Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

10 điều phước thiện: Mười phước nghiệp sự, thập hạnh phúc

Nếu bạn muốn được hạnh phúc ở đời này và đời sau, thì ngay bây giờ, chúng ta hãy bắt đầu cùng nhau hành trì và tu tập mười điều phước thiện.

Công đức phước báu đóng vai trò rất quan trọng trong suốt cuộc đời của mỗi chúng ta. Nó giúp ta có được nhiều cơ hội tốt. Nếu một người đã tạo rất nhiều công đức do thực hành thiện nghiệp trong những kiếp quá khứ, thì đời này họ được sinh ra trong một gia đình giàu có và đạo đức. Khi đến tuổi đi học, họ được học trong những ngôi trường rất tốt về giáo dục và tiện nghi. Nếu họ muốn phát triển thêm về sự học, người đó sẽ dễ dàng nhận được học bổng, hoặc gặp được những vị thầy giỏi để cố vấn về học thuật. Khi trưởng thành, nếu muốn làm kinh doanh, người đó sẽ gặp rất nhiều điều kiện thuận lợi và các mối quan hệ tốt.

Như vậy, người đã làm nhiều việc thiện, công đức trong nhiều kiếp sống quá khứ, thường sẽ gặp rất nhiều hạnh phúc và thuận lợi ở kiếp sống hiện tại. Nó cũng sẽ giúp chúng ta tích lũy thêm nhiều công đức, dễ dàng cho ta tái sinh vào những cõi an vui, và có cơ hội rất lớn để gặp được đức Phật, nghe giáo pháp của Ngài, và giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.

Nhưng, ta cũng phải thật cẩn trọng. Ví như một cái giếng nước, chúng ta có thể sử dụng thoải mái nước trong giếng. Nhưng nếu không biết sử dụng hợp lý, bảo vệ thì một ngày nào đó, cái giếng ấy cũng sẽ hết nước hoặc ô nhiễm.

Cũng vậy, phước báu của công đức sẽ giúp ta rất nhiều trong cuộc đời. Nhưng nếu ta không biết vun bồi, tạo thêm công đức nữa thì chắc chắn một ngày nào đó, công đức phước báu sẽ cạn hết.

Vậy để tạo thêm công đức phước báu thì bằng cách nào? Đức Phật đã dạy mười điều phước thiện cho chúng ta thực hành, để có được một cuộc đời an lạc và hạnh phúc.

Mười điều phước thiện đó là:

1. Bố thí (Dānamagga), là tạo phước bằng cách bố thí xả tài.

Bố thí, cho tặng, giúp đỡ, hỗ trợ, dâng hiến, ban thưởng,… nói chung là lấy tài sản của mình bỏ ra để tạo phước. Các quả lành trổ sanh mạnh yếu, ít nhiều, còn tuỳ thuộc vào 3 nhân tố (tác ý của người bố thí, vật chất bố thí, và đối tượng nhận vật bố thí đó).

2. Trì giới (Sīlamaya), là tạo phước, bằng cách giữ giới, thọ trì những giới cấm.

Ví dụ: Hàng cư sĩ tại gia: giữ gìn 5 giới, hoặc 8 giới như trong các khoá thiền vậy, v.v…​​

Quả lành Giữ giới ngay lập tức trong hiện tại là:

a. Phát sanh sự bình an, không lo âu sầu muộn, ít phát sanh bệnh tật, hoan hỷ trong nội tâm,… nhờ đó mà phát sanh sự thông minh sáng suốt, xử lý được nhiều điều quan trọng cần thiết trong cuộc sống.

Từ đó dẫn đến:

b. Tăng trưởng uy tín, làm phát sinh sự cung kính ngưỡng mộ và đức tin cho kẻ khác,…​

c. Phát sanh sự siêng năng cần mẫn quyết tâm cao trong công việc.

d. ​Phát sanh nhiều tài sản vật chất là hệ quả tự nhiên của a, b, c,…

3. Tu tiến (Bhāvanāmaya), là tạo phước bằng cách tu tập thiền định, chỉ và quán.

Quả lành của thiền trổ sanh ngay lập tức trong lúc đang thiền (đắc pháp hỷ, pháp lạc):

a. ​Phát huy đồng thời 3 sức mạnh: sức khỏe về thân thể; sung mãn về tâm; và phát huy trí tuệ sáng suốt thông minh hơn bội phần. ​​​​​​​​​

b. Hạnh phúc an lạc cả tinh thần lẫn thân thể – Điều mà không có phương dược nào có thể thay thế được.

4. Cung kính (Apacāyanamaya), là tạo phước bằng cách kính lễ bậc trưởng thượng.

Tạo phước bằng cách Cung kính, kính lễ, thể hiện sự lễ phép tôn trọng các bậc trưởng thượng, người lớn tuổi hơn, những người có vai vế hơn, hoặc những những người thâm niên hơn trong các hội đoàn tổ chức nào đó, v.v…

Đây là loại phước báu mang lại cho mình lợi ích vô cùng đặc biệt, khiến người khác dễ dàng yêu thương cảm mến đến bạn, vv..

Ngược lại sẽ là một tai hại vô cùng lớn đến với bạn khi mà bạn vụng về trong lối xử thế nầy vậy! ​​​​​​​​​​Bởi vì sao? Bởi vì sự lễ độ phản ánh tư cách và chiều sâu đạo đức của một con người.

5. Phục vụ (Veyyāvaccamaya), là tạo phước bằng cách làm lợi ích cho người khác với công sức của mình.

6. Hồi hướng (Pattidānamaya), là tạo phước bằng cách hướng nguyện công đức đã làm, để tạo điều kiện cho người khác sanh tâm thiện.

– Tạo phước bằng cách hồi hướng chia sẻ công đức của mình đã làm được như tụng kinh, hành thiền, bố thí hiến tặng, cúng dường, giúp đỡ, làm các việc tốt lành,… đến cho bạn bè, thân quyến, hoặc chúng sanh khác như Chư thiên, Ngạ quỷ, Atula ngự ở trong nhà, trên hư không, địa cầu,… Nhằm tăng trưởng sự hoan hỷ của các đối tượng đó, khơi dậy thiện tâm và đồng cảm của họ đối với mình (giống như ta tặng quà quý báu đến người khác vậy).

– Phật dạy trong hoàn cảnh nào phải tưởng nhớ đến cha mẹ đã quá vãng, lại tưởng nhớ đến 4 vị Vua trời Tứ đại thiên vương và các chư thiên ngự trong nhà mà chẳng nên bỏn sẻn, nên làm việc phước thí, rồi hồi hướng đến các vị ấy thì chắc thật được quả báu do phép hồi hướng ấy.

– Do nhờ phép hồi hướng mà thân quyến của ta trong loài Ngạ quỷ nhận lãnh được phước hồi hướng nầy, sanh tâm hoan hỷ mà siêu thoát khỏi kiếp Ngạ quỹ đói khát khổ sở.

10 điều phước thiện: Mười phước nghiệp sự, thập hạnh phúc

7. Tùy hỷ (Pattānumodanāmaya), là tạo phước bằng cách vui thích theo công đức của người khác đã làm.

– Tạo phước bằng cách thể hiện niềm vui mừng, hân hoan đồng cảm trước kết quả thành tựu của người khác, hoặc trước các việc tốt, công đức của người khác đã và đang làm.

– Bằng lời nói chúc mừng, hay bằng hành động như dùng vật phẩm biếu tặng để thể hiện sự vui mừng đồng cảm (người tây phương thường dùng hoa, hoặc tổ chức tiệc tùng để chúc mừng,…).

– Trong Phật giáo: Sadhu anumodana = lành thay, chúc mừng phước lành của bạn nhé!

(đối nghịch với tâm sanh phước này là tâm nóng nảy, đố kỵ, tỵ hiềm,… tự làm khổ mình khó ăn, mất ngủ,…. thể hiện sự khó chịu trước quả lành hay sự thành công của người khác).

8. Thính pháp (Dhammassavanamaya), là tạo phước bằng cách nghe pháp của Đức Phật thuyết, hay các đệ tử của Ngài thuyết, thậm chí là nghe những bậc thiện trí dạy bảo.

– Tạo phước bằng cách cung kính lắng nghe Đức Phật dạy, hoặc chư đệ tử thuyết giảng lại những lời cao quý từ Ngài đã chỉ dạy.

– Bởi vì cung kính lắng nghe sẽ hiểu được những ý nghĩa sâu sắc lời Phật dạy, rồi áp dụng thực hành là vô cùng quý báu mang lại lợi ích lớn lao thiết thực cho đời nầy lẫn đời sau.

9. Thuyết pháp (Dhammadesanāmaya), là tạo phước bằng cách nói pháp chân chánh cho người khác nghe, thậm chí chỉ là bàn luận Phật pháp, hoặc nói những lời hay lẽ phải.

10. Cải chánh kiến thức (Diṭṭhujukamma), là tạo phước bằng cách trau dồi kiến thức, làm cho tri kiến được ngay thẳng, chánh kiến.

Trong mười điều tạo phước ấy, điều bố thí, hồi hướng và tùy hỷ là chung một nhóm pháp tạo phước vật; điều trì giới, cung kính và phục vụ là chung một nhóm pháp tạo phưóc đức; điều tu tiến, thính pháp và thuyết pháp là chung một nhóm pháp tạo phước trí; riêng về điều cải chánh kiến thức là pháp hỗ trợ chín pháp kia và tạo được ba loại phước.

Nếu một người thực hành mười điều phước thiện trên, người ấy sẽ đạt được rất nhiều an lạc và hạnh phúc ngay bây giờ và về sau. Và không những đem lại lợi ích cho chính người đó, mà nó còn đem lại lợi ích cho nhiều người khác.

Ví như bố thí sẽ đem lại an lạc cho người bố thí, và người được bố thí cũng vui mừng vì nhận được vật bố thí. Trì giới sẽ đem lại sự bình yên cho tất cả chúng sanh. Hành thiền giúp ta chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống. Sự cung kính sẽ làm cho xã hội có trật tự và hài hòa. Phục vụ người khác giúp cuộc sống của nhiều người được cải thiện. Hồi hướng công đức thể hiện sự quan tâm đến hạnh phúc của ta dành cho người, và khuyến khích họ tạo thêm nhiều công đức. Thuyết pháp và nghe pháp sẽ làm cho giáo pháp của đức Phật lan rộng cho tất cả mọi loài. Và có chánh kiến giúp ta chuyển hóa những hiểu biết sai lầm thành đúng đắn.

Trong kinh Pháp Cú, phẩm Ác, đức Phật có dạy:

“Hãy gấp làm điều lành
Ngăn tâm làm điều ác
Ai chậm làm việc lành
Ý ưa thích việc ác”.

“Nếu người làm điều ác
Chớ tiếp tục làm thêm
Chớ ước muốn điều ác
Chứa ác, tất chịu khổ”.

Vậy, nếu bạn muốn được hạnh phúc ở đời này và đời sau, thì ngay bây giờ, chúng ta hãy bắt đầu cùng nhau hành trì và tu tập mười điều phước thiện. Chỉ có các công đức, phước báu mới đi theo ta từ đời này sang đời khác; còn những của cải vật chất xung quanh hiện tại, cũng chỉ là phù phiếm, có đó rồi một ngày nào đó theo lý vô thường, nó cũng sẽ hoại diệt, không còn gì nữa.

Tâm Hướng Phật!

Bài viết cùng chuyên mục

5 điều quan trọng mà người niệm Phật cần nên làm

Định Tuệ

Niệm A Di Đà Phật là pháp sám hối, cầu tiêu tai diệt tội hiệu quả nhất

Định Tuệ

Từ Bi và Trí Tuệ

Định Tuệ

Ba sự kiện thiết yếu đối với Bồ Đề Tâm

Định Tuệ

Tác ý là gì? Những tác ý cần biết khi làm việc phước thiện

Định Tuệ

Phàm những gì qua tay bạn đều là phước báo của bạn cả

Định Tuệ

Đừng biến Phật thành Ma, hãy biết phân biệt Chánh Tà

Định Tuệ

Pháp môn niệm Phật với Tứ Đoạt và Tứ Hạnh

Định Tuệ

Sự sống chết lớn lao – Ý nghĩa kiết thất – Cách đả thất

Định Tuệ

Viết Bình Luận