Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Cực Lạc Thế giới ở trước mắt, nỗ lực tinh tấn thì có thể “trở về”

Vì mình “Thật mê đồ kỳ vị viễn,” tức là chưa đi sâu vào con đường u mê lắm. Thế giới Cực-lạc ở trước mắt, chỉ cần nỗ lực tinh tấn, thì mình có thể “Quy khứ.”

Quy khứ lai hề.
Ðiền viên tương vu hồ bất quy.
Ký tự dĩ tâm vi hình dịch.
Hề trù trướng nhi độc bi.
Ngộ dĩ vãng chi bất gián.
Tri lai giả chi khả truy.
Thật mê đồ kỳ vị viễn.
Giác kim thị nhi tạc phi.

Nghĩa là:

Về đi chứ!
Ruộng vườn hoang phế, sao chẳng về!
Tâm bị hình đọa, tỏ đã lâu.
Sao còn sầu muộn, than với lòng?
Lỗi xưa chưa sửa, nay đã thấu.
Mới biết tương lai còn đuổi kịp.
Ấy thật đường mê, chửa dấn sâu.
Rõ rằng: Nay đúng, xưa sai xấu.

Bài thơ trên do ông Ngũ Liễu (Ðào Uyên Minh) sáng tác. Nhưng chẳng biết nhà thơ có thật sự liễu ngộ được ý nghĩa thâm sâu của lời thơ chăng? Bởi lẽ nếu lấy Phật-pháp mà soi xét thì bài thơ trên vô cùng khế lý.

Sao gọi là “Quy khứ lai hề?” Chúng ta đã biết tự-tánh Pháp-thân là chốn thường tịch quang của mười phương chư Phật. Kinh viết: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh.” Bổn tánh của ta và của Phật vốn không có gì khác biệt. Nếu không như vậy, sao nói là “đều có Phật tánh.” Nay chúng ta không ngộ được Phật tánh bởi do trần lao ngũ dục của thế giới Ta-ba nầy làm ta ô nhiễm. Bởi bội giác hợp trần, nên ta chẳng hiểu ngộ tự tâm, chẳng thấy suốt được bổn tánh.

Tuy nhiên, ta không thể điên đảo trầm luân mãi được. Ta phải phản bổn hoàn nguyên, bội trần hợp giác. Ðó chính là “Quy khứ.” Nghĩa là mình phải khôi phục lại bổn lai diện mục vậy. Khi nương tựa vào nguyện lực của Phật Bồ-tát, nhờ công đức tụng niệm hồng danh của Ngài mà ta sinh Tịnh-độ. Ðó cũng gọi là “Quy khứ.”

Khi đã ngộ tự tâm, sinh Tịnh-độ rồi, ta cần phát đại nguyện: “Ðảo giá từ hàng,” nghĩa là lái chiếc thuyền từ bi trở lại độ chúng sinh tới bờ an lạc. Ðó gọi là “lai,” tức là Trở Về.

Thế nào là “Ðiền viên tương vũ hồ bất quy?” Ðiền tức là ruộng, là ruộng tâm. Khi ta chẳng tu tâm, để mặc cho tạp niệm phát sanh thì cũng giống như ruộng vườn đầy cỏ dại vậy. Ruộng tâm trở thành hoang dã. “Mao tắc bất khai,” cỏ dại dẫy đầy, không nhổ sạch được, thì ta không cách gì phản bổn hoàn nguyên, minh tâm kiến tánh được.

“Hồ bất quy” là lời của chư Phật mười phương và các vị Thánh-nhân. Các Ngài ân cần dạy dỗ chúng ta rằng: “Chúng sinh ngu độn đáng thương thay! Các con vì sao không mau quay đầu trở về bến?”

“Tâm vi hình dịch” nghĩa là tâm bị thân thể điều khiển và ý nói rằng chúng sinh vì chấp trước lục trần nên chẳng ngộ được tự tâm, luôn luôn bị cảnh trần chi phối nên vì cuộc sống mà lăng xăng, vì danh lợi bất kể sinh mạng, lưu chuyển trong biển khổ sinh tử, thọ vô số khổ đau. Thật là ngàn thu bi thương, khổ không thể nói hết. Ðó chính là ý nghĩa của câu “Trù trướng như độc bi.”

Thế thì, phải chăng chúng sinh mình không có thuốc cứu? Phải chăng vĩnh viễn đọa nơi hố thẳm lục đạo luân hồi? Tuyệt đối không phải. Tuy trước kia mình phạm lầm lỗi, song nhìn về tương lai vẫn còn hy vọng. Nên biết “Tri lai giả chi khả truy,” biết tương lai còn đuổi kịp, còn cứu vãn được.

Trong tương lai, chúng ta càng không nên giống như dĩ vãng, bỏ giác ngộ, theo bụi trần, tâm làm nô lệ cho thân. Xưa kia mình không tin nhân quả, không siêng tu hành, tạo nghiệp, sát sinh v.v… đều là những việc sai lầm. Như hôm nay đả thất niệm Phật là việc đúng. Nên chúng ta “Giác kim thị nhi tạc phi,” nghĩa là “Hiểu được hôm nay đúng, hôm qua sai.” Ðối với việc tốt thì phải duy trì, đối với việc xấu thì phải lập tức hết lòng hối cải. Cổ nhân nói: “Nhất thốn quang âm nhất thốn kim.” Tức là một tấc thời gian là một tấc vàng. Thực sự đối với người tu hành, một đoạn thời gian là một đoạn của mạng sống. Một đoạn thời gian trôi qua tức là mạng mình ngắn đi một chút vậy.

Ngày hôm nay qua đi, mạng cũng tùy giảm;
Ðại chúng! Phải siêng năng, tinh tấn như cứu đầu mình.

Phải mau mau sửa điều xấu ác, làm điều tốt lành. Vì mình “Thật mê đồ kỳ vị viễn,” tức là chưa đi sâu vào con đường u mê lắm. Thế giới Cực-lạc ở trước mắt, chỉ cần nỗ lực tinh tấn, thì mình có thể “Quy khứ.”

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng ngày 14 tháng 6, năm 1958!
Tâm Hướng Phật/Trích: Khai Thị Quyển 1 – Hòa Thượng Tuyên Hóa!


Cảnh vật trang nghiêm ở Tây Phương Cực Lạc Thế Giới

1. BẢO ĐỊA

Toàn cõi Cực Lạc, đất lưu ly trong suốt. Phía dưới có tràng kim cương nâng đỡ. Tràng kim cương ấy tám gốc đều đặn, mỗi mặt có trăm thứ bảo châu. Mỗi bảo châu phóng nghìn tia sáng. Mỗi tia sáng có 84.000 màu, chói đất lưu ly sáng như nghìn ức mặt trời. Mặt lưu ly bằng phẳng, có dây vàng ròng cùng thất bảo giăng phân khu vực và đường sá. Mỗi dây báu phóng tia sáng trăm màu. Tia sáng ấy hình như hoa, như sao, như trăng, chiếu lên kết thành đài sáng chói ở giữa chừng không. Bên những đài sáng ấy có trăm ức tràng hoa, cùng vô số nhạc khí. Từ trong đài sáng thổi ra tám thứ gió nhẹ mát, làm rung động những nhạc khí ấy reo lên tiếng diễn nói pháp “Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã, Từ bi, Hỷ xả, các môn Ba-la-mật”.

2. BẢO THỌ

Trên Bảo địa có vô số cây Chiên đàn hương, vô số cây Kiết tường quả, ngay hàng thẳng lối, nhánh, lá, bông, trái đều đặn chỉnh tề. Mỗi cây cao 8.000 do tuần. Thân, lá, bông, trái đều là chất thất bảo. Hoặc thứ cây thuần vàng, thuần bạc, thuần lưu ly, thuần pha lê, thuần xa cừ, thuần mã não, thuần chơn châu. Hoặc thứ cây gốc vàng thân bạc, nhánh lá bông trái cũng phân vàng bạc, đây là cây hai chất báu. Có thứ cây gốc vàng, thân bạc, nhánh lưu ly, lá bông trái cũng phân vàng, bạc, lưu ly, đây là cây ba chất báu. Hoặc thứ cây thời bốn chất báu, thứ thời năm chất báu, thứ thời sáu chất báu, thứ thời bảy chất báu, cũng xen lẫn nhau hiệp thành.

Tất cả Phật sự trong cõi Cực Lạc đều hiện rõ bóng trong cây, và cả thập phương thế giới cũng hiện bóng rõ trong cây, như trong gương sáng.

Mỗi lá rộng 25 do tuần, một nghìn màu, đồng phóng ánh sáng đẹp, làm gân lá như chuỗi ngọc.

Những bông xinh đẹp sắc vàng diêm phù đàn xen trong kẽ lá, sáng rỡ như những vòng lửa. Trên bông tự nhiên có trái thất bảo hình như chiếc bình quý của Thiên Đế. Nơi trái phóng ra ánh sáng lớn tụ thành vô lượng tràng phan cùng bảo cái. Trong bảo cái ấy chói hiện tất cả Phật sự trong nước Cực Lạc cùng cả thập phương thế giới.

Bảy lớp lưới kết bằng diệu chơn châu giăng trên mỗi bảo thọ. Mỗi khoảng lưới có cung điện xinh đẹp như cung trời Phạm Vương. Trong cung điện tự nhiên có các Thiên đồng. Mỗi Thiên đồng đeo chuỗi năm trăm hột ngọc Ma ni. Mỗi hột Ma ni chiếu sáng trăm do tuần, làm cho trên cây chiếu sáng như trăm ức mặt trời mặt trăng hiệp lại.

3. BẢO TRÌ

Cực Lạc thế giới nơi nơi đều có ao tắm. Thành ao bằng thất bảo. Đáy ao trải cát kim cương nhiều màu. Ao rộng trăm nghìn do tuần xem như biển cả.

Mỗi ao có sáu mươi ức hoa sen thất bảo. Mỗi bông tròn lớn 12 do tuần, đủ các màu đẹp, màu nào chiếu ánh sáng màu nấy. Trong ao, nước bát công đức từ như ý châu vương sanh, màu thất bảo, lên xuống theo cọng sen chảy lòn vào cánh bông. Tiếng nước chảy thanh tao diễn nói pháp mầu : Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã, các môn Ba-la-mật.

Nơi như ý châu vương phóng ánh sáng sắc vàng ròng. Trong ánh sáng hóa thành các thứ chim đẹp đủ màu, bay lượn, kêu hót hòa nhã diễn nói pháp : Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề, Bát chánh đạo, cùng ca ngợi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Mặt nước, làn sóng gợn lăn tăn, nổi lên nhiều tiếng dịu dàng : tiếng Phật, Pháp, Tăng; tiếng Không, Vô ngã, Đại từ bi; tiếng Ba-la-mật; tiếng Thập lực, Vô úy, Bất cộng; tiếng thần thông, trí huệ; tiếng vô tạo tác, bất sanh diệt, Vô sanh nhẫn; nhẫn đến tiếng cam lồ quán đảnh, cùng vô biên diệu pháp. Người nghe đến những tiếng này, tâm liền thanh tịnh, thiện căn thành thục, hẳn không thoái chuyển nơi đạo Vô thượng Bồ-đề.

Các thượng thiện nhơn, người Cực Lạc, lúc vào ao để tắm, nếu ý muốn ngập chân, thời nước chỉ ngập chân, nếu ý muốn nước đến bụng thời nước liền ngang bụng, cho đến ý muốn nước đến cổ thời mặt nước liền lên cao đến cổ. Nước ao tùy theo ý muốn của mỗi người mà sâu cạn, ấm mát điều hòa rất thuận thích. Người tắm, thân thể nhẹ nhàng khoan khoái, tâm thần vui vẻ tịch tịnh sáng suốt.

4. BẢO LÂU

Bốn phía ao báu, những thềm bậc đường sá do vàng, bạc, lưu ly, pha lê v.v… hiệp thành. Trên có vô số cung điện nhiều từng. Những tòa lâu đài này đều bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê v.v… nhẫn đến vô lượng chất báu xây thành.

Giảng đường, tịnh xá, lâu các cung điện của A Di Đà Phật, của chúng Bồ Tát, nhân dân, trăm nghìn muôn lần quý hơn cung điện của Tự Tại Thiên Vương nơi cõi Ta Bà này.

Những đền đài ấy, có thứ nổi lên ở giữa chừng không như mây, cao lớn tùy theo ý muốn của người ở. Có hạng không theo ý muốn mà trụ trên bảo địa. Đó là công hạnh tu hành sâu dày hay kém ít nên chỗ ở khác nhau như thế. Nhưng những sự hưởng dụng như ăn mặc v.v… đều bình đẳng.

Bốn phía đền đài đều trang nghiêm với những hoa tràng cùng vô lượng nhạc khí. Gió mát nhẹ rung những nhạc khí ấy hòa reo thành tiếng pháp : Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã, Từ bi, Hỷ xả, các môn Ba-la-mật.

5. BẢO TỌA

Cực Lạc thế giới, Đức Phật, chư Bồ Tát, cùng nhân dân đều ngồi trên tòa sen báu. Những tòa sen ấy, từ một chất báu, hai chất báu, nhẫn đến vô lượng chất báu hiệp thành, màu sắc đẹp lạ, quang minh sáng chói, lớn nhỏ xứng theo thân người ngồi. Dưới đây là tòa sen báu của Đức Phật ngự.

Tòa sen này có 84.000 cánh. Mỗi cánh rộng 250 do tuần, 100 màu. Trên mỗi cánh sen có 84.000 lằn gân phóng ra 84.000 tia sáng. Xen vào mỗi cánh sen có trăm ức hột châu Ma ni. Mỗi hột châu Ma ni phóng nghìn tia sáng. Các tia sáng này kết tụ nhau lại như hình cây lọng.

Đài sen bằng chất Thích-ca Tỳ-lăng-già bảo. Trang nghiêm với tám muôn thứ ngọc kim cương, ngọc Ma ni, cùng mành lưới kết bằng chơn châu.

Trên đài sen, tự nhiên có bốn trụ báu. Mỗi trụ báu cao đẹp như trăm nghìn muôn ức núi Tu Di. Trên đầu bốn trụ báu, mành lưới báu trùm giăng rộng lớn như cõi trời Dạ Ma. Mành lưới báu ấy có năm trăm ức hột bảo châu. Mỗi bảo châu chiếu ra 84.000 tia sáng. Mỗi tia sáng ấy có 84.000 thứ kim sắc. Các sắc vàng ấy chói khắp mặt bảo địa, nơi nơi biến hóa thành những tướng trạng khác nhau : hoặc hóa ra đài kim cương, hoặc hóa ra lưới chơn châu, hoặc hóa làm những lùm mây hoa đẹp sáng v.v… hiện thành Phật sự ở khắp các nơi trong cõi Cực Lạc…

Khi giảng xong sự lớn đẹp vi diệu của tòa sen báu, Đức Bổn Sư kết rằng : tòa sen báu ấy có ra đó, là do nguyện lực thuở tiền thân của Phật A Di Đà, ngài Pháp Tạng Bồ Tát.

Trích: Đường về Cực Lạc!

Bài viết cùng chuyên mục

Thiện báo ác báo như bóng theo hình

Định Tuệ

Người ác có thể cải ác hướng thiện thì họ có thể vãng sanh

Định Tuệ

Nội dung và ý nghĩa Thần Chú Đại Luân Kim Cang Đà La Ni

Định Tuệ

Tất cả ác duyên phải hóa giải hết, oan gia nên giải không nên kết

Định Tuệ

Công năng của thần Chú Vô Lượng Thọ Như Lai Đà La Ni

Định Tuệ

Phản văn văn tự tánh là gì?

Định Tuệ

Sám hối nghiệp chướng cần phải từ trong tâm địa của chính mình

Định Tuệ

Sửa mình chân chánh, cảm hóa người khác

Định Tuệ

Nhân quả là sự thật, tuyệt đối không phải mê tín

Định Tuệ

Viết Bình Luận