thế, trong bài Tổng luận này thật cô đọng có thể gom hết toàn ý bộ kinh. Độc giả thông được bài Tổng luận coi như nắm được yếu chỉ bộ kinh Lăng-già.
Bốn quyển kinh Lăng-già, ngài Hàm Thị giải thành tám quyển. Đến phần cuối kinh, độc giả sẽ ngạc nhiên tại sao không có câu: “Phật nói kinh này rồi, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni… đều rất vui mừng, tin nhận vâng làm, lễ bái lui đi” (Phật thuyết thử kinh dĩ, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni… giai đại hoan hỉ, tín thọ phụng hành, tác lễ nhi khứ). Bởi vì toàn bộ kinh Lăng-già rất nhiều, các vị học giả Ấn Độ mang sang Trung Hoa phần nào thôi, nên phiên dịch chưa đến phần chót.
Chúng tôi mong độc giả đọc bộ kinh Lăng-già này thấy được Bản tâm, để khỏi cô phụ công ơn đức Phật dùng mọi cách chỉ dạy và khỏi uổng công ngài Hàm Thị đã nhọc nhằn giải thích cho chúng ta.
Kính ghi,
Tu viện Chân Không
Đầu Xuân 1975
THÍCH THANH TỪ
Duyên khởi Lăng-Già Tâm Ấn
Người sớ kinh này là Lôi Phong lão nhân, vốn là móng vuốt trong tông môn, vào được hang ổ của tánh tướng. Ngài thương sự hoang rậm của nghĩa học và xót chỗ hỗn độn của thiền môn, nên từ năm Quí Tỵ (1653) lui về ẩn nơi Khuông Phụ, treo bầu ở Kim Tỉnh, dựng gậy tại Ngọc Uyên. Hỏi về chỗ khế chứng thì Ngài tâm lặng biển trong, ngửa nhìn thói đẹp thì thân như ngọn núi cao trơ trọi. Như Địa Tạng Sâm cày ruộng nuôi sống, như Thê Hiền Thực tụng tập tu hành. Lò tàn bếp lạnh, chỉ toàn nêu đại pháp. Cước tùng lẫn lộn tơ rối bòng bong, nương nơi trí bén mà cắt đứt trăm mối. Ngài đối với cổ nhân thật không hổ thẹn.
Đến năm Mậu Tuất (1658), Ngài trở về Lãnh Nam. Kim Vô tôi năm sau từ Ngọc Môn tìm đến, khoảng năm Nhâm Dần (1662) và Quí Mẹo (1663) cùng chư đệ Thạch Giám v.v… thưa hỏi về Duy thức. Ngài bảo: “Kinh Lăng-già chỉ minh sơ thần ngã chẳng cùng tánh châu mà lạm nhận, nương lông rùa dầu cát mà chóng giác vọng tình tự mất.” Nhân Ngài nêu bày chỉ yếu, chúng tôi bèn thỉnh sớ giải.
Ngài khéo hiệp với Tâm tông, lại toàn thông danh tướng. Chẳng những giũa mài cây trụ cuồng thiền cũng gồm kích dương nơi giảng tịch. Tượng tâm cao vót dầm nghĩa hải nơi nguồn sâu, thần cơ sâu lặng phá các nạn vấn trong nửa bài kệ. Nhọc nhằn mệt mỏi, nhóm họp sưu tầm liền thấy đại nghĩa hiện bày sáng rỡ, mừng lời diệu mà không mắc kẹt. Giáo để giúp tông, chỉ truyền riêng bốn quyển. Thức tức là tàng, trợ đại tâm để lấn át Nhị thừa. Đây thật là vận dụng tâm tối thượng, trông xa thấy thời tệ mà làm ấy vậy. Trong lời sớ có nhập lý thâm đàm mà vẫn khít khao với văn kinh. Chính nơi văn nghĩa mà thấy tông thừa, hội tông thừa mà tiêu dung văn nghĩa. Dám thầm nêu lên để chỉ cho kẻ hậu học. Bốn sông đều chảy vào biển, một hòn bọt cũng chẳng còn. Ấy tại xem văn lóng trong mắt tuệ.
Thời vua Khang Hi năm Giáp Thìn (1664) ngày mùng 10 tháng 8, đệ tử nối pháp Kim Vô cúi đầu kính thuật.
LĂNG-GIÀ A-BẠT-ĐA-LA BẢO KINH TÂM ẤN
Lăng-già (Lanka) là tên núi, núi này do sản xuất châu Lăng-già nên lấy tên châu mà gọi tên núi. Núi nằm tại biển Nam là chỗ ở của Dạ-xoa. Bởi vua Dạ-xoa thỉnh Phật thuyết pháp trên núi, nên lấy tên núi đặt tên kinh.
Đại sĩ Táo Bá nói: “Kinh này nói trên núi Lăng-già ở trong biển Nam. Như Lai nói kinh dưới núi, vua Dạ-xoa La-bà-na và Bồ-tát Ma-đế ngồi cung điện hoa đến thỉnh Như Lai vào núi thuyết pháp. Núi này cao vót nhìn xuống biển cả, chung quanh không lối vào. Người được thần thông mới có thể lên được, để tiêu biểu pháp môn tâm địa, người không tu không chứng mới hay lên được. Nhìn xuống biển cả, để tiêu biểu biển tâm thanh tịnh, do gió cảnh thổi, nên sóng thức nổi dậy. Người đạt được ngoại cảnh vốn không thì biển tâm tự vắng lặng. Tâm cảnh đều lặng thì việc gì cũng sáng tỏ, ví như biển cả lặng gió thì mặt trời mặt trăng và vạn vật hiện hình rõ ràng. Kinh này Phật vì hàng Bồ-tát căn cơ đã thuần thục, liền nói chủng tử nghiệp thức là Như Lai tàng; khác với Nhị thừa do diệt thức tiến đến không tịch; cũng khác với Bát-nhã bởi Bồ-tát quán không rồi thích cái Không tăng thắng. Đây chỉ thẳng Thức thể bản tánh toàn chân, liền thành trí dụng, như biển cả kia lặng gió thì cảnh tượng đều hiện bày. Biển tâm chẳng động thì gió cảnh chẳng khác. Chỉ người khéo hiểu được tánh chân, liền nơi thức biến thành trí.” Táo Bá rất thâm hiểu tông thú kinh Lăng-già vậy.
Kinh này dịch lần đầu do ngài Cầu-na-bạt-đà-la (Gunabhadra) đời Lưu Tống (424-454), dịch thành bốn quyển để tên là Lăng-già A-bạt-đà-la Bảo Kinh. Đến đời Nguyên Ngụy (500-516), ngài Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) dịch thành mười quyển tên là Nhập Lăng-già. Đời Đường thời Võ Tắc Thiên (684-705), ngài Thật-xoa-nan-đà (Sikshànanda) cùng với ông Phục Lễ v.v… dịch thành bảy quyển tên là Đại Thừa Nhập Lăng-già.
Bản dịch đời Đường rất đơn giản, không bằng bản dịch đời Tống rất cao sâu. Cho nên từ xưa đến nay những nhà nghiên cứu hầu hết đều theo bản dịch ban đầu (đời Tống).
Thời vua Lương Võ Đế, Đại sư Đạt-ma đi đường biển đến Trung Hoa rồi sang nước Ngụy, ở tại chùa Thiếu Lâm chín năm ngồi xoay mặt vào vách. Sau Ngài truyền pháp cho Tổ Huệ Khả nói: “Xứ này chỉ có bốn quyển kinh Lăng-già có thể dùng ấn tâm, trọn trao cho ngươi.” Từ đây kinh Lăng-già bèn thành vật bí mật trong Tông môn (Thiền tông). Thiền giả thời nay đã bỏ qua (kinh Lăng-già) cho đến suốt đời chưa từng giở ra xem, thật đáng buồn thay! Về nhóm Nghĩa học (học kinh), chỉ có đầu niên hiệu Hồng Võ (1368) có ông Tông Lặc, Như Khỉ vâng chiếu chung nhau sớ. Đến cuối niên hiệu Vạn Lịch (1620) có ngài Đức Thanh bút ký. Đến khoảng giữa niên hiệu Sùng Trinh (1628-1643) có ngài Trí Húc nghĩa sớ. Ngoài những sớ giải trên, không còn thấy chỗ nào khác.
Tổ Đạt-ma thường bảo rằng: “Kinh này sau năm trăm năm trở thành môn học danh tướng.” Xét kỹ lời nói này càng thêm lo sợ. Tổ nói tông của ta thất truyền đâu phải do người hay việc nào khác!
Hàm Thị tôi, từ niên hiệu Thuận Trị nhằm năm Tân Sửu (1661), trước thì Hoa Thủ thị tịch, năm sau Đại Nhật tiếp tục tạ thế. Hai năm qua lạc thú nhân sanh đối với tôi đã hết sạch. Tôi bèn rút lui về ở núi Lôi Phong, quanh quẩn trong am tranh, nương chí đời trước, cùng đáp những câu hỏi của thiền gia, dùng để tự vui, chưa dám chỉ dạy người. Chỉ nghĩ đến đạo pháp nảy mầm lộn lạo, nói rằng kiến tánh mà đồng với thần ngã; một con đường thấu thoát (tu thiền) mà không khác với minh sơ. Như câu “chẳng tự sanh, chẳng phải chẳng sanh”, lời Thánh nói vẫn đầy đủ, mà có người chẳng đạt lý duyên khởi, rốt cuộc rơi vào bác không, mặc tình phá hoại Phật pháp. Xét ra do họ mắc kẹt trên danh tướng, nên công và tội chẳng đồng vậy.
Kinh này chỉ thẳng chủng tử nghiệp thức là Như Lai tàng, thật có mê ngộ. Chẳng thế, thì lấy thức lưu chú làm Tự tâm, trở lại thành lỗi tâm sanh thức. Trong lời sớ giải thâm thiết rõ ràng, chỉ trước dẫn ra cho có huyết mạch. Có dẫn kinh luận chỉ lấy chỗ gần là nhập lý để phát minh lẫn nhau. Đến như những lời nói của thiền gia cốt ở chỗ thận trọng giữ mình. Phàm thiền gia dùng có lời để tháo chốt. Còn kinh điển cốt dẫn người trở về không lời. Chính vì chỗ bàn sâu nên không từ phá dẹp, luống dùng lời để cắt đứt, đâu khỏi lẫn lộn chân thuyên (lời nói bày chân lý). Lầm lẫn danh ngôn nên chữ “Ô” chữ “Yên” thành chữ “Mã”. Thiền bệnh thời nay là do chân giả khôn phân. Tổ của ta ban đầu lập không lời, cùng truyền bốn quyển kinh, đã thầm bày ẩn ý vậy. Hàm Thị tôi xin tất cả người đời sau nên noi theo ý chỉ của đấng Đại Từ đã chỉ dạy.
Mời quý bạn đọc Kinh Lăng Già Tâm Ấn tại file PDF dưới đây.
[pvfw-link viewer_id=”2094″ text=”Kinh Lăng Già Tâm Ấn – Hòa Thượng Thích Thanh Từ” class=”pdf-viewer-link-single” target=”_blank” default_zoom=”auto” pagemode=”none”]