Phật ở trong kinh đã nói với chúng ta, như trong kinh Hoa Nghiêm có nói, một người khi sinh ra thì có hai vị quỷ thần đi theo người đó cả đời không rời.
Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Chúng ta đã đọc qua bốn câu cương lĩnh của Cảm Ứng Thiên, cũng chính như Tư Mã Quang đã nói: “Ta để lại tiền của cho con cháu, con cháu chưa chắc giữ được. Ta để sách vở cho con cháu, con cháu chưa chắc đọc được. Tốt nhất là nên tích đức, tích công bồi đức thì con cháu của chúng ta nhất định có quả báo tốt”. Đây là chân thật hiểu được đạo của cảm ứng thì mới có thể nói ra được những lời này.
Phật nói với chúng ta, từ quan hệ cha con, quan hệ anh em cho đến quan hệ giữa người với người đều không ngoài bốn loại duyên là báo ân, báo oán, đòi nợ và trả nợ. Nếu như không phải là bốn loại duyên phận này thì dù có gặp nhau cũng không quen biết, chúng ta gọi là người xa lạ. Trong đời này hễ có phát sinh mối quan hệ với mình thì nhất định là trong đời quá khứ đã có một trong bốn loại nghiệp duyên trên.
Trong nghiệp duyên có thiện, có ác. Chúng ta hiểu được thông suốt thì nhất định phải biết đoạn ác, tu thiện. Ta thiếu nợ người thì ta nhất định phải trả. Người khác lừa gạt ta, xâm phạm ta, cướp đoạt của ta, ta phải nghĩ là đang trả nợ thì trong lòng ta sẽ thoải mái và tự tại biết bao. Họ gạt ta, trộm cắp, cướp đoạt của ta, vì sao họ không đi lừa gạt, cướp đoạt của người khác? Vì trong đời quá khứ người khác không có cái duyên này với họ. Nói cách khác, trong đời quá khứ chúng ta đã từng lấy của họ, đã từng trộm cắp của họ, đã từng cướp đoạt của họ, hôm nay có nhân duyên gặp nhau thì họ dùng phương pháp này để lấy lại, nhân dịp này chúng ta trả nợ luôn! Cho nên, chúng ta phải hoan hỉ kết thiện duyên, không kết ác duyên cùng với tất cả chúng sanh, cho dù gặp phải ác duyên, quyết cũng không để ở trong lòng.
Người xưa nói: “Nhân giả vô địch (người có lòng nhân thì không có kẻ đối đầu)”. Một người nhân từ, người có lòng yêu thương, người có lòng từ bi thì họ trọn đời trọn kiếp tuyệt đối không có oan gia đối đầu. Lời nói này phải hiểu thế nào vậy? Oan gia đối đầu đương nhiên là có, nhưng trong lòng họ xác thực là không có. Tâm địa họ thanh tịnh từ bi, cho dù gặp oan gia đối đầu, họ cũng chân thành yêu thương oan gia. Khi thấy người đó gặp khó khăn, họ nhất định nhiệt tâm giúp đỡ, vẫn không ghét bỏ. Làm người như vậy thì phước báo sau này rất lớn. Cho dù đời trước ta không có tu phước, phước rất mỏng, nếu như cả đời ta có thể tin tưởng đạo lý của cảm ứng, y giáo phụng hành, ta làm rất chăm chỉ, rất nỗ lực, thì trong đời này phước báo liền hiện tiền.
Các vị đồng tu đều thấy rất rõ cuộc đời tôi. Đời trước tôi có tu huệ, không tu phước, cho nên đời này có được một chút huệ, không có phước. Đời sống vật chất của tôi vô cùng khó khăn. Tôi đã trải qua những ngày tháng khổ cực rất dài, nếu là người khác thì sẽ không chịu nổi. Thế nhưng tuổi tác tôi càng cao thì dường như phước báo càng thêm lớn. Đây không phải là do đời trước tôi tu mà do đời này tu được, các vị đều chính mắt nhìn thấy điều này. Cuối đời bất luận là làm việc gì cũng rất thuận tâm, đều rất tự tại. Đây là tôi làm sự chứng chuyển cho mọi người, nhà Phật nói “tam chuyển pháp luân”, tôi làm chứng minh cho mọi người. Chỉ cần tôi cố gắng đoạn ác tu thiện, đem lòng thương yêu chân thành, thanh tịnh, bình đẳng đối đãi với tất cả chúng sanh, không phân người thân, kẻ oán, bình đẳng như nhau; tôi không cầu phước báo mà phước báo tự nhiên hiện tiền; không cầu thọ mạng mà thọ mạng tự nhiên kéo dài.
Những thứ này tôi có mong cầu hay không? Không có, không hề có mong cầu. Tôi không nghĩ sẽ trụ lại lâu dài ở thế gian này, tất cả đều tuân theo lời giáo huấn của Phật Bồ Tát, tùy duyên qua ngày. Ngạn ngữ trong cửa Phật gọi là “làm Hòa Thượng ngày nào, gõ chuông ngày ấy”. Sinh mạng tôi vẫn còn ở thế gian một ngày thì tôi sẽ vì Phật pháp, vì chúng sanh mà làm việc tốt một ngày. Tôi không mong cầu phước báo, tôi cũng không mong cầu danh vọng địa vị, trường thọ, không cầu bất cứ thứ gì, ngày tháng này làm sao mà không tự tại chứ? Một số người có lòng tốt rất lo lắng đối với đời sống của tôi, thường thường đến hỏi thăm, tôi cũng tùy duyên mà thôi. Cho nên phải hiểu sâu lý luận của báo ứng và chân tướng sự thật.
Sau đây là đoạn nhỏ thứ ba, thuộc về đoạn lớn thứ hai trong toàn văn. Đoạn lớn thứ hai thì nói đến việc thiên thần giám sát thế gian. Câu đầu tiên là tổng thuyết: “Thị dĩ thiên địa hữu tư quá chi thần, y nhân sở phạm khinh trọng dĩ đoạt nhân toán (Vì thế trong trời đất có các vị thần trông coi tội lỗi [của người đời]. Căn cứ con người đã phạm [tội lỗi] nặng hay nhẹ mà giảm bớt tuổi thọ của họ)”. Trong trời đất có thiên thần, có quỷ thần. Trong thiên thần, quỷ thần có một loại chuyên môn đi làm công tác điều tra. “Tư quá chi thần” chính là những người đi làm công việc giám sát. Họ thường ở thế gian để quan sát. Các vị phải nên biết, thiên thần và quỷ thần, Phật ở trong kinh nói họ đều có ngũ thông. Ngũ thông của họ là do phước báo mà có được. Họ không có lậu tận thông, còn thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng, thần túc, họ thảy đều có đầy đủ. Sức mạnh thần thông của địa thần không bằng thiên thần, đương nhiên năng lực của thiên thần thì không thể sánh với người tu hành chứng quả. Nhưng đối với người thế gian chúng ta thì họ đều có đầy đủ năng lực đó, khởi tâm động niệm của chúng ta họ đều biết, đều có hồ sơ ghi chép. Sau khi ta chết thì phải chịu sự phán xét. Sự phán xét này, phần sau của quyển sách này nói đến rất nhiều. Tạo tác của chúng ta không chỉ là hành vi, dù hành vi thì rất là quan trọng, mà khởi tâm động niệm cũng là tạo tác.
Sau khi hiểu rõ ràng những chân tướng sự thật này, tâm lo sợ của chúng ta liền sanh khởi. Tâm lo sợ là khiếp sợ ác báo, ta khởi niệm ác, làm việc ác, tương lai nhất định không thể tránh khỏi ác báo. Cho nên gọi là “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát”. Người đời nay rất ít ai biết được đạo lý và sự thật này. Người không có thiện căn, không có phước đức, ta nói với họ thì họ cho là mê tín, họ nói đây là thần thoại, họ không tin tưởng, không tiếp nhận. Khi quả báo hiện tiền thì hối hận không kịp nữa.
Họ không thể tin, đây là “nghi” trong tham-sân-si-mạn-nghi, đây là phiền não rất nặng, làm chướng ngại trí huệ của bạn, khiến cho bạn tạo tác tội nghiệp vô lượng vô biên. Phật ở trong kinh đã nói với chúng ta, như trong kinh Hoa Nghiêm có nói, một người khi sinh ra thì có hai vị quỷ thần đi theo người đó cả đời không rời. Hai vị thần này ở trên hai vai, tự chúng ta không thể phát hiện được, người khác cũng không nhìn thấy được. Một vị gọi là Đồng Sanh, một vị gọi là Đồng Danh. Hai vị thiên nhân này được xem như là thiên thần, họ cả đời giám sát chúng ta, ngày đêm đều không rời khỏi, chúng ta thì không nhìn thấy họ. Hai vị thần này trong kinh Phật cũng có tên gọi khác là Thiện Ác Đồng Tử. Một vị thần thì giám sát cả đời làm thiện của ta, một vị thần thì giám sát cả đời tạo ác của ta, bạn có thể trốn khỏi hay không? Không có cách gì trốn khỏi! Đây là Phật nói ở trong kinh Hoa Nghiêm. Trong kinh Đại Thừa gọi là hai vị Đồng Tử Thiện Ác, cũng chính là Đồng Sanh, Đồng Danh mà trong kinh Hoa Nghiêm nói.
Chúng ta học Phật nhưng rất khó tin Phật. Tôi đã từng nói qua với các vị, sau khi xuất gia hai năm tôi mới thọ giới. Sau khi thọ giới, tôi đến Đài Trung thăm lão sư Lý. Lão sư Lý khi vừa gặp mặt liền chỉ vào tôi nói: “Ông phải tin Phật!”. Tôi cũng sững sờ ra. Tôi học Phật bảy năm thì xuất gia. Sau khi xuất gia thì liền giảng kinh, dạy học ở Phật học viện, tôi bắt đầu giảng kinh dạy học từ ngày xuất gia. Đã giảng kinh được hai năm rồi. Lão sư Lý khi vừa gặp mặt, chỉ vào tôi bảo rằng phải “tin Phật”, sau đó Ngài giải thích với tôi là có rất nhiều người xuất gia đến già chết, bảy, tám mươi tuổi vẫn không tin Phật. Lúc này tôi mới vỡ lẽ ra, làm sao mới gọi là “tin Phật”. Ta có thể hiểu rõ tất cả lời dạy bảo của Phật, ta có thể y giáo phụng hành thì gọi là tin Phật. Ta không hiểu rõ đạo lý, ta không làm được là ta không tin Phật. Từ đây chúng ta mới hiểu ra, thật sự có biết bao nhiêu người cả đời mặc bộ y phục này, ở ngay trong chùa miếu mà không tin Phật, không chân thật y giáo phụng hành. Người xuất gia như vậy, người tại gia cũng như vậy.
Thế nên trong tín, nhất định phải có nguyện, có hạnh. Nếu như không có nguyện, không có hạnh thì không gọi là tín. Trong tín nhất định phải đầy đủ “Giải-Hành-Chứng”. “Tín-Giải-Hành-Chứng”. “Giải” là thông đạt tường tận lý luận, phương pháp, cảnh giới mà Phật đã nói. “Hành” là phải áp dụng nó. “Chứng” chính là khế nhập. Như vậy thì ta mới được thọ dụng chân thật, trong Phật pháp gọi là được lợi ích chân thật.
Ngôn ngữ của Phật, như Thế Tôn ở trong kinh Kim Cang đã nói: “Chân ngữ giả”, “chân” là nhất định không giả. “Thật ngữ giả” là nhất định không hư dối. “Như ngữ giả” là nhất định tương ưng với sự thật. Không tăng, không giảm gọi là “như ngữ”. “Bất cuống ngữ giả” là nhất định không lừa gạt chúng sanh. “Bất dị ngữ giả” là nhất định không nói lời thêu dệt, không nói hai chiều, Phật không nói những lời nói giống như thật mà lại là giả. Lời nói của Phật là khẳng định. Phật nói với chúng ta, mỗi người chúng ta cả đời đều có hai vị thiên nhân là Thiện Ác Đồng Tử ngày đêm đi theo, một phút một giây cũng đều không rời khỏi ta. Nếu chúng ta thường nghĩ đến hai vị Thiện Ác Đồng Tử này đang ở bên cạnh ta thì khi khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm của ta, làm sao có thể dám không cẩn trọng? Lời nói này của Phật nhất định không phải giả, nhất định không phải là lời lừa gạt chúng ta.
Chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay, phiền não tập khí tích chứa rất sâu dày. Thời xưa có cha mẹ dạy bảo, có thầy dạy bảo, bè bạn khuyên bảo, hoàn cảnh tu học rất tốt, cho nên ác nghiệp của chúng ta ít, thiện nghiệp tương đối nhiều. Cảnh ngộ chúng ta hiện nay không giống như vậy. Văn hóa xưa, truyền thống xưa, người hiện nay không cần, không tin tưởng nữa, cha mẹ cũng không biết mà dạy ta, thầy cô cũng không để ý đến những việc này. Thế là trong cả đời này, chúng ta tùy thuận phiền não, tùy thuận tập khí, tạo tác tội nghiệp vô lượng vô biên, chúng ta làm sao mà không đọa lạc, làm sao mà không bị sự trừng phạt của thiên địa quỷ thần?
Cá nhân như vậy, gia đình như vậy, thế giới cũng là như vậy. Các vị xem các quyển sách nói về tiên tri ở trong các nhà sách hiện nay, có rất nhiều. Tôi rất ít đi dạo nhà sách, có nhiều vị đồng tu đã mua đem đến cho tôi xem. Tôi bây giờ cũng không cần xem nữa. Nói là năm 1999 – năm 2000 là ngày tận thế. Người thế gian tạo tác tội nghiệp quá nhiều, Thượng Đế tức giận muốn trừng phạt người thế gian. Cách nói này cũng phù hợp với đạo lý của cảm ứng. Vì sao người thế gian đều tạo ác? Vì không có người dạy họ. Vì sao không có người dạy? Phật Bồ Tát đại từ đại bi, vì sao không giáng sanh ở thế gian để dạy dỗ chúng ta? Vì người thế gian không chịu tiếp nhận! Vì vậy mới có đại kiếp nạn này. Hôm qua có một vị cư sĩ đến thăm tôi, hỏi tôi kiếp nạn này có thể tránh được hay không? Tôi nói lời thật lòng, rất khó tránh khỏi. Lý luận và phương pháp để tránh nhất định là có, nhưng không có cách gì thực hiện. Ai có thể sửa lỗi đổi mới? Ai có thể chịu buông bỏ lợi ích của chính mình, vì xã hội, vì chúng sanh mà phục vụ? Nếu như không chịu buông bỏ tự tư tự lợi, vẫn cứ làm những việc tổn người lợi mình, thì kiếp nạn này không có cách gì tránh khỏi. Cho nên phải hiểu được chân tướng sự thật này.
“Thiên địa hữu tư quá chi thần”, chúng tôi chỉ giới thiệu ra hai vị Đồng Sanh, Đồng Danh mà trong kinh Hoa Nghiêm đã nói. Ngoài hai vị này ra, những thiên địa quỷ thần giám sát thế gian, ghi chép thiện ác của người, số lượng những quỷ thần này nhiều không thể tính đếm được. Trong các tôn giáo cũng nói là đều có ghi chép lại. Sự khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chúng ta đều không thể che giấu được ai. Nhất định phải tự mình biết, tự mình khắc phục phiền não của chính mình, khắc phục tập khí của chính mình, sửa lỗi đổi mới, nỗ lực tu hành. Chúng ta không cầu quả báo đời này mà cầu quả báo đời sau. Đời sau có đại phước báo, đời sau nhất định được lên cao hơn. Mục tiêu lên cao của chúng ta là thế giới Cực Lạc. Hãy nghĩ xem cái tâm mà ta đang có, lời nói của ta, việc đối nhân xử thế tiếp vật của ta, có đủ tư cách để đi đến Tây Phương Cực Lạc không? Sau đó liền biết được chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh có nắm chắc hay không.
Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 5
Tâm Hướng Phật/St!