Chúng ta học Phật chính là phải học giác ngộ. Giác thì không mê, giác mà không mê thì con người này liền thành Phật.
“Phật” là dịch âm từ tiếng Phạn – Ấn Độ. Phật giáo truyền đến Trung Quốc vào triều nhà Hán, thông qua tiếp đãi của quốc gia, làm cuộc phiên dịch quy mô lớn. Công tác phiên dịch, thực tế mà nói là rất gian nan. Văn tự của Trung Quốc vào thời đó có thể nói là không nhiều, có rất nhiều ý nghĩa trong kinh điển mà văn tự Trung Quốc không có, thế là bất đắc dĩ phải tạo chữ. Vì để phiên dịch kinh Phật nên đã tạo ra rất nhiều chữ mới. Chữ “Phật” này chính là ngay lúc đó tạo ra, vào thời xưa không có chữ này. Phật là người, cho nên bên cạnh chữ này thêm vào một nhân đứng, âm là Phật, nên thành chữ “Phật”, đó là tạo thành một chữ mới. Phật giáo trước khi chưa đến Trung Quốc không có chữ này, đó là văn tự mới tạo. Chúng ta đọc chữ này thành chữ “Phật”, thực tế mà nói là lược xưng của “Phật Đà Da”, người Trung Quốc thích đơn giản, cho nên đem cái âm đuôi tỉnh lược đi, chỉ riêng gọi một chữ “Phật”, ý nghĩa là giác ngộ. Đó là mọi người đều biết. Bên trong bao hàm cả ba ý là “Tự Giác”, “Giác Tha”, “Giác Hạnh viên mãn”. Ba ý này rất là sâu, rất là rộng. Chúng ta học Phật chính là phải học giác ngộ. Giác thì không mê, giác mà không mê thì con người này liền thành Phật.
Chúng ta học Phật cũng đã học được không ít năm, tôi năm 26 tuổi bắt đầu học Phật, tiếp xúc được Phật pháp, năm nay hơn 70 tuổi rồi, có giác ngộ hay không vậy? Không thể nói là không có. Có! Nhưng chỉ là chút ít thôi, hay nói cách khác, đối với thế gian cùng xuất thế gian pháp không quá mê hoặc. Không mê chính là không bị nó xoay chuyển. Lời nói này giảng giải thế nào vậy? Người thông thường sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần sẽ khởi tâm động niệm, sẽ sanh tham-sân-si-mạn; khi xem thấy đẹp, dễ nhìn thì nhìn nhiều một chút, nghe được thì thích nghe, đó chính là mê, mê rồi. Người giác ngộ thì đẹp hay không đẹp đều như nhau, là bình đẳng, tâm thanh tịnh. Vì sao nói đều là giống như nhau? Thành thật mà nói, “Phàm hễ có tướng đều là hư vọng”, đẹp mắt là hư vọng, không đẹp mắt vẫn là hư vọng, cho nên nó là bình đẳng. Tâm không bị cảnh giới bên ngoài xoay chuyển, đó chính là giác ngộ.
Người học Phật chúng ta, mỗi giờ mỗi phút phải phản tỉnh, phải kiểm điểm, chính mình chân thật có giác ngộ hay không? Rốt cuộc giác ngộ đến mức độ nào? Chính ở ngay trong cuộc sống thường ngày, sáu căn tiếp xúc trong cảnh giới sáu trần để trắc nghiệm chính mình rốt cuộc có công phu hay không? Nếu như nghe người khác tán thán thì sanh tâm hoan hỉ; nghe người khác hủy báng trong lòng liền khó chịu, vậy thì không thể được, vẫn là một phàm phu thôi, vẫn phải sanh tử luân hồi trong sáu cõi, như vậy sao được chứ? Công phu chính ở tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, không luận là thế pháp hay Phật pháp, đều có thể giữ được rõ ràng, tường tận, thông suốt, thấu đáo, như như bất động, vậy mới gọi là học Phật.
Đồng tu học Phật chúng ta bước vào cửa Phật, bài khóa đầu tiên chính là tiếp xúc “Tam quy y”. Tam quy y chúng ta đã giảng rất rõ ràng, rất tường tận rồi, bạn rốt cuộc có quy hay không? “Quy” chính là quay về, quay đầu. Bạn rốt cuộc có quay đầu hay không? Y là nương tựa, bạn có nương tựa hay không? Nếu chỉ quy y trên hình thức, chỉ làm một nghi thức quy y nhưng trên thực tế không có quay đầu, không có nương tựa, thì quy y như vậy là giả, không phải thật, hữu danh vô thực.
“Quy y Phật” là Giác mà Không Mê.
“Quy y Pháp” là Chánh mà Không Tà.
“Quy y Tăng” là Tịnh mà Không Nhiễm.
Ba điều này chúng ta có làm được hay không? Ba điều này đều ở trên đề kinh, có thể thấy được sự viên mãn của đề kinh này. Sau khi tự giác mới có thể giác tha. Thực tế mà nói, giác tha cũng là việc tương đối không dễ dàng gì. Vì sao chúng ta phải “giác tha” vậy? Giác tha chính là giáo hóa chúng sanh, chính ta chăm chỉ tu hành, tôi không đi giác tha, độ người, tôi độ chính mình thì tốt rồi, tôi hà tất phải đi độ người! Đợi khi tôi thành Phật rồi mới đi độ chúng sanh, có được không?
Xin nói với các vị, nếu như các vị có ý niệm này thì tôi xin thành thật nói với các vị, các vị không thể thành được Phật. Vì sao không thể thành được Phật? “Tự giác” phá phiền não chướng, “giác tha” phá sở tri chướng; bạn phá phiền não chướng rồi, bạn mới thành Chánh Giác, cảnh giới này chính là địa vị của A La Hán, Bích Chi Phật, ở trong Viên Giáo gọi là Bồ Tát Thất Tín vị, Viên Giáo là Thất Tín trở xuống, ở trong Biệt Giáo gọi là Bồ Tát Tam Hiền, chưa đăng địa. Đây chính là nói, nếu bạn không phát tâm giúp đỡ người khác thì bạn không thể phá được sở tri chướng. Cho nên, nếu muốn thành Phật, nhất định phải phát tâm tự độ, độ người, toàn tâm toàn lực giúp đỡ người khác học Phật.
Chúng ta biết được bao nhiêu thì giúp người khác bấy nhiêu, quyết định không bỏn pháp, công đức lợi ích này liền được thù thắng. Gọi là “Công đức lợi ích” chính là vừa rồi đã nói phá được hai chướng (phiền não chướng và sở tri chướng). Sau khi phá hai chướng rồi thì bạn là Bồ Tát thật, không phải là Bồ Tát giả, là Bồ Tát thật, là Pháp Thân Đại Sĩ mà trên kinh Hoa Nghiêm đã nói, vì sao vậy? Bạn đã siêu việt mười pháp giới, không những siêu việt sáu cõi mà còn siêu việt cả mười pháp giới, bạn đã chứng được pháp giới Nhất Chân, hay nói cách khác, bạn trải qua đời sống của Pháp Thân Đại Sĩ trong pháp giới Nhất Chân, vậy làm sao giống nhau được?
Thế nhưng bạn vẫn chưa đạt đến được cảnh giới cao nhất, do đó bạn vẫn phải không ngừng “tự độ, độ người”, cần phải đem vô minh phá hết (vô minh chính là vọng tưởng), đoạn được trong sạch vắng lặng, thì bạn liền giác mãn rồi (mãn này chính là ý nghĩa của viên mãn, là vô minh vọng tưởng đoạn được trong sạch vắng lặng thì gọi là mãn), thành tựu Phật quả cứu cánh viên mãn.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 1