Kinh Tứ Thập Nhị Chương là bộ kinh chứa đựng giáo pháp do chính Đức Phật thuyết giảng. Bốn mươi hai chương là 42 lời dạy bảo của Ngài!
Nói đến Kinh Tứ Thập Nhị Chương là nói đến cái mốc thời gian quan trọng: Phật giáo du nhập vào Trung Quốc. Ngày nay, các nhà học giả Phật giáo, các nhà sử học Tây phương căn cứ vào các công trình khảo cổ có giá trị và các tác phẩm quan trọng như Hậu Hán Thư, Phật Tổ Thống Ký, Hoằng Minh tập, Chúng Kinh Mục Lục và các tư liệu liên quan khác, đã chứng minh được rằng Phật giáo du nhập vào Trung Quốc vào hậu bán thế kỷ I (sau T.L), bằng đường thông thương trên bộ. Khởi đầu từ miền Tây Bắc Ấn Độ đến Peshawar dọc theo Bamiyan và Balkh về hướng Đông đến Kasligar xuyên qua Kucha về hướng Đông Bắc rồi đến Khotan về hướng Nam, rẽ sang Đôn Hoàng vào Trung Quốc.
Bản nguyên tác Kinh Tứ Thập Nhị Chương bằng chữ Sanskrit được trích tuyển có chọn lọc và rất đặc sắc từ các bản kinh Bắc tạng, nằm rải rác trong các Kinh Tăng Nhất A Hàm (Tăng Chi), Tạp A Hàm (Tương Ưng) và Pháp Cú. Nó không phải là một quyển kinh theo nghĩa truyền thống của pháp hội, mà là công trình kết tập công phu của các vị Thánh đệ tử người Ấn (giống trường hợp góp nhặt đa dạng của Kinh Pháp Cú) do hai ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan hợp dịch ra Trung văn.
Mỗi một chương kinh văn được trích dịch hoặc lược dịch từ một bài kinh nào đó trong kinh hệ Bắc tạng, đánh theo số thứ tự từ chương 1 đến chương 42 mà không có tựa đề của từng chương. Như vậy, 42 Chương là được trích dịch hoặc lược dịch từ 42 bài kinh khác nhau.
Về nội dung, mỗi chương mang một sắc thái giáo dục độc lập, đa dạng nhưng cùng hướng đến một mục tiêu nhất quán là giúp mọi hành giả trau dồi đạo đức nhân bản, đạo đức phạm hạnh, hướng đến hạnh phúc giải thoát.
Tuy nhiên, có một số chương mang ít nhiều bản sắc Bắc tông mà trong Nam tông với năm bộ Nikaya hay bốn bộ A Hàm tương đương không có. Âu đó cũng là dụng ý của trích tập và phiên dịch.
Chính vì thế, học Kinh Tứ Thập Nhị Chương chúng ta sẽ dễ dàng hình dung ra rằng những kinh văn truyền thống, những giáo nghĩa phát triển đan quyện vào nhau như một mạng lưới chằng chịt, nhằm xiển dương chân lý duy nhất là: Chánh pháp của Đức Phật, gốc, ngọn, nhánh, lá, truyền thống hay phát triển, Nam truyền lẫn Bắc truyền đều có chung một hương vị: Giác ngộ giải thoát. Đây cũng chính là hương vị đặc thù, độc hữu của Phật giáo.
Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Kinh Tứ Thập Nhị Chương là bộ kinh chứa đựng giáo-pháp do chính Đức Phật thuyết giảng. Trong thời kỳ Kết Tập Kinh Tạng, các đệ tử của Ngài đã kết nối từng chương một lại với nhau để hình thành một bộ kinh. Đây cũng có thể xem như một tập Ngữ Lục của Đức Phật, và bốn mươi hai chương sách chính là bốn mươi hai đoạn ngữ lục, hay bốn mươi hai lời dạy bảo của Ngài!”
Kinh Tựa
Sau khi Đức Thế-Tôn thành Đạo, Ngài suy nghĩ rằng: “Xa lìa dục vọng, được sự tịch tịnh, là thù-thắng nhất!” Rồi Ngài trụ trong Đại Thiền-định mà hàng phục ma đạo. Tại vườn Lộc-dã, Ngài chuyển Pháp-luân Tứ Đế, độ nhóm năm người của Tôn giả Kiều-Trần-Như đều chứng được Đạo quả. Lại có thầy Tỳ-khưu bày tỏ các chỗ còn nghi ngờ, cầu Phật dạy bảo sự tiến chỉ. Đức Thế-Tôn ban giáo sắc khiến ai nấy đều được khai ngộ. Họ cung kính chắp tay vâng lời, tuân thuận sự chỉ dạy của Đức Thế-Tôn.
Mời quý bạn đọc tụng Kinh Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương tại file PDF dưới đây.
[pvfw-embed viewer_id=”2258″ width=”100%” height=”600″ iframe_title=”Tâm Hướng Phật” zoom=”auto” pagemode=”none”]