Học Phật là học cái gì? Chính là phục hồi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của chính mình, mình vốn sẵn có, chẳng phải hướng ngoại tìm cầu.
Chúng ta phát tâm học Phật, nhất là phát tâm xuất gia, hoằng pháp, hộ pháp, bạn không học theo Phật sao được? Hai chữ học Phật ở đây, là học theo Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đó gọi là chân thật học Phật.
Một đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không vì danh văn lợi dưỡng, ngay cả tâm niệm danh văn lợi dưỡng cũng không có, chính là giáo dục chúng sanh. Chủng loại chúng sanh không giống nhau, trình độ cao thấp không bằng nhau, họ ở thế gian này làm việc kinh doanh lại bất tương đồng. Vấn đề nan giải là gì, chỉ cần bạn tìm đến Thầy, thì Thầy đều có thể giúp bạn giải quyết vấn đề.
Thật sự Ngài đã hiển lộ đại trí huệ, đại học vấn. Chẳng những giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, mà mục đích cuối cùng, là muốn giúp cho tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, hồi quy tự tánh, thành tựu Phật quả viên mãn. Đó chính là mục tiêu cuối cùng mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện giảng dạy.
Trong kinh Phật có câu, câu này có thể dịch ra, không hề khó chút nào, nhưng mà lại không dịch: “A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”, đây là mục tiêu cuối cùng mà đạo Phật truy tìm, toàn là tiếng Phạn, dịch thành Trung văn, thì có nghĩa là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Chẳng phải là không dịch được, nhưng vì sao không dịch? Đó gọi là tôn trọng không dịch.
Học Phật là học cái gì? Chính là phục hồi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của chính mình, mình vốn sẵn có, chẳng phải hướng ngoại tìm cầu. Vì sao bây giờ lại không có? Vì bạn bị vọng tưởng phân biệt chấp trước che khuất. Buông bỏ chấp trước, không còn chấp trước nữa, thì Chánh giác hiện tiền, buông bỏ phân biệt, thì Chánh đẳng Chánh giác hiện tiền.
Đối với tất cả pháp của thế và xuất thế gian, không khởi tâm động niệm, thì bạn sẽ thành Phật, vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác hiện tiền. Tất cả chúng sanh người người ai cũng có, buông bỏ thì đạt được. Vì sao không chịu buông bỏ? Điều này đáng để chúng ta suy nghĩ, suy nghĩ rõ ràng, minh bạch.
Phật pháp, Chương Gia đại sư nói rất hay, “tri nan hành dị”. Tri là biết chân tướng sự thật, những điều trong Phật pháp gọi là tánh tướng, lý sự, nhân quả, biết rõ ràng minh bạch, điều này thật sự không dễ. Hành quá dễ dàng, hành buông bỏ, buông bỏ là đúng. Vì sao không chịu buông bỏ? Vì những điều biết không rõ ràng, không thấu triệt, còn nghi hoặc, làm chướng ngại sự buông bỏ của bạn.
Nếu như không có chút gì nghi vấn, dạy bạn buông bỏ là buông bỏ, thì lập tức bạn sẽ thành tựu. Chúng ta thấy trong kinh Phật có ghi chép lại, ở trong truyện ký thì lại càng nhiều hơn, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, thật sự chỉ ở trong một niệm, một niệm buông bỏ rốt ráo, thì công phu sẽ thành tựu. Đối với thật tướng của các pháp, Ngài thật sự hiểu rõ ràng minh bạch, cho nên Ngài rất dễ dàng buông bỏ. Chúng ta muốn đi con đường gần, đi con đường tắt.
Phân lượng của kinh Hoa Nghiêm quá lớn, thật sự không dễ thọ trì, nhưng mà Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán của quốc sư Hiền Thủ, đó chính là cốt lõi tu tập kinh Hoa Nghiêm. Bài luận văn này chữ không nhiều, nguyên lý nguyên tắc trong kinh Hoa Nghiêm, phương pháp tu hành chứng quả đều ở trong đó.
Ngày xưa chúng tôi có học qua hai lần, tu Hoa Nghiêm, đi đường tắt, bộ luận này rất hay. Luận văn được chia làm 6 đoạn, 3 đoạn đầu nói về sự khởi nguồn của vũ trụ, sự khởi nguồn của vạn pháp, Ta từ đâu mà có, đều nói rất rõ ràng. Ba đoạn sau là dạy chúng ta phương pháp quay đầu, bạn muốn hồi quy tự tánh, muốn tìm lại bản lai diện mục của mình, trong thiền tông nói, “khi cha mẹ chưa sanh bản lai diện mục”, bản lai diện mục của bạn là Phật, bạn tìm lại bản lai Phật của mình.
Bắt đầu tu Tứ Đức, Tứ Đức là cơ bản, đó chính là oai nghi phép tắc, Ngũ Chỉ là buông bỏ, Lục Quán là nhìn thấu, thì bạn sẽ thành tựu. Những điều này nói thì rất dễ, nhưng làm thì không dễ, rất là khó. Vì sao vậy? Vì tập khí của chúng ta rất sâu dày, mê muội lâu ngày, tập khí sâu dày, rất muốn buông bỏ, nhưng mà lại buông không được. Nhưng mà chúng ra sanh vào thời đại này, học Phật thành Phật được tăng thượng duyên thù thắng không gì sánh bằng. Tăng thượng duyên ở đây là gì?
Người ngoại quốc đóng bộ phim 2012, tôi cảm thấy đó là tăng thượng duyên thù thắng không gì sánh bằng, cho chúng ta thấy, bạn muốn thành Phật, bạn muốn thành tựu, bạn còn bao nhiêu thời gian nữa? Vẫn còn 3 năm nữa, ba năm có đủ hay không? Đủ rồi! Dùng phương pháp nào đây? Dùng phương pháp chấp trì Danh hiệu, thời gian ba năm chắc chắn bạn sẽ thành tựu. Nghĩa là cái duyên này cho bạn biết, 3 năm bạn có thể thành Phật, không thành Phật được, thì ba năm bạn sẽ đi vào đường tam đồ.
Có hai con đường, bạn chọn đường nào đây? Chúng ta chọn con đường thành Phật, bình thường tôi dạy các vị 16 chữ, là được rồi. Chúng ta không dùng tiêu chuẩn cao trong Phật giáo, vì điều đó rất khó làm. Chúng ta buông bỏ tự tư tự lợi, buông bỏ danh văn lợi dưỡng, buông bỏ sự tham luyến ngũ dục lục trần, buông bỏ tham sân si mạn, tâm thái như vậy, phát Bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm, thì chẳng có người nào không thành tựu.
Làm chướng ngại sự thành tựu của bạn không gì khác, chính là 16 chữ tôi nói, đó là chướng ngại: Tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn, những thứ này làm chướng ngại, chỉ cần buông bỏ những thứ này, thì chướng ngại của bạn sẽ không còn nữa, một đời bạn sẽ thành tựu. Chúng ta hiểu rõ rồi, thì chúng ta phải thật tu, tu ngay bây giờ, tu ngay hôm nay, phải nghiêm chỉnh, không tham luyến, không mơ hồ nữa. Chỉ cần thật sự tu, chẳng những cứu được mình, mà còn cứu được gia đình mình nữa, cứu được xã hội, cứu được đất nước, và cứu được thế giới. Công đức này thù thắng quá, trang nghiêm thù thắng không gì bằng, vì sao lại không chịu tu?
Chỗ chúng ta nương vào chính là bộ kinh Vô Lượng Thọ này, bộ kinh Vô Lượng Thọ này triển khai ra, chính là pháp môn vô lượng vô tận mà Thập Phương Tam Thế Nhất Thiết Chư Phật đã nói. Tất cả tinh hoa đều gói gọn trong bộ kinh này nơi Đại tạng kinh. Cốt tủy tu hành thành Phật của chư Phật Bồ tát đều nằm trong đó, chúng ta không còn nhiều thời gian nữa, nghiêm chỉnh học tập bộ kinh này là đủ rồi, không còn nghĩ đến những việc khác. Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, trường thời ở đây chính là ba năm, chắc chắn thành tựu. Thiện Đạo đại sư nói rất hay, “bổn vi phàm phu”, chính là vì phàm phu, trong một đời tu hành thành Phật.
Trích đoạn trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 38
Hòa Thượng Tịnh Không chủ giảng
Tâm Hướng Phật/St!