Lạy Phật là một pháp tu đơn giản, giúp ta có cơ hội quán chiếu nội tâm, triệt tiêu bản ngã, chuyển hóa nghiệp lực, rèn luyện sức khỏe, hóa giải được nhiều bệnh hoạn…
Lạy Phật, một pháp tu đơn giản, giúp ta có cơ hội “Quán chiếu nội tâm, triệt tiêu bản ngã và chuyển hóa nghiệp lực của mình” qua đây ta soi rọi lại mình, rèn luyện được sức khỏe với nhiều lợi ích, làm cho sự lưu thông máu huyết thêm thông suốt, hóa giải được nhiều bệnh hoạn…
1. Công đức của pháp tu lạy Phật
Lạy Phật lợi ích vô cùng
Lưu thông máu huyết khiêm cung tánh tình
Vừa có phước vừa dưỡng sinh
Hàng ngày thường lạy an khinh cõi lòng…
Trong thời buổi hiện đại, với sự tiến bộ của khoa học, trong nhịp sống công nghiệp, máy móc và các tiện nghi vật chất đã thay thế sức người, con người ít vận động, nhưng phải chạy theo nhiều nhu cầu vật chất, nên quay cuồng với bao áp lực, nhất là những vị làm văn phòng và các nghề nghiệp ngồi một chỗ, không có nhiều thời gian để sống thỏa mái với thiên nhiên, khiến tinh thần dễ bị căng thẳng, cơ bắp toàn thân cũng tự nhiên căng cứng theo. Lại thêm vì thiếu vận động, cột xương sống trở nên cứng nhắc, rất khó uốn cong, từ đó các khoản cách giữa các cột xương sống bị chai lì và hẹp lại, đè lên chèn ép các dây thần kinh và mạch máu, khiến cho các chất dinh dưỡng và dưỡng khí không thể đến cung cấp các tế bào trong các cơ quan nội tạng, từ đó bệnh tật dễ phát khởi, tế bào ung thư có nhiều cơ hội phát triển.
Lạy Phật là một pháp tu rất tiện lợi, khỏi cần đến chùa, ở trong phòng tại nhà, nơi vắng vẻ vẫn thực hành được, vừa thanh tịnh được tâm, vừa thể dục dưỡng sinh, giúp cho thân vận động toàn diện, từ đầu, cổ cho đến từng lóng tay, lóng chân, mà đặc biệt nhất là giúp điều chỉnh xương sống, cường hóa nội tạng, tăng thêm tế bào tốt và mang dưỡng khí đến khắp châu thân, giúp cuộc sống có được khoan khoái, an lành hơn.
Cổ Đức có dạy: “Niệm Phật một câu, phước sanh vô lượng, lạy Phật một lạy tội diệt hà sa”. Làm được thân người là phước báu rất lớn, nhưng nghiệp chướng cũng không ít, vì “nhân vô thập toàn”, khi chưa chứng Thánh, thì ‘nhất cử nhất động’ ai ai cũng còn tạo nhiều tội lỗi, vậy cần phải quán chiếu để thấy được lỗi lầm mà thành tâm sám hối, thì mới mong tiêu trừ được tội. Do vậy pháp tu lạy Phật là pháp tu phù hợp, nhiều lợi ích nhất.
Khi lễ lạy chúng ta thực hiện “hồi quang phản chiếu” quay về với “tánh giác” thể hiện được lòng tôn kính và tâm ngưỡng mộ của mình đối với đấng Giác ngộ, hay những bậc Thánh, Thần, Đại ân nhân, thể hiện được lòng biết ơn, đền ơn. Khi lễ lạy, tiêu trừ được lòng tự cao ngã mạn của mình, tức là từng bước “quán chiếu thấy năm uẩn đều không, sẽ qua hết tất cả khổ đau ách nạn”. Khi lạy Phật cúi mình rạp xuống, thể hiện “bội trần hợp giác” hai tay xòe ra đón Phật, lúc đó Phật tánh trong ta hiển lộ, Đức Phật với lòng từ bi vô lượng sẽ thương cảm đến và gia hộ cho ta được kiết tường như ý và phước đức cũng từ đây sinh khởi.
Trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt có dạy 10 Công đức của Lạy Phật:
- Tự mình có được sắc thân tươi đẹp nhiệm mầu
- Lời mình nói ra ai nấy đều tin.
- Đối với mọi người dù ác độc, mình không sợ hãi.
- Chư Phật thường gia hộ phò trì.
- Tự mình có đầy đủ oai nghi, được mọi người kính mến.
- Mọi người thảy đều muốn làm quen giúp đỡ.
- Chư Thiên đều yêu kính.
- Đầy đủ các điều phúc đức, hưởng mọi thanh nhàn.
- Khi chết nhận định được vãng sanh.
- Tự mình chứng quả vắng lặng Niết Bàn.
Đấy là những công đức và lợi ích của việc lễ Phật theo kinh dạy, còn trong thực tế, khi thực hiện thường xuyên, đúng cách, pháp tu lạy Phật, bản thân của người viết bài nầy đã trải nghiệm, gặt hái được những điều lợi ích thiết thực như sau:
- Giúp Thân – Khẩu – Ý được thanh tịnh
- Giúp cho tinh thần sảng khoái, máu huyết lưu thông, thân thể mạnh khỏe
- Tật bệnh tiêu trừ, nhất là bệnh “thoái hóa cột sống cổ, lưng và thoát vị đĩa đệm”, hết “đau thắt lưng” hóa giải được “thấp khớp”, làm tốt lại “hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết”, “điều hòa huyết áp”… thế là nghiệp chướng cũng lần hồi được chuyển hóa.
- Giúp nhiếp được tâm, khi phải dùng sức chú ý theo dõi từng chữ, từng câu, không cho lộn hàng, lộn chữ, trong khi lạy, như trong kinh Di giáo Phật đã dạy: “chế tâm nhứt xứ vô sự bất biện” nên sẽ được hanh thông trong mọi việc.
2. Lạy Phật là vận động tốt nhất
Trước kia sư phụ Sám Công nói: “Lạy Phật là sự vận động tốt nhất, còn tốt hơn cả khí công và thái cực quyền”. Tôi nghe thế nhưng chưa hiểu, về sau, khi lạy Phật tôi mới phát hiện rất nhiều điểm tốt lành trong việc lạy Phật, đồng thời cũng thấy mối liên hệ tương ứng của việc lạy Phật và nguyên lý y học, tôi mới dần dần hiểu ra câu nói ấy. Lạy Phật khiến thân, khẩu, ý của chúng ta vận động một cách thanh tịnh, có thể tương ứng với Đức Phật thì đương nhiên cũng có thể trị bệnh. Về sự liên hệ giữa việc lạy Phật và y học, chúng ta có chuyên đề riêng để thảo luận, ở đây chỉ đơn giản nói vài câu thôi.
Tinh thần của con người hiện đại rất căng thẳng, bị nhiều áp lực, cơ bắp của toàn thân không nhạy cảm là do bị buộc chặt, hơn nữa vì thiếu vận động, toàn đốt xương sống cứng đơ rất khó uốn cong.
Về mặt y học, chỗ nối giữa hai đốt xương sống là chỗ đi qua của các dây thần kinh và mạch máu. Các thần kinh từ tủy sống đi ra đảm trách việc quản lý các nội tạng, nếu các đốt xương sống nằm sát nhau quá thì có thể ép vào mạch máu và các dây thần kinh. Mạch máu và thần kinh của đốt nào bị chèn ép thì đốt ấy sẽ có vấn đề. Công năng nội tạng mà đốt xương ấy phụ trách sẽ dần dần bị hư hại. Do vì tư thế không đúng, cơ bắp bị chèn ép khiến cho xương sống cũng bị ép, máu không lưu thông, thần kinh cũng bị ảnh hưởng, cho nên không thể cung cấp cho các tế bào nội tạng đủ chất dinh dưỡng và dưỡng khí. Hễ tế bào thiếu dưỡng khí thì dễ biến thành tế bào ung bướu có mối liên quan rất lớn. Vì vậy các tư thế đi, đứng, ngồi nằm, các động tác và sự hô hấp của chúng ta hàng ngày có ảnh hưởng rất lớn đối với bệnh tình.
Nếu động tác lạy Phật mà đúng thì có thể giúp cho việc trị liệu, vì trong khi lạy Phật thì phải cúi đầu xuống một cách mềm mại cho đến khi cằm chạm vào xương ngực. Động tác này có thể làm cho bảy đốt xương cổ giản ra, từ đó có bảy lợi ích sau đây:
1) Lưu lượng máu được đầy đủ: chỉ có hai đôi mạch máu cung ứng cho não bộ, đôi trước là động mạch cổ, đôi sau là động mạch chùy. Động mạch này khiến cho động mạch chùy không bị chèn ép, khiến máu chảy dễ dàng cung cấp dưỡng khí đầy đủ, cải thiện công năng của não.
2) Tủy dịch của não, xương sống được lưu thông: tủy dịch não, xương sống tuần hoàn bên ngoài tủy sống và não, vào đến các tầng dịch thể của não thất bên trong. Có bốn công năng (1) điều tiết sức ép của não, (2) bảo hộ não, (3) cung ứng chất dinh dưỡng, (4) thải các phế vật. Nếu tư thế của đầu, cổ không tốt, góc độ không đúng, sự lưu động ấy gặp trở ngại thì não và tủy sống như ngâm trong nước dơ, áp lực của não cũng không bình thường, dễ bị đau đầu, choáng đầu. Động tác lạy Phật có thể giúp cho tủy dịch của não và tủy sống lưu thông dễ dàng, khiến công năng của não được tốt đẹp, có thể chỉ huy khéo léo các tế bào của toàn thân.
3) Khiến cho các dây thần kinh từ xương cổ đi ra không bị ép, công năng tốt đẹp; dây thần kinh ở các đốt xương cổ có quan hệ mật thiết với công năng ngũ quan, trái tim, huyết áp, khí quản, mắt, nước bọt … dây thần kinh cánh tay cũng từ xương cổ, nếu bị chèn ép thì cũng sinh ra các chứng đau tê.
Nếu thường lạy phật cúi đầu mền mại, kéo dãn các đốt xương cổ thì có thể trị các chứng bệnh tại các bộ vị nói trên. Khi cúi xống lạy Phật (cúi đầu, cong lưng, co đầu gối) là dùng gót chân làm chuẩn, chuẩn gót chân là trọng tâm vật lý tự nhiên thì cơ bắp không bị căng, mất sức, bộ ngực và bụng đưa ra rồi sau đó kéo lui (cho đến khi thấy được gót chân sau) thì mới gập lưng xuống, tốt nhất là gập cho đến khi bụng sát vào vế, động tác này có thể làm cho cơ bắp ở hai bên cột sống dãn ra, khiến các khớp nối được kéo ra. Làm như thế khiến nội tạng và mạch máu được tốt. Khi lạy xuống trong động tác quì, thân tay động nhưng trọng tâm vẫn được giữ không độ (nhứt tâm), (định trong trọng).
Trong khi lạy Phật chớ nhắm mắt, nên thu nhiếp nhãn thần, tự quán chiếu mình. Nếu nhắm mắt thì tư thế không ổn định, công năng điều chỉnh huyết áp cũng có thể bị ảnh hưởng. Hơn nữa, mở mắt và nhắm mắt thì “sóng não’ không giống nhau. Chúng ta lạy Phật là khai phát cái công năng của “giác tính”, khai phá cái công năng cao cấp của bộ não, chứ không phải sùng bái một cách mù quáng.
Khi lạy Phật thì hai bàn tay chắp lại, nhưng trước khi quì xuống thì trước tiên buông thõng hai tay, đặt xuống đất làm điểm tựa, sau đó mới co đầu gối quì xuống, lòng bàn chân phải lật lên trên, người ngồi vào chỗ nghiêng vào trong của gót chân sau (kéo giãn nhượng chân, đồng thời kích thích, hoạt hóa điểm phạn xạ của bạch huyết cầu); sau đó cúi phần trên của thân thể cho ấn đường giữa hai mày chạm đất, cần chú ý từ đầu đến cuối phải mở mắt. Động tác này có thể làm cho cột sống của chúng ta được vững mạnh. Vì người ta cứ muốn duy trì tư thế đứng cho nên thường bị tức hông đau lưng, một số người khi đứng, phần bụng bị căng thẳng, cho nên phần xương sống phía dưới thường cong về phía bụng, như thế sẽ khiến các đốt cột sống ở phần này ép chặt vào nhau, gây trở ngại (ảnh hưởng đến các bộ phận nằm trong bụng như : gan, dạ dày, thận, ruột non, ruột già, bàng quang …).
Lạy Phật có thể loại trừ những chướng ngại này, đó cũng chính là tiêu trừ nghiệp chướng, làm vững mạnh cột sống, khiến nó hướng trở lại về phía lưng, cũng chính là mở rộng các khớp xương sống đang bị dính nhau, loại trừ sức đè ép.
Khi quì lạy Phật, đầu chạm đất, đồng thời hai tay nhẹ nhàng đưa về phía trước, chuẩn bị tiếp Đức Phật, tay đưa ra cách đỉnh đầu một nắm tay, đồng thời mở rộng tối đa phần dưới nách, nhằm mở rộng dung lượng tim của chúng ta và gia tăng sức hoạt động của phổi, cũng là để gia tăng sức chuyển đổi không khí của phổi (gia tăng sức chứa không khí). Sau khi duỗi tay ra phía trước đầu, lật bàn tay lên trên, động tác này trỏ ý “tôi quyết định chuyển biến tâm cảnh của tôi để nghinh đón ánh sáng của đức “Phật”, cũng trỏ ý “Tôi đem hết tâm tôi mà cúng dường đức Phật, không giữ lại một chút nào”.
Lúc này cần phải quán chiếu vào đầu ngón tay của chúng ta, giống như cánh hoa sen mền mại, nhẹ nhàng, không nên dùng sức, dùng hoa sen của hai bàn tay để tiếp đón đức Phật, động tác này nhắc nhở chúng ta hoa sen nở không phải dựa vào sức mạnh bên ngoài, mà dựa vào sức mạnh tự giác bên trong. Tâm hoa của chúng ta nở ra cũng như thế. Bây giờ nên quán tưởng đức Phật đại từ đại bi đang đứng trên hoa sen hai bàn tay của chúng ta mà tiếp nhận lễ bái. Chúng ta có thể đối mặt cùng đức Phật, điều này thật hân hoan hỉ lạc biết bao nhiêu! Lúc này một nụ cười của nội tâm tự nhiên xuất hiện. Chúng ta lại quán tưởng đức Phật phóng ánh sáng thanh tịnh, từ bi đến đỉnh đầu của chúng ta, khiến toàn thể thân tâm chúng ta đều thanh tịnh, quang minh. Tất cả bệnh tật đau đớn giống như bóng tối, gặp được ánh sáng thì không còn tối tăm. Chúng ta lại quán tưởng ngoài chúng sinh đều cùng chúng ta lạy Phật, tắm gội ánh sáng của đức Phật. – “Pháp sư Đạo Chứng (Trích từ quyển Liên hoa hóa sanh)“!
Tâm Hướng Phật!