Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Học Phật là sự hưởng thụ cao nhất trong đời người

Sau khi chúng tôi hiểu rõ ràng, minh bạch chuyện này, mới biết Phật pháp thù thắng, càng học càng ham thích, khi ấy, mới phát hiện, thật sự phát hiện của báu, phát hiện kinh giáo là món trân bảo thù thắng khôn sánh.

Tịnh Tông thật sự khó tin, đặc biệt là đối với những phần tử tri thức. Tôi học Phật là do tiên sinh Phương Đông Mỹ giới thiệu. Lúc trẻ cũng theo học trong nhà trường, chịu ảnh hưởng của các giáo viên, nghĩ Phật giáo là tôn giáo, là mê tín, lại còn là đa thần giáo (polytheism), phiếm thần giáo (pantheism) trong các tôn giáo, là một tôn giáo thuộc loại thấp. Tôn giáo bậc cao chỉ nói tới một vị chân thần. Qua biểu hiện, Phật giáo thật sự là mê tín, thuở ấy, tôi chẳng liễu giải. Trong xã hội hiện thời, kẻ chẳng liễu giải càng nhiều! Tôi học Triết Học với thầy Phương. Trong khóa học cuối cùng, thầy giảng Triết Học trong kinh Phật, tôi nói: “Phật giáo là tôn giáo, mê tín, là phiếm thần giáo, kiếm đâu ra Triết Học?” Thầy bảo tôi: “Anh không biết, tuổi anh còn trẻ, Thích Ca Mâu Ni Phật là một triết gia vĩ đại nhất trên thế giới. Triết Học trong kinh Phật là đỉnh cao nhất trong Triết Học trên toàn thể thế giới”. Lúc ấy, thầy bảo tôi như thế này: “Học Phật là sự hưởng thụ tối cao trong đời người”. Trong khóa học ấy, tôi tiếp nhận Triết Học từ kinh Phật như vậy, mới thay đổi quan niệm sai lầm trong quá khứ, nhận thức Phật giáo bằng nhãn quan mới. Duyên của tôi rất thù thắng, sau khi thầy Phương giới thiệu Phật giáo cho tôi biết, không đầy hai tháng sau, tôi có cơ hội quen biết Chương Gia đại sư, do một thân vương Mông Cổ cuối đời Thanh giới thiệu cho tôi quen biết Chương Gia đại sư. Khi đó, tôi vừa tiếp xúc Phật pháp, đây cũng là do thầy Phương từ bi, chỉ cho tôi đường lối học tập. Thầy nói Phật pháp chẳng ở trong chùa chiền, ở đâu? Trong kinh điển. Anh muốn thật sự tìm được Phật giáo, phải tìm từ kinh điển. Sự hướng dẫn này vô cùng quan trọng, do vậy, tôi thủy chung cảm tạ ân đức thầy; bởi lẽ, không có sự chỉ điểm ấy, chúng tôi sẽ thỉnh giáo người xuất gia. Nhiều kẻ xuất gia vứt bỏ kinh giáo, chẳng học tập, chẳng thể thuyết pháp, trong tình hình ấy, chắc chắn chúng tôi sẽ hoài nghi, lòng tin chẳng còn nữa! Do cụ Phương biết [Phật pháp] ở trong kinh điển, cụ nói thuở xưa, người xuất gia và tại gia học Phật đều là những bậc học vấn lỗi lạc, thật sự là đại đức, đại triết, hiện nay rất hiếm [những người như vậy].

Sau khi tôi tiếp xúc Chương Gia đại sư, Ngài dạy tôi học về Thích Ca Mâu Ni Phật, bảo tôi hãy xem hai tài liệu. Hai tài liệu ấy ở trong Đại Tạng Kinh, thuở ấy chưa có bản lưu hành riêng, đó là Thích Ca Phổ và Thích Ca Phương Chí[1]. Lão nhân gia rất từ bi: “Anh muốn học Phật, trước hết, anh phải nhận biết Thích Ca Mâu Ni Phật, sẽ chẳng đi lòng vòng”. Sau khi đọc xong hai tài liệu ấy, tôi mới biết Thích Ca Mâu Ni Phật quả thật rất vĩ đại. Nói theo cách bây giờ, Ngài là nhà giáo dục, chẳng vướng mắc trong tôn giáo. Xuất thân từ dòng dõi vua chúa, phụ thân Ngài là quốc vương. Cổ Ấn Độ thuở ấy chẳng khác thời Xuân Thu Chiến Quốc của Trung Hoa cho mấy, đều là có rất nhiều quốc gia nhỏ. Ngài là vương tử, mười chín tuổi rời khỏi gia đình, đi tham học. Do vậy, chúng ta biết Thích Ca Mâu Ni Phật tuổi thanh niên vô cùng hiếu học, rời khỏi gia đình để cầu học, cuộc sống rất khổ sở, giống như vị Tăng khổ hạnh. Ấn Độ [thuở ấy] quả thật là một nơi tốt đẹp. Thuở ấy, học thuật trên địa cầu này, đặc biệt là Triết Học, có thể coi như Ấn Độ đứng đầu thế giới. Tôn giáo cũng giống như thế, Ấn Độ là xứ sở tôn giáo, tất cả các bậc đại đức trong tôn giáo Ngài đều gặp gỡ, học tập; lại còn học hết sức nghiêm túc, tất cả các học phái Ngài cũng đều học qua. Khi ấy, phong khí Thiền Định ở Ấn Độ rất thịnh, bất luận tôn giáo hay học thuật đều coi trọng Thiền Định. Tứ Thiền Bát Định nói trong kinh Phật chẳng phải do Thích Ca Mâu Ni Phật đề xướng. Chẳng phải vậy! Tôn giáo lẫn học thuật của Cổ Ấn Độ đều học những môn này, đương nhiên, chàng thanh niên Thích Ca Mâu Ni cũng không ra ngoài lệ ấy.

Thiền Định có thể đột phá các chiều không gian (spatial dimensions), cho nên phát hiện lục đạo. Lục đạo là thật, chẳng giả. Quý vị tu Định đến một trình độ nhất định, sẽ thấy giống như họ đã thấy: “Hoàn toàn giống như các vị đã nói!” Người thấy [những điều này] nhiều lắm! Phía trên là từ hai mươi tám tầng trời, phía dưới đến A Tỳ địa ngục, họ hiểu rành rẽ tình trạng trong toàn thể lục đạo, nhưng nếu hỏi: “Lục đạo do đâu mà có? Vì sao có lục đạo? Ngoài lục đạo ở ngoài còn có thế giới hay chăng?” Vấn đề này, không chỉ hết thảy các tôn giáo của Ấn Độ chẳng có cách nào trả lời, mà những triết gia Ấn Độ cũng chẳng thể giải đáp. Thích Ca Mâu Ni Phật tu mười hai năm, đến năm ba mươi tuổi, thôi học tập, học mười hai năm, rốt cuộc đã tốt nghiệp, buông bỏ, tịnh tọa dưới cội cây Tất Bát La (Pippala) bên bờ sông Hằng, khai ngộ. Cây ấy về sau được gọi là “Bồ Đề thụ”. Bồ Đề (Boddhi) có nghĩa là “giác ngộ”. Ngài đại triệt đại ngộ ở nơi ấy. Nhập Thiền Định càng sâu hơn, Thiền Định gì vậy? Trong kinh Lăng Nghiêm, Định ấy được gọi là Thủ Lăng Nghiêm Đại Định, kinh Hoa Nghiêm gọi Định ấy là Sư Tử Phấn Tấn tam-muội, đó là kiến tánh; đó cũng là nói: Thật sự buông “khởi tâm, động niệm” xuống. Chẳng khởi tâm, không động niệm, bèn khôi phục tự tánh, mới thật sự hiểu rõ ràng, rành rẽ chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Lục đạo luân hồi là chuyện nhỏ nhặt, quá nhỏ bé, thảy đều hiểu rõ ràng, đương nhiên hết sức vui sướng, Ngài bèn tường thuật, báo cáo tỉ mỉ cảnh giới này. Nói với ai? Nói với con người, người ta nghe chẳng hiểu! Đừng nói người thế gian chúng ta nghe không hiểu, chư thiên trong hai mươi tám tầng trời nghe cũng không hiểu; bởi lẽ, Ngài giảng trong Định. Chúng ta thấy Thích Ca Mâu Ni Phật tịnh tọa dưới cội Bồ Đề, đâu biết Ngài giảng kinh Hoa Nghiêm nơi ấy. Kinh Hoa Nghiêm là cảnh giới khai ngộ của đức Thế Tôn. Ngài nói cặn kẽ, nêu bày toàn bộ. Nói trong bao nhiêu ngày? Theo kinh chép thì là “hai thất”, tức mười bốn ngày, cũng có kinh bảo là giảng trong hai mươi mốt ngày. Chúng ta có thể không cần quan tâm đến chuyện này, cũng không cần phải khảo chứng, đừng phân biệt, chấp trước chuyện này. Tối đa là hai mươi mốt ngày, giảng trong Định!

Trong Thiền Định, thời gian và không gian chẳng còn nữa. Thời gian và không gian chẳng còn, chúng ta có thể tin chuyện này, vì sao? Có chứng minh khoa học! Khoa học chứng minh như thế nào? Thôi miên rất khoa học! Trong thôi miên, thời gian và không gian chẳng còn nữa! Quý vị thấy: Thôi miên hai tiếng, người được thôi miên có thể nhớ được vài đời trong quá khứ. Lúc bị thôi miên, người ấy có thể tới thiên đường, mà cũng có thể xuống địa ngục. Quý vị thấy đó: Đột phá thời gian lẫn không gian! Do chúng ta biết: Thôi miên cũng là tinh thần phải buông lỏng hết thảy, buông xuống hết thảy, trong tâm không có tạp niệm, có cùng một nguyên lý [với Thiền Định]. Công phu Thiền Định càng sâu hơn, thời gian [nhập Định] càng dài hơn, bảy ngày, hai mươi mốt ngày, trọn pháp giới hư không giới quả thật đều có thể thấy rõ rệt, minh bạch. Thật ra, có cần tốn ngần ấy thời gian hay không? Không cần! Chỉ trong một niệm! Trong một niệm bèn thông đạt, hiểu rõ, tùy thuộc quý vị buông xuống nhiều hay ít. Sai biệt chẳng do công phu cạn hay sâu, mà do quý vị buông xuống nhiều hay ít. Vì thế, quý vị muốn dụng công, ngàn muôn phần đừng chấp trước; buông xuống càng nhiều, tâm quý vị càng thanh tịnh, càng gần với tự tánh. Trong cuốn [Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận] Hoàn Nguyên Quán có nói: “Tự tánh thanh tịnh viên minh thể”, tức là càng buông xuống nhiều, càng gần với tự tánh. Càng gần tự tánh, quý vị càng liễu giải. Sau khi liễu giải chân tướng, lão nhân gia xuất Định, bắt đầu dạy học, vì sao bắt đầu dạy học? Tâm từ bi tự nhiên lưu lộ, chẳng có lý do, không có điều kiện, thấy chúng sanh bèn muốn giúp họ trở về tự tánh. Vì lẽ gì? Họ và ta là một, không hai. Người giác ngộ biết, kẻ mê chẳng biết [ta và người] là một Thể. Làm như thế, dạy suốt bốn mươi chín năm, đức Thế Tôn viên tịch lúc bảy mươi chín tuổi. Từ năm ba mươi tuổi bắt đầu dạy học tới năm bảy mươi chín tuổi; do đó, Ngài giảng kinh hơn ba trăm hội, thuyết pháp bốn mươi chín năm.

Chúng ta nhìn từ chỗ này, Ngài dùng thân phận nào? Mang chức nghiệp giáo sư, suốt đời dạy học. Dạy gì? Hết thảy các kinh do Phật đã giảng lúc còn tại thế chưa chép thành văn tự, đều chỉ là miệng nói. Sau khi đức Thế Tôn viên tịch, các học trò đem những gì thầy đã dạy, đã nói trong quá khứ ghi chép lại, đến khi ấy mới trở thành kinh điển. Ghi chép cũng chẳng phải là chuyện đơn giản, phải tìm người nhắc lại, tìm ai? Tìm A Nan. A Nan là thị giả của đức Phật. Kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong một đời, ngài A Nan đều nghe qua. A Nan là em họ nhỏ nhất của đức Phật. Anh em họ của Ngài gồm tám người, Thích Ca Mâu Ni Phật lớn nhất, A Nan nhỏ nhất, tức lão Bát, kém Phật hai mươi tuổi. Do thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh từ hai mươi năm trước đó, tức là khi Thích Ca Mâu Ni Phật bắt đầu giảng kinh, ngài A Nan mới sinh ra. Đức Phật đã giảng kinh suốt hai mươi năm, ngài A Nan mới xuất gia năm hai mươi tuổi, những kinh Phật đã giảng trong hai mươi năm trước, A Nan chưa được nghe. Vì thế, kinh có chép: Những lúc rảnh rỗi, đức Thế Tôn đem những gì đã nói trong quá khứ đều giảng lại cho ngài A Nan nghe, cho nên Ngài nghe kinh rất hoàn chỉnh. Ngài A Nan có trí nhớ đặc biệt tốt, nghe một lần sẽ vĩnh viễn chẳng quên, giống như máy thâu âm, Ngài có thể nhắc lại nguyên văn, có khả năng hy hữu này. Trong các đệ tử Phật, chỉ có Ngài có trí nhớ cao nhất. Vì thế, sau khi đức Phật diệt độ, mọi người thỉnh A Nan lên tòa giảng lại, năm trăm vị A La Hán là các đệ tử đức Phật, trong thuở ấy, họ là những vị thường nghe kinh, đều chứng minh. Kinh nói ra phải được năm trăm A La Hán cùng đồng ý “A Nan nói không sai, đức Phật đã nói như thế” rồi mới ghi chép lại. Nếu có [điều nào bị] một ai đó nghi ngờ, phải lược bỏ điều ấy, nhằm giữ chữ Tín với người đời sau. Kinh tạng được kết tập nghiêm ngặt như thế, chẳng phải là chuyện dễ dàng!

Văn tự dùng để kết tập thuở ấy là Phạn văn, hiện thời rất ít người hiểu cổ văn Ấn Độ. Kinh điển truyền đến Trung Quốc bằng tiếng Phạn, thuở ấy, những lưu học sinh Trung Quốc (những vị cao tăng sang Thiên Trúc cầu pháp) đến Ấn Độ học tập cũng học Phạn văn, từ tiếng Phạn dịch sang tiếng Hán mà có thể chẳng bị sai lầm ư? Nay chúng ta dịch một bài văn chương từ tiếng Anh sang tiếng Hán, có thể dịch đúng một trăm phần trăm hay không? Không thể nào! Nói chung là có sai lầm. Đừng nói ngôn ngữ ngoại quốc, đối với cổ văn Trung Quốc, quý vị lấy một bài văn chương của cổ nhân, tìm vài người, hay tìm mười người, bảo họ dịch bài ấy thành văn Bạch Thoại, mười người dịch khác nhau, rốt cuộc dùng tiêu chuẩn nào [để phán định đúng sai]? Rất khó nói, điều này có thể khiến cho người ta tin tưởng [tính chính xác của kinh Phật] hay chăng? Khi ấy, tôi đã thỉnh giáo tiên sinh Phương Đông Mỹ chuyện này, làm thế nào để khiến chúng ta sanh khởi lòng tin? Thầy Phương hết sức cảm khái, nói: Người Trung Quốc thời cổ chẳng giống người Trung Quốc hiện thời. Người Trung Quốc hiện thời đánh mất lòng tự tin dân tộc, nên mới bị lăng nhục lớn lao như thế, chịu lắm khổ nạn như vậy. Xưa kia, người Trung Quốc không như vậy, hết sức tự hào. Kinh điển tiếng Phạn sau khi dịch sang tiếng Hán, không những ý nghĩa chẳng bị sai lầm, mà văn tự còn đẹp đẽ, bóng bẩy hơn nguyên văn! Nói cách khác, đã có bản tiếng Hán, có thể không cần đến bản tiếng Phạn, tự hào như thế đó! Tại Trung Quốc vào thời Tùy – Đường, người Trung Quốc thật sự giống như người Trung Quốc, đâu phải như hiện thời? Thầy Phương dạy tôi như thế, hóa giải nỗi nghi vấn của tôi.

Đúng không? Đúng! Từ xưa tới nay, Trung Quốc quả thật là một nước lễ nghĩa, là một nước to lớn mênh mông, mãi cho đến đời Thanh, lòng tự tin ấy bị mất sạch. Vào cuối đời Thanh, vào cuối triều đại mới nẩy sanh vấn đề, rất nhiều nhân tố khiến cho vấn đề nẩy sanh, sử cận đại đã chép rất rõ ràng: Chẳng phải là truyền thống Trung Quốc có vấn đề, mà do người lãnh đạo đất nước thuở ấy là Từ Hy Thái Hậu có vấn đề. Đúng là “một người khiến đất nước hưng thịnh, một người khiến cho quốc gia, dân tộc bị diệt vong”, liên quan tới một cá nhân quá lớn! Nhà Thanh từ thuở khai quốc cho đến đời chồng của bà ta là vua Hàm Phong, Từ Hy Thái Hậu là phi tử của Hàm Phong, đế vương các đời đều mời các bậc cao nhân Nho, Thích, Đạo, nói theo danh từ hiện nay là “chuyên gia, học giả” vào hoàng cung. Hoàng đế dẫn phi tần, văn võ đại thần nghe giảng mỗi ngày, học tập mỗi ngày, thật sự làm! Từ Hy phế trừ chế độ này; Từ Hy không theo những bậc đại đức Nho, Thích, Đạo nữa, không nghe lời họ nữa. Bà ta mê tín, cầu cơ, phò loan, ham chuyện thần tiên, quốc gia đại sự đều đem thưa hỏi trong đàn cầu cơ. Do vậy mất nước! Chương Gia đại sư kể cho tôi biết chuyện này. Đời trước của ngài Chương Gia là quốc sư của các đời hoàng đế nhà Thanh; trong tứ đại lạt-ma[2] chỉ mình Ngài có đạo tràng tại Bắc Kinh. Chương Gia đại sư có trụ sở tại Bắc Kinh, Ngài thường ở Bắc Kinh để làm cố vấn cho hoàng thượng. Lão nhân gia cho tôi biết: Chuyện xấu do Từ Hy gây ra, bà ta phá hoại chế độ; người lãnh đạo coi rẻ truyền thống, dần dần ảnh hưởng tới quần chúng. Nếu chúng ta truy cứu, truyền thống văn hóa tốt đẹp như thế, vì lẽ nào mà trở thành nông nỗi như hiện thời? Đầu mối do Từ Hy. Chúng ta phải biết yêu mến, phải làm thế nào để khôi phục [truyền thống văn hóa].

Do vậy, sau khi chúng tôi hiểu rõ ràng, minh bạch chuyện này, mới biết Phật pháp thù thắng, càng học càng ham thích, khi ấy, mới phát hiện, thật sự phát hiện của báu, phát hiện kinh giáo là món trân bảo thù thắng khôn sánh. Nhưng trong giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Phật pháp vô nhân thuyết, tuy trí mạc năng giải” (Phật pháp không có người nói, thì tuy có trí vẫn chẳng thể hiểu được). Hiện thời, sách vở thì có, nhưng thiếu người truyền thừa. Trong thời Dân Quốc, đúng là đời sau thua đời trước, đã đến thuở mạt. Trong thời Kháng Chiến, nói chung còn có mười mấy vị xuất gia và tại gia [hoằng dương Phật pháp]. Sau thời Kháng Chiến, ngày càng ít, bậc đại đức hiếm hoi, thiếu người kế tục, đặc biệt là trong năm mươi năm gần đây. Chúng ta biết: Phật giáo thật sự hoàn toàn chẳng có diện mục. Tại Đài Loan, thật sự giảng kinh, dạy học chỉ có mình thầy Lý. Cụ mở một liên xã tại Đài Trung, trong liên xã mở lớp dạy học. Cụ mở mười mấy lớp đều là dạy truyền thống văn hóa giống như giáo dục xã hội hoặc lớp huấn luyện bổ túc, không nhận học phí. Bản thân thầy Lý lắm tài nhiều nghề, biết rất nhiều thứ, có năng lực dạy dỗ. Cụ dạy học tại Đài Trung ba mươi tám năm, tịch năm chín mươi bảy tuổi. Cụ giảng kinh tại Đài Trung suốt ba mươi tám năm chẳng gián đoạn, nhưng mỗi tuần chỉ giảng một buổi, ấn định buổi học nhằm ngày thứ Tư, thời gian cố định, nơi chốn cố định. Do vậy, cụ chẳng cần tuyên truyền, thứ Tư mỗi tuần đến Từ Quang Đồ Thư Quán ở Đài Trung, nhất định thấy cụ giảng kinh ở đó, mỗi tuần một lần. Cụ dạy lũ học sinh chúng tôi là những học sinh trẻ tuổi học giảng kinh cũng là mỗi tuần một lần nhằm ngày thứ Sáu, dạy chúng tôi giảng kinh; còn dạy cổ văn thì như một lớp học nhỏ của nhóm ông Giang Dật Tử, họ học thi từ với cụ. Ngoài ra, còn có nhiều khoa mục, nhưng chính thầy tìm không ra thời gian, phải mời giáo viên từ bên ngoài đến dạy. Do là giáo dục xã hội, nên xét về điểm này, rất giống với cách thức dạy dỗ thời Thích Ca Mâu Ni Phật.

Đối với Phật giáo trên toàn thế giới hiện thời, tôi nghĩ: Nếu nói đại lược, tối thiểu có sáu hình thức khác nhau mà chúng ta phải biết. Loại thứ nhất là giáo dục của Thích Ca Mâu Ni Phật, lão nhân gia suốt đời làm thầy; nói theo cách bây giờ, Ngài là một nhà giáo dục văn hóa xã hội đa nguyên, Ngài mang thân phận là một người có nghĩa vụ làm công tác giáo dục văn hóa xã hội đa nguyên, không nhận học phí. Cuộc sống rất đơn giản, ăn một bữa Ngọ, ngủ dưới gốc cây, suốt đời không xây trường học. Giảng dạy ở chỗ nào? Rừng núi, dưới cội cây, số người học chẳng ít! Vì thế, nay chúng ta nghĩ đến, thấy chẳng đơn giản. Thường Tùy Chúng là một ngàn hai trăm năm mươi lăm người, những vị này chẳng rời khỏi Phật. Tôi nghĩ những người tham dự khác, tối thiểu cũng bằng số này. Nói cách khác, khi Phật dạy học, thính chúng phải tới hai, ba ngàn người. Thuở ấy, đâu có máy khuếch âm, ở trong đồng trống, nếu người ta nghe không rõ ràng lắm, có còn hứng thú theo học với Phật nữa hay chăng? Buổi tối nghỉ dưới cội cây, gió thổi, nắng hun, mưa táp đều chẳng ngại, thân kim cang bất hoại mà! Giữa trưa ăn một bữa, người ta cho gì ăn nấy, chẳng phân biệt tí nào. Đó là hạng người gì, thân thể gì vậy? Chúng ta ngẫm lại, không có cách nào sánh bằng! Chúng ta ra ngoài đồng ở một đêm, hôm sau về nhà bèn ngã bệnh, làm sao có thể sánh bằng? Chẳng phải là một hai ngày, mà là sống như vậy suốt bốn mươi chín năm, chẳng thể khiến kẻ khác bội phục ư? Thật sự có công phu, thân lẫn tâm đều khỏe mạnh. Đây chính là Phật giáo nguyên gốc của Thích Ca Mâu Ni Phật. Lão nhân gia suốt đời chẳng lập đạo tràng là có lý của Ngài; bởi lẽ, lập đạo tràng sẽ có kẻ khởi ý niệm cong quẹo: “Làm thế nào để có đạo tràng ấy?” Ngài không có đạo tràng, vì biết người đời sau [đối với đạo tràng] sẽ có tác dụng phụ (kiến giải chấp trước, tham cầu lệch lạc), thứ gì cũng không có, chúng ta nên học theo điều này!

Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 1
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang
Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Bồ tát giới là gì, có bao nhiêu giới? Thọ giới Bồ tát như thế nào?

Định Tuệ

Những huyền ký của đức Phật về Tịnh độ

Định Tuệ

Phật Bồ Tát có diệt độ hay không?

Định Tuệ

Tất cả ác duyên phải hóa giải hết, oan gia nên giải không nên kết

Định Tuệ

Nếu bạn không thoát khỏi lục đạo thì nhất định làm súc sanh, ngạ quỷ, đọa địa ngục

Định Tuệ

Chư Thiên Thần là ai? Sắc thân và tuổi thọ của chư Thiên ra sao?

Định Tuệ

Tụng kinh niệm Phật nghiệp chướng sẽ được chuyển dần

Định Tuệ

Tham dục là gì? Nguyên nhân và tác hại của tham dục

Định Tuệ

Thất giác chi là gì? Thất giác chi gồm những gì?

Định Tuệ

Viết Bình Luận