Lục Tổ Đại Sư Huệ Năng đặc biệt dạy người trì giới, một mực dặn bảo chúng ta: “Nếu là người chân chánh tu hành thì không thấy lỗi thế gian”, thì bạn liền có công phu.
Chúng ta xem thấy rất nhiều đạo tràng, phía trước để một cái thùng, bên trên viết là “Thùng công đức”, cho rằng tiền để vào trong đó thì có công đức, vậy thì sai rồi, việc này không hề có công đức.
Vào thời xưa, Vua Lương Võ Đế là người trong lịch sử Trung Quốc, nổi tiếng là một Phật giáo đồ kiền thành, là đại hộ pháp của nhà Phật chúng ta. Khi ông còn đương chức, đã tạo dựng 480 đạo tràng (ngày nay chúng ta gọi là tự viện), quy mô đều rất lớn. Ông luôn khích lệ nhân dân xuất gia, xem thấy người xuất gia thì rất hoan hỉ, cho nên đồ chúng có đến mấy trăm ngàn người, chính ông cũng cảm thấy kiêu ngạo, “việc này thật đáng được tự hào, ta làm được công đức lớn đến như vậy!”.
Lúc này, Bồ Đề Đạt Ma – Tổ sư Thiền tông đến Trung Quốc. Đạt Ma Tổ Sư nghe được quốc vương của Trung Quốc nhiệt tâm hộ pháp như vậy nên đương nhiên phải đến bái kiến. Lương Võ Đế cũng rất vui mừng tiếp kiến một vị cao tăng đến từ Ấn Độ.
Sau khi gặp mặt, Lương Võ Đế nói với Đạt Ma Tổ Sư về công đức hộ pháp, thành tích hộ pháp của mình. Sau khi nói xong, ông thỉnh giáo với Đạt Ma Tổ Sư: “Công đức của tôi có lớn không?”. Đạt Ma Tổ Sư rất thẳng thắn, không nói nhân tình với người, Ngài trả lời thành thật: “Không có công đức gì!”. Lương Võ Đế nghe rồi lòng rất không vui, cho nên Lương Võ Đế không hộ pháp cho Ngài. Ngài phải đi đến Chùa Thiếu Lâm, quay mặt vào vách chín năm để đợi Huệ Khả.
Lời của Đạt Ma Tổ Sư có đúng hay không? Đúng! Công đức và phước đức không như nhau. Giả như Lương Võ Đế hỏi Ngài: “Phước đức của tôi có lớn không?”, thì Đạt Ma Tổ Sư nhất định liền nói: “Thật lớn! Thật lớn! Ông tu phước báo thật quá lớn!”.
Phước đức và công đức là khác biệt. Công đức là chính mình phải tu hành. Chúng ta nêu một thí dụ đơn giản, trì giới có “công”, “công” mà bạn trì giới là có công phu. Bạn trì giới có công phu, được định thì chính là “đức”, cho nên “công” là “tu nhân”, “đức” là “chứng quả”, bạn được định thì mới gọi là công đức. Nếu như bạn giữ giới luật được rất tốt, rất nghiêm, thế nhưng bạn chưa thể được định thì sự trì giới của bạn chỉ là phước đức, không phải công đức, bạn trì giới chưa có công phu, bạn chỉ có được phước báo. Trì giới được định thì việc trì giới luật này mới gọi là có công phu.
Vì sao có người trì giới có thể được định, còn một số người trì giới không thể được định? Ở đây chính là do đúng pháp và không đúng pháp. Tu học đúng pháp thì có công, tu học không đúng pháp thì không có công. Điểm này các vị đồng tu không luận tại gia hay xuất gia đều phải tường tận. Chúng ta nhất định phải giữ giới, vì giữ giới thì mới tương ưng, không giữ giới thì không tương ưng.
Vậy làm sao mới được gọi là có công phu? Lục Tổ Đại Sư Huệ Năng đặc biệt dạy người trì giới, một mực dặn bảo chúng ta: “Nếu là người chân chánh tu hành thì không thấy lỗi thế gian”, thì bạn liền có công phu. Giới luật của ta trì được rất tốt, xem thấy người khác không trì giới thì sanh tâm khinh mạn, xem thường, chính mình lại cống cao ngã mạn. Bạn xem, trì giới như thế thì được kết quả gì? Được cống cao ngã mạn. Người ta trì giới thì được định, từ định khai huệ, còn ta trì giới thì ra cống cao ngã mạn thì làm gì có được công phu chứ?
Thế nhưng sự trì giới đó có tốt hay không? Tốt! Sự trì giới đó mang lại phước đức, chính là tu phước hữu lậu trong tam giới sáu đường. Tôi không nói phước báo nhân thiên, mà tôi nói phước báo hữu lậu trong sáu đường. Vì sao vậy? Không thấy được phước báo của họ hưởng được ở nhân gian, việc này chúng ta phải hiểu. Nếu như họ không có được thân người, họ chỉ được thân súc sanh, thân ngạ quỷ thì cũng đều hưởng phước. Bạn thấy đường súc sanh, nếu có phước báu lớn vẫn được cưng chiều chăm sóc chu đáo, con người chúng ta làm sao có thể sánh bằng? Có những con vật cưng được người cả nhà hầu hạ, xem nó như bảo bối, là chủ của cả nhà, chúng ta còn kém xa so với nó, chúng ta chẳng có ai quan tâm. Loại vật cưng đó đời trước đã từng tu phước nên mới được như vậy.
Phước báu trong cõi quỷ cũng không nhỏ. Chúng ta xem thấy rất nhiều ở nhân gian Trung Quốc cúng bái những quỷ thần này. Cạnh Cư Sĩ Lâm dường như có một cái Miếu Đại Bá Công, đó chính là cõi quỷ có phước báu. Sơn Thần, Thổ Địa, Thành Hoàng đều là cõi ngạ quỷ, họ đã tu phước nên ở trong cõi quỷ hưởng phước. Cho nên, Phật nói với chúng ta nhất định phải tu tích công đức. Trong công đức tự nhiên có phước đức, còn trong phước đức thì không có công đức, vì vậy tu tích công đức vẫn là tốt nhất.
Chúng ta phải tu công đức bằng cách nào? Kinh này của chúng ta hay, Kinh này đích thực là đệ nhất Kinh mà Thế Tôn đã nói trong suốt 49 năm, “Kinh Hoa Nghiêm” chỉ là hàng kế. Trên đề Kinh đã nói với chúng ta là “Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác”, hay nói cách khác, tu học của chúng ta phải tương ưng với “Thanh Tịnh – Bình Đẳng – Giác”, đây chính là công đức. Chúng ta trì giới mà được tâm thanh tịnh, được tâm bình đẳng thì việc trì giới của chúng ta liền có công.
Tâm thanh tịnh chính là định. Tu định thì có công, khai trí tuệ chính là đức. Tu định nếu không thể khai trí tuệ thì cái định đó cũng là phước báo. Thế nhưng các vị phải nên biết, phước của định và phước của giới không như nhau. Phước của định lớn hơn rất nhiều. Phước của giới có thể hưởng ở trong ba đường. Chỉ có địa ngục không có hưởng phước, đường ngạ quỷ, đường súc sanh đều có hưởng phước. Phước của định không ở ác đạo, chí ít phải ở Trời Dạ Ma trở lên.
Bạn tu định, trong định không thể khai trí tuệ, phước báo của định được hưởng từ Trời Dạ Ma mãi đến Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Đây là bạn tu định được phước báo, không phải công đức. Bạn tu định muốn được công đức thì phải khai trí tuệ. Khai trí tuệ quyết định siêu việt tam giới, vĩnh thoát luân hồi, đó là tu định có công. Cho nên chúng ta nhất định phải hiểu công đức rõ ràng, tường tận, thông suốt, thấu đáo.
Thông thường người thế gian xem thấy người khác tu tích công đức thì khởi lên ý niệm đố kỵ, xem thấy người khác tốt hơn mình thì trong lòng liền khó chịu, liền bực bội, nghĩ ra hết cách để chướng ngại, thậm chí còn nghĩ ra cách phá hoại. Bạn phá hoại người tu hành, tội lỗi này rất lớn.
Ngoài ra còn có Bồ Tát tu tích công đức. Bồ Tát thị hiện ở ngay trong quần chúng xã hội, nam nữ, già trẻ, việc họ làm hiện tại chúng ta gọi là việc từ thiện xã hội. Thế nhưng Bồ Tát làm việc từ thiện xã hội và người thế gian làm việc từ thiện xã hội có một chút khác biệt. Sự khác biệt ở đâu vậy? Các vị phải tỉ mỉ mà quan sát thì mới có thể thấu hiểu. Bồ Tát tu tích, làm những việc từ thiện xã hội thì sau cùng nhất định giúp cho họ phá mê khai ngộ, đó chính là làm công đức.
Nếu như chỉ là làm việc từ thiện xã hội, mà không dạy họ phá mê khai ngộ, thì đó là thuộc về phước đức. Tại vì sao đối với chúng sanh, trước phải dùng từ thiện cứu tế để giúp đỡ người? Đó là “Tứ Nhiếp Pháp” của Phật, là phương tiện để nhiếp thọ chúng sanh. Ở trên Kinh, Phật cũng tường tận dạy cho chúng ta: “Tiên dĩ lợi dục câu, hậu linh nhập Phật trí”. Bạn thấy, Phật thật từ bi đến tột đỉnh. Bạn bảo người thế gian đến học Phật thì họ lắc đầu không đến; bạn mời họ đến ăn cơm thì họ rất vui mừng, họ lập tức liền đến. Ăn cơm xong bạn mới bảo họ học Phật thì tương đối dễ dàng. Vì sao vậy? Đã nhận ân huệ rồi, không ở lại nghe thì rất khó coi, luôn là không thể ăn xong rồi thì đi.
Cho nên nhà Phật dùng phương cách từ thiện này, bố thí, ái ngữ, đồng sự, lợi hành đều là mục đích nhiếp thọ chúng sanh. Sau đó nói rõ cho họ chân tướng của vũ trụ nhân sanh, nói rõ chân tướng chính chúng ta và hoàn cảnh sinh hoạt của chính mình. Khi đã hiểu rõ chân tướng thì họ quay đầu là bờ. Cách làm này nếu như bạn còn chấp tướng mà làm thì bạn vẫn là tu phước.
Nếu như bạn rời tướng, không chấp tướng, tam luân thể không, đó là lấy lợi ích chúng sanh làm công đức, do nhân giới được định, đó là công đức tu học của chính mình. Hai loại công đức này đều sẽ bị người đố kỵ, đều sẽ bị người chướng ngại, cho nên khi chúng ta tu tích phải có trí tuệ cao độ, phải có phương tiện khéo léo.
Địa vị của chúng ta càng thấp càng tốt. Đối đãi với bất cứ người nào, cho dù là người phê bình chúng ta, người hủy báng chúng ta, người chướng ngại chúng ta, người phá hoại chúng ta, chúng ta cũng phải dùng tâm chân thành cung kính đối đãi với họ, làm cho họ dần dần có thể bị cảm động, có thể giác ngộ, có thể quay đầu. Chúng ta đem những ác duyên này chuyển biến thành thiện duyên, đem những việc ác này chuyển thành công đức chân thật. Đây gọi là tùy hỷ. Chính chúng ta nhất định phải làm ra một tấm gương tốt thì mới có thể giáo hóa chúng sanh.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 21
Tâm Hướng Phật/St!