Chúng ta khi không phát tâm học Phật tu hành thì thôi, khi bắt đầu phát tâm muốn học Phật thì nghiệp chướng kéo đến để chướng ngại con đường tu học của ta.
Chúng ta khi không phát tâm học Phật tu hành thì thôi, khi bắt đầu phát tâm muốn học Phật, phát tâm muốn tu hành nghiêm túc thì nghiệp chướng kéo đến để chướng ngại con đường tu học của ta. Nghiệp chướng có rất nhiều loại, Tổ Sư Đại Đức đem nó quy nạp thành 4 đại loại.
Hôn trầm
Tức là buồn ngủ, lúc bình thường thì rất tươi tỉnh, nhưng khi bước vào thời khoá tu tập mới vừa niệm Phật được vài mươi câu là cơn buồn ngủ kéo đến, chẳng thể kháng cự lại được. Cái hiện tượng này bất cứ người nào dù là tu Niệm Phật hay Tham Thiền đều rất hay gặp phải, đây chính là do nghiệp chướng phát ra.
Chúng ta phải thường quan sát xem mình có hay không? Nếu mình có thì nhất định nghĩ ra phương pháp để khắc phục mới được, không thể để cho cái hiện tượng này kéo dài thời gian làm trở ngại mình niệm Phật.
Muốn đối trị hôn trầm, thông thường thì nên đứng dậy đi kinh hành tức là vừa đi vừa niệm Phật, không nên tiếp tục ngồi mà niệm Phật, hoặc là đứng dậy lạy Phật. Khi cơn hôn trầm đi qua, tinh thần lấy lại tỉnh táo thì mới trở lại ngồi mà niệm Phật.
Vọng niệm tán loạn
Đây đặc biệt là lúc đang niệm Phật, tâm mới vừa bình lặng xuống được đôi chút, thì đột nhiên vọng niệm nổi lên rất nhiều, chính mình cũng không biết chúng từ đâu ồ ạt kéo đến, muốn ngừng lại những vọng tưởng này cũng không cách nào ngừng được, vọng tưởng đặc biệt là nhiều.
Hình như lúc không niệm Phật thì không có vọng tưởng, chỉ có khi niệm Phật thì càng niệm càng nhiều. Điều này chúng ta nên nhớ đây tuyệt đối không phải là vì ta niệm Phật thì vọng tưởng mới nhiều, thật ra thì vọng tưởng vốn là nhiều như vậy.
Lúc bình thường ta không có chú ý đến nên không có phát giác, không có phát hiện. Khi bước vào niệm Phật, tâm vừa bình lặng đôi chút thì mới phát hiện có vọng tưởng rất nhiều.
Cho nên, chúng ta muôn ngàn lần đừng nên hiểu lầm là do niệm Phật mang đến rất nhiều vọng tưởng cho chúng ta, không có cái đạo lý như vậy.
Khi đã hiểu rõ chân tướng sự thật rồi, thì ta vẫn cứ tiếp tục niệm câu Phật hiệu này, vọng niệm có nhiều đi nữa thì cũng không cần để ý đến nó, cứ mặc kệ nó. Nếu bạn càng nghĩ đến nó, càng muốn khống chế nó thì vọng tưởng càng lúc càng lừng lẫy hơn nữa.
Vì thế, hãy mặc kệ nó, ta cứ niệm Phật của ta, còn nó có lừng lẫy là việc của nó, đối với ta chẳng liên can. Chỉ cần chúng ta hết sức chuyên chú trong câu Phật hiệu, thời gian lâu rồi thì vọng tưởng sẽ ít đi, công phu niệm Phật sẽ được thâm sâu.
Ác cảnh bức bách
Đây là hiện tượng khi ta đang lúc nhập tâm niệm Phật thì ta nghe hoặc thấy được những hình ảnh, hiện tượng xấu ác như nghe tiếng sấm nổ, hoặc tiếng gào thét, hoặc nhìn thấy hình người không có đầu, hoặc nhà cháy, hoặc thác lũ… khiến cho chúng ta giật mình kinh sợ không thôi, tâm lâm vào hoảng sợ, rất lâu sau mới có thể bình tâm lại, công phu theo đó mà bị gián đoạn. Khi gặp phải những cảnh này thì chúng ta phải biết đó là do nghiệp chướng hiện tiền, tuyệt đối không phải là cảnh giới tốt.
Chúng ta không nên tiếp tục ngồi niệm Phật nữa, mà nên đứng dậy lạy Phật, hoặc kinh hành niệm lớn danh hiệu Phật, vậy thì các ác cảnh này không hiện ra nữa.
Thành thật mà nói, thì khi lâm vào hiện tượng này thì đòi hỏi ta phải có công phu Định-Huệ thì mới có thể xử lý nổi, nếu không phần nhiều đều rơi vào hoảng sợ tán loạn.
Thân thể đột nhiên sanh bệnh, hoặc chuyện gia đình, công việc bức bách
Lúc bình thường thì không sanh bệnh, nhưng khi vừa phát tâm niệm Phật thì liền bị bệnh như là cảm mạo, thương hàn, làm chướng ngại sự niệm Phật và chướng ngại sự tinh tấn của mình.
Hoặc là khi ta sắp bước vào khoá tu Phật thất, hay vừa lập thời khóa công phu, thì trong gia đình hoặc trong công ty có chuyện xẩy ra làm cho ta phải bận lo không thể yên tâm mà tiếp tục dụng công niệm Phật.
Khi lâm vào hiện tượng này, thì ta phải sáng suốt để nhận ra đây đều là do nghiệp chướng hiện tiền nhằm chướng ngại công phu tu tập của ta.
Ta cần phải giữ vững Tín-Nguyện của mình mà an nhẫn để vượt qua, không nên vì gặp chút vướng bận hay bệnh tật đã nản lòng thoái chí, rồi bỏ đi ý nguyện học Phật của mình.
(Hòa thượng Tịnh Không giảng giải)